Vấn Đề Phá Thai!
Hỏi:
Kính gởi Chú Diệu Âm !
Cháu có một vấn đề rất cần sự giải đáp và chỉ dạy của Chú, để Cháu có thể được thấu triệt vấn đề này hơn. (Cháu đang rất bối rối và lo sợ). Cháu nghĩ rằng chắc vợ chồng Cháu đã tạo tội nặng rồi! Khi Cháu được biết một chút về học Phật và những lời dạy về Nhân Quả.
Vấn đề mà Cháu gặp phải là như thế này : Hai vợ chồng Cháu lúc đầu đã có một đứa con đầu lòng, lúc trước con của Cháu chỉ vừa tròn khoảng 2 tuổi thôi (nay đã 3 tuổi), nhưng vợ Cháu lại có thai thêm lần nữa (đây là việc ngoài ý muốn của hai vợ chồng Cháu, vì vợ Cháu đã dặt vòng tránh thai), vì trục trặc nên vẫn có thai. Lúc này vợ chồng Cháu rất bối rối và lo sợ, vì đứa con đầu còn nhỏ quá mà sanh nữa thì sợ không lo nổi, lúc này Cháu nghĩ là sanh con thì phải chăm sóc cho tròn vẹn, nếu hai đứa thì sẽ không lo tròn nổi, (nói chung Cháu rất là bối rối). Cuối cùng vợ chồng Cháu quyết định là không sanh, (đi hút thai ra, thai lúc này khoảng 6 hay 7 tuần, khi hút ra chỉ là cục máu thôi, chưa thành hình, chuyện này đã xãy ra khoảng 1 năm rồi).. Bây giờ nghĩ lại sợ quá Chú ơi! Mong Chú giải bày dùm! Hai vợ chồng Cháu đã phạm vào tội gì? Có cách nào hóa giải không Chú Diệu Âm?
Mong đợi thư hồi âm của chú!
A DI ĐÀ PHẬT !
H.L
Trả lời:
Khi hiểu được nhân quả báo ứng rồi chúng ta mới sợ sự tạo nghiệp ác. Trong các nghiệp ác thì nghiệp sát nặng lắm!
Tuy nhiên, nghĩ cho cùng, chúng ta là chúng sanh còn đầy mê muội thì tránh sao cho khỏi gây nghiệp.
Cái điều muốn nói ra đây là khi tạo nghiệp rồi chúng sanh có mạnh dạn thấy rõ việc làm sai trái của mình chăng? Nếu thấy rõ rồi, có mạnh dạn sám hối tội lỗi không? Đây là vấn đề cho chúng ta bàn tới.
Cháu vì thấy hoàn cảnh kinh tế gia đình khó khăn đã quyết định làm một việc mà trong nhà Phật nghiêm cấm, thì chắc chắn là có tội. Nay ăn năn, hối hận, đang tìm cách hóa giải. Thật sự đây cũng là điều may mắn và đáng khen.
Trong kinh Quán Vô Lượng thọ, Phật nói, người phạm đến tội đại ác mà thành thâm sám hối, Niệm Phật cầu Vãng Sanh vẫn được Vãng Sanh. Đây chính là đầu mối cho cháu giải nạn đó.
Nhưng sám hối như thế nào mới được?
Sám là nêu cái lỗi của mình ra; Hối là không làm chuyện đó nữa. Cháu đã khai ra chuyện phá thai của mình là “Sám”, bây giờ quyết lòng từ nay trở về sau không được tái phạm nữa tức là “Hối”.
Nhưng khi đã tạo tội lỗi thì việc nhân quả làm sao giải?
Hãy hàng ngày tụng kinh, Niệm Phật, làm được chút công đức, việc lành nào đều phải thành tâm hồi hướng công đức cho pháp giới chúng sanh, hồi hướng cho lịch đại oan gia trái chủ. Riêng cháu hãy hồi hướng thêm cho vong thai đó. Cứ thành tâm làm việc này hàng ngày nhé.
Nếu lòng mình chân thành hóa giải như vậy thì oán hờn cũng sẽ dễ giải tỏa. Nhưng cháu phải chân thành mới được.
Kinh Địa tạng bồ tát bổn nguyện có nói, chúng sanh trong cõi Nam-Diêm-Phù-Đề này, khởi tâm động niệm không có việc gì tránh được nghiệp nhân. Thì sự tạo nghiệp của cháu cũng không phải là điều đặc biệt. Cái khổ nạn chính là con người làm điều sai lầm mà không biết mình làm sai, cứ tiếp tục làm sai lầm thêm thành ra oan oan tương báo không có ngày chấm dứt!
Sám hối là biết lỗi, không làm tiếp. Đừng sám hối theo kiểu ngày ngày nghĩ đến việc làm đó mà sợ sệt, mà đau khổ, mà lo âu… Cách sám hối này không đem lại lợi ích gì cho cháu và cho người bị thiệt hại, mà coi chừng có hại nữa, không tốt.
Vì sao vậy? Vì người nào cứ nghĩ mãi về những điều tội lỗi thì tội lỗi sẽ hiện ra trong tâm của họ. Nếu ngày ngày đều nghĩ đến tội lỗi thì ngày ngày tội lỗi hiển hiện trong tâm, chắc chắn người đó sẽ đau khổ, sẽ lo âu, sẽ sợ sệt, sẽ sống trong buồn khổ, mất vui. Đây là điều hoàn toàn không tốt!
Tất cả đều do tâm tạo. Tâm hồn đang chìm trong cảnh lầm lỗi thì thấy toàn là cảnh lỗi lầm. Không có gì hay ho khi tâm hồn chìm đắm trong tội lỗi đâu!
Thực ra, chính mỗi một người trong chúng ta trong nhiều đời kiếp trước, cho đến đời này, đã tạo ra vô lượng vô biên những tội lỗi rồi, chứ không phải chỉ có một vài tội lỗi đã phát hiện ra này đâu. Chính vì những tội lỗi đó mà chúng sanh rất dễ bị đọa vào ba đường ác để thọ quả báo.
Nhưng cũng nên hiểu thêm rằng, bên cạnh đó có thể chúng ta cũng làm được vô lượng những việc thiện lành rồi chứ không phải thường. Chính vì nhờ thiện căn đó mà đời mạt pháp này chúng ta mới có cơ hội gặp được Phật pháp. Trong kinh Phật dạy, người nào đời này gặp được câu Phật hiệu mà tin tưởng, trì niệm thì do trong nhiều đời nhiều kiếp họ đã tu phước thiện rất lớn mới được.
Như vậy, cháu đời này gặp được Phật pháp, gặp pháp Niệm Phật có tin tưởng, có Niệm Phật thì cũng nên vui mừng rằng thiện căn phước đức của cháu lớn lắm.
So sánh giữa tội và phước, chúng ta thấy vẫn còn nhiều cơ hội giải thoát.
Tu là tu sửa. Hành là hành vi tạo tác sai lầm. Tu sửa thì chỉ có thể bắt đầu sửa từ nay cho đến về sau. Nghĩa là, từ hiện tại cho đến tương lai, chứ không cách nào chạy ngược về quá khứ để tu sửa được. Thời gian trôi qua không bao giờ trở lại được. Vậy thì, quá khứ làm sai là kinh nghiệm cho chúng ta sửa chữa hành vi động niệm của mình hầu tương lai không còn tái phạm lại.
Nhưng còn một vấn đề nữa: Tu phước thì hưởng phước, còn làm tội thì phải chịu tội. Phần nào ra phần đó. Có nghĩa là quả báo phải thọ lãnh, gọi là “Nhân duyên quả báo tơ hào không sai”. Vậy phải làm sao đây?
Nếu tu hành mà không thoát được sanh tử luân hồi, nghĩa là không ra khỏi tam giới thì chắc chắn không trước thì sau cũng phải có ngày hoàn trả tất cả những nghiệp nhân chính mình đã làm ra. Trả nghiệp ở đâu? Ở các cảnh giới địa ngục.
Làm sao thoát được sanh tử luân hồi?
Nếu tự tu tự chứng thì chắc chắn rằng, thời mạt pháp này thế gian khó tìm ra một người thực hiện được mộng ước thoát vòng sanh tử. Vì như cháu đã biết, nghiệp chướng đã quá nặng! Mà theo lẽ thường còn nghiệp thì phải theo nghiệp thọ quả báo. Một khi theo nghiệp thọ báo thì nhất định không thể thoát ra khỏi tam giới. Nên nhớ đã là nghiệp thì dù là thiện hay ác vẫn là nghiệp, vẫn bị trói buộc trong sáu đường sanh tử luân hồi.
Muốn thoát tam giới phải phá Kiến-Tư phiền não, từng phẩm từng phẩm phải phá hết đến 88 phẩm thô thiển cố chấp tham trước thuộc về Kiến hoặc. Ai phá nổi? Nhất định khó có ai làm được! Rồi sau đó phải phá thêm 81 phẩm Tư-hoặc, nghĩa là những ý nghĩ tế vi trong tâm, không cần phải lộ ra hành động.. Ai phá nổi? Chắc chắn không tìm ra một người làm được trong cái thế giới ngũ trược ác thế, nhất là trong thời mạt pháp này! Trong kinh nói, được vậy rồi vẫn chưa hết, ngoài ra còn phải sanh lên trời rồi rớt xuống phàm trần 7 lần như vậy, sau đó mới chứng quả A-la-hán vượt qua được tam giới, thoát khỏi luân hồi.
Như vậy làm sao đây? Phải nương nhờ Phật lực mà thoát luân hồi. Một câu A-Di-Đà Phật giúp cho chúng sanh đầy tội lỗi đới nghiệp Vãng Sanh. Vãng Sanh thì chắc chắn thoát ly sanh tử luân hồi..
Nhưng thoát ra khỏi tam giới chỉ mới qua khỏi “Phần đoạn sanh tử” chứ chưa thoát được “Biến dịch sanh tử”.
Phần đoạn sanh tử là sự chết sống của cái báo thân này, báo thân của phàm phu có giới hạn, sanh ra từng đoạn rồi chết. Các vị A-la-hán vượt qua được thân phàm phu, không còn Phần đoạn sanh tử nữa, nhưng còn chịu phần Biến dịch sanh tử, nghĩa là sự biến đổi giữa mê và ngộ trong tâm. Nói chung còn phải tu hành thật nhiều để phá “Trần-sa hoặc” đề tiến dần đến chỗ phá “Vô-minh hoặc” để khai trí huệ, sáng tâm thấy tánh. (Điều này cao quá, không nên bàn thêm).
Người Niệm Phật được A-Di-Đà Phật tiếp dẫn Vãng Sanh sẽ vượt qua tất cả những cảnh giới đó, một đời thành đạo Vô-Thượng. Thật vô cùng quí hóa, vô cùng thù thắng. Một đời này chúng ta ai cũng có thể thực hiện được. (Xem thêm kinh Vô lượng thọ, Kinh A-Di-Đà, v.v…)
Khi Vãng Sanh, nhờ Phật gia trì chúng ta được khôi phục Chân-Tâm Tự-Tánh mà thành Phật. Thành Phật thì mới có năng lực cứu độ tất cả chúng sanh. Cứu độ tất cả chúng sanh nghĩa là cứu tất cả những người mà lúc mê muội ta đã hại họ. Cứu được oan gia trái chủ, cứu được nghiệp báo thì hóa giải được nhân quả vậy.
Thành tâm Niệm Phật cầu Vãng Sanh thì tất cả oán nạn sẽ được giải quyết.
Tóm lại, muốn giải ách nạn này, cháu phải làm như vầy:
1/ Không được tái phạm lỗi lầm như trước nữa.
2/ Ngày ngày Niệm Phật, ăn ở thiện lành, giúp người, phóng sanh, v.v… nói chung đừng làm ác, cố gắng làm thiện. Nhưng đừng ngừng lại ở việc thiện này, mà mỗi chiều lại đem công đức này:
– Hồi hướng đến khắp pháp giới chúng sanh,
– Hồi hướng cho oan gia trái chủ nhiều đời nhiều kiếp.
– Hồi hướng cho ông bà cha mẹ, bà con thân thuộc trong nhiều đời nhiều kiếp
– Hồi hướng cho vong thai đó, cứ nghĩ đến để hồi hướng cầu cho họ được Vãng Sanh Tịnh-độ là được.
– Hồi hướng về Tây-phương Cực-lạc cầu cho chính mình hết báo thân này được Vãng Sanh. Nguyện thành Phật, độ chúng sanh.
– (Hồi hướng cho những ai cần đến).
3/ Phải luôn nhớ Phật, Niệm Phật, cầu hết báo thân được Vãng Sanh. Chứ không phải nhớ tội, sợ tội, buồn vì tội lỗi đã lỡ lầm làm ra trong quá khứ nữa nhé.
Chúc vui thành đạo.
Hỏi:
A-di-đà Phật
Kính thưa Cư sĩ Diệu Âm, tâm con luôn nguyện cầu Vãng Sanh về Tây-phương Cực-lạc Quốc, lòng luôn ước có điều kiện con sẽ thỉnh Tam Thánh về thờ, và luôn niệm Nam Mô A-Di-Đà Phật. Nhưng vừa rồi, ở trong gia đình con có đứa em rể về chơi, đứa em rể này có một người anh mất từ nhỏ, hay về nhập vào đứa em rể để chỉ bảo. Lần về chơi này, người anh cũng nhập vào, nói là con chỉ thờ Mẹ Quán Âm có chiếu hào quang mà thôi. Con hỏi vong ấy rằng, con muốn thỉnh thờ Chư Vị Tam Thánh được không? Vong ấy nói rằng, chỉ thờ Quán Thế Âm mà thôi.
… Còn một vấn đề nữa con xin hỏi, theo con biết Niệm Phật diệt tội. Vậy con Niệm Phật thầm trong tâm, như thế con có trả dần được tội nghiệp của mình từ vô lượng kiếp không?
Thanh Thúy.
Trả lời:
Thanh Thúy,
Hãy thành tâm khuyên vong linh đó Niệm Phật cầu Vãng Sanh đi. Quán Thế Âm cũng ở Tây Phương, Bồ-tát cũng phải Niệm Phật.
Nếu có dịp hãy hỏi vong linh cho rõ ràng, tại sao lại không niệm A-Di-Đà Phật để Vãng Sanh?
Niệm Phật tự nhiên diệt tội, niệm lớn hay thầm đều được, miễn là phải thành tâm.
Hãy thành tâm Niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ thì tội không diệt hết cũng được Vãng Sanh. Vãng Sanh thì thành tựu đạo quả, lúc đó tội không hết cũng hết. Nói chung chỉ cần Vãng Sanh được là giải quyết tất cả.
Đừng Niệm Phật để cầu hết nghiệp. Vì cầu hết nghiệp tức là còn sợ nghiệp, còn nghĩ, nhớ, tưởng… đến nghiệp. Tâm nhớ tưởng thì nghiệp theo tâm tưởng mà hiện ra báo đời. Nghiệp chướng của chúng ta nặng lắm, chắc chắn một đời này không cách nào tiêu hết nghiệp được đâu. Nghiệp không tiêu hết, mà tâm cứ trói vào đó thì chắc chắn phải theo nghiệp thọ báo. Nghĩa là không thể thoát ly sanh tử luân hồi được.
Niệm Phật tha thiết cầu hết báo thân được Vãng Sanh, cứ vậy mà đi. Nếu báo thân còn 50 năm nữa mới chết thì bệnh gì cũng hết, nghiệp có nặng hay không cũng không cần đếm xỉa tới, còn ta thì hưởng được 50 năm an vui khoẻ mạnh. Nếu báo thân có mãn thì mãn lúc nào ta Vãng Sanh lúc đó. An nhiên tự tại!
Niệm Phật, Tưởng Phật, Nhớ Phật hiện tiền, tương lai chắc chắn sẽ về Tây-phương thành Phật. Đây là lời của Bồ tát Đại thế Chí dạy trong kinh Lăng-Nghiêm.
Chỉ nên nghe theo lời Phật Bồ-tát, không được nghe theo ai khác nhé.
A-Di-Đà Phật
Diệu Âm
(25/11/2008)