THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN
(Tọa Đàm 32)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên, ba điểm quan trọng để vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Hôm nay chúng ta tiếp tục nói về Nhân-Duyên.
“Nhân-Duyên” chính là trong đời này ta gặp được câu A-Di-Đà Phật, niệm được câu A-Di-Đà Phật và phát lòng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, trong đó phương pháp hộ niệm là cái mốc điểm then chốt, cụ thể để giúp cho chúng tathực hiện cuộc hành trình đi về tới Tây-Phương.
Khi đi hộ niệm, xin chư vị phải nhớ cho những điểm quan trọng mà trong những ngày qua chúng ta nhắc đến, đó là: “Chí-Thành, Chí-Kính, Khiêm-Cung” để cầu nguyện A-Di-Đà Phật phóng quang tiếp độ. Trong lúc đi hộ niệm thường thường chúng ta phải cố gắng đoàn kết, bảo vệ, che chở cho nhau. Cố gắng gìn giữ khung cảnh hộ niệm càng trang nghiêm càng tốt.
Nói theo thế gian pháp, người ta gọi là: “Thiên-Thời, Địa-Lợi, Nhân-Hòa”.
Thiên-Thời có thể mình ví như A-Di-Đà Phật phóng quang tiếp độ. Muốn A-Di-Đà Phật phóng quang tiếp độ, xin nhớ làchúng ta phải chân thành, phải cung kính. Niệm Phật phải niệm đều, không nên tỏ ra giận dữ, tức bực hay khó chịu vì một chút sơ ý nào của bạn đồng tu trong lúc hộ niệm. Có như vậy chúng ta mới gìn giữ được công đức. Và nhờ lòng thành chúng ta mới cảm ứng được với A-Di-Đà Phật, chư Đại Thánh-Chúng, Chư Bồ-Tát và chư Long-Thiên Hộ-Phápgia trì cho chúng ta.
Địa-Lợi có thể mình ví như cái Niệm-Phật-Đường, Đạo-Tràng, ngôi Chùa… Thường thường ở nước ngoài thì chúng tachỉ lập một cái Niệm-Phật-Đường rồi cùng nhau tu tập, kết đoàn với nhau để có những bạn đồng tu sát bên cạnh, vững vàng hộ niệm cho chúng ta là được.
Tuy nhiên nếu các Tự-Viện, các Chùa mà đồng thuận thì mình cũng sẵn sàng đến để giúp cho chư vị ở đó phương pháp hộ niệm, hoặc là có thể kết hợp với chư Tăng-Ni, chư Phật tử ở các Chùa để cùng hộ niệm. Việc này rất là tốt!… Muốn làm được như vậy thì chúng ta phải kính trọng họ, chúng ta không được quyền bỏ rơi một người nào hết. Những ban hộ niệm ở trong nước thì vấn đề kết hợp với các Tự-Viện, các Chùa rất là quan trọng.
Mỗi một quốc gia có một luật lệ riêng. Ở Việt Nam chúng ta thường thường có quy định là không cho phép mình tự lậpra một nhóm, rồi tự kết đoàn với nhau để làm đạo, thì chúng ta phải biết giữ giới luật này. Giữ giới đúng nghĩa là giữ luật pháp của quốc gia. Nên ở Việt Nam, Diệu Âm thường khuyên các nhóm niệm Phật, các ban hộ niệm phải kết hợp chặt chẽ với các Tự-Viện, các Chùa và thường là mình nên gia nhập vào trong sinh hoạt của Chùa, tới đề bạt với chư Thầy để mình trở nên một nhóm hộ niệm cho một ngôi Chùa đó thì rất là vững vàng. Có được như vậy thì khi mình hoạt độngkhông có gì gọi là trái phép cả.
Thỉnh thoảng ở Việt Nam có những vị email qua, nói rằng bây giờ các Chùa không cho phép hộ niệm! Nghe như vậy, thìthường thường Diệu Âm trả lời rằng: Các Chùa không cho phép hộ niệm hay là nhiều khi chính các ban hộ niệm lại không thích tham gia với quý Thầy, không chịu cộng tác với Chùa!… Đây là điều tự mình phải xét lấy!…
Nếu một ngôi Chùa không thích hộ niệm thì chúng ta không thể nào tham gia đã đành, nhưng nhiều khi chính những ban hộ niệm thực tế cũng có những quyết định hơi sai lầm!
Đầu tiên là phương pháp hộ niệm này thật ra so với sinh hoạt ở trong nước còn hơi mới mẻ! Vì hơi mới mẻ, cho nênchúng ta cần phải kiên nhẫn và lấy lòng chí thành ra bàn thảo với nhau, thì tự nhiên tất cả đều có thể giải quyết ổn thỏa…
Có nhiều người trong các ban hộ niệm rất sơ ý, nói rằng: Tôi đi hộ niệm không cần tới Chùa làm chi!… Những lời nói này thật sự không hay! Nói theo thế gian pháp là chúng ta làm việc mà bỏ đi yếu tố Địa-Lợi. Chính các ngôi Chùa là Địa-Lợi. Ở đó có sẵn không khí trang nghiêm. Ở đó đã có sẵn Phật tử. Ở đó có những người đang tu học Phật… Chỉ cần chúng ta khôn khéo tới trình bày, thì chắc chắn phương pháp hộ niệm này rất dễ được chư vị tham gia.
Có điều đáng tiếc là thường thường những vị trong ban hộ niệm khi thấy được con đường vãng sanh này rồi thì lại phát tung phát tác lên, sinh ra một vài động thái giống như dạng tăng thượng mạn!… Những điều này vô tình có thể tạo ra sựphân biệt giữa Chùa và Ban-Hộ-Niệm. Điều này thật sự hoàn toàn không tốt!
Làm đạo chúng ta phải biết kết hợp, không được phân biệt. Phân biệt rất dễ lâm vào cái nạn mà đức Thế Tôn đã nói trong thời mạt pháp này, đó là nạn “Đấu tranh kiên cố”. Chúng ta sơ ý tách rời Ban-Hộ-Niệm riêng, Chùa riêng!… Rồi người này chê người nọ, người nọ chê người kia… Vô tình trong lúc chúng ta làm đạo mà lại cấy ra một sự chia cắt giữa pháp này, pháp nọ, giữa Ban-Hộ-Niệm với các ngôi Chùa. Điều này thật sự không tốt! Nhất định không tốt!…
Cho nên mong chư vị cố gắng, là càng kết hợp chừng nào càng hay chừng đó. Lời ăn, tiếng nói, cách cư xử lúc nào cũng hết sức cẩn thận. Nếu không cẩn thận thì chúng ta làm đạo mà coi chừng tạo ra tình trạng gọi là đấu tranh kiên cốvới nhau, làm cho ngôi nhà Phật giáo bị yếu đi. Đó là điều không hay!…
Điểm thứ ba là “Nhân-Hòa”. “Nhân-Hòa” chính là sự hòa hài kết hợp với nhiều người. Vì phương pháp hộ niệm này, thật ra là đối với Việt Nam ta còn hơi mới mẻ, chứ đối với người Hoa, nhất là người Hoa trong Tịnh-Tông thì họ đã thực hiện rất lâu rồi. Từ thời Thiện-Đạo Đại Sư đời nhà Đường đã chủ trương hộ niệm rồi. Các Tổ đều nhắc đến hộ niệm, và trong truyện ký đã để lại rất nhiều chuyện người được hộ niệm vãng sanh. Nhưng riêng ở Việt Nam chúng ta thì vấn đề hộ niệm thật ra cũng khá mới mẻ. Vì khá mới mẻ như vậy cho nên bắt buộc chúng ta cần phải chấp nhận một khoảngthời gian thử thách kiên trì, để cho những người chưa biết về pháp môn Niệm Phật từ từ hiểu ra cái chân lý của pháp hộ niệm. Ngay như các vị Thầy, Cô cũng cần phải từ từ cho các vị nhận ra đây là Chánh Pháp…
Thật ra “Pháp-Hộ-Niệm” chính là “Pháp-Niệm-Phật”. Hộ niệm là hướng dẫn cho người bệnh, người lâm chung biết được:
– Niệm Phật như thế nào?…
– Vãng sanh như thế nào?…
– Được A-Di-Đà Phật tiếp đón như thế nào?…
– Trong lúc ra đi dễ bị những cạm bẫy gì?…
– V.v…
Chúng ta giảng giải rất kỹ cho họ thực hiện. Hộ Niệm thực tế chính là pháp Niệm Phật được ứng dụng một cách cụ thể,chính xác, đúng lúc và cần thiết giúp cho người có duyên nắm vững để đi về Tây-Phương, chứ không có gì khác hơn.
Làm đạo thì tốt, nhưng cư xử thiếu tế nhị thường sanh ra phiền não! Có nhiều vị sau khi đã hộ niệm được một số người có tướng lành vãng sanh rồi, thì thường phấn khởi quá buông ra những lời nói bất cẩn, cách cư xử hơi thiếu phần khiêm nhường!… Từ đó có thể gây ra những điều bất đồng không hay!… Đây chỉ là một lời nhắc nhở chung để chúng tarút kinh nghiệm, sửa chữa…
Ví dụ cụ thể, có những vị ở Việt Nam khi đi hộ niệm đã đưa ra những quy luật như thế này: Khi mà tôi đi hộ niệm, nếugia đình liên lạc với một vị Thầy thì tôi đình chỉ. Nói ra lời này thật sự quá sai lầm! Chúng ta nên biết rằng là có rất nhiều vị Tăng-Ni ở Việt Nam đã ủng hộ chương trình hộ niệm này rất mạnh. Các Ngài rất tha thiết với pháp Hộ Niệm. Nhưng đôi khi cũng có những vị vì chưa thấy qua phương pháp Hộ Niệm, nên có thể ngộ nhận. Đó chỉ là vấn đề cá nhân!… Còn người hộ niệm vừa mới vướng phải sự thử thách này thì lại đưa ra luật lệ: “Nếu gia đình mà kêu một vị Thầy tới là tôi bỏ hộ niệm”. Nói như vậy là vô tình mình vơ đũa cả nắm!…
Đây tuy chỉ là lỗi cá nhân! Nhưng một cá nhân có lỗi thì phải bỏ.
Suy cho cùng, chính mình đã làm sai trước! Trong những giờ nói chuyện sau, chúng ta sẽ cố gắng mổ xẻ cho thật kỹ chỗ này, để các ban hộ niệm, nhất là ở trong nước, phải tự mình tìm ra những lỗi lầm của chính mình trước mà bỏ đi, để chúng ta đi con đường kết hợp chặt chẽ mà làm đạo với nhau, trên dưới đồng thuận mới tốt.
Nhất định cơ duyên này sẽ cứu độ rất nhiều người.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.