41. Khuyên Người Niệm Phật (Buông Xả – Niệm Phật – Vãng Sanh)

Share on facebook
Share on twitter

 

KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT
Tác Giả: Cư sĩ Diệu Âm
Phật lịch năm 2547 / Dương lịch năm 2003

Buông Xả – Niệm Phật – Vãng Sanh

Em Hồng thương,

 

Khi nhận được thư này thì em hãy liên lạc ngay với An để nhận những cuộn video giảng pháp của HT Tịnh-Không, rất quý, trong đó có một cuộn có tựa đề là “Hoa Khai Kiến Phật”, chính là cuộn “Triệu Vinh Phương lão cư sĩ vãng sanh lục ảnh”. Cuộn phim này quay tại chỗ sự việc bà cụ Triệu Vinh Phương niệm Phật vãng sanh năm 1999 tại Trung Quốc. Chắc em đã nghe được rồi trong những thư khác của anh phải không? Theo anh Năm nghĩ, người nào coi được cuộn video này là đã có nhiều duyên lành lắm đó. Không dễ gì coi được tận mắt cảnh “thế nào là Vãng Sanh về Tây-phương Cực-lạc” đâu, vì không dễ gì mà có người chịu cho quay phim hay chụp hình lúc họ đang vãng sanh. Vào thời điểm quan trọng nhất của cuộc đời tu hành, không ai dám sơ ý làm vọng động đến thần thức đang vãng sanh, nhưng ở đây gia đình đã biết chắc chắn cụ Triệu được vãng sanh mới cho con cháu quay lại tại chỗ, vô tình cuộn phim này đã trở thành bảo vật cho những ai tu Phật, là bằng chứng rõ rệt chứng minh cụ thể những lời Phật dạy trong kinh không sai một chút nào. Chắc chắn là thực, và đây cũng để trả lời cho những ai còn đặt câu hỏi.

 

Hẳn nhiên rất nhiều người được vãng sanh, mỗi người vãng sanh một kiểu, nhưng tựu trung đều có những điểm giống nhau như: biết trước ngày giờ ra đi, tỉnh táo niệm Phật tới hơi thở cuối cùng, thấy Phật A-di-đà đến tiếp dẫn, Phật quang chiếu xúc, hương thơm bay ra, hiện ra tướng lành, đôi khi để lại xá lợi, v.v… Tất cả những hiện tượng này đều được Phật nói rõ ràng trong các kinh A-di-đà, Quán Vô Lượng Thọ, Niệm Phật Ba-la-mật, và nhất là kinh Vô-Lượng-Thọ. Tại Niệm Phật Đường ở đây cũng vừa nhận được một tin vãng sanh nữa, đó là phụ thân của ông thư ký trong Hội Niệm Phật ở Sydney, mới vãng sanh vào ngày 30/5/2001. Đó là cụ Trần Văn Lâm, họ vừa chụp hình dán trên bảng với rất nhiều ngọc xá lợi màu xanh lục. Nên nhớ xá lợi và ngọc xá lợi khác nhau. XÁ LỢI là xương, thịt, máu… tựu cứng rắn lại như ngọc thạch nhưng chưa thành viên ngọc, còn NGỌC-XÁ-LỢI thì đã biến thành tròn như viên ngọc, láng như ngọc thạch bằng hạt gạo, hạt đậu, hạt bắp v.v… Cụ Trần Văn Lâm, trên hình chụp để lại có cả hai thứ, anh thấy rất nhiều xá lợi đã biến thành viên ngọc cho nên anh gọi là NGỌC-XÁ-LỢI. Đại khái trong tờ giấy thông báo họ viết rằng, cụ Trần Văn Lâm niệm Phật vãng sanh vào ngày 30/5/2001. Trước ngày vãng sanh cụ cho biết đã thấy Phật A-di-đà tới thọ ký. Cả gia đình đều niệm Phật hộ niệm suốt 16 ngày sau đó. 16 ngày sau mới hỏa táng nhưng thân thể cụ vẫn mềm mại, da hồng hào ra, nét mặt vẫn tươi tắn. Đặc biệt của cuộc vãng sanh này là khi vãng sanh nét mặt cụ hoàn toàn thay đổi và trẻ lại cũng cỡ 10 tuổi, những nét nhăn trên mặt đều biến mất. Đây là đọc theo lá thư thông báo bằng tiếng Hoa dán trên bảng. Sau này nếu có thêm chi tiết anh bổ túc sau, tựu trung cũng là vậy thôi. Anh Năm có chụp hình lại, sẽ gửi cho em và bà con mình coi. Hồi giờ những người Niệm Phật vãng sanh quá nhiều, cho nên ở đây đã trở thành chuyện bình thường. Hễ cứ có người về với Phật họ chụp một tấm hình dán lên bảng và thông báo ngày giờ ra đi và thêm vài chi tiết là đủ rồi. Còn ở các nơi có lẽ họ cho là chuyện hoang đường. Ôi, thì tùy duyên đi! Nhưng để tạo thêm tín tâm vững chắc, từ hôm nay anh Năm sẽ cố gắng thu thập những tin tức này thật chính xác, được bao nhiêu hay bấy nhiêu, gởi về cho các em và gia đình coi may ra ai tin tưởng phát tâm tu hành thì tốt cho người đó.

 

Trở lại chuyện cụ Triệu Vinh Phương, anh nghĩ có lẽ đây cũng là một sự cảm ứng bất khả tư nghì. Cụ vãng sanh gần ba năm nay rồi, từ năm 1999, lưu lại phim ảnh trong niệm Phật đường mà anh Năm không hề hay biết gì cả, vì thực ra mỗi ngày tới Niệm Phật Đường niệm Phật xong rồi về. Cứ gặp ai chắp tay “A-di-đà Phật” là xong, cho nên không biết gì nhiều…. Đây là một cuộn phim quá hiếm có, quá quý báu. Các em thật là có duyên. Hãy cố gắng truyền cái duyên này cho người khác nhé.

 

Cụ Triệu Vinh Phương rất hiền, bà có tin Phật nhưng bắt đầu tu Phật rất trễ. Năm 1994 lúc đó gần 90 tuổi cụ mới quy y Tam Bảo. Quy y xong, có lẽ do thiện căn phúc đức bỗng nhiên thành tựu, cụ hiểu đạo và quyết tâm buông xả thân tâm, trường trai giữ giới, quyết lòng niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ. Năm 1998, hai lần cụ thấy Phật xuất hiện giữa không trung thọ ký. Lần thứ nhứt khoảng 3 giờ sáng, khi cụ thức dậy nhìn qua cửa sổ thấy ánh quang minh sáng rực, Đức Bồ-tát Quán Thế Âm hiện ra. Hai tuần sau khoảng bốn giờ sáng, cụ ra ngoài sân tự nhiên trên không trung có hào quang sáng rực cả bầu trời, Đức Phật A-di-đà hiện thân thọ ký. Từ đó bà cụ biết được năm sau mình sẽ vãng sanh. Cụ bắt đầu buông xả rốt ráo, quyết một tâm nguyện cầu sanh về với Phật mà thôi.

 

Người ta kể lại, cụ có hai chứng bệnh rất ngặt nghèo là bệnh bao tử và bệnh tim khá nặng, cụ không thèm uống thuốc nữa. Trong đời, cụ rất quý sợi dây chuyền có tượng Phật làm bằng cát ở sông Hằng Hà bên Ấn Độ, nơi Đức Phật thường ngự đến, cụ cũng bỏ luôn. Làng xóm người thân tới thăm, cụ cứ việc ngồi đó tay lần chuỗi, miệng niệm Phật không trả lời, không bàn tán, riết rồi người ta cũng phải cáo từ ra về. Đến những ngày tháng gần vãng sanh cụ niệm một ngày trên 40 ngàn câu “A-di-đà Phật”. Ba tháng trước khi vãng sanh cụ biết trước ngày giờ ra đi. Chính vì thế mà con cháu trong gia đình họ chuẩn bị rất kỹ để hộ niệm. Trong ngày ra đi, bốn lần Đức Phật A-di-đà hiện ra tiếp dẫn. Mỗi lần Phật tới cụ đều thấy và mọi người cũng thấy được quang minh của Phật sáng rỡ khắp nhà, hương thơm thoang thoảng khắp nơi. Phật quang sáng đến nỗi trong đêm khuya mà có thể thấy từng cái bàn cái chén vậy đó. Cụ niệm Phật tới giây phút cuối cùng, trước khi từ biệt cụ còn cầm xâu chuỗi quấn vào cổ tay phải bốn vòng cho khỏi bị rớt rồi mới nằm theo thế “kiết-tường” ra đi trong tiếng niệm Phật của con cháu và người hộ niệm. Người ta tiếp tục hộ niệm mấy ngày sau mới liệm, nhục thân của cụ vẫn mềm mại, không cứng. Cũng nên nói thêm là liệm ở đây hơi khác với người Việt Nam chúng ta, họ để nguyên vậy, quấn vải trắng rồi cho vào lò thiêu luôn. Cái lò thiêu giống như cái chum trộn hồ xây nhà vậy. (Có lẽ bên Trung Quốc còn nghèo). Khi hoả táng xong có một số xá lợi, đặc biệt nhất là một ống xương của cụ đã biến thành một tượng Phật cao cỡ 3 tấc, và một đốt xương khác biến thành đài sen. Người ta đem tượng Phật xá lợi đặt vừa gọn vào đài sen. Hiện bây giờ tượng này vẫn còn để trước di ảnh của cụ để thờ.

 

Thật là lạ, vô cùng ngạc nhiên! Khó thể tưởng tượng được! Đây phải chăng là một sự chứng minh rõ ràng rằng pháp Phật nhiệm mầu! Tối ư vi diệu! Bất khả tư nghị! Trước đây, có một thư chị Ngọc của em nói hồi giờ Ngọc chưa nghe và chưa thấy ai vãng sanh mà biết trước ngày giờ ra đi cả. Anh trả lời rằng, nhiều khi con chuột ăn cắp trứng gà ngay trong nhà mình mà mình không hay, thì làm sao đòi thấy cho hết chuyện lạ thế gian, cho nên chuyện mình không thấy không có nghĩa là không có. Bây giờ là cơ hội cho Ngọc thấy, em cố gắng sang ra gởi về An Thái nhé. Anh tin tưởng người nào có được thiện căn phúc đức, coi tới cuộn phim này, là duyên lành cho họ thấy con đường giải thoát.

 

Con đường đó là gì? Chính là Niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ, đã được đức Phật A-di-đà cùng chư Phật đặt ngay trước mũi bàn chân của mỗi người mà không hay. Em Hồng, hãy nhìn cụ Triệu Vinh Phương rồi suy nghĩ và nói lên sự suy nghĩ của em với bà con để gieo duyên Phật cho họ, tặng cho họ con đường giải thoát. Công đức lớn lắm đó em ạ.

 

Bà cụ tu bao lâu? Chưa tới 5 năm (94 đến 99). Cụ không thông minh, không rành kinh điển, không nghiên cứu sách vở Phật giáo, không có chức cao trọng vọng. Cụ chỉ là một cụ già lụm cụm! Cụ không có gì cả! Ấy thế mà cụ đã được tất cả, cụ đã viên mãn Phật Đạo chỉ trong 5 năm tu hành, chính nhờ vào TÍN-HẠNH-NGUYỆN đầy đủ. Cái nguyện đầu tiên của Phật A-di-đà là Ngài kiến tạo Tây-phương Cực-lạc không có ba đường ác (nguyện thứ 1), người nào sinh về đó không còn có thể rơi vào tam ác đạo nữa. Cụ chắc chắn đã thành A duy việt trí Bồ-tát (tức là bất thối Bồ-tát) tại thế giới Tây-phương rồi cứ thế tiến thẳng lên đến quả vị Phật chỉ trong một đời mà thôi. Với cái đắc của cụ mấy ai đạt tới được! Chúng ta tâm phàm mắt thịt không biết là cụ đã đạt tới phẩm vị nào trong chín phẩm, nhưng người đã được đức Phật A-di-đà thọ ký, Phật hiện ra ngay lúc còn sống, theo như kinh Vô Lượng Thọ, phẩm 24 Tam Bối Vãng Sanh nói, thì phẩm vị của cụ không thể thấp được. Người vãng sanh hạ phẩm chỉ mộng thấy được Phật, nghĩa là người đó âm thầm thấy Phật lúc lâm chung mà thôi. Còn ở đây cụ mấy lần thấy Phật hiện ra ngay khi còn tỉnh táo đâu phải là chuyện đơn giản!

 

Em nghĩ thử, có nhiều người tu suốt đời, thế mà đến phút lâm chung nhiều khi vẫn mê mê mờ mờ chưa biết đi về đâu, liệu có tới được Hạ-hạ phẩm vãng sanh không! Trong khi bà cụ hiền lành chất phác, không hiểu gì nhiều về Phật pháp, không biết nói hoa nói mỹ, không biết làm văn làm thơ, chỉ biết một câu Phật hiệu “A-di-đà Phật” trong 5 năm thôi, một thời gian ngắn ngủi, mà vượt thoát sanh tử lục đạo luân hồi, vượt thoát tam giới, tiến thẳng về cảnh giới Phật, trở thành bậc bất thối Bồ-tát ở Tây-phương Cực-lạc. Rõ ràng là một đời thành Phật. Vi diệu không thể tưởng tượng! Đó là em chưa thấy những cảnh đứng vãng sanh, ngồi vãng sanh, hẹn ngày vãng sanh, giống như chuyện thần thoại trong phim ảnh vậy. Thấy được chắc có lẽ mình phải giựt mình té xỉu! Sự vi diệu không còn bút mực để diễn tả. Tất cả đều là sự thực.

 

Em Hồng, hãy lặng tâm suy tư một chút để cảm nhận cái vi diệu từ cuộn phim này. Rõ ràng một câu Phật hiệu có thể đưa một chúng sanh vượt qua hơn mười vạn ức cõi Phật để định cư tại thế giới Tịnh-Độ. Thế mà có nhiều người không tin, không biết! Có người còn dùng cái kiến thức riêng của mình để luận giải kinh Phật, họ nói rằng cõi “Cực-lạc” là ngay trong tâm, Tịnh-Độ là tại đây chứ không ở đâu xa cả, còn những danh từ như “tam ác đạo”, chẳng qua hàm chỉ cho “tham sân si”, Cực-lạc là sự an lạc trong tâm hồn, mười vạn ức là những dụ ngôn tượng trưng, v.v… Những sự luận giải đó hãy để cho họ tự khai diễn đi, còn chúng ta phải thành tâm tin Phật, một lòng y theo kinh Phật tu hành. Ai nói sao kệ họ, chớ bày tranh cãi làm chi mà tâm bị loạn, không tốt.

 

Nên nhớ, lý luận hay chưa phải là tu hành hay đâu! Muốn biết tu hành thế nào là hay thì hãy nhìn bà cụ Triệu Vinh Phương. Muốn được giải thoát phải tin kinh Phật theo đúng thực nghĩa của nó. Không nên vọng ngôn, ỷ ngữ, để chứng tỏ ta là người thông minh mà coi chừng bị lọt lại trong lục đạo khổ hải này muôn ngàn kiếp đó em ạ!

 

Học Phật phải xác định mục đích rõ ràng thì mới khỏi uổng phí công phu tu tập. Muốn về với Phật để thành Phật thì Phật nói sao mình làm vậy, Phật dạy “Niệm Phật Thành Phật” thì cứ niệm Phật như cụ Phương là đủ rồi. Còn cứ lao chao chạy theo sở thích thế nhân để khoe cái danh hão huyền, tìm ít tiếng khen vô tích sự thì coi chừng oan uổng cuộc đời, không còn hơi để khóc. Anh nói vậy chắc em hiểu chứ?!…

 

Trong Thiền học thường có câu “Trực chỉ nhơn tâm, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Phật tại Tâm chứ cần chi tìm ở đâu xa. Đúng đó! Tuy nhiên, cũng phải biết rằng có Phật trong tâm và cũng có vô lượng vô biên Phật ở khắp các quốc độ. Chư Phật đó đã thành Phật rồi, đây là sự thật. Bên cạnh cũng có vô lượng vô biên những vị “Phật” chưa thành Phật, họ đang tìm đường để thành Phật, hoặc lạc đường lưu lõng khắp nơi, đây cũng là sự thật. Những vị Phật ấy chính là chúng ta đây. Chơn tâm của ta chính là một vị Phật. Nhưng oan uổng thay, vị Phật của ta đã bị vô minh trọng trược bao phủ mất rồi!

 

Tâm của ta đã mê rồi, thì trong cái mê này làm sao ta nói được lời giác, hiểu được điều giác, thấy được cảnh giác? Tự thấy được chân tâm, kiến được chơn tánh chỉ dành cho những người thượng căn thượng trí, những bậc thiên tài xuất chúng, những vị Bồ-tát tái lai. Ở họ nghiệp chướng phiền não nhẹ, tự họ có thể đột phá vô minh để “kiến tánh thành Phật”. Còn người thường thấp kém như chúng ta làm sao dám mơ đến chuyện đó! Nhất là thời mạt pháp này, thời đại của ma chướng trùng trùng, sẵn sàng bẩy ta vào ma lộ, nghiệp chướng nặng như núi Tu-Di của chính ta sẵn sàng dìm ta vào tận đáy của bể khổ nạn. Cho nên chư Phật trong kinh, chư Tổ-sư nhiều lần cảnh cáo rằng đời mạt pháp vạn người tu khó tìm một người đắc, chỉ còn có phương pháp niệm Phật, nhờ Phật lực gia trì mới thoát được mà thôi.

 

Cứ nhìn vào cuộn phim “Hoa Khai Kiến Phật” thì biết Cực-lạc quốc độ của Phật A-di-đà là một thế giới có thực, vì có thực nên cụ Triệu Vinh Phương mới vãng sanh, biết trước ngày giờ “di cư”, mới có Phật tới tiếp dẫn. Nếu không có Phật làm sao có quang minh của Phật chiếu tới sáng cả nhà, làm sao cụ nói được: “À, Phật tới rồi”. Có nhiều người cho đó là vọng tưởng hay sản phẩm của tâm thức. Lý luận này cũng có lý. Nhiều người tu hành tâm chưa thanh tịnh, nhưng vì vọng tưởng, tham chứng đắc nên thấy những hiện tượng hư vọng xảy ra. Nhưng vọng tưởng thì đối với người sắp chết tâm trí mê mệt, chứ những người hộ niệm chung quanh có mê mệt đâu? Hơn nữa coi trong phim có thấy bà cụ có mê mệt phút giây nào đâu? Người niệm Phật lúc lâm chung tâm hồn không điên đảo, thì A-di-đà Phật cùng chư Thánh chúng hiện ra tiếp dẫn (Kinh A-di-đà). Cho nên, tâm không điên đảo thì làm sao có ảo giác của tâm thức?

 

Trong kinh Phật dạy rằng đức Phật A-di-đà có “Quang minh vô lượng chiếu khắp mười phương, hơn hẳn chư Phật khác, sáng hơn ánh sáng mặt trời ngàn ức vạn lần” (VLT, Ph.6, Ng.13). Nếu người nào phát tâm Vô Thượng Bồ-đề một hướng chuyên niệm “A-di-đà Phật”, “…rồi tùy kỷ tu hành lấy những công đức đó hồi hướng về thế giới Cực-lạc. Người đó lúc lâm chung sẽ có Phật A-di-đà hóa hiện thân đến, tướng hảo có quang minh chiếu sáng như Phật thực, cùng các Thánh Chúng trước sau vây quanh hiện ra trước mặt để nhiếp thọ hướng dẫn. Người kia liền theo vị Hóa Phật sanh về nước Cực-lạc, thành bậc Bất Thoái Chuyển, đến quả Vô Thượng Bồ-đề” (VLT, Ph.24). Đây là kinh Phật nói, chắc chắn chân thật chính xác.

 

Em Hồng, em nên biết rằng vào thời mạt pháp này, trong Phật giáo có xuất hiện nhiều sắc thái, chánh có tà có. Đây là sự thật! Đây không phải là Phật giáo có chánh có tà, mà tại vì con người có tà có chánh. Nói đúng hơn, đây là thời kỳ tà phái lộng hành, nhiễu loạn vào Phật giáo. Trên đường tu hành em cần phải cẩn thận. Người Phật tử cần biết củng cố lòng tin kiên định để khỏi bị lung lay và khỏi bị lôi cuốn vào đường tà tri tà kiến. Lá thư này anh viết hơi dài cũng nhằm mục đích củng cố lòng tin đó cho em. Trên đường giải thoát có thể gặp nhiều trở ngại, em nhứt định giữ lập trường, bám chặt câu Phật hiệu “A-di-đà Phật” mà tu thì sẽ tới Tây-phương Tịnh-Độ, không lo sợ lạc đường. Nên nhớ.

 

Trở lại chuyện bà cụ vãng sanh. Cụ thành tựu là nhờ gì đây? Thành Tín, Buông Xả! Đặc biệt nhất của cụ là sự buông xả. Tại sao người tu nhiều năm không được vãng sanh? Vì không buông xả. Đây là lời huấn thị thường xuyên của HT Tịnh-Không. Tại sao không buông xả? Vì không nhìn thấu vũ trụ nhân sinh. Vì sao không nhìn thấu? Vì vô minh. Vì sao vô minh? Vì vọng tưởng, chấp trước, vì thế trí biện thông đã đánh lạc hướng trí huệ. Chính vì điểm này mà những người học cao hiểu rộng rất khó tu hành. Họ là những người thông minh, nhưng tâm hồn của họ đã bị tràn ngập bởi tư tưởng, kiến giải, khoa học thế gian. Phật học là tâm chứng, khoa học là nghiệm chứng. Tâm chứng thuộc về trí huệ, nghiệm chứng thuộc về trí thức, hai sự chứng đắc khác nhau. Người chạy theo trí thức thuộc thế gian pháp, khó có thể nhập vào Phật môn.

 

Cho nên, người tu hành mà còn ham chạy theo bằng cấp thế gian, kiến thức phổ thông, rất dễ bị lạc đường. Những cái dạng biến Phật giáo thành một thứ “Khoa học siêu thực”, một dạng “Triết lý sống” thường là sản phẩm của những “nhà trí thức” trong nhà Phật hiện nay. Họ thường hay đánh bóng Phật giáo bằng danh từ khoa học, bằng luận lý triết học rất hay! Tốt chăng? Lỡ cỡ hàng hai, sai lời Phật dạy, không cứu độ được ai. Thật đáng tiếc!

 

Buông xả là sao? Không phải bỏ làm việc, bỏ công ty, bỏ nhà cửa, liệng tiền bạc qua cửa sổ, mà chính là tâm biết buông xả. Thiền Tông chủ trương “trực chỉ nhân tâm” chính là chỉ cho sự buông xả này. Vì không buông xả vạn duyên, còn chấp vào ngoại cảnh thì làm sao “đi thẳng vào nhân tâm” được. Có “Trực chỉ nhân tâm” mới “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Đây là con đường đốn ngộ, nhanh chóng. Đây là pháp môn tu tối thượng của Phật. Nhưng muốn tu pháp tối thượng thì tâm cơ phải thượng thượng căn. Hàng trung hạ căn không có trí huệ sắc bén mà tham cái danh “Tối Thượng” thì sẽ bị rớt đài, không thể trực chỉ vào tâm để minh tâm kiến tánh được đâu! Còn bên Tịnh-Độ dạy “Thâu nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế, … bất giả phương tiện, tự đắc tâm khai”. “Thâu nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế” là trực chỉ nhân tâm; “Bất giả phương tiện” là buông xả mọi thứ; “Tự đắc tâm khai” là “Minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật”. Danh từ tuy khác nhưng ý nghĩa giống nhau. “Niệm Phật thành Phật”hơn được một điều tối quan trọng, là nhờ được lực gia trì của Phật A-di-đà cùng chư Phật mười phương hộ niệm, nên sự thành tựu nhanh chóng dễ dàng.

 

Tất cả pháp môn của Phật đều dạy chúng ta trở về chính cái tâm của mình. Phật dạy “Vạn pháp duy tâm”, tất cả cảnh giới đều hình thành ngay trong tâm chúng sanh. Sơn hà đại địa, ngay cả cái thế giới ngũ trược ác thế này cũng do tâm biến hiện ra. Lý đạo này hơi khó hiểu! Nhưng suy cho cùng lý thì nó đúng như vậy. Vạn pháp duy tâm thì: động đất, lũ lụt, bão tố, hạn hán, tai nạn, chiến tranh, nghèo đói, giàu có, tốt xấu, hiền dữ… tất cả đều kết thành từ tâm địa của chúng sanh. Nghĩa lý khó tin quá! Nhưng khi hiểu được Phật pháp rồi mình mới thấy cái lý lẽ thâm sâu, xác đáng.

 

Nhìn xem, sống chung trong một xã hội có người thấy địa ngục có người thấy thiên đàng; cùng một môi trường có người hạnh phúc có người khổ đau; cùng một gia đình có người hiền có người dữ. Ngay chính nội trong một người cũng có lúc là Phật, có lúc là ma! Một quốc gia có nhiều người hiền lương thì nước đó giàu có, nhiều người nhân hậu thì sống hoà bình, nhiều kẻ gian dối hung hiểm thì chiến tranh liên miên, động đất liên tục, phong ba, bão táp, tai nạn dồn dập. Rõ ràng vạn pháp chỉ từ cái tâm nó làm ra hết tất cả. Cái tâm địa nó biến đổi hoàn cảnh, hoàn cảnh lại ảnh hưởng ngược lại cái tâm. Nhân-Quả, Quả-Nhơn cứ thế xoay quần mà rối bùng ben. Con người nếu cứ lăn xả vào đó thì đành chấp nhận đau thương vạn kiếp trong sinh tử khổ ải của lục đạo luân hồi khó có ngày giải thoát.

 

Em Hồng, đọc đoạn thư này em hiểu được gì không? Trong cảnh mê muội nào đó người ta thường hay chấp vào pháp này pháp nọ. Chứ thực ra, đạo của Phật là con đường cho chúng sanh theo để đạt mục đích giải thoát. Như vậy, đạo Phật là con đường giúp chúng sanh thành Phật.

 

Pháp môn: là phương tiện; Tu hành: là bước tiến; mục đích là để thành Phật. Nếu ba vấn đề này đồng bộ với nhau thì ta đi đúng, cuối cùng ta thành đạo Bồ-đề. Nếu phương tiện là “xuôi”, tu hành là “ngang”, mục đích là “xéo” thì sự tu đó không có cứu cánh viên mãn. Muốn biết con đường mình đang đi đúng hay sai thì nhìn vào cái mục đích đến gần hay xa? Dễ hay khó? Cụ thể hay phiêu phỏng? Lấy những câu hỏi đó làm mẫu mực căn bản cho sự phát tâm tu trì, chứ đừng nên sơ ý cứ nói rằng không phân biệt là cứ gặp đâu tu đó, hoặc tự ái ngã mạn, thì coi chừng phí công, uổng sức! Tu hành mà bừa bãi, không nghiên cứu kỹ về LÝ và CƠ, không theo đúng lời Phật dạy,… là một sự cẩu thả vô trách nhiệm với chính huệ mạng của mình chứ không phải là sự hòa hợp giáo pháp Phật đâu.

 

Anh phân tích vài việc cụ thể cho em biết, ví dụ ngày 25/9/01 khi anh vừa ở ngoại quốc về tới Úc, nhận được thư của Vân, nói rằng cô Bốn đang đau nằm bệnh viện, cô Ba bảo đọc kinh Thủy-Sám để cầu giải nạn. Vân tin theo và nhờ anh Năm đọc kinh Thủy-Sám cho Cô. Đây rõ ràng là một phép tu, dù rằng Thủy-Sám xuất hiện trong thời nhà Đường bên Trung Hoa để giải nạn cho Ngài Ngộ Đạt Thiền Sư, có thể có lưu hành trong một số chùa. Tuy nhiên, nói để hết bênh thì may mắn có thể được, chứ còn để giải nạn cho cuộc đời thì không thể được. Trong điều kiện của cô Bốn hiện thời lại càng không thể. Đây rõ ràng phương tiện thì “xuôi” vì tụng kinh ai tụng cũng xuôi hết; bước tiến thì “ngang” vì càng tu càng khó thành tựu; mục đích thì “xéo” vì không đi tới đâu cả. Chữa bệnh cần gì phải tu, bác sĩ họ chữa cũng được vậy. Ấy thế, tu hành cục bộ, không biết hướng đi, đụng đâu tu đó, chỉ hưởng được một chút công đức, không giúp ích được gì cho huệ mạng cả! Tình trạng của cô Bốn bây giờ quá yếu, thở ra không hít vào là xong, làm sao dám bừa bãi được! Mong rằng em tìm cách cho Vân đọc được cái thư này nghen.

 

Một ví dụ nữa, như cha anh hồi giờ tu theo cái đạo làm người. Đây đúng là: phương tiện thì “xuôi”; bước tiến thì “ngược”; mục đích thì “đứng tại chỗ”, vì đã làm người rồi, mà tu cầu cho được tái sinh trở lại làm người thì đứng im một chỗ chứ còn gì nữa! Theo định luật tiến hóa tự nhiên, hễ đứng lại tức là lùi, lùi là “ngược!”. Ngược tới đâu? Đến chỗ khổ nạn! Cho nên càng tu càng khó giải thoát. Chính vì thấy được điều này mà anh Năm ngày đêm năn nỉ muốn chảy máu trong tim, để mong cho người tỉnh ngộ, mau mau niệm Phật để được về với Phật.

 

Như vậy, tu hành là gì? Tu: là tu sửa, cải đổi lỗi lầm sai trái; Hành: là hành vi, tạo tác, tư tưởng… sai trái của mình. Tu hành là sự sửa sai liên tục cái hành vi kiến giải của mình cho đến khi được hoàn toàn tốt đẹp. Phật giáo là nền giáo dục viên mãn nhứt, không những giúp ta rửa sạch nhưng tội lỗi trong đời này, mà còn cứu ta thoát ra khỏi tam đồ lục đạo, vượt qua tam giới, tiến thẳng vào cảnh giới của chư Phật, viên thành Phật Đạo. Như vậy cái tôn chỉ của Phật trước sau vẫn chỉ là muốn cứu độ tất cả chúng sanh viên mãn thành tựu đạo Bồ-đề. Khi đã thành tựu Phật đạo thì tất cả khổ nạn đều được giải toả. Làm sao thành tựu được Phật Đạo? Di cư về được tới Tây-phương Cực-lạc thì chắc chắn viên thành Phật đạo. Chưa về được đến thế giới Cực-lạc thì vẫn còn có thể bị đọa lạc. Với thời mạt pháp này, cơ hội thoát ly tam giới khó như mò kim đáy biển. Dù phước đức có lớn, được sống sung sướng giàu sang và có quyền lực mạnh tới đâu, đến ngày tàn cuộc không ai tránh khỏi phải đối diện với một thực trạng não nề chua xót! Khóc dở chết dở! Lúc đó hối hận cũng thành muộn màn!

 

Tất cả vạn sự đều do tâm tạo. Như vậy muốn giải thoát phải xoay cái tâm, phải chuyển cái tâm. Cái tâm đã chuyển thì môi trường chung quanh sẽ chuyển theo và vũ trụ pháp giới sẽ chuyển theo. Vạn pháp là mộng huyễn bào ảnh, vạn vật không thực, nếu cái tâm mình cứ bám vào đó thì cảnh giới của mình sẽ đi vào chỗ không thực. Cái gì là không thực? Những cái không thường tồn, tan hoại, biến diệt, tà vạy… là không thực. Ví dụ, Cô Bốn cầu cho hết bệnh. Cầu lúc nào? Lúc đau gần chết, vì sợ chết mới cầu. Vì còn tham tiếc cái thân tứ đại mục nát này, nghĩa là tâm còn tham đắm vào cái thế giới vô thường này thì làm sao giải thoát. Tu mà cầu trở lại làm người thì tu có tinh tấn tới đâu, thành tín tới đâu cũng chỉ được làm người, tốt xấu chưa nói tới, làm sao có ngày thành Phật đây?!!

 

Học Phật cũng giống như học trường đời vậy, người cầu tới tiểu học thì tới tiểu học, người cầu chỉ biết đọc biết viết thì làm sao có ngày thành tiến sĩ. Cho nên hễ cái tâm của mình chấp ở đâu thì tương lai của mình hy vọng sẽ tới ở đó. Con người sống trong thế giới này thực sự đang chạy theo vật chất. Bao nhiêu những thứ chấp trước, thị phi, nhân ngã, địa vị, quyền lợi, danh vọng, tiền bạc nó trói chặt con người hàng trăm ngàn lớp. Cái thế giới hiện thực làm mờ chơn tâm, làm cho con người không dễ dàng chấp nhận sự giải thoát của Phật đã hiến dâng cho chúng sanh. Người bình dân thì quá hiền lành mà thành mê muội, nhưng những người trí thức thông minh cũng vẫn có thể bị chướng ngại, nhiều khi còn nặng nề hơn, vì họ mạnh miệng bài bác những sự việc gì gọi là thiếu “khoa học”. Bất cứ cái gì không được “khoa học” chứng minh thì bị loại bỏ. Thậm chí ngay trong giới Phật giáo cũng có hiện tượng lường lọc kinh Phật theo cái nhìn của khoa học. Những tư tưởng này đang canh tân hóa Phật giáo, biến giáo pháp của đức Thích-ca thành thứ “Khoa-Học-Phật-Giáo”, hoặc “Triết-Lý-Phật-Giáo”. Thật thương hại! Họ đâu có biết rằng, cái gọi là “khoa học” chẳng qua cũng chỉ là thứ nghiệm chứng còn quá hạn hẹp trong phạm vi của pháp thế gian hữu lậu, vô thường mà thôi! Khoa học này có trường tồn được không? “Vạn pháp giai không”, nó biến mất trên thế gian này hồi nào không hay!

 

Cái kiến thức thế gian vô cùng hạn hẹp. Cái thế giới hiện tượng này quá sức cục bộ so với chân tướng của vũ trụ nhân sinh. Cái trí thông minh của chúng ta rất nhỏ bé so với cái trí huệ của Phật. Khoa học càng ngày càng phát triển, càng khám phá ra nhiều chuyện lạ, nhưng họ đâu biết được rằng, những chuyện đó đức Phật đã nói rõ từ mấy ngàn năm về trước. Ví dụ như ngày nay ta mới biết đến vi trùng, thì trong kinh Phật đã có câu, “Phật quán nhứt bát thủy, bát vạn tứ thiên trùng”. Ngày nay ta mới biết cơ cấu phân tử, nguyên tử, thì Phật trong kinh Thám Huyền Ký đã bảo một cái búng tay có 60 sát-na, một sát-na có 900 cái sinh diệt. Cho nên trong kinh Lăng Nghiêm, Phật nói thân thể của chúng ta chết sống sống chết liên tục, chứ đâu phải ta chỉ có một thân này đâu. Không gian này là đa chiều, ta chỉ thấy được một hai chiều thì đã khoe rằng khoa học là hay. Còn biết bao nhiêu “chiều” bí mật khác trong kinh Phật, chừng nào khoa học mới khám phá ra đây?

 

Ngày nay TV, điện thoại cầm tay, máy móc điện tử, mở rộng cho ta thêm cái ý niệm về không gian đa chiều. Nhưng khoa học đã khám phá được tới đâu? Bao giờ họ mới hiểu được cái hình trạng của thế giới Tây-phương Cực-lạc? Không bao giờ! Nghĩa là vĩnh viễn cái “thế trí biện thông” của con người trần tục mãi mãi vẫn chỉ là cái “tri thức hữu lậu”, chuyên môn chạy lòng vòng bên ngoài chân lý, không thể nào thâm nhập được cảnh giới của Phật. Muốn nhập vào chân tướng của vũ trụ nhân sinh này chỉ có cách là dùng tâm Phật mới thấy được mà thôi. Đó là lời Phật dạy.

 

Thôi thư cũng đã dài, anh Năm khi viết thư cứ mê man nói quên mất chỗ ngừng. Hôm nay anh nhấn mạnh với em cái giá trị của sự “BUÔNG XẢ” để thành Phật. Buông xả từ cái tâm, tập cho cái tâm buông xả thì những thứ khác nó buông xả theo, ví dụ mình làm thiện thấy người ta ác cũng đừng nên ghét bỏ họ; mình ăn chay thấy người ăn mặn đừng nghĩ họ là ác; làm ăn thua lỗ đừng quá lo sầu, v.v… đó là buông xả. Cụ Triệu Vinh Phương buông xả tất cả, chỉ niệm Phật, không cần bàn luận, thì cụ nhanh chóng trở thành vị Bồ-tát. Chúng ta không tìm ra lối thoát khỏi tam giới là do bởi cái độc tham sân si, trong đó Tham là mạnh nhất. Vì tham nên buông xả không được. Chính vậy tu hành ta hãy lấy cái hạnh “BỐ THÍ” làm đầu vậy.

 

Vậy thì khi nhận được những cuộn video thuyết pháp em cũng nên phát tâm sang ra cho nhiều người coi để họ được cái duyên tu tập. Trong tất cả loại bố thí, bố thí pháp có công đức cao nhất. Hãy thành tâm làm, làm được tới đâu hay tới đó, tùy duyên mà làm không cần phải cưỡng cầu. Ai khen thì tốt, ai chê cũng tốt, đừng cầu hưởng một vài cái phúc lợi hữu lậu của thế gian. Chỉ một lòng thành tâm giúp cho người khác tu hành, một lòng thành tâm cúng dường cho chúng sanh thì tự nhiên có cảm ứng.

 

Bố thí pháp có công đức cao nhất, nhưng niệm Phật cầu sanh Cực-lạc lại là pháp Bố Thí Ba-la-mật, viên mãn hơn nữa. Cho nên Ngài Ngẫu Ích Đại sư, vị Tổ-sư thứ 9 Tịnh-Độ tông dạy: “Chân năng niệm Phật, phóng hạ thân tâm thế giới, tức đại Bố Thí”. Em nhớ niệm Phật nghen.

 

Thương em,

(Viết xong, Úc ngày 22/10/2001).

 

 

 

 

 

Mỗi thế giới cũng như mỗi hạt cát, trong đó có hằng hà sa số chúng sanh, mà ai ai cũng có thể sanh về Tây-phương được cả.

(Hòa-thượng Thích Quảng Khâm).

KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –