Tu Hành Như Thế Nào Để Được Gọi Là Một Môn Thâm Nhập Trường Thời Huân Tu?

Share on facebook
Share on twitter

 

Câu hỏi: Nam Mô A Di Đà Phật. Kính xin Lão Cư Sĩ Diệu Âm từ bi hướng dẫn. Phải lo tu hành như thế nào để được gọi là một môn thâm nhập trường kỳ huân tu?

Trả lời: A Di Đà Phật. Câu này hay! Cảm ơn chư vị! Một môn thâm nhập…

Bây giờ chư vị nghĩ môn nào mà mình cần thâm nhập đây? Niệm Phật từ hôm qua tới nay, từ sáng tới giờ, Diệu Âm đi chỗ nào cũng niệm Phật. Như vậy, chư vị có chấp nhận một câu A Di Đà Phật tu hành không? Nếu chư vị chấp nhận, vậy tức là chư vị đã thực hiện cái câu “Một môn thâm nhập trường thời huân tu”.

Nếu hôm nay chư vị niệm Phật, ngày mai chư vị tu một cái khác để tạo việc khác. Tức là “Nhị môn thâm nhập”. Nếu mà hôm nay mình tụng kinh này, mai mình tụng kinh kia, mốt mình tụng kinh nọ. Hôm kia mình tụng… Mình tụng cho đủ tam tạng kinh điển của Phật, thì chư vị tu tới 84 ngàn pháp môn thâm nhập, chứ không phải là một môn thâm nhập.

– Tốt không chư vị? Tốt!
– Thành tựu không chư vị? Không!…

Chính vì thế mà hồi sáng Diệu Âm nói là, chính Đức Thế Tôn đã thuyết kinh giảng đạo trong 49 năm, 300 hội. Để lại Tam Tạng Kinh Điển. Bốn mươi ngàn pháp môn sau cùng Ngài nói:

– “Bảy cái điều giác ngộ của một người tu hành Phật pháp để thành tựu. Thì đầu tiên xin chư vị hãy tuyển chọn trong 84 ngàn pháp môn, tìm một pháp môn nào hợp với căn cơ của mình, để mình chấp trì vào đó mà tu niệm suốt đời tinh tấn, để sau cùng được giải thoát”…

Đó là cái nội dung mà Diệu Âm nói. “Thất Bồ Đề Phần – Thất Bồ Đề Phần”…

Tại sao Phật giảng nhiều kinh mà sau cùng Phật biểu chúng ta chọn một kinh thôi?

Là vì tại một kinh của Phật là có một cái duyên để Ngài giảng. Cái duyên của một người lười biếng tới hỏi Phật:

– Làm sao trị cái chứng lười biếng của con?

Ngài giảng, vì cái duyên này mà Ngài giảng cho cái kinh tinh tấn để trừ giải đãi. Đúng không chư vị?

Một cái duyên của một người không tin tới hỏi, thì Ngài giảng cho một cái đạo là “đạo tin tưởng”.

Một cái duyên của một người làm ác. Làm ác tới, Ngài giảng cho một cái “kinh làm hiền làm thiện” để giúp cho cái người làm ác mà bỏ cái tâm ác đi, trở về cái tâm hiền, trở về cái tâm thiện, trở về cái tinh tấn, trở về cái pháp Phật mới tạo được cái căn lành. Khi có căn lành đầy đủ rồi, Ngài mới nói là bây giờ chư vị đã đủ căn lành rồi, đã làm phước, làm thiện đủ rồi. Bây giờ đem cái phước thiện đó mà niệm câu A Di Đà Phật trở về Tây Phương thành đạo.

Như vậy thì có phải tất cả các kinh điển của Phật dồn dồn dồn lại, để tạo cái thiện căn, phước đức đầy đủ cho một chúng sanh. Rồi nhờ cái thiện căn, phước đức đầy đủ mà niệm một câu A Di Đà Phật vượt ngang tam giới, băng ngang sáu đường trở về Tây Phương, không bị nghiệp chướng hành hạ nữa.

Rõ ràng! Chính vì vậy mà xin thưa với chư vị, tất cả kinh điển của Phật đều có cái khuynh hướng này hết mà chúng ta không hay. Cho nên ngài Tịnh Không nói thời nhà Tuỳ, nhà Nam Bắc Triều đấy. Chư vị Cao Tăng mới quy họp lại và tìm cách, coi như là trong Tam Tạng Kinh Điển của Phật chọn ra kinh nào gọi là kinh số 1, là chính mạch, là kinh chính. Đấy thì tất cả đều nói là kinh Hoa Nghiêm là kinh chính nhất. Gọi là chính mạch của Phật giáo. Kinh Hoa Nghiêm gom gom gom lại thì trong cái kinh Hoa Nghiêm đó gom gom lại, đã nói trong kinh Vô Lượng Thọ. Trong kinh Vô Lượng Thọ đó gom gom gom lại, chính là nguyện thứ 18.

Như vậy thì rõ ràng, chư vị mới thấy rõ ràng là kinh chính mạch là kinh Hoa Nghiêm. Nhưng mà cái gọi là cái áo chỉ của cái kinh Hoa Nghiêm lại là kinh Vô Lượng Thọ. Mà kinh Vô Lượng Thọ chính yếu lại là lời nguyện thứ 18. Mà lời nguyện thứ 18 chính là 10 niệm tất sanh, là câu “A Di Đà Phật”.

Như vậy một câu “A Di Đà Phật” là Tam Tạng Kinh điển của Đức Thế Tôn. Rõ ràng chư Tổ đã nêu lên vấn đề này, nó có căn bản rõ rệt. Chúng ta đang niệm câu A Di Đà Phật thì chư Tổ nói:

– “Một câu A Di Đà Phật là trọn đủ 8 vạn 4 ngàn pháp môn”.

Những người tu Thiền, thường người ta đưa ra 1.700 công án, thì chư Tổ nói:

– “Một câu A Di Đà Phật là làm trọn vẹn 1.700 công án của Thiền, để một đời này minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”.

Chư vị trong Tịnh Độ Tông luôn luôn tìm đường đi thẳng về chân tâm để thành đạo. Thì rõ ràng rằng, một câu A Di Đà Phật trực tiếp đi thẳng về chân tâm của mình. Tại vì chư vị thành tâm niệm A Di Đà Phật là niệm thẳng chân tâm của mình. Tại vì A Di Đà Phật là cái chân tâm của mình.

Rõ ràng hỏi chư vị một câu, mình niệm lên một cái là tự đụng đến chân tâm liền. Con đường nào ngắn nhất đây? Con đường ngắn nhất thì sự thành tựu sẽ nhanh nhất. Rõ ràng chư vị thấy, bao nhiêu năm qua có nhiều người không hiểu lý đạo này mà đi lang thang, lang thang tìm ra một người thành đạo mà tìm không ra. Vô cùng khó! vô cùng khó!

Chứng tỏ là khi xả bỏ báo thân, toàn thể những cái nhục thân ra đi bị hủy hồi, bị tan biến, bị đau đớn, bị u buồn, bị đủ thứ…

Còn người niệm Phật tại sao người ta ra đi thân tướng tốt đẹp như vậy?! Chứng minh cụ thể đúng như vậy. Rõ rệt!

Hãy thành tâm niệm ngay câu A Di Đà Phật để làm chân tâm ứng hiện. A Di Đà Phật phóng quang cứu cái chân tâm đó trở về Tây Phương Cực Lạc.

Rõ ràng để bên cạnh đó bao nhiêu nghiệp chướng tội ác gì tiêu tan ngõ nào mất hết, không báo hại được một người vãng sanh về Tây Phương. Nó không báo hại được một người vãng sanh về. Nhưng mà cái nghiệp chướng mình vẫn báo hại chúng sanh trong khắp 10 phương khi mình làm hại họ, đúng không chư vị? Rõ ràng không?

Như vậy thì làm sao trả đây? Dùng cái năng lực của một vị Đại Bồ Tát trên cõi Tây Phương, biến hoá phi thường, thiên bá ức hoá thân đầy đủ, đi khắp mười phương cứu độ chúng sanh, giúp cho họ thoát nạn để mà trả nghiệp. Chư vị có thấy hay hơn là đi xuống địa ngục để cho những vị đó tới cắt đầu, mổ ruột để mình trả lại không? Đúng không chư vị? Rõ ràng mà! Đây là cái đạo giải thoát mà!…

Cái đạo mà vừa trả nợ nghiệp mà vừa thành tựu cho chính mình, tại sao không tin?! Đã chứng minh cụ thể tại sao chúng ta không tin?! Chính vì thế Phật mới nói:

– “Chỉ có niệm Phật mới thành đạo, niệm Phật mới giải quyết tất cả mọi công chuyện”.

Chúng ta không chịu nghe, chúng ta đi con đường lang thang thì chúng ta bị chịu nạn.

Mong chư vị hiểu được như vậy, pháp Hộ Niệm là dạy chúng ta mau mau tin lời Phật dạy. Tin kịp thời để chúng ta giải nạn trong một đời này. Chư vị không tin thì để vạn đời sau tin cũng được. Khổ chi mà khổ dữ vậy?!
Vạn đời sau gặp được Phật pháp để mà thoát nạn không chứ? Phải không? Ráng lên chư vị nhé! Chịu chưa? A Di Đà Phật!

Cho nên tu hành, mong chư vị nếu chư vị có đọc kinh Vô Lượng Thọ, trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật nói rất nhiều câu này:

– “Nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật, cầu sanh Tây Phương Cực Lạc”.

Nhiều lắm!… Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật dám khẳng định với chúng ta:

– “Giả như cúng dường hằng sa Thánh, bất như kiên dũng cầu chánh giác”.

Giả như chư vị làm phước, làm đức, làm thiện, bố thí giúp người, cúng chùa, xây miếu. Dẫu cho chư vị xây cả hàng vạn ngôi chùa, cúng dường hàng vô số chư Phật, cũng không bằng chư vị thành tâm tha thiết cầu sanh Tây Phương Cực Lạc. “Cầu chánh giác” trong kinh Vô Lượng Thọ chính là cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

Như vậy, chư vị có thấy cái giá trị vô cùng tuyệt vời của cái nguyện tha thiết được theo A Di Đà Phật về Tây Phương Cực Lạc không? Phải thấy để mà hạ quyết tâm “Nguyện”. Không thấy nhiều khi nguyện hững hờ. Một cái đại nguyện có giá trị mạnh hơn, quí hơn cúng dường hằng sa chư Phật mà chúng ta không làm. Trong khi thời mạt pháp này, chư vị tìm đâu ra một vị Phật để mà cúng dường đây? Tìm đâu ra một người A-La-Hán mà cúng dường đây?…

Chúng ta chỉ cúng dường là những người của phàm tục này, là những gì của xi măng, cốt sắt trong cái thế gian này. Cát bụi nó cũng trở thành cát bụi. Mà chư vị có nhiều người lại cho cái đó là chính, cho cái đấy là ngon, không chịu nguyện vãng sanh Tây Phương Cực Lạc.

Tức là chúng ta thực sự hình thức thì tu Phật học, mà nội dung chúng ta đi lệch vô cùng, lệch đến tận cùng mà chúng ta không hay!…

Thế chư vị mới biết, tại sao mà Phật mới dạy chúng ta phải nhất hướng chuyên niệm không? Phải quyết lòng cầu vãng sanh Tây Phương Cực Lạc không?

Tại sao bệnh xuống lại cứ:

– Nam Mô A Di Đà Phật! Cho con hết bệnh.

Khi đang bệnh, vừa hết bệnh là mừng ơi là mừng, trong khi bác sĩ nói:

– Anh sắp chết rồi!

Buồn ơi là buồn! Trong khi mình cũng nguyện vãng sanh, mà lúc sắp chết lại buồn thì làm sao gọi là nguyện đúng?!…
Tại sao lại quyết nói là tôi tha thiết nguyện?

Nên nhớ, mỗi một thời điểm chúng ta chỉ có một báo thân duy nhất mà thôi. Về Tây Phương cũng vậy, chúng ta cũng chỉ có một báo thân duy nhất mà thôi.

Khi chư vị thành Phật, chư vị cũng chỉ có một báo thân duy nhất mà thôi. Nhưng mà báo thân duy nhất của một vị Phật là thuộc loại báo thân ngon lành. Còn báo thân chúng ta là báo thân tệ hại. Bệnh lên bệnh xuống phải không chư vị? Nhớ cho kỹ.

Báo thân của một vị Phật, bên cái báo thân đó các Ngài còn có thiên bá ức hoá thân, nhiều hoá thân để đi cứu độ chúng sanh. Chúng ta đây một báo thân là một báo thân, không có hoá thân được cái gì cả. Khổ vô cùng!…

Mong chư vị biết được như vậy, tự nhiên mình thấy trước cảnh chết, chúng ta vui cười ra đi. Rất nhiều người đã niệm Phật vui cười ra đi, tại vì người ta hiểu đạo. Hiểu đạo không phải họ lanh lợi gì. Mà hiểu đạo là do các chư Tăng giảng giải, do Ban Hộ Niệm giảng giải còn kỹ hơn, còn gần gũi hơn. Mà bên cạnh giảng giải từng ngày, từng ngày. Rồi khi chư vị bệnh xuống, người ta giảng từng giờ, từng giờ. Lúc lâm chung người ta giảng từng phút, từng phút. Ngay trong giây phút lâm chung người ta giảng giải cho:

– Bác Sáu ơi! Bác sắp sửa xả bỏ cái báo thân tệ hại này rồi để chuẩn bị về Tây Phương Cực Lạc. Mừng lên bác! Vui lên bác! Bừng bừng niệm Phật, vui vẻ niệm Phật…

Tự nhiên người đó nghe một câu này không còn sợ nữa, vui vẻ đón chờ, tâm tâm cảm ứng liền. A Di Đà Phật ứng hiện ra, họ theo A Di Đà Phật, họ mỉm cười giơ tay ra đi. Rõ ràng ứng hiện pháp Phật vi diệu trước mặt chúng ta.

Chư vị có muốn hưởng cái phước báu này không? Hãy tin tưởng đi nhé! Đừng nên nghi ngờ nữa không tốt. Nhất định phải chuyên lòng, đừng nên lang thang nữa mà bị đại hoạ. Đừng nên đi nhiều ngả nữa mà lúc đó không biết chọn ngả nào là ngả giải thoát, ngả nào là ngả đoạ lạc. Khổ lắm đấy chư vị ơi! A Di Đà Phật!

HOAN NGHÊNH CHIA SẺ. RỘNG KẾT PHÁP DUYÊN. CÔNG ĐỨC VÔ LƯỢNG!
cusidieuam.com

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –