Thiện Căn – Phước Đức – Nhân Duyên (Tọa Đàm 13) – Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị

Share on facebook
Share on twitter

THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN

(Tọa Đàm 13)

Nam Mô A Di-Đà Phật.

Hôm nay là này thứ hai đồng tu niệm Phật tinh tấn tại Leipzig. Ngày hôm nay riêng cá nhân Diệu Âm niệm Phật cũng hay, đó là nhờ hai vị đánh địa chung hay quá!… Thật sự bất khả tư nghì! Tán thán, tán thán!…

Ấy thế mới biết là khi chúng ta tu hành thì tự nhiên có chư Phật, Bồ-Tát gia trì, chư Long-Thiên Hộ-Pháp bảo vệ. Chúng ta cứ vững như vậy mà đi. Quan trọng là lòng thành chúng ta không thể nào thối chuyển. Tất cả những lời nói của Diệu Âm cũng chẳng qua là làm sao khuyến tấn cho người niệm Phật không bị thối chuyển.

Niềm tin vững vàng thì người niệm Phật sẽ vãng sanh. Niềm tin bị chao đảo thì người niệm Phật mất vãng sanh!

Niệm Phật mà niềm tin chao đảo, thay vì hưởng một đại phước-báu đi về Tây-Phương để đời-đời kiếp-kiếp được an vui,cực lạc, thành tựu đạo quả, thì ta có thể chỉ hưởng một chút phước-báu nào đó trong cõi nhân gian này, gọi là phước-báu Nhân-Thiên. Từ một cái đại phước-báu để thành tựu đạo quả, an vui cực lạc vô lượng vô biên, vô sanh vô tử, biến thành hưởng lạc một quãng thời gian rất ngắn trong cảnh khổ đau, để rồi tiếp tục chịu vạn kiếp khổ đau! Thật là một điều quá sức oan uổng!

Ngày hôm qua chúng ta nói về thiện-căn, phước-đức, nhân-duyên. Phật dạy: “Thiểu Thiện-Căn, thiểu Phước-Đức, thiểu Nhân-Duyên thì không thể về Tây-Phương Cực-Lạc được”. Lời này có nhiều người không hiểu rõ, tạo nên nghi vấnnhiều khi không giải tỏa được! Hôm nay Diệu Âm lấy một lời trong kinh Vô-Lượng-Thọ ra để chúng ta coi thử có phải hình như là Phật đã giải đáp cho chúng ta rõ ràng rồi không?…

Trong kinh Vô-Lượng-Thọ, Phật nói một người trong đời này gặp được câu A-Di-Đà Phật, niệm được câu A-Di-Đà Phật, thì người đó trong vô lượng kiếp đã tạo ra một thiện-căn phước-đức sâu dày. Nhờ thiện-căn phước-đức đó mớiphát tâm niệm được câu A-Di-Đà Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Cho nên khi muốn giải cho đúng nghĩa, chúng ta không thể nào quên ba bộ kinh của Tịnh-Độ. Thật ra trong các kinh, Ngài giải đáp hết rồi mà chúng ta không hay.

Chúng ta hôm nay ngồi đây niệm Phật, ta cứ lo âu rằng không biết mình có đủ thiện-căn phước-đức hay không? Thì trong kinh Vô-Lượng-Thọ Phật nói, người nào nghe câu A-Di-Đà Phật mà phát lòng tin tưởng, niệm câu danh hiệu A-Di-Đà Phật cầu về Tây-Phương, thì đây là do thiện-căn phước-đức của cá nhân người đó được tu bồi đến vô lượng vô biên bất khả tư nghì từ trong vô lượng kiếp rồi mới gặp được trường hợp hôm nay.

Chư vị nghĩ coi có phải là trong kinh Vô-Lượng-Thọ Phật đã giải thích mối nghi cho người niệm Phật hôm nay hay không?

Diệu Âm cứ lấy kinh của Phật ra mà giải, để củng cố niềm tin cho người niệm Phật chúng ta, nhất định không được thối chuyển. Vãng sanh hay không nằm tại điểm này đây.

Trong kinh Quán-Vô-Lượng-Thọ, Phật có nói một câu rất ngắn, nhưng có huyền nghĩa rất sâu! Phật nói: “Thâm TínNhân Quả”. Nhân-Quả ở tại đây không phải là thứ nhân-quả bình thường, mà chính là “Niệm Phật là Nhân, thành Phật là Quả”. Từ ba kinh này hợp lại, mình sẽ thấy rõ ràng một con đường đi từ đây cho đến ngày về Tây-Phương hìnhnhư không còn có một điểm nào làm cho chúng ta thối chuyển nữa. Phật đã giải thích rất rõ rệt!…

Một là nếu thiện-căn phước-đức mà ít thì không thể nào đi về Tây-Phương được đâu! Có nghĩa là đi về Tây-Phương được là do đại Thiện-Căn, là đại Phước-Báu, đây là điều quý vô cùng quý, quý nhất!… Trên vũ trụ nhân sinh này không có cái gì quý hơn. Xin chư vị đừng nên sơ ý. Đừng có nghĩ rằng là về Tây-Phương là để nằm ngủ. Có nhiều người nói rằng, ở đây chúng sanh khổ quá không ở lại cứu độ họ, mà lại tìm cách đi về Tây-Phương để nằm ngủ!… Hì hì!… Ở đây ngủ không được hay sao mà lại đi về Tây-Phương để ngủ? Người ta tưởng công đức đi về Tây-Phương quý giá như một giấc ngủ!…

Có người lại nói, ở đây chúng sanh khổ quá không chịu cứu độ, lại tìm cách về trên Tây-Phương để trốn!… Người ta tưởng vãng sanh về Tây-Phương giống như là một cuộc chạy trốn! Đâu có chuyện dễ dàng như vậy? Trong vô lượng kiếp tu hành rồi, công đức đã bồi dưỡng rồi đến hôm nay mới gặp được cơ hội này và một đời đi về Tây-Phương thành tựu đạo quả. Nếu đánh giá chuyện về Tây-Phương nhẹ nhàng như vậy, thì tự mình thay vì về trên Tây-Phương hưởng đời-đời an vui cực lạc, mà còn cứu được vô lượng vô biên chúng sanh, tạo công đức vô lượng vô biên, lại biến thànhmột người đi trốn, một người đi ngủ, hoặc một người tạo một chút phước báu nào hữu lậu ở tại thế gian để hưởng, hưởng trong phần đoạn sanh tử một vài chục năm, hay hai-ba năm gì đó, hay là hưởng một cái danh cái vọng hão huyền gì đó!…

Diệu Âm hôm trước có nói với quý vị niệm Phật mà không cầu đi về Tây-Phương sau này làm con ông vua, trong kinh Vô-Lượng-Thọ có nói. Mà thật ra muốn đời sau được làm ông vua là phải tu thiện tích đức nữa nghen chư vị, chứ niệm Phật mà không tu thiện tích đức thì bị ngài Quán-Đảnh Đại Sư phán cho một câu chới với! Ngài phán làm sao?… “Niệm Phật coi chừng xuống địa ngục!”. Ngài nói một câu như vậy!…

Tại sao như vậy?… Tại vì…

– Niệm Phật mà không buông xả chấp trước!…

– Niệm Phật mà không chịu buông xả phân biệt!…

– Niệm Phật mà không chịu buông xả thị phi.

– Niệm Phật mà cạnh tranh, ganh tỵ, đấu tranh… rùm beng lên hết.

Cho nên hiểu kinh cần phải hiểu cho liễu nghĩa, đừng bao giờ sơ ý. Đừng cho là niệm Phật như vậy rồi thì đời sauchúng ta sẽ được thành ông vua. Làm ông vua cũng sướng chứ! Đâu biết rằng, niệm Phật để tham làm ông vua đó hả? Ngài Tịnh-Không nói hễ có tâm tham thì thành ngạ quỷ! Thành ngạ quỷ là do tâm tham, chứ Phật không đặc biệt nói tham gì. Niệm Phật mà tham! Có nhiều người còn suy nghĩ sai lầm vô cùng ở điểm này!

Chính vì vậy, khi đem ba lời nói của Phật trong ba kinh ra để giảng nghĩa cho ba chữ Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên này, Không biết là những ngày ở đây tôi có nói hết được ý nghĩa của sáu chữ này không? Nếu hiểu thấu được rồi, thì chỉ cần sáu chữ này thôi mà pháp giới vô lượng vô biên hình như chứa trọn trong đó.

Một người không biết là mình có đủ thiện-căn phước-đức hay không là do cái niềm tin chưa được tô bồi. Niềm tin chưa được tô bồi thì thiện-căn phước-đức nhiều đời nhiều khi có rồi mà mình bỏ quên chỗ nào đó. Khi trí huệ của mình chưa khai mở, thì có một viên ngọc Như-Ý đáng giá liên thành mà mình không biết, lại liệng nó vào trong cái hồ cá của anh Tâm Nhật Thuyết. Viên ngọc bị nhận chìm tận dưới đáy, lâu ngày rong rêu bao phủ! Những con cá ngày ngày bơi đùa giỡn chơi với viên ngọc, nhưng chúng đâu có để ý gì đến viên ngọc đó! Một viên ngọc vô cùng quý giá bị bỏ quên, âm thầm nằm dưới lớp rong rêu!…

Bây giờ đây chúng ta có cái thiện-căn phước-đức. Như trong kinh Vô-Lượng-Thọ nói, một người nào trong một đời này gặp câu A-Di-Đà Phật mà tự nhiên tỉnh ngộ… Thì thật ra, sự tỉnh ngộ này không phải là việc ngẫu nhiên đâu. Cho nên khi mình gặp được cơ hội này, tự mình cũng cảm thấy có phần nào được an ủi. Nghĩa là, nhất định ta có thiện-căn phước-đức sâu dày rồi. Thiện-căn phước-đức này nhất định nó sẽ là cái “Nhân” để đưa ta về trên Tây-Phương. Lúc đó “Nhân-Quả” đã hoàn toàn viên mãn, không còn sơ suất nữa.

Nhưng tại sao lại có người niệm Phật mà không được vãng sanh?… Vì thiện-căn phước-đức chưa dồn tới kịp, nên trí huệ của họ chưa phát sinh. Nếu hiểu được như vậy, thì chúng ta hãy tập tánh khiêm nhường đi, thành tâm đi, chắp taylại tụng từng lời nói của Phật dạy đi… thì tự nhiên niềm tin này một ngày nào đó bỗng nhiên bộc phát mạnh mẽ. Nhờniềm tin này sẽ gom tụ thiện-căn lại, gom tụ phước-đức lại. Có bao nhiêu nó phát triển thêm lên gấp ngàn gấp vạn lần. “Tín tâm thanh tịnh tức sanh Thật Tướng”, nhờ thế mà trí huệ cũng được khai mở luôn!… Tất cả đều do niềm tin này.

Có nhiều người tới đây thấy đạo tràng này chật chội quá! Chê!… Tôi nói, coi chừng cái đạo tràng tại Leipzig này sẽ trở thành một đạo tràng đệ nhất ở Âu Châu mà chúng ta không hay đó!… Tôi qua bên nhà anh Đạt chị Thủy, Niệm Phật Đường A-Di-Đà, xin quý vị cũng đừng có chê nhé. Coi chừng cũng sẽ là Niệm Phật Đường nổi tiếng của người Việt Nam tại Âu Châu mà chúng ta không hay đó!… Tại sao? Vì theo đúng như ngài Ấn-Quang nói, thì đây là những đạo tràng thành tựu đúng hợp với tiêu chuẩn của Ngài. Nên nhớ Hòa Thượng Tịnh-Không đã tán thán kiểu mẫu đạo tràng của ngài Ấn-Quang là mẫu đạo tràng thành tựu trong chín ngàn năm của thời mạt pháp. Xin quý vị đừng nên xem thường!…

Trở lại vấn đề thiện-căn phước-đức nhân-duyên, do cái “Nhân” là phước-đức, thiện-căn trong quá khứ kết tựu thành cái “Quả Niệm Phật” của ngày hôm nay. Bây giờ chúng ta lấy cái “Quả Niệm Phật” này làm cái “Nhân đi về Tây-Phương”. Bây giờ hai chữ Nhân-Duyên này tách ra, một chữ là “Nhân”, một chữ là “Duyên”. Thì cái nhân này “Nhân niệm Phật”. Cái duyên là “Duyên nguyện vãng sanh” về Tây-Phương. Cái nhân-duyên này kết với câu “Thâm tín nhân quả” trong kinh Quán-Vô-Lượng thọ mình thấy rõ ràng đường mình đi sẽ tới đâu.

Phật dạy là phải “Thâm Tín”, là phải tin cho sâu, tin cho chắc, tin cho vững!… Cái nhân quả này không phải tầm thường!Niệm Phật là “Nhân”, nguyện vãng sanh là “Duyên”, thành tựu “Quả Phật”. “Nhân-Duyên-Quả-Báo tơ hào không sai!…”Rõ ràng!…

Hôm qua có người hỏi tôi rằng, khi gặp một vị Sư, mình lạy có được hay không? Tôi nói, khi gặp chư vị tôi cũng muốn lạy luôn. Tại sao vậy? Thật ra, đáng lẽ ra tôi phải đảnh lễ tất cả chư vị, vì nếu chư vị quyết lòng đi như vậy thì nhất địnhchư vị sẽ là bậc đại Thánh Chúng trên cõi Tây-Phương trong một đời này, hỏi rằng tại sao tôi không đảnh lễ được?… Nếu chư vị về Tây-Phương rồi thì chư vị sẽ thành Phật, thì thật ra chúng ta đảnh lễ Phật. Xin thưa với chư vị, hỏi rằng cái thành quả của ngày hôm nay đâu dễ gì có được? Đâu có rẻ rúng như một giấc ngủ? Đâu có rẻ rúng như một vài triệu bạc được?…

Cho nên đây là một cái cơ duyên vô cùng thù thắng! Nói với nhau không phải là để chúng ta ve vuốt với nhau một chút, mà thật ra chúng ta cần củng cố niềm tin cho nhau. Phải củng cố vững vàng! Những người tới một đạo tràng niệm Phậtmà rồi họ lặng lẽ ra đi, họ lạnh nhạt với câu A-Di-Đà Phật, thì mình không nên trách họ, mà hãy thương hại họ mới đúng. Tại vì họ lạnh lùng với câu A-Di-Đà Phật, thì đành rằng họ phải chịu kiếp số lạnh lùng trong vạn đời vạn kiếpnữa!…

Nếu có một cơ duyên nào đó làm cho họ tỉnh ngộ, chỉ cần họ tỉnh ngộ, họ trân quý câu A-Di-Đà Phật, thì lúc đó dù thiện-căn của họ chỉ có một chút thôi nó cũng được tô bồi lên, tô bồi lên cho đến chỗ thành tựu đạo quả luôn. Một chút phước-báu thôi, chỉ cần cái niềm tin vào câu A-Di-Đà Phật vững vàng lên, thì nhất định nó sẽ được trưởng dưỡng cho đến lúc trở thành một vị đại Thánh Chúng trên cõi Tây-Phương. Thật không phải là chuyện tầm thường!

Chúng ta ở đây đã biết được thế nào gọi là nhân-duyên, thế nào gọi là phước-đức, thế nào là cái giá trị của câu Phật nói trong kinh A-Di-Đà, thì đừng nghĩ rằng đi về Tây-Phương là nhỏ nghe chư vị. Phải biết rằng chúng ta có thiện-căn nhiều, nhưng phải cố gắng bồi đắp thiện-căn thêm nữa. Phước-báu đã có rồi, nhưng cũng phải bồi thêm phước-báu hơn nữa. Hãy lấy niềm tin này mà bồi, bồi cho đến kỳ cùng luôn. Để chi vậy?… Để nhất định ta phải về được cho tới Tây-Phương. Có phước-báu, có thiện-căn mà bồi thêm nữa thì ta lên Thượng Phẩm. Hì Hì!… Thượng Phẩm thì trong hai ba kiếp thôi mình thành Phật. “Nhất sanh thành Phật” đi bổ sứ, bổ sứ như ngài Di-Lặc cứu độ vô lượng vô biênchúng sanh. Sướng biết chừng nào…

Chứ còn nếu ỷ y?… Một niệm ỷ y, một niệm khinh mạn, một niệm cho là đủ… Thì chư Tổ nói rằng, ngay lập tức chúng tađã bị thối chuyển liền! Nhất định xin chư vị phải áp dụng cho được lời dạy của ngài Ấn-Quang: Càng tu càng khiêm nhường, càng tu càng thấy mình yếu, dù biết rằng mình có thiện-căn đi nữa, cũng cứ cho mình còn yếu mới được. Tại vì sao?… Tại vì…

– Thiện-căn nó nằm song song bên nghiệp chướng…

– Thiện-căn nó nằm song song bên oan gia trái chủ chướng…

– Thiện căn nó nằm song song bên những tội lỗi mà những lúc mê lầm mình tạo ra!…

Hãy lấy niềm tin này mà tăng trưởng thiện-căn lên, thì tự nhiên nó làm mờ dần nghiệp chướng xuống, giúp chúng ta an nhiên tự tại đi về Tây-Phương.

Nguyện mong cho chư vị hiểu được chỗ này rồi, thì hãy an nhiên tự tại, cố gắng kết hợp chặt chẽ với nhau, để chúng tacùng được về Tây-Phương thành vị đại Bồ-Tát, cứu độ vô lượng vô biên chúng sanh…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Read more: https://hoiquanadida.com/phap-su/chi-tiet/thien-can-phuoc-duc-nhan-duyen-toa-dam-13-2035.html#ixzz7QpA8HLqs

THIỆN CĂN- PHƯỚC ĐỨC- NHÂN DUYÊN (2011)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –