01. Niệm Phật – Hộ Niệm – Vãng Sanh Vấn Đáp (Y Pháp Bất Y Nhân)

Share on facebook
Share on twitter

Y Pháp Bất Y Nhân

 

Hỏi:

…Con gái tôi hằng ngày thường đi chùa gần nhà và có một vị … ở trong chùa lại bảo với con gái tôi rằng má con làm như vậy coi chừng”Dục Tốc Bất Đạt”, câu nói này làm cho tôi hơi thối chí. Vậy kính mong chư vị là người đã tu theo pháp môn Tịnh-độ này thời gian dài và có nhiều kinh nghiệm, xin hãy cho tôi một lời khuyên là tôi làm như vậy là đúng hay là sai, có phải là “dục tốc bất đạt” không?

Trả lời:

Ngài Ấn Quang Đại Sư dạy, người tu hành mà không nguyện Vãng Sanh, thì dù cho tu hành có giỏi cho mấy thì thời nay cũng không thể thoát ly sanh tử luân hồi.

Người không nghe lời Tổ Sư thì tự mình tu theo đường sai lạc!

Ngài dạy, người Niệm Phật mà chỉ lo cầu phước báu nhân thiên thì chẳng khác gì kẻ đem viên ngọc như ý, đáng giá liên thành, đổi lấy tán kẹo của con nít. Thật quá oan uổng! Ngài dạy, chân tâm chúng ta là Phật mà không chịu nguyện về Tây-phương, mà chỉ lo mấy thứ phước báu hữu lậu, thì thật quả là kẻ vô minh!

Ngài Tĩnh Am Đại Sư dạy, người lo tu hạnh làm phước, dù cho phước báu lớn tới đâu thì việc thoát ly sanh tử cũng không thể thực hiện. Ngài nói: Việc thiện càng lớn, sanh tử càng nặng, khi chết một niệm luyến ái nổi lên nhất định bị vạn kiếp trầm luân.

Tổ Sư dạy người Niệm Phật cầu Vãng Sanh, người mà chỉ lo tu thiện phước mà không cầu Vãng Sanh thì đáng thương hại lắm vậy!

Ngài Thiện Đạo Đại Sư dạy, Niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ thì vạn người tu vạn người Vãng Sanh, gọi là muôn người tu muôn người chứng. Ngài nói, dù Niệm Phật chưa được nhất tâm bất loạn, nhưng nếu tổ chức Hộ Niệm cẩn thận thì người nào cũng được Vãng Sanh. Là Tổ Sư thì đâu thể nói giỡn chơi.

Ngài Trung Phong Pháp sư dạy, người Niệm Phật mà không cầu Vãng Sanh, thì dù công phu có cao cho mấy cũng chỉ là hư vọng, vì đã làm sai lời Phật dạy.

Chúng ta tu theo lời Phật dạy, hay tu theo người nói sai lời Phật?

Ngài Liên Trì Đại Sư dạy, ba tạng kinh, mười hai phần giáo ai muốn nghiên cứu cho ngộ đạo thì cứ việc nghiên cứu, tám vạn bốn ngàn pháp môn ai muốn tu trì thì cứ việc tu trì, riêng Ngài chỉ niệm câu Phật hiệu A-Di-Đà Phật cầu sanh Tịnh-độ.

Ngài còn nói, người Niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ chính là người thượng căn, còn những người tu theo các cách khác, nếu không hạ căn thì cũng chỉ trung căn là cùng. Tại sao vậy? Vì chỉ có người Niệm Phật cầu Vãng Sanh mới một đời này thoát ly sanh tử luân hồi, bất thối thành Phật.

Tổ Sư dạy vậy, tại sao chúng ta còn ngồi đây lý luận làm gì? Không có đuờng tu nhất định, không có nơi về rõ ràng, mờ mờ mịt mịt, khi luống qua đời này thì biết đến kiếp nào mới gặp lại Phật pháp để lo chuyện giải thoát đây?

Ngài Quán Đảnh Đại Sư dạy: Thời mạt pháp này tất cả kinh sám không còn có khả năng cứu độ nổi chúng sanh, chỉ còn câu Phật hiệu A-Di-Đà Phật mới làm nổi.

Tại sao vậy? Vì nghiệp chướng chúng sanh trong thời mạt pháp này quá nặng, nhất định không thể tự chứng đắc, nếu không nương theopháp Niệm Phật thì quyết chắc sẽ bị lọt lại trong sáu đường sanh tử khổ nạn. Bây giờ thì nói giỏi nói hay, đến khi chung cuộc đành cúi đầu chịu lấy thảm thương! Lúc đó dẫu có ân hận cũng đâu còn kịp nữa?…

Ngài Lý Bỉnh Nam dạy, người thời này mà không chịu Niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ thì nếu không phải ngu si cũng là cuồng vọng!

Ngài quyết lòng dạy người Niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Trong đời Ngài đã cứu rất nhiều người Vãng Sanh Tây-phương Cực-lạc.

HT Tịnh Không nói, thời này người nào không chịu Niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, nếu không phải là kẻ ngu si thì cũng là người cuồng vọng! Nhưng xét cho cùng, cuồng vọng cũng là ngu si…

Vì thiếu trí huệ mới nghi lời Phật. Vì ngạo mạn mới làm ngược lời Phật. Người không theo pháp Phật làm sao xứng danh là Phật tử? Nếu không muốn một đời này thành đạo thì muốn nói sao nói, muốn làm sao làm, muốn đọa lạc nơi nào mà chẳng được! Trong những đạo tràng của Ngài, ngoài việc Niệm Phật cầu Vãng Sanh, Ngài không cho phép những hình thức tu hành đa tạp. Trong những năm qua, rất nhiều người Niệm Phật Vãng Sanh ở khắp nơi, truy cho cùng đều tu theo lời pháp của Ngài.

Tất cả chư Tổ Sư đều dạy chúng sanh trong thời mạt pháp này hãy Niệm Phật cầu sanh Tây-phương Cực-lạc để Vãng Sanh một đời thành đạo. Chúng ta nên thành tâm nghe theo lời chư Tổ Sư dạy để tu hành là an ổn nhất.

Thực ra, không phải chỉ có chư Tổ Sư dạy, mà đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật cũng dạy rất nhiều trong kinh điển.

Kinh A-Di-Đà, bốn lần Phật dạy rằng, phải phát tâm nguyện sanh về Tây-phương Cực-lạc. Người nào nghe Ngài thuyết về cõi Tây-phương mà tin tưởng, phát nguyện Vãng Sanh, rồi chấp trì danh hiệu A-Di-Đà Phật niệm từ một ngày đến bảy ngày chuyên lòng nhất tâm thì khi lâm chung A-Di-Đà Phật và chư Thánh chúng sẽ hiện ra tiếp dẫn về Tây-phương Cực-lạc quốc.

Phật dạy rõ ràng, tại sao người đệ tử Phật không tin theo? Phật không bao giờ vọng ngữ, tại sao người học Phật lại nghi ngờ lời Phật dạy?

Kinh Vô Lượng Thọ, Phật nói không biết bao nhiêu lần, Phật dạy chúng sanh phải một lòng niệm câu Phật hiệu cầu Vãng Sanh. Nếu người nào tin tưởng, phát nguyện Vãng Sanh, và chuyên nhất niệm câu Phật hiệu thì dẫu mười  niệm (trước phút lâm chung) mà không được Vãng Sanh thì A-Di-Đà Phật thề không thành Phật. Tại sao ta không y giáo phụng hành để Vãng Sanh thành Phật, mà lại chạy theo người thế tục nói?

Kinh Đại-Tập Phật dạy, thời mạt pháp này (dù cho) vạn ức người tu hành, khó tìm thấy một người chứng đắc (nghĩa là khó vượt sanh tử luân hồi). Nhưng Phật lại nói, chỉ có người nào trì giữ pháp Niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ thì được thoát luân hồi.

Kinh Hoa-Nghiêm, Thiện-Tài Đồng Tử đã chứng đắc Pháp-Thân, người thầy căn bản là Văn-Thù Sư-Lợi Bồ-tát dạy Niệm Phật. Thiện Hữu Tri Thức mà Ngài đi tham phỏng, thì vị đầu tiên là ngài Đức-Vân dạy Niệm Phật, vị cuối cùng là Phổ-Hiền Bồ-tát dạy mười đại nguyện vương cầu sanh Tây-phương Cực-lạc (Nghĩa là cũng Niệm Phật cầu Vãng Sanh). Bậc Bồ-tát Minh Tâm Kiến Tánh mà còn phải Niệm Phật, tại sao chúng ta không chịu Niệm Phật?

Nhiều lắm, nhiều lắm. Tất cả kinh điển đều dạy chúng sanh Niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Nhất là thời mạt pháp này, Phật dạy, nếu không chịu Niệm Phật thì nhất định khó có thể thoát vòng sanh tử. Không thoát ly sanh tử luân hồi, thì tu có giỏi cho mấy vẫn phải chết trong sanh tử luân hồi, nhất định khó có thể thành tựu đạo giác ngộ!

Tu mà không thành đạo thì tu làm chi cho uổng sức vậy?

Phật dạy đường thành đạo cho chúng sanh, ta tu hành mà không theo pháp Phật, không nghe lời Phật, lại nói lời mỉa mai người y giáo phụng hành, còn hướng dẫn chúng sanh đi ngược lời Phật dạy, làm cho họ mất phần giải thoát, mất phần thành tựu… Hỏi rằng, tội lỗi này ai sẽ chịu thay cho mình đây?

Cho nên, người học Phật mà dạy Phật tử tu hành không đúng theo kinh Phật thì rất có tội. Tội lớn lắm!

Phật dạy thời mạt pháp tu hành phải “Y pháp bất y nhân”. Nghĩa là, phải y đúng theo pháp Phật tu hành, không được theo bất cứ người nào cả. Nói rõ hơn, người nào nói đúng kinh pháp thì nghe, người nào nói ngược kinh pháp thì tuyệt đối không được nghe. Nếu ai nhẹ dạ nghe theo thì bị đọa lạc ráng chịu!

Lúc ta bị đọa lạc, nhất định không ai cứu nổi ta đâu.

Như vậy ta phải theo lời Phật để một đời này Vãng Sanh thành đạo, chứ tại sao lại theo những người nói ngược lời Phật, mà đành phải mất phần về Tây-phương, bị kẹt lại trong cảnh vô thường để chịu nạn vạn kiếp?

Đạo Phật là đạo cứu chúng sanh thoát vòng sanh tử, Vãng Sanh thành Phật, chứ đạo Phật đâu phải bắt chúng ta phải ở lại cõi Ta-bà này tiếp tục chịu cảnh ngũ trược ác thế để bị khổ đau? Vậy thì người tu học Phật sao không lo chuyện thành đạo, lại cứ nấn ná ở lại chốn vô thường này mà để chịu thêm vô thường vậy?

Niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ là tu theo đúng pháp Phật, tại sao người đã học Phật mà lại nói lời mỉa mai, cho đó là “Dục tốc bất đạt”.

Không chỉ đường về Tây-phương, tức là muốn chúng sanh ở lại cõi vô thường này vô lượng kiếp để chịu nạn vô lượng kiếp à? Một lời nói đầy tội lỗi!

Chư Tổ Sư đều dạy: Sanh tử sự đại, phải quyết lòng thoát ly sanh tử. Rõ ràng việc sanh tử là điều tối hệ trọng, cần phải giải quyết.Muốn giải quyết sanh tử trong một đời này chỉ có Niệm Phật cầu Vãng Sanh, thì mười niệm tất sanh. Phật đã cho chúng sanh một con đường thẳng tắt để thành đạo, tại sao lại không đi?

Không đi mà còn cản ngăn người khác con đường thành đạo, thì thật là đại tội! Đại tội!

Trong kinh Phật dạy, “Vong thất Bồ-đề tâm, tu chư thiện pháp, thị danh Ma nghiệp”. (Quên đường thành đạo, mà lo tu các thứ thiện pháp thế gian, thì dù có làm thiện lành cho mấy đi nữa cũng chỉ là ma nghiệp). Tại sao vậy? Vì đánh lạc mất hướng Vãng Sanh thành đạo của chúng sanh, dẫn dắt chúng sanh trong các ngã đường sanh tử luần hồi, xui khiến họ không theo đường Phật dạy, lại đi theo những con đường lẩn quẩn trong tam giới để sau cùng chịu nạn. Đối với đạo Giác-ngộ, đây chính là ma nghiệp chứ còn gì nữa!

Thôi, xin đạo hữu hãy sáng suốt tự quyết định lấy. Đạo hữu hãy tự quyết định đường tu. Chỉ có chính đạo hữu quyết định tương lai của mình. Không ai giúp được đạo hữu đâu.

 

A-Di-Đà Phật. 

Diệu Âm

(08/10/08)

Niệm Phật – Hộ Niệm – Vãng Sanh Vấn Đáp

Niệm Phật – Hộ Niệm – Vãng Sanh Vấn Đáp – Y Pháp Bất Y Nhân (01)

Niệm Phật – Hộ Niệm – Vãng Sanh Vấn Đáp – Đường tu cần chuyên nhất (02)

Niệm Phật – Hộ Niệm – Vãng Sanh Vấn Đáp (03)

Niệm Phật – Hộ Niệm – Vãng Sanh Vấn Đáp (04)

Niệm Phật – Hộ Niệm – Vãng Sanh Vấn Đáp (05)

 

NIỆM PHẬT- HỘ NIỆM - VÃNG SANH VẤN ĐÁP

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –