Cần chọn nơi thích hợp tu hành
Hỏi:
1/Mình chọn đạo tràng để tu có phải bị phạm phải lỗi phân biệt không?
Trả lời:
Mình không muốn phân biệt, nhưng tâm cơ, căn tánh của mình thấp kém, nên cần chọn nơi nào thích hợp để tu hành, như vậy mới có ích lợi.
Ví dụ, tại một đạo tràng lộn xộn quá, mình muốn tới để tu hành nhưng tu không được, càng tới càng thấy phiền não. Chẳng lẽ mình lại đi tìm phiền não hay sao?
Phân biệt, chấp trước, nói theo nghĩa thấp nhất cho dễ hiểu, là tâm hồn loạn động, cố chấp, hẹp hòi, đấu tranh, đố kỵ, thị phi, chê bai lẫn nhau, v.v…
Đến một đạo tràng, ở đó xảy ra nhiều điều lộn xộn, mình tu không được, đành phải lặng lẽ tìm chỗ khác để tu tập, đây không phải là phân biệt, chấp trước.
Nếu mình chê bai, kình cãi, phỉ báng, chống lại, moi móc chuyện xấu của họ ra cho mọi người biết… thì mình là kẻ cố chấp, phân biệt, không phải là người chân chánh tu hành!
Thành thực mà nói, đối với hạng người căn tánh hạ liệt như chúng ta, không đủ khả năng chuyển đổi hoàn cảnh, thì nên tìm đến chỗ thanh tịnh để nương tựa mới được thiện lợi. Chỗ nào không yên ổn, mình không tới chính là muốn bảo vệ tâm thanh tịnh của mình, một là tránh sự phiền não cho mình, hai là tránh gây phiền não tới người khác, vì một khi mình cảm thấy khó chịu trước một hoàn cảnh thì nét mặt không thể vui vẻ, tâm hồn không thể thoải mái được. Tâm trạng này nhất định sẽ ảnh hưởng không tốt đến người khác.
Chỗ nào thích hợp, thanh tịnh thì mình tới tu hành để được thành tựu, thì gọi là hợp duyên, tùy duyên, thuận duyên với mình.
Tu hành cần phải hợp căn cơ mới mong có ngày thành tựu. Nếu tu theo những pháp môn không hợp căn cơ, không hợp ý nguyện, tu một cách gượng ép, không thoải mái… thì đường tu hành sẽ bị trở ngại, chắc chắn khó có hy vọng thành công! Nếu không cẩn thận, sơ ý trở thành người vô trách nhiệm đối với chính huệ mạng của mình. Đây gọi là phan duyên.
Chính vì vậy, cần phải chọn lựa chỗ tu hành cho thích hợp với căn tánh và ước nguyện của mình thì sự tu hành mới tiến bộ được.
Nhiều người không rõ căn cơ của mình, không biết đâu là chỗ tốt, thì hãy nghe lời Phât dạy, chọn pháp môn Niệm Phật là vững vàng nhất.Vì sao vậy? Vì còn mập mờ không biết mình thuộc căn cơ nào thì chính là người còn mê muội. Còn mê muội tức là còn phàm phu, hạ căn. Đã là phàm phu hạ căn thì nghiệp chướng sâu nặng, tâm chưa được thanh tịnh, chưa đủ năng lực chuyển đổi hoàn cảnh, các pháp môn khác khó có thể thích hợp được.
Tóm lại, cần phải chọn pháp môn thích hợp, chọn hoàn cảnh tốt để giúp đỡ cho việc tu hành của ta được tốt hơn.
Hỏi:
2/ Vọng Tưởng là gì? Con thường cầu mong sớm được về Tây-phương, Như vậy có phải là Vọng Tưởng không?
Trả lời:
Vọng Tưởng, nói theo nghĩa rộng là đối tượng của Vô minh hoặc. Nghĩa này cao quá! Nói theo nghĩa bình dân của chúng ta, là nghĩ tưởng lung tung, nghĩ bậy bạ…
Người không để tâm thanh tịnh, an lạc mà cứ nghĩ cái này, nghĩ cái kia, mơ điều này, mơ điều nọ, thích những chuyện xa vời, vượt quá tầm sức của mình, đó là người sống trong Vọng Tưởng.
Ví dụ: Có người nghĩ rằng mình đã chứng đắc, thì ý nghĩ này là Vọng Tưởng! Cho rằng mình giỏi hơn người khác, (gọi là cống cao ngã mạn), là khởi sự cho vọng Tưởng. Thích nói huyền nói diệu: Vọng Tưởng. Lý luận lung tung: Vọng Tưởng. Ham thích thần thông: Vọng Tưởng. Thích có phép lạ: Vọng Tưởng. Cầu xin Phật hiện thân cho mình thấy: Vọng Tưởng, v.v…
Còn việc Niệm Phật cầu Vãng Sanh Tây-phương là nguyện theo lời Phật dạy. Làm đúng theo lời Phật thì gọi là “Y giáo phụng hành”, làChánh-Nguyện, Chánh-Cầu, chứ không phải là vọng cầu.
Tâm tin tưởng vào Phật pháp thì không tin theo tà pháp khác. Tâm nghĩ về Tây-phương thì không nghĩ đến các Vọng Tưởng khác. Tâm Niệm Phật thì khỏi niệm các vọng niệm khác. Đây gọi là Chánh-Tín, Chánh-Nguyện, Chánh-Hạnh.
Tha thiết nguyện Vãng Sanh là một trong ba điểm quan trọng của pháp Niệm Phật. Ta phải giữ cái tâm nguyện này suốt đời. Lấy nguyện này làm chánh, thì các nguyện khác trở thành phụ, gọi là “Trợ-Nguyện”. Lấy Niệm Phật làm Chánh-Hạnh, thì các việc khác là “Trợ-Hạnh”, (“Trợ” tức là phụ, không phải chính).
Ví dụ, như việc làm thiện, làm lành, giúp người, bố thí, làm website Phật pháp, cúng dường, in kinh, ấn tống, phóng sanh, v.v… tất cả đều là trợ hạnh, trợ nguyện, làm để hỗ trợ cho việc Vãng Sanh. Xác định rõ ràng như vậy, thì lúc lâm chung tâm mình mới buông xả được vạn duyên, vững vàng, vui vẻ, an nhiên, một đường đi về Tây-phương Cực-lạc, không bị lạc.
Rất nhiều người tu hành đã mập mờ giữa CHÁNH và TRỢ, thường lấy trợ-nguyện làm chánh-nguyện, trợ-hạnh làm chánh-hạnh, thành ra suốt đời tu hành, rốt cuộc cũng không được thành tựu. Nói cho rõ hơn, vẫn không thể giải quyết vấn đề thoát ly sanh tử luân hồi!
Có người sơ ý hoặc không chịu tìm hiểu cho thấu đáo mục đích chính của Phật pháp, thường lấy phụ làm chính, lại tưởng vậy là đúng, rồi dẫn dắt người khác chăm chú vào sự Trợ-Tu, đánh mất luôn Chánh-Tu, làm cho chúng sanh mất phần giải thoát, khiến họ tiếp tục trôi lăn trong lục đạo chịu cảnh vô thường.
Ví dụ, có người quan niệm rằng, tu hành là làm thiện. Họ chuyên chú giữ gìn năm giới, làm thiện, bố thí, giúp người. Nguyện như vậy tốt chứ không phải xấu. Nhưng tu hành chỉ có gói ghém vào việc phước thiện, thì đã đi theo đường tu “Bất-Liễu-Giáo”. Nói rõ hơn, là pháp tu không tròn vẹn, không thể thành tựu đường thành đạo! Tu như vậy, sau cùng, đến lúc lâm chung, cái nguyện làm thiện này quá mạnh, nó trói cái tâm họ vào đó. Nguyện làm thiện quá mạnh, thì nguyện Vãng Sanh sẽ yếu, hoặc nhiều khi không có. Nhất thiết duy tâm tạo.Không nguyện Vãng Sanh thì không được Vãng Sanh. Làm thiện nhiều, thì nhiều lắm, họ cũng chỉ hưởng cái phước này mà thọ sanh ở trong ba đường thiện trong sáu đường luân hồi là cùng
Tu hành không biết đường giải thoát, chỉ biết có làm thiện, tưởng vậy là đủ, nhưng thực ra quá thiếu! Dù tu hành có giỏi cho mấy, cũng bị lọt lại trong vòng sanh tử vô thường. Dù họ có thể tái sanh thành người giàu có để hưởng phước. Nhưng Phật dạy, những người này chỉ biết tu phước báu Nhân-Thiên, không thể thành tựu đạo nghiệp!
Khi hưởng nhiều phước báo rồi thì không còn tu hành nữa. Trái lại, thường sanh tâm hủy báng người tu hành, khinh thị người nghèo khó… Chính vì vậy mà tạo nghiệp rất lớn, để sau cùng bị quả báo nặng. Đây gọi là “Tam Thế Oán” vậy.
Phật dạy: “Quên phát tâm giác ngộ, mà lo làm việc thiện lành, thì việc thiện lành đó chỉ là nghiệp ma mà thôi”. Tại sao vậy? Vì định nghĩa sự tu hành quá cạn cợt, không có tâm giải thoát tam giới, thì không có ngày vượt thoát cảnh sanh tử luân hồi. Chưa thoát tam giới thì chắc chắn, không trước thì sau, tất cả nghiệp chướng, phiền não chướng, oan gia trái chủ chướng… tất cả đều phải trả, phải đền.Một khi đã đến giai đoạn phải đền trả thì rơi vào tam ác đạo rồi. Đây chính là “Nghiệp-Ma” vậy!
Cho nên, phải lấy nguyện Vãng Sanh làm Chánh-Nguyện, Niệm Phật làm Chánh-Hạnh, tin tưởng vững chắc đại nguyện của A-Di-Đà Phật cứu độ mình về Tây-phương một đời viên mãn đạo quả là Chánh-Tín. Còn tất cả các nguyện khác, hạnh khác, đều là Trợ mà thôi.
Tất cả những việc làm của mình hôm nay là đều nhằm vào mục đích: Vãng Sanh Tây-phương để thành đạo vậy.
Cận tử nghiệp!
Phải tu hành và biết Hộ Niệm Sớm*
Hỏi:
… Hôm nay là đã hai ngày rồi, DN thấy mẹ trở tánh ít chịu Niệm Phật, và thường lập đi lập lại rằng bà không làm gì tội lỗi đến nỗi phải bị bịnh khổ như thế. Vậy phải gỡ như thế nào?
Trả lời:
Đó chính là bệnh khổ hiện hành. Thông thường thì ai cũng có những trường hợp tương tự. Bệnh khổ này thực ra do chính mình gây ra cái Nhân, rồi sau cùng chịu cái Quả chứ không có ai khác tạo cho mình. Trước những ngày giờ cuối cùng, những nghiệp khổ hiện về làm cho tâm hồn khủng hoảng, thân thể đau đớn, không còn bình tĩnh được nữa.
Chúng ta hãy nên:
– Khuyên Cụ quyết lòng thành tâm Niệm Phật, cầu Phật gia trì để sớm được ngày Vãng Sanh.
– Khuyến khích Cụ hãy chấp nhận quả báo này, vì nó chính là do từ những cái Nhân mà mình đã tạo ra nên thành ra vậy. Đừng nên than phiền, oán trời trách đất mà tạo thêm nghiệp mới.
– Hãy xác định cho Cụ biết rằng, nếu thành tâm sám hối rồi Niệm Phật tha thiết cầu Vãng Sanh, thì những nghiệp chướng, dù lớn cho mấy cũng được Phật lực gia trì mà có thể vượt qua hết. Nếu thực sự chí thành chí thiết thì vẫn còn hy vọng được Vãng Sanh.
– Sau khi sám hối rồi, khuyên Cụ nhất định không được nhớ đến nghiệp chướng nữa, không được nghĩ đến những điều sai lầm nữa (vì A-Di-Đà Phật đã có lời đại thệ cứu độ chúng sanh đới nghiệp Vãng Sanh). Phải chú ý nhiếp tâm Niệm Phật cầu về Tây-phương.
– Nhắc lại, không được nhớ đến nghiệp chướng, không được nhớ đến tội lỗi xưa nữa. Phải quên hết để nhiếp tâm Niệm Phật. Nếu cứ nhớ đến tội lỗi thì coi chừng tâm bị kẹt vào đó mà bị đọa lạc.
– Nên dùng nhiều tâm lý trong lúc khuyên, không được làm cho Cụ buồn phiền, tức bực. Ví dụ, khuyến tấn cần vui vẻ đừng làm Cụ giận hờn. Chăm sóc cẩn thận, chú ý điều chỉnh nhiệt độ, nóng thì mở máy lạnh, lạnh thì đắp thêm mền, thân thể đau nhức, mỏi mê thì xoa bóp một chút cho Cụ thoải mái, v.v…
– Đừng hỏi nhiều quá khiến cho người bệnh phải trả lời hoài cũng không tốt. Nên nhớ, người bệnh họ mệt lắm!
– Nhiều lúc mệt quá, Cụ muốn mình ngừng Niệm Phật để Cụ nghỉ một chút, thì mình cũng phải ngừng, rồi trong lúc chăm sóc, mình có thể Niệm Phật nhỏ tiếng để Hộ Niệm. Chứ không thể bắt buộc Cụ phải Niệm Phật hoài được. Khuyên Cụ nên niệm thầm theo.
– Hãy vỗ tay khen tặng khi Cụ phát tâm Niệm Phật, phát nguyện Vãng Sanh. Hãy tuyên dương khi Cụ làm được điều gì hay, cần dùng tâm lý nâng đỡ, tránh tâm trạng lo lắng.
– Hãy vui vẻ, luôn luôn tươi vui để khuyến tấn. Lòng tin của mình vững vàng vào từ lực của Phật, thì lời nói của mình mới có sức thuyết phục.
– Thấy Cụ đau đớn mình không nên quá xót xa lo lắng mà làm Cụ càng cảm thấy đau đớn hơn. Hãy tìm cách khuyến tấn để Cụ vươn lên Niệm Phật, quyết lòng xả bỏ thân mạng để về miền Cực-lạc. Báo thân này đã sắp mãn rồi, thúc hối Cụ hãy mau mau Niệm Phật, chỉ còn có A-Di-Đà Phật mới cứu Cụ được thôi. Hãy tranh thủ từng giây phút để Niệm Phật, thì chắc chắn được Phật lực gia trì, chắc chắn vượt qua ách nạn để Vãng Sanh.
– Tuyệt đối không được khóc lóc, than thở, u sầu trước mặt Cụ.
– Chú ý ngăn cản người khác vào thăm lom, vì họ thường nói điều không hay, làm tâm đạo của Cụ bị lay chuyển.
Nếu biết được phương pháp Hộ Niệm sớm, thì giờ này dễ dàng cứu vãn tình thế. Nhưng bây giờ xin đừng tự trách nữa, mà hãy còn nước còn tát. D/N dù sao cũng phải cố gắng hết sức để cứu người mẹ.
Về việc Sám Hối,
– Hãy khuyên Cụ thành tâm Sám Hối tất cả những lỗi lầm. Một người dù có hiền lành đến đâu, cũng có lúc mê muội làm điều sai lầm, gây nên tội lỗi. Vậy thì, phải thành tâm Sám Nghiệp, nhất là lúc này. Cần có tinh thần Sám Hối mạnh mẽ.
– Hãy phát tâm dũng mãnh mà Niệm Phật, càng đau càng mừng, không sợ, vì biết rằng mình càng sớm về với A-Di-Đà Phật… Tâm mạnh như vậy, thì tự nhiên những cơn đau biến mất.
– Không cầu hết bệnh. Quyết lòng cầu sớm Vãng Sanh Tịnh-độ.
– D/N và gia đình phải thành tâm lạy Phật cầu Phật gia trì, cầu xin sám hối thay cho Cụ, cầu xin hóa giải oan gia trái chủ cho Cụ.
Về việc hóa giải oan gia:
– Khi Hộ Niệm, mọi người chắp tay, một người đại diện thành tâm cầu xin oan gia trái chủ buông tha, cầu xin họ hãy cùng với chúng ta Niệm Phật Hộ Niệm cho Cụ. (Xin xem các bài giải oan gia trong sách Quy tắc Trợ Niệm), hoặc xem thêm các video Hộ Niệm Vãng Sanh.Có thể uyển chuyển, mỗi trường hợp mỗi khác, tùy cơ mà tìm cách hóa giải.
Khi sám hối, cần chú ý các điểm sau:
– Xác nhận mẹ tôi vì mê muội mà làm nên những điều sai lầm, kết nên tội chướng đối với chư vị oán thân trái chủ.
– Nhưng bây giờ mẹ tôi đã ăn năn, sám hối, đang Niệm Phật cầu Vãng Sanh. Nguyện cầu, khẩn cầu, thỉnh cầu… chư vị oán thân thương tình tha thứ. Hận thù nên xả, không nên kết, cùng với chúng tôi Niệm Phật Hộ Niệm cho Cụ, và cùng cầu Vãng Sanh Cực-lạc. Nhân này sẽ giúp chư vị siêu sanh, thoát ly sanh tử luân hồi. Khi Cụ Vãng Sanh về Cực-lạc, Cụ sẽ thành đạo, sẽ có đủ năng lực về đây cứu độ tất cảchư vị.
– Gia đình, con cháu ngày ngày Niệm Phật đều hồi hướng công đức cho chư vị oán thân trái chủ.
– Phóng sanh, làm việc thiện, tạo công đức… để hồi hướng cho Cụ, và hồi hướng cho oan gia trái chủ của Cụ.
Thành tâm hóa giải nhiều lần thì có thể có kết quả.
Chúc D/N thành công. Cầu chúc Cụ được phước phần Vãng Sanh Tây-phương Cực-lạc.
A-Di-Đà Phật
Diệu Âm
(13/10/2008)