11. Niệm Phật – Hộ Niệm – Vãng Sanh Vấn Đáp (Niệm Giả Cảm “Phật” Giả!)

Share on facebook
Share on twitter

Niệm giả cảm “Phật” giả!

Vấn đề 4:

Tất cả các Phật đều có thể bị giả! Kể cả Phật A Di Đà cũng có thể bị giả? Và nêu ra một ví dụ, có một nhà Sư đã nhìn thấy Phật A Di Đà hiện ra, nhưng sau đó thì phát hiện là giả. Theo anh nói thì Phật A Di Đà không thể nào bị giả? Thế nào là đúng?(Kiều Thanh)

Trả lời:

Hình tướng nào cũng có thể giả được cả, đúng đó. Nhưng nếu tâm thanh tịnh, chân thành, chí thành niệm A-Di-Đà Phật cầu sanh tịnh độ thì không ai còn có thể giả A-Di-Đà Phật gạt hành giả được!

Một người nhìn thấy A-Di-Đà Phật hiện ra nhưng sau đó phát hiện là giả thì chắc chắn vị đó không phải là người chân chính tu Tịnh-độ, chắc chắn không phải người chuyên nhất tu theo pháp môn Niệm Phật.

Giả như người đó có Niệm Phật thì chắc chắn không phải Niệm Phật A-Di-Đà, nếu có niệm A-Di-Đà Phật thì chắc chắn niệm không thành tâm, không chí thành chí thiết.  Mà giả như có thành tâm niệm A-Di-Đà Phật thì sự thành tâm này nhằm vào việc cầu phước, cầu chứng đắc, cầu thần kỳ diệu lý nào đó chứ không phải niệm A-Di-Đà Phật để cầu Vãng Sanh Tây-phương Cực-lạc.

Nếu không thuộc vào các dạng trên, thì người Niệm Phật này chỉ là người niệm thử, muốn trắc nghiệm để coi thử pháp Niệm Phật có hay ho gì không? Người này lấy tâm nghi ngờ (lời Phật dạy) mà Niệm Phật chứ không phải thực tâm niệm!  Nói chung, đã thiếu Tín, thiếu Nguyện, thiếu Hành trong việc Niệm Phật. Tín-Nguyện-Hạnh đều thiếu thì Niệm Phật này là hình thức niệm, là miệng niệm chứ không phải là tâm niệm! Niệm giả thì phải chịu cảnh giả, hay nói rõ hơn là chiêu cảm lấy Ma cảnh vậy!

Phật vô hình tướng. Nghĩa là, Phật không còn hình này hình nọ nữa. Phật hoàn toàn không có hình tướng giống như những sản phẩm của các nhà họa sĩ vẽ ra đâu! Nhưng vì phương tiện thiện xảo để cho chúng sanh có chỗ nương dựa, nên chư Tổ Sư mới vẽ lên cho chúng sanh thờ cúng, tôn kính. Sau này rất nhiều họa sĩ khác cũng theo đó phát tâm vẽ Phật, tạo tượng Phật, tạo ra nét trang nghiêm nhất để đáp ứng nhu cầu cho chúng sanh, cho các tự viện, chùa chiền. Chứ thật ra Phật đâu phải có hình dáng như vậy! Phật Bồ tát đâu còn tướng người, tướng người nam, tướng người nữ, đàn ông, đàn bà gì nữa…

Phật tại tâm! Khi tâm chân thành, thanh tịnh, không loạn động thì chơn tâm hiển lộ, Phật tự chơn tâm hiển hiện, đó gọi là Giác.

Khi chơn Phật hiển hiện đâu phải là hình Phật hoặc tượng Phật hiện ra!

Một người bảo rằng thấy Phật, nhưng thật ra họ thấy tượng Phật, hình Phật vẽ, toàn là sản phẩm của các nhà họa sĩ, chứ có Phật nào lại trắng xanh vàng đỏ… do người họa sĩ chỉ định đâu? Nếu lúc người thấy đó, mà tâm hồn vọng tưởng, hồ nghi, hiếu kỳ, cống cao, tự đắc, cho mình là đúng … thì những hình ảnh đó sẽ toàn là hư huyễn! Nếu tâm không lấy lại sự thanh tịnh, thì những hình ảnh hư huyễn đó sẽ tiếp tục hiện ra để thỏa mãn cái tâm vọng động, phân biệt, chấp trước của họ!

Tất cả đều do tâm hiện. Nếu tâm đang hồ nghi, cao ngạo, thiếu thành kính, không tin lời Phật dạy… thì làm gì có chơn Phật hiển hiện. Thì những hình ảnh vừa thấy đó chỉ là cái hình vẽ bất chợt vừa bắt gặp hoặc lưu trử trong tiềm thức, hay những cái ảo ảnh trong tâm thức, nó hiện ra để đáp ứng cái tâm đang vọng tưởng đó thôi, chứ Phật nào lại hiện ra như vậy!

Ví dụ cụ thể, một người mong cầu thấy Phật, ngày ngày đều cầu mong thấy được Phật, thì một thời gian sau họ sẽ thấy Phật hiện ra, nghĩ tới hình Phật nào thì hình đó hiện lên, hiện hoài thành thói quen, thành tập khí, thành một thứ phản xạ… Hễ họ nhắm mắt lại là Phật hiện ra liền. Cộng thêm vào đó, vì tâm tham chấp, mê thần thông, thèm chứng đắc, thì chẳng bao lâu họ thấy chứng đắc ngon lành liền, thấy mình cao hơn thiên hạ, thấy mình đã chứng đắc thực sự, đã thành đạo rồi!!!

Dạng người này thế gian đâu phải thiếu! chính vì thế, chúng ta vẫn thường nghe thấy có người tự khoe rằng mình đã chứng đắc này, chứng đắc nọ, nói ra những điều thật là thần kỳ vi diệu. Nhưng quí vị cứ để ý thử coi, sau đó họ sẽ như thế nào?

Có một số người tu hành sau một thời gian bị trở ngại, bị rối loạn tâm thần, khi đưa đến gặp HT Tịnh Không, Ngài hỏi, “Có phải trước đây bạn thích thần thông, thích chứng đắc lắm phải không?…”.

Nhiều người sơ học, không phân biệt được đâu là chơn đâu là giả, đâu là chánh đâu là tà, cứ thấy lạ lạ, hay hay thì nhào vô. Xin hãy biết giựt mình, hãy mau mau tự hỏi: “Có phải mình thích thần thông, thích chứng đắc lắm phải không?”… Rồi hãy tự phản tỉnh và tự giải quyết lấy!!!

Trong kinh A-Di-Đà, Kinh Vô lượng thọ, kinh Quán vô lượng thọ, Phật dạy người thành tâm Niệm Phật cầu Vãng Sanh, thì khi lâm chung A-Di-Đà Phật cùng chư Thánh chúng sẽ hiện ra trước mặt người đó tiếp dẫn họ về Tây-phương Cực-lạc.

Nếu lời thề của Phật đã như vậy rồi, nếu người chí thành chí kính niệm A-Di-Đà Phật cầu sanh Cực-lạc mà sau cùng A-Di-Đà Phật còn phải bị giả thì chúng sanh còn chỗ nào nữa để nương dựa? Thì chẳng lẽ kinh Phật phải bỏ đi sao? Thì lời Phật không còn giá trị nữa sao?Thì A-Di-Đà Phật không đủ khả năng giữ trọn lời thề nữa sao? Thì 48 lời nguyện của Phật A-Di-Đà Phật thề cho vui chốc lác sao? Thì chẳng lẽ hệ thống Phật giáo đến thế kỷ thứ 21 này sẽ bị tiêu diệt rồi sao?

Chắc chắn không có chuyện này đâu. Chuyện này, nếu có thì ít ra cũng còn tới 9 ngàn năm nữa mới xảy ra. Ngày nay, có gì đi nữa cũng chẳng qua là mới bắt đầu mớm lần đó thôi!

Ai mớm vậy? Chướng ma tìm mọi cơ duyên đả phá chánh pháp. Tà phái ngoại đạo đang phát triển lấn qua chánh pháp. Chúng sanh thiếu thiện căn phước đức không tin lời Phật dạy.

Vậy thì, nếu là người Phật tử chân chánh mau mau phải trở về đúng kinh Phật mà y giáo phụng hành, có vậy mới mong ngày thoát nạn.

Như vậy, những tâm vọng động, cao ngạo, không chân thành… họ thấy gì thấy kệ họ. Người Niệm Phật phải nhất tâm tin tưởng vào lời Phật dạy, phải quyết lòng niệm A-Di-Đà Phật cầu sanh Tịnh-độ. Khi lâm chung không được theo một ai khác, chỉ quyết cầu A-Di-Đà Phật lai nghinh tiếp dẫn là an toàn Vãng Sanh. Khi lòng chân thành, chí thành, chí thiết Niệm Phật, quán chiếu vào một tượng Phật trước mắt mình mà niệm. Tâm ta thành khẩn coi đó là ảnh tượng của đức A-Di-Đà, đây gọi là quán tượng Niệm Phật, thì đức Từ Phụ sẽ tùy theo tâm của ta mà biến hóa ra tiếp dẫn ta về Tây-phương Cực-lạc. Quyết định trong pháp giới này không ai dám phá cái luật tiếp độ của A-Di-Đà Phật được cả.

Ngài Tịnh Không nói, oan gia trái chủ có thể giả dạng bất cứ Phật nào để dụ hoặc chúng ta, đây là do nhân quả của chính chúng ta gây ra thì phải chịu lấy. Nhưng không ai có thể giả đức A-Di-Đà Phật để tiếp dẫn được. Ai phạm đến quy luật này sẽ bị chư hộ pháp trừng phạt ngay, không bao giờ tha thứ!

Như vậy, người Niệm Phật mà không được Vãng Sanh, không được đức A-Di-Đà tiếp dẫn là tại mình không đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh vậy! Không có tín nguyện hạnh thì có Niệm Phật cũng như không!

Do đó, một người nào đó nói, Phật A-Di-Đà cũng bị giả là vì chính người thấy Phật không đủ Tín-Nguyện-Hạnh, không phải là người Niệm Phật chân chính, sự tu hành của người này chủ yếu là “Tự lực” chứng đắc chứ không phải “Nhị lực” cầu Phật tiếp độ Vãng Sanh.  Chính vì thế, không tương ưng với đại nguyện độ sanh của A-Di-Đà Phật, không được hưởng sự gia trì của 48 lời đại nguyện. Họ thấy A-Di-Đà Phật, chứ thật ra đó không phải là Hóa Thân của A-Di-Đà Phật, mà chính là tâm vọng động, tâm hồ nghi, tâm cao ngạo, tâm bất thường… hóa hiện ra hơi giống như tấm hình “A-Di-Đà Phật” mà hàng ngày chính họ không tin tưởng!

Tổ Ấn Quang nói, người Niệm Phật thời nay vẫn bị ma gạt như thường, chính là vì Tín Nguyện Hạnh không đủ, bên cạnh tâm hồn thì cống cao, loạn động, hiếu kỳ, thích điều mới lạ… đây là cơ hội rất tốt để kết duyên với cảnh giới ma. (Xin xem thêm trong Ấn Quang văn sao)

Cho nên, người Niệm Phật dù được Phật lực gia trì, nhưng xin chư vị luôn luôn phải giữ tâm chí thành, chí kính, luôn luôn phải khiêm hạ. Phải y theo lời khai thị của Ngài Ấn Quang mà tu: “…Nếu đã tu trì, phải tự hiểu công phu của ta hãy còn nông cạn, chẳng nên tự kiêu căng, khoe trương…”. Có được vậy mới tránh khỏi những hiểm nạn, mà an toàn Vãng Sanh Tây-phương Cực-lạc quốc.

A-Di-Đà Phật

Diệu Âm

(15/11/2008)

 

NIỆM PHẬT- HỘ NIỆM - VÃNG SANH VẤN ĐÁP

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –