Thiện Căn – Phước Đức – Nhân Duyên (Tọa Đàm 29) – Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị

Share on facebook
Share on twitter

THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN

(Tọa Đàm 29)

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên! Hôm nay chúng ta nói về “Phước-Đức”. Thật ra thì mỗi người chúng ta ai cũng có một cái kho phước-báu rất lớn, nhưng nhiều khi chúng ta không biết sử dụng hoặc quên nó đi nên mới cảm thấynghèo nàn, thiếu thốn, chứ nếu chúng ta biết dùng thì nhiều khi cái phước-báu này vô lượng, vô biên, vô giá mà chúng ta không hay.

Vì không biết nên thường khi khinh thường! Vì khinh thường cái phước báu của mình, nên suốt cả cuộc đời cứ chạy tìm phước báu. Trong khi đó thì cái phước báu vô giá của mình lại liệng ở chỗ nào đó mà không hay!…

Ví dụ như ở trong Niệm Phật Đường chúng ta trước đây có mấy cái cây, bỏ rơi rớt khắp nơi nên không thấy giá trị gì hết, nhưng khi chư vị đồng tu bứng cái cây đó đặt vào cái chậu thì mình mới thấy đẹp. Khi ra nhà ươm cây, mình thấy ở đó có một cây nhỏ hơn cây của mình mà người ta để giá bán tới hơn một ngàn đô-la. Như vậy, rõ ràng chậu cây của mình thấy vậy chứ giá trị của nó phải trên một ngàn đô-la. Chỉ vì hồi giờ mình không biết, nên không quý đó thôi!…

Ở phía trước chúng ta trồng hai cái cây đang lên xanh mướt, lá của nó đẹp lắm, phủ xuống giống như cái dù, cho nên người ta gọi là cây “Umbrella”, tức là cây lá dù. Có nhiều người chê cái cây đó! Nhưng nếu mình vào nhà ươm hỏi, thì cái cây lớn cỡ đó họ bán cũng vài trăm đô-la. Cho nên khi mình tới cái nhà ươm xem qua, rồi về nhà mình mới thấy… À!… Một cây của mình có thể tới hai ba trăm đô-la chứ không phải thường!… Nó quý như vậy mà tại mình không biết nên mình không quý.

Chúng ta có một cái phước-báu, thật sự có! Nhưng có nhiều người không biết, cho nên cứ chạy tìm phước báu!…

Có nhiều người nói ráng tu hành lên, ráng niệm Phật để tìm phước báu, có phước báu rồi đời sau tu tiếp để tô bồi thêm phước báu, chứ không có phước báu thì làm sao về Tây-Phương được?…

Tu hành như vậy vô tình cứ dẫn dắt nhau chạy tìm phước báu! Trong khi đó thì ngài Ấn-Quang nói: Niệm Phật để cầu phước-báu cho đời sau thì chẳng khác gì đem cái kho báu vô tận của mình đổi lấy một tán kẹo!… Con nít thường haythèm kẹo!… Ngài nói như vậy.

Hướng dẫn cho chúng sanh tu hành niệm Phật để cầu phước-báu, thì đúng là dạy cho người ở lại trong lục đạo luân hồinày để tìm cái phước, gọi là “Phước-Báu Nhân-Thiên”. Trong khi kinh Hoa-Nghiêm, Phật dạy: “Vong thất Bồ-Đề tâm, tu chư thiện pháp, thị danh ma nghiệp”.

“Vong thất Bồ-Đề tâm” là quên mất cái tâm giác ngộ, quên cái tâm Bồ-Đề, mà chạy tu những thứ phước thiện, gọi là tu phước-báu, thì cái pháp tu này, hay hành nghiệp này Phật gọi là “Ma nghiệp”.

Trong kinh Vô-Lượng-Thọ Phật nói: “Phát Bồ-Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A-Di-Đà Phật, cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc”. Chúng ta cứ bình tĩnh nghe những lời Phật dạy để tìm hiểu ra con đường chánh pháp mà tu.

Một người mà quên đi con đường giải thoát, lo chạy tu phước thiện để hưởng phước báu nhân thiên thì kinh Hoa-Nghiêm Phật nói, người quên con đường giải thoát, không tìm con đường giải thoát mà chỉ lo tu phước thiện, tức là tu làm người tốt, làm người thiện để cầu hưởng phước báu trong nhân thiên, thì Phật gọi đây là hành nghiệp của ma…

Trong khi đó thì kinh Vô-Lượng-Thọ dạy là phát Bồ-Đề tâm, đừng có quên Bồ-Đề tâm, niệm câu A-Di-Đà Phật chuyên nhất, cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Chứ Phật không dạy phát Bồ-Đề tâm làm việc phước thiện để đời sau tu tiếp.

Nghe những lời dạy này thấm thía vô cùng! Phát Bồ-Đề tâm là sao? Có nhiều người giảng rộng quá, giảng cao quá, nhiều khi làm cho chúng ta không biết phát Bồ-Đề tâm như thế nào!… Chứ nói cho đúng nghĩa ra, thì chính trong kinh Vô-Lượng-Thọ Phật thường thường đưa ra ba điểm “Tín-Nguyện-Hạnh”.

– Tin là tin câu A-Di-Đà Phật, tin pháp Niệm Phật.

– Nguyện là nguyện vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

– Niệm tức là nhất hướng chuyên niệm A-Di-Đà Phật.

Như vậy rõ ràng câu: “Phát Bồ-Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm” chính là ba điểm Tín-Hạnh-Nguyện này. Tín và Nguyện vãng sanh chính là phát Bồ-Đề tâm vậy.

Hòa Thượng Tịnh-Không nói đây là “Vô Thượng Bồ-Đề tâm”, không phải là Bồ-Đề tâm bình thường. Ngài Ngẫu-Ích nói rằng, tin tưởng cho vững vàng vào câu A-Di-Đà Phật, tha thiết nguyện vãng sanh Tây-Phương nhất định một báo thânnày vãng sanh về Tây-Phương, thì đây là phát Vô-Thượng Bồ-Đề tâm. Như vậy thì câu phát Bồ-Đề tâm nhất hướngchuyên niệm trong kinh Vô-Lượng-Thọ chính là Tín-Nguyện-Hạnh của người niệm Phật chứ không có gì khác. Đây làcon đường thành tựu đạo quả trong một đời này.

Chư Tổ nói phát Bồ-Đề tâm là Tín-Nguyện, Phật cũng nói vậy luôn. Trong kinh Niệm-Phật-Ba-La-Mật, Phật dạy người nào vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì một đời thành Phật, nên Phật nói thẳng rằng: “Vãng sanh về Tây-Phương tức là thành Phật”.

Đem tất cả những lời Phật dạy ra, đem những lời chư Tổ dạy ra, mình thấy rõ rệt rằng hướng dẫn cho người ta vãng sanh về Tây-Phương, chỉ lối cho chúng sanh vãng sanh về Tây-Phương chính là giúp cho họ thực hiện “Vô-Thượng Bồ-Đề Tâm”, thực hiện con đường thành “Vô-Thượng Chánh-Đẳng Chánh-Giác”.

Còn nếu mình sơ ý dạy rằng: “Bà ơi! Bà không có phước-báu đâu! Bà hãy niệm Phật cầu chút phước báu để đời sau tu tiếp…”, thì bị Phật nói rằng: “Thị danh ma nghiệp!” (Đây chính là nghiệp của Ma!). Ta đã dẫn dắt người ta đi con đườngma nghiệp rồi! Không còn là chánh nghiệp nữa! Không còn là Chánh Pháp nữa!

Chính vì thế, trong thời mạt pháp này chúng ta phải chú ý cho thật kỹ phương pháp tu hành, nếu không chúng ta sẽ bị sai lạc! Sai lạc dữ lắm!…

Đi ra ngoài mình nói, tôi đang niệm Phật cầu vãng sanh, thì nhiều người nói rằng, tại sao anh lại cống cao ngã mạn như vậy?… Tại sao không tìm một chút phước báu để đời sau tu tiếp có cụ thể hơn không, mà lại nguyện vãng sanh về Tây-Phương thành Phật! Đâu mà dễ dàng vậy!…

Rất nhiều người tu học Phật mà nghĩ như vậy! Trong khi Phật dạy phải niệm Phật cầu vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc…

A-Di-Đà Phật phát đại thệ rằng, người nào trước khi xả bỏ báo thân mà niệm mười câu A-Di-Đà Phật để nguyện vãng sanh Tây-Phương, nếu mà Ngài không tiếp độ về Tây-Phương, thì Ngài thề không thành Phật. Đây là cái mấu chốt rất là gần gũi, rất là cụ thể, rất là dễ dàng cho tất cả chúng ta ngồi tại đây đều vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Hôm nay mình nói về phước-báu. Xin hỏi chư vị, có cái phước-báu nào lớn bằng một người đi về Tây-Phương Cực-Lạc để thành đạo Vô-Thượng đâu? Tất cả chúng ta đã ngồi tại đây niệm Phật, thì chính trong kinh Vô-Lượng-Thọ Phật nói,sở dĩ được cơ hội này là vì trong vô lượng kiếp chúng ta đã tu bồi một cái thiện-căn, phước-đức vô lượng vô biên rồi. Cho nên chúng ta thật sự đã có được những khối phước-báu, cái gia tài vô giá mà chúng ta không biết dùng, lại nghe lời đàm tiếu của thế gian mà liệng đi, liệng hết những cái phước-báu này đi, rồi chạy tìm những thứ phước-báu sanh tử luân hồi để chịu nạn… Nên Phật nói đó là “Ma nghiệp”.

Nguyện mong chư vị thấy được đạo lý này, hãy quyết lòng một dạ mau mau trở về Tây-Phương hưởng “Đại Thiện-Căn, Đại Phước-Báu”, để một đời này thành tựu đạo quả!…

Nam Mô A-Di-Đà Phật. 

 

THIỆN CĂN- PHƯỚC ĐỨC- NHÂN DUYÊN (2011)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –