Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 166)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Xin tiếp tục nói đến những vấn đề của người yếu niềm tin về Pháp Niệm-Phật Vãng Sanh.
Xin mở trang 67, câu (f): Người chưa có cơ duyên gặp được hiện tượng vãng sanh nên còn hồ nghi Pháp Niệm Phật Vãng Sanh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Có duyên thấy được hiện tượng vãng sanh có thể xóa đi mối nghi ngờ này. Nhiều người thiếu duyên không thấy được nên không tin sự vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Cầu mong duyên lành đến sớm với họ để sớm đoạn nghi sanh tín. Đáng nói hơn, nhiều người có tu hành Phật Giáo mà cũng không tin chuyện vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Ôi! Đây cũng là chuyện thường tình. Niềm tin liên quan đến thiện căn. Vì thiếu thiện-căn nên không thể tin được vào đại pháp cứu tinh của Phật. Phật dạy, đây là pháp rất khó tin cho những ai chưa đủ căn lành. Thế mới biết, người tin tưởng Pháp Niệm-Phật thật là đáng quý.
Thông thường, một người khi gặp được một lần người niệm Phật ra đi thân tướng tốt đẹp, đều giựt mình ngỡ ngàng. Nếu lại gặp thêm nhiều người khác niệm Phật được hộ niệm ra đi với thân tướng tốt đẹp, có người báo trước ngày giờ ra đi, vẫy tay chào cảm ơn mọi người rồi đi vãng sanh… thì đây đúng là những cơ duyên để tỉnh ngộ, phát khởi niềm tin quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh vậy.
Cho nên, khi chư vị hộ niệm cho một người vãng sanh tạo ra một công đức lớn lắm. Chính Diệu Âm này khi gặp được Pháp Hộ-Niệm, lúc đó thường đi hộ niệm với người Hoa mấy năm trường, nhưng không thấy được ai có hiện tượng tốt đẹp mới đâm ra hoang man, có phần chán nản. Nhưng rồi tự hỏi, tại sao Pháp Niệm-Phật chư Tổ nói muôn người tu muôn người vãng sanh, cớ chi người niệm Phật lại còn được hộ niệm nữa mà không được vãng sanh? Từ nghi vấn này nên cố gắng nghiên cứu thêm, nghiên cứu thật kỹ mới phát hiện ra rằng, người tu hành có nhiều sự sơ suất. Người bệnh sơ suất vì tu hành không chuyên, không thẳng, quá xen tạp, lại có tâm tự mãn. Người hộ niệm sơ suất vì trợ duyên quá máy móc, thường xem nhẹ sự hộ niệm. Những cuộc hộ niệm nếu có cũng thường làm như một thông lệ, làm cho an lòng người sống, chứ chính người hộ niệm cũng không đủ niềm tin rằng người được hộ niệm sẽ được vãng sanh.
Có nhiều sơ suất lắm. Có cố công tìm hiểu kỹ mới thấy rõ nhận ra những điều sơ suất mà tìm cách khắc phục. Rồi sau đó, hộ niệm cẩn trọng hơn, hướng dẫn cụ thể hơn, điều giải thiết thực hơn… Ồ!… Một người đã niệm Phật vãng sanh ngay trước mặt mình. Lúc đó mới thật sự giật mình, thật sự tỉnh ngộ, thật sự ngỡ ngàng trước một cảnh vi diệu… Một cảm giác khó diễn tả thành lời.
Xin thưa với chư vị, cần phải có cơ duyên mới giác ngộ. Không có cơ duyên, dễ gì cho con người tin được Pháp Niệm-Phật Vãng Sanh này.
(g): Người không tu, hoặc tu theo ngoại đạo nên không hiểu pháp Phật, thường đánh giá sai lầm chánh pháp của Phật.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Đây là điều bình thường. Những người không biết tu hành không dễ gì thuyết phục cho họ tin vào Pháp Phật đâu. Những người tu theo ngoại đạo, vì không biết Phật Pháp thì làm sao tin Phật Pháp được. Thiếu căn lành thì khó lắm đấy. Ngược lại, những người có túc căn lớn do tu hành được trong nhiều đời kiếp trước, gặp được cơ duyên thì dễ dàng tỉnh ngộ.
Cũng xin chú ý điều này, từ “Ngoại Đạo” nói đây là chỉ cho người không tu theo Pháp của Phật Giáo, chứ đừng nên nghĩ họ là tà ma bất chánh nhé. Có rất nhiều tôn giáo chánh phái trên thế giới này, tâm hồn rất thiện lành, chúng ta phải tôn trọng, nhưng chỉ có đường đi và tôn chỉ khác nhau mà thôi. Giáo lý của họ không có niệm Phật cầu vãng sanh thì làm sao họ có ý niệm về Tây-Phương Cực-Lạc? Thông thường, các tôn giáo đều hướng về một đấng Thượng-Đế, cầu sanh lên một cảnh Trời, còn Phật Giáo chúng ta thì Phật dạy, vị cao cả nhất chính là Chơn-Tâm Tự-Tánh. Như vậy, Thượng Đế của giáo lý nhà Phật chính là Chơn-Tâm này. Chơn-Tâm vốn giải thoát, bất sanh bất diệt, chứ không phải giới hạn trong tam giới còn sanh tử như các cảnh Trời.
Trở về Tây-Phương Cực-Lạc là cảnh giới của Pháp Tánh, nơi đó Chơn-Tâm Tự-Tánh sẽ khai mở, một đời thành bậc giác ngộ, thành Phật.
Cho nên người không tu hoặc không phải là tu học Phật Giáo nên không hiểu rõ giáo lý giải thoát của Phật mà thường đánh giá sai lầm. Vậy thì, khi nghe một người phê phán sai lầm, xin đừng trách cứ người ta, mà hãy thương xót họ, vì họ chưa hiểu. Chưa hiểu đồng nghĩa với chưa thoát nạn được.
Tương tự, đối với một tôn giáo khác, nếu mình chưa hiểu thấu giáo lý của họ, thì cũng đừng nên vội vàng đánh giá sai lầm. Mỗi tôn giáo có một lý tưởng riêng, một hướng đi riêng, tựu trung đều dẫn dắt chúng sanh đi về một cảnh lành là điều tốt. Xin chớ quá cố chấp.
(h): Nhiều người tu theo Phật Giáo nhưng vì không hành theo Pháp Môn Tịnh-Độ, cũng có thể không hiểu thấu Lý và Sự của Pháp Niệm Phật Vãng Sanh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Bên trên là nói người không tu, hoặc tu theo ngoại đạo nên Lý Sự Niệm Phật Vãng Sanh không biết. Còn những người tu học theo Phật Giáo, nhưng không tu theo Pháp Môn Tịnh-Độ, thì cũng không dễ gì hiểu được Lý và Sự của Pháp Niệm-Phật Vãng-Sanh đâu. Xin nhớ cho, Phật Giáo không phải chỉ có một pháp môn, mà có tính đa nguyên văn hóa, là một hệ thống giáo dục sâu rộng của Phật nói ra, bao gồm tất cả những hướng giải thoát cho chúng sanh trong hư không pháp giới.
Phật để lại 84 ngàn pháp môn, nhiều đến vô lượng pháp môn không thể tính đếm được. Tất cả đều là pháp môn phương tiện, dẫn dắt chúng sanh tu tập hướng về sự giải thoát. Pháp môn phương tiện thì vô lượng vô biên, nhưng mục đích chính yếu cuối cùng là làm sao đưa chúng sanh đến chỗ khai ngộ chính cái Chơn-Tâm Tự-Tánh của mình để thành tựu đạo quả. Sự khai ngộ Chơn-Tâm Tự-Tánh là một, là nhất chứ không có khác nhau. “Đồng quy nhi thù đồ”, đồng về một chỗ, nhưng đường đi khác nhau. Có đường khó có đường dễ, có đường dài có đường ngắn. Thế thôi.
Chính vì thế, chúng ta không thể phân biệt chê bai bất cứ một giáo pháp nào của Phật. Mà chúng ta nói là phải chọn pháp môn nào thật sự hợp với lời Phật dạy, hợp với căn cơ của mình để một đời này có thể thực sự được thành tựu.
Phật dạy, thời mạt pháp này chúng sanh nên chọn Pháp Môn Niệm Phật. Ta y giáo phụng hành, chọn lấy Pháp Môn Niệm Phật, quyết lòng trì giữ tu hành, chứ không phải chọn Pháp Môn Niệm Phật mà bài báng hoặc chê bai những pháp môn khác. Chúng ta không chê bai, và không được quyền chê bai những pháp môn khác của Phật. Người nào cho rằng sự chuyên tu là chê bai hoặc khinh thường các pháp môn khác là sự đánh giá sai lệch, vì chính trong kinh Vô-Lượng-Thọ, Phật dạy người niệm Phật cần phải một hướng niệm A-Di-Đà Phật cầu sanh Tịnh-Độ. Xin chư vị nhớ điều này để yên tâm niệm Phật.
Chúng ta phải hiểu rằng có những pháp môn rất khó tu tập, tại vì căn cơ để trì giữ những pháp môn đó đòi hỏi phải rất cao. Những người bình thường như chúng ta mà tu pháp môn đó, thường chỉ để kết chút duyên nào đó với Phật pháp trong vô lượng kiếp sau, chứ đời này phải chịu thua cuộc, không thể thành tựu.
Ngược lại, cũng có những pháp môn tu học rất gần gũi, rất dễ dàng, rất thực tế, nhưng lại không đi đến kết quả giải thoát nào. Có rất nhiều những pháp môn như vậy. Rất nhiều, rất nhiều… Phật gọi, tất cả những pháp môn đó thuộc về Bất-Liễu-Giáo. Ngược với Bất-Liễu-Giáo là pháp môn Liễu-Giáo. Trong 4 điều y cứ cho người tu hành cần phải theo để được thành tựu, Phật khuyên chúng ta nên chọn những pháp môn Liễu-Giáo. Liễu Giáo là giáo nghĩa trọn vẹn, viên mãn. Tu pháp Liễu-Giáo có thể được thành tựu đạo quả viên mãn trong một đời.
Đối với các vị thượng căn thượng trí, thì các Ngài khỏi cần chọn lựa, vì đối với các Ngài thực hành pháp môn nào cũng là Liễu-Giáo, đều có thể được vận dụng tới chỗ Lý-Sự viên dung cả. Còn đối với hàng phàm phu như chúng ta, nhất định có những pháp ta tu trì được, có những pháp ta tu trì không nổi. Hễ pháp môn nào ta tu trì hiệu quả, thì đó là Liễu-Giáo đối với ta. Còn những pháp môn, dù vẫn là chánh pháp, vẫn là pháp vi diệu, nhưng ta tu không được, trì không nổi, thì những pháp này biến thành là Bất-Liễu-Giáo.
Phật dạy rõ ràng như vậy, nhưng nhiều người vẫn còn mơ mơ màng màng, thường có quan niệm sai lầm rằng, hễ pháp của Phật thì pháp nào cũng tu tập được, nên lâm vào tình trạng tu theo Bất-Liễu-Giáo quá nhiều, tu hành khó khăn nhưng kết quả không thể thành tựu được gì cả. Tu hành theo pháp Phật mà rước lấy toàn là thất bại, làm cho Phật bị hàm oan là vậy đấy.
Nhiều người có quan niệm rằng, tu hành là làm thiện lành, tìm một chút phước báu nào đó rồi đời sau tu tiếp. Nhưng khổ nỗi, đến thời mạt pháp này, một khi mất thân người này thì dễ gì lấy lại được thân người ở đời sau. Một sự chứng minh hiển nhiên rằng, hàng vạn người ra đi đều để lại thân tướng xấu ác, chứng tỏ rằng trong đời kiếp tương lai họ gặp đại nạn. Đại nạn này chính là bị rơi vào trong tam đồ ác đạo. Đã rơi vào đó rồi, thì làm sao tu hành, làm sao có ngày thoát ra?!…
Hiểu thấu hiểm họa này, mới thấy Pháp Hộ-Niệm giúp người ra đi lưu lại tướng lành tốt đẹp thật quá tuyệt vời, một đại cứu tinh cứu người tránh khỏi tam ác đạo. Nếu người người đều trân quý làm đúng sự hướng dẫn của Pháp Hộ-Niệm thì người người vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc thành Phật. Một đại pháp cứu độ chúng sanh, giải quyết ách nạn sanh tử quá tuyệt diệu.
(i): Có người tu học Phật nhưng hành trì bất định, hướng giải thoát mông lung, cũng khó hiểu thấu Pháp Hộ-Niệm Vãng Sanh.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Đây là sự bổ túc thêm cho những điều mình vừa mới nói qua. Người học Phật nhưng hành trì bất định thì hướng giải thoát thật mông lung. Tại sao hành trì bất định vậy? Vì tâm không có chủ định dứt khoát đường đi, nẻo về. Cứ thấy người khác tu sao mình tu vậy, chứ không có mục đích nào hẳn hoi. Hiện tượng tu hành theo kiểu nhắm mắt đưa chân rất phổ thông trong thời này. Có nhiều người nghĩ rằng, tu hành là làm chút thiện, tìm chút phước, làm người tốt là được… vô tình đồng hóa việc tu hành giải thoát trong giáo lý nhà Phật thành sự sinh hoạt của một hội đoàn từ thiện xã hội. Thực ra cũng tốt đấy, nhưng tốt tới đâu? Có thành đạo được chăng? Nạn sanh tử luân hồi có thoát được không? Và tu hành như vậy liệu thành quả có so sánh bằng những hội từ thiện của xã hội không? Ôi!… Thua kém nhiều quá đấy.
Tu hành mà định nghĩa quá thô thiển, vô tình đánh mất giá trị của sự tu hành. Vì nghĩ chưa thấu, nên mình cho là tốt mà Phật cho không tốt, chư Tổ cho không tốt. Vì sao vậy? Vì tu một đời vô cùng khổ cực mà không vượt khỏi ách nạn của nghiệp chướng, hậu quả không tốt, kết cuộc không thoát khỏi nạn tam đồ ác đạo, thì vẫn là không tốt. Phật nói, ức ức người tu hành, khó tìm ra một người được giải thoát, chỉ vì đường tu không thẳng, mông lung vô định.
Phật dạy, thời mạt pháp cần phải nương theo Pháp Niệm-Phật mà thoát luân hồi. Ta phải tìm phương thoát sáu đường luân hồi ngay trong đời này, đừng lưỡng lự mà bị kẹt mãi trong vòng khổ nạn. Chúng ta chọn Pháp Môn Niệm-Phật Hộ-Niệm Vãng-Sanh cho vững đường thành tựu, chứ không dám hành trì bất định vậy.
Nhiều người tu hành mà không chủ định ngay từ bây giờ, thấy điều gì hay hay cũng muốn tu thử. Đường tu đã bất định, thì khi đến giai đoạn cuối cùng thân tâm mê mệt, nghiệp chướng báo hại, oán thân trái chủ cài bẫy giăng giăng, lúc đó sẽ càng bất định hơn nữa. Rơi vào những cảnh giới mông lung, hoang man, chới với giữa vạn nẻo đường, làm sao có thể chọn được đường nào sáng để đi!… Tu hành vô định hướng bị thất bại là như vậy.
Chính vì thế, tu hành Liễu-Giáo và Bất-Liễu-Giáo cần xác định cho cẩn thận. Pháp môn của Phật để lại nhiều đến vô lượng vô biên, trong đó cách tu Tự-Lực và Nhị-Lực có sự khác nhau. Với pháp Tự-Lực chứng đắc, thì hàng phàm phu chúng ta tu không nổi, không thể vượt qua ách nạn của nghiệp chướng, thành ra biến thành Bất-Liễu-Giáo. Nương theo 48 đại nguyện của đức Phật A-Di-Đà thì người nào cũng có thể vãng sanh thành tựu Phật Đạo trong một đời này. Như vậy, rõ ràng Pháp Niệm-Phật là đại Liễu-Giáo trong Liễu-Giáo. Chúng ta tu vững vàng như vậy, thì đường thành đạo không còn mông lung nữa. Hiểu thấu rồi thì tin sâu. Tin sâu thì Tín-Nguyện-Hạnh sẽ vững vàng. Tín-Nguyện-Hạnh đã vững mà còn được hộ niệm cẩn thận nữa, thì người nào cũng được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Còn người yếu niềm tin, cứ nghiên cứu tìm hiểu lý này lý nọ, tưởng vậy là hay, nhưng không ngờ rằng, tâm ý mê mờ mà ham lý cao luận diệu càng làm cho tâm hồn phân vân, do dự, càng mơ màng hơn, càng mất chủ định. Phật dạy: “Bất định tụ bất năng liễu tri”, tâm hồn bất định thì không thể hiểu thấu đạo lý vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
Hãy vững tâm vững chí, chuyên nhất niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ, để một đời này vãng sanh thành đạo vậy.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.