https://www.youtube.com/watch?v=yvAZIbcEvwI&t=1560s
KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT
Tác Giả: Cư sĩ Diệu Âm
Phật lịch năm 2547 / Dương lịch năm 2003
Hộ Niệm Khó Hay Dễ? Niềm Tin Con Người Và Hoàn Cảnh
Kính gởi các cô bác đồng tu,
Xin tiếp tục vấn đề hộ niệm khó hay dễ. Có người cho rằng hộ niệm khó quá, mới mẻ quá, nhưng ở mấy dòng cuối của thư trước tôi có kể qua cho cô bác nghe là chúng tôi vừa mới hộ niệm cho một người khác nữa vãng sanh. Đó là chị Vũ Thị Hậu, 51 tuổi, bỏ báo thân vào khoảng 2 giờ sáng ngày 21/10/05 và hỏa thiêu vào lúc 11 giờ ngày 25/10/05. Suốt 4 ngày tại nhà quàng đều có làm lễ cầu siêu bình thường như mọi đám tang khác, hằng ngày cũng có nhiều người viếng điếu, nhưng có lẽ ít ai thấy được sự quí hóa vô giá của đám tang này…
Quí hóa ở đâu? Chị Vũ Thị Hậu đã vãng sanh chứ không phải chết.
Trước ngày ra đi gần ba tuần lễ, chị được thầy Thích Thiện Huệ và các đồng tu niệm Phật hộ niệm mỗi đêm, và được hộ niệm tám tiếng đồng hồ sau khi bỏ xác thân. Chị niệm Phật và ra đi trong tiếng niệm Phật của chồng chị, của mẹ chị, của nhiều đồng tu hộ niệm. Ra đi xong, thân xác chị mềm mại, càng lúc càng mềm, càng lúc càng tươi, tiếp tục suốt bốn ngày sau khi tắt thở vẫn mềm mại, vẫn tươi nhuận, diện mạo vẫn hồng hào, tay chân không xanh không tái cho đến khi hỏa thiêu.
Mỗi ngày tại nhà quàng từ 9 giờ sáng đến 11 giờ đều có thầy Thích Thiện Hữu, trụ trì chùa Phật Đà cùng một số Phật tử đến đọc kinh cầu siêu. Trong suốt mấy ngày liền tôi vẫn thấy thân xác chị tươi nhuận mềm mại như người đang ngủ. Đến ngày thứ ba, thì nhóm hộ niệm có nhiều người rảnh và cùng nhau tới dự lễ. Trong nhóm hộ niệm, có một số ít người mới được tham dự hộ niệm lần đầu tiên, họ rất háo hức muốn nhìn thử thoại tướng vãng sanh ra làm sao. Thầy Thích Thiện Huệ nói với gia chủ cho phép nhóm người hộ niệm đến thăm chị Hậu lần cuối. Khi quây quần chung quanh quan tài, mọi người mới thấy tận mắt, sờ tận tay một hiện tượng lạ. Họ quá đỗi vui mừng đến nỗi có người muốn nhảy dựng lên reo hò ngay giữa nhà quàng, trước những ánh mắt ngạc nhiên của nhiều người khác! Họ vừa phấn khởi, vừa xúc động! Đây là lần đầu tiên trong đời chính mắt họ thấy một hiện tượng vi diệu bất khả tư nghì! Và, cảm khái hơn nữa, vì chính họ đã trải qua hơn hai tuần lễ đóng góp công đức để thành tựu cho một người vãng sanh Tây-phương Cực-lạc. Nhân dịp này, thầy Thích Thiện Huệ chính thức chúc mừng cho gia chủ, và tán thán công đức của các vị hộ niệm. Niềm tín tâm của mọi người dâng cao. Những người này đã cảm khái quá mức, không kềm nổi sự im lặng, họ nói ríu rít, phát tâm đủ cách:
– Từ rày về sau, hễ có ai cần hộ niệm thì phải nhớ gọi tôi với nghen…
– Tôi phải nói chuyện này cho mẹ tôi biết để bà niệm Phật liền chứ không chờ nữa…
-Tôi nhất định phải đi hộ niệm cho từng người vãng sanh mới được, v.v...
Người gặp chuyện vui thì tinh thần phấn khởi. Họ vừa hân hoan vừa tin tưởng, không ai giấu được niềm phấn khởi đang dâng lên trong tâm hồn người đệ tử Phật.
Chị Vũ Thị Hậu trước đây là một giáo viên. Chồng chị là anh Lê Văn Phúc, tiến sĩ hóa học, đang làm việc tại trường đại học Griffith Queensland, Úc châu. Cả hai người tôi đều quen biết từ dạo sinh hoạt trong phong trào Hướng Đạo, giáo dục thanh thiếu niên. Tôi tham dự đám tang của chị hầu như đầy đủ. Trong ngày cuối cùng trước khi hỏa thiêu, nhiều người lên đọc điếu văn, còn tôi thì lặng lẽ bước ra ngoài đứng hóng gió, nhìn trời mây bay!
Thế thái nhân tình biến hóa có khác gì như áng mây bay! Hợp đây tan đó huyễn mộng vô thường! Đã biết vô thường thì bám víu vô thường làm chi! Những ngày tháng chị Hậu nằm trên giường sắp chết, chúng tôi tới tận tâm niệm Phật hộ niệm cho chị, thì lâu lâu cũng có một vài người ghé thăm. Có người thương hại, có người dửng dưng, có người tham gia niệm Phật, có người hiếu kỳ đứng coi, có người nhìn chúng tôi bằng con mắt lạ lùng rồi vội vã bỏ đi. Còn chúng tôi chỉ âm thầm lặng lẽ, ngày ngày tới niệm Phật hộ niệm, tận tâm tận lực hướng dẫn cặn kẽ cho chị hiểu rõ đường đi nẻo về. Chúng tôi quyết lòng cứu độ một chúng sanh thoát khỏi cảnh Vô-Thường, Vô-Lạc, Vô-Ngã, Vô-Tịnh để trở về với cảnh giới Thường-Lạc-Ngã-Tịnh. Đức Phật A-di-đà có lời nguyện ‘Mười niệm tất sanh‘. Chúng tôi tin lời Phật dạy, y giáo phụng hành, nhất tâm giúp chị giữ được trọn vẹn ý niệm cầu sanh Tịnh-độ để chị được vãng sanh Cực Lạc, một đời này siêu vượt tam giới, thoát khổ được vui, bất thối thành Phật.
Chư Tổ Sư Đại đức nói, người có thiện căn phước đức lớn, cuối đời dễ có cơ duyên gặp thiện trí thức tới hướng dẫn đường về Tây-phương. Lời này thật sự quả đúng như vậy. Chỉ trong khoảng vài tháng mà chúng tôi thấy tới hai người đã ứng hợp với lời khai thị này, chị Bùi Thị Gái ở VN, chị Vũ Thị Hậu ở Brisbane. Còn trước đó vài tháng, thì có bác Dương Thị Ngà vãng sanh vào ngày 10/6/05. Những người này chính tôi có liên quan hộ niệm đến. Họ có nhiều điểm tương đồng, như: đều bị bệnh ung thư, trước giờ chưa biết tu hành nhiều, thế mà cuối đời lại hưởng được cái đại phước báu, đại thiện căn, cái đại nhân duyên để thoát vòng sanh tử. Họ đều niệm Phật mà vãng sanh, thoại tướng đẹp vô cùng. Trên thế gian này có hàng tỉ người đang sống thì cũng có hàng tỉ người đã chết rồi, mồ hoang nhiều vô số, lô nhô khắp nơi, nhưng xin hỏi rằng, đã có mấy ai hưởng được cái đại phước báu này đâu!?…
Mấy vị vừa mới vãng sanh này là những bài học thật quí giá cho chúng ta suy nghiệm và phản tỉnh. Ngài Tịnh-Không thường nói rằng, tu hành nhưng đừng bao giờ để tâm khinh thường những người chưa biết tu. Thật chí lý! Trong kinh Phật có nói, thiện căn bất khả tư nghì, người đời này không tu nhưng biết chừng đâu họ đã có thiện căn sâu dày từ trong nhiều đời nhiều kiếp trước, đời này chỉ chờ gặp thiện duyên, thì tín tâm phát khởi, họ niệm Phật thành khẩn, họ thành tựu trước mình mà mình không hay!
Tuy nhiên, cũng xin nói rằng, đừng thấy người ta vãng sanh dễ quá mà ỷ y, coi chừng chính mình rước lấy thảm bại chua cay! Vì sao vậy? Vì có thiện duyên ở đời này là cái quả thành tựu từ cái nhân tu hành trong nhiều đời nhiều kiếp trước, liệu mình có cái nhân này không? Dù cho có cái nhân lành, nhưng vẫn phải có thêm ba điều kiện nữa: 1) Lâm chung tỉnh táo; 2) Gặp thiện tri thức khai thị; 3) Tin tưởng làm theo. Liệu ta có đầy đủ những điều kiện này không? Vô cùng hy hữu, không đơn giản đâu! Dù cho có đầy đủ những điều kiện này, vẫn còn có những chướng ngại khác từ oan gia trái chủ, những oán thù truyền kiếp không dễ gì chúng tha thứ cho mình. Oan gia là những chúng sanh có mối oán thù với mình, trái chủ là chủ nợ. Nợ nần oán nghiệp dây dưa nhiều đời nhiều kiếp khó lòng biết được. Hãy thử nhìn những chướng ngại chung quanh như con cái chống đối, người thân cản phá, hàng xóm gièm pha, v.v… đây là điều dễ thấy nhưng liệu mình có vượt qua được chăng, chứ cần chi tìm hiểu ở đâu xa vời! Oan gia khó đoán lắm! Xin cô bác đồng tu hãy mau mau phát khởi tín tâm, cầu nguyện vãng sanh, hạ thủ công phu niệm Phật thật nhiều để có công đức vừa hồi hướng cho họ, vừa hóa giải oan khiên, vừa vững phần vãng sanh Tịnh-độ vậy.
Trở lại vấn đề đang bàn dở dang ở thư trước: hộ niệm khó ở đâu?
(*) Vấn đề thứ ba: Niềm Tin.
Vô cùng khó khăn! Vô cùng chướng ngại! Tất cả đầu mối đều ở tại đây!
Người không tin nên người chống phá việc vãng sanh. Ta không tin nên ta lơ là niệm Phật. Vì lòng tin cạn cợt nên đường thoát ly sanh tử được Phật chỉ dạy rõ ràng minh bạch mà mấy ai nghe theo, cơ hội thành đạo ở ngay trước mặt mà thế gian này mấy ai hưởng được cái đại phước báu này!
Chúng sanh trong thời mạt pháp phiền não, nghiệp chướng sâu dày, thành ra khuyên cho người tin tưởng phát tâm niệm Phật không phải là chuyện đơn giản! Chính vì không có lòng tin mà chúng sanh tự đoạn mất tất cả cơ hội siêu phàm nhập Thánh. Chư Phật thấy chúng sanh đang đi theo con đường đọa lạc mà cũng đành phải chịu vậy thôi, chứ không cứu được! Trong kinh có nói, Phật không độ kẻ vô duyên. Đây là sự thật! Chư Phật, chư Bồ-tát với tâm đại từ đại bi, các Ngài muốn cứu độ tất cả chúng sanh lìa khổ được vui, nhưng cứu không được. Vì nếu cứu được thì đâu còn tam đồ ác đạo, đâu còn lục đạo luân hồi nữa. Chỉ có những ai có duyên với Phật mới về được cảnh Phật để thành Phật. Còn những người không chịu nghe lời Phật, cứ khư khư bám lấy cái thế trí hạn hẹp mà nghĩ, cái tâm cuồng ngạo mà tưởng, cái óc bướng bỉnh mà sống, họ cứ thích chạy lẩn quẩn trong những cảnh giới phàm tục sanh tử vô thường, thì còn có cách nào khác hơn!…
Vạn pháp duy tâm. Cảnh giới nó đang nằm ngay trong tâm của mình. Phật là Giác, tâm của con người đã xa lìa Phật thì làm sao được giác ngộ! Phật pháp là phương pháp cứu độ chúng sanh thoát vòng sanh tử, người không tin vào Phật pháp thì bao giờ mới thoát nạn đây! Dù đời này là bạn bè hay thân thuộc với nhau, nhưng nghiệp ai nấy mang, không có cách nào san sẻ được. Chỉ có tự mình giác ngộ mới cứu được mình mà thôi.
“Tín vi đạo nguyên công đức mẫu”. Tín tâm là khởi nguyên sinh ra công đức. Có tin mới đi, không tin không đi, không đi thì làm sao tới đích. Người có lòng tin mới lo tu hành, nhờ tu hành mới tạo ra công đức, có công đức mới có cơ hội thành đạo. Chính vì thế, người không có tín tâm thì vĩnh viễn không có phần giải thoát trần lao! Nói rõ hơn, một người không tin vào Phật pháp thì chắc chắn sẽ sống lây lất vài mươi năm trên trần thế này rồi chết. Chết thì đồng nghĩa với sanh tử luân hồi, chịu đọa lạc, chịu khổ đau! Họ sống mà chờ chết, chứ không thể hưởng được cái đại phước báu vãng sanh, vĩnh viễn không bao giờ về được tới cõi Phật của A-di-đà để trở thành Bồ-tát bất thối tại cõi Tây-phương Tịnh-độ, một đời lìa khỏi tất cả khổ nạn, an nhiên tự tại hưởng đời cực lạc chờ ngày thành bậc Vô Thượng Giác.
Đại sư Ngẫu Ích dạy, ”Muốn nhanh chóng thoát khỏi nỗi khổ luân hồi, không gì bằng trì danh niệm Phật cầu sanh về thế giới Cực Lạc. Muốn chắc chắn vãng sanh Cực Lạc, không gì bằng lấy lòng tin làm người dẫn đường phía trước, sự phát nguyện làm người thúc đẩy phía sau. Tin sâu, nguyện tha thiết, dù tâm tán loạn niệm Phật cũng được vãng sanh…”. (Xem Niệm Phật Chỉ Nam (NPCN), trang 57).
Tin sâu, nguyện thiết đủ phần vãng sanh. Rất đúng như vậy. Những chuyện vãng sanh vừa qua là sự chứng minh cụ thể. Khi hộ niệm cho chị Bùi Thị Gái ở Sài gòn, tôi thấy chị thường chắp tay nguyện: ‘Nam Mô A-di-đà Phật, xin Phật cho con được về Tây-phương trong đêm nay‘. Chị muốn đi liền chứ không thèm chờ thèm đợi. Lời nguyện thật khẩn thiết, chị nguyện ngay trong những lúc đau đớn nhất. Còn chị Vũ Thị Hậu thì có mấy lần hỏi chúng tôi rằng: ‘Niệm Phật đã mấy ngày rồi mà sao tôi chưa được vãng sanh vậy?‘, và lời phát nguyện của chị là: ‘Nam Mô A-di-đà Phật, con nguyện được vãng sanh về nơi Tây-phương Cực-lạc. Lời nguyện của chị có thêm chữ ‘nơi‘. Có lẽ trước nay chưa biết, nay mới biết nguyện, nhưng đau quá mà nói lấp bấp rồi thành ra quen luôn. Chị tự lập đi lập lại rất nhiều lần như vậy.
Tất cả đều muốn được vãng sanh. Tất cả đều rất tin tưởng mặc dầu trước đây cả hai đều chưa biết tu hành. Chị Bùi Thị Gái thì yếu đuối nằm luỗi trên chiếc giường bố, dở tay lên không nổi. Thế mà, có nhiều lần chị ráng đưa tay lên vuốt ve tấm hình Phật A-di-đà chúng tôi đang cầm để trước mặt, có khi chị ôm tấm hình Phật mà niệm. Còn chị Vũ Thị Hậu thì nói: ‘Đã qua hai lần bị đưa vào bệnh viện, bác sĩ đều nói tôi phải chết, thế mà không chết. Nếu lúc đó chết, thì tôi không biết đường nào đi. Còn nay tôi đã biết được rõ đường vãng sanh rồi, không sợ lạc nữa‘. Chị cũng thường cầm tấm hình Phật tiếp dẫn để coi thật kỹ. Những lúc khác thì chị thường nhìn chăm chăm vào tấm hình Phật A-di-đà treo trước mặt mà niệm Phật. Có một lần chị nói: ‘Bây giờ trong tâm tôi chỉ có hình ảnh của Phật A-di-đà mà thôi‘.
Chúng ta nên biết rằng, người bị ung thư gần chết, họ bị từng cơn đau đớn rất dữ dội, vậy mà mấy chị này thường mỉm cười với chúng tôi. Chị Gái thì ráng cười nên ‘méo xệch’, thấy mà thương! Còn chị Hậu thì cười rất tươi, chúng tôi phải thầm khen nụ cười của chị và thường bảo chị bắt giọng niệm Phật cho chúng tôi niệm theo…
Niệm Phật trong lúc đau đớn thì làm sao tâm không bị tán loạn, thế mà đều được vãng sanh. Rõ ràng lời chư Tổ dạy không sai. Vãng sanh có ‘Tứ chủng vãng sanh’, đó là: Chánh niệm vãng sanh, Cuồng loạn vãng sanh, Vô ký vãng sanh, Ý niệm vãng sanh. Ngẫu Ích Đại sư nói, ‘Tin sâu, nguyện tha thiết, dù tâm tán loạn niệm Phật cũng được vãng sanh’ là ứng hợp với nghĩa Cuồng loạn vãng sanh. Còn Ấn-Quang Đại sư nói, ‘Phàm phu được về Tịnh-độ, đều do lòng tín nguyện cảm Phật, nên nương nhờ từ lực mà đới nghiệp vãng sanh…’. Thật sự, những lời dạy của chư vị Tổ Sư không hề sai khác.
Trong kinh Vô Lượng thọ, Phật dạy 10 niệm tất sanh. Trong Quán kinh Phật dạy, người trong đời làm ác, lúc lâm chung bị cuồng loạn, nhưng nếu gặp thiện tri thức khai thị, biết sám hối, tin tưởng làm theo, niệm Phật một niệm, mười niệm vẫn được vãng sanh. Nói rõ hơn, người lúc lâm chung dù cho bị nghiệp chướng hành hạ thân tâm đau đớn quằn quại, nhưng nếu tin tưởng vững mạnh mà niệm Phật, phát nguyện vãng sanh tha thiết, họ sẽ được vãng sanh. Bác Dương Thị Ngà, chị Bùi Thị Gái, chị Vũ Thị Hậu đều bị bệnh ung thư, đây phải chăng chính là nghiệp chướng hành hạ đau đớn đến cuồng loạn. Nhưng trước ngày lâm chung, nhờ có phước lành mới gặp được người tới khai thị đường đi, tất cả đều tin tưởng làm theo, đều được vãng sanh, viên mãn thành tựu giải thoát.
Ngài Ngẫu Ích còn nói, ‘Tin không chân thật, nguyện không mạnh mẽ, dù nhất tâm không loạn cũng không được vãng sanh‘. (NPCN, trang 57). Thế mới biết lòng tin và sức nguyện quan trọng vô cùng. Niệm Phật cho sâu là để phẩm vị được cao, nhưng niệm Phật mà không cầu sanh về Cực Lạc thì công đức này sẽ biến thành phước báu nhân thiên. Ngài Tịnh-Không nói, ‘Sự Nhất Tâm Bất Loạn’ thì được Định, ‘Lý Nhất Tâm Bất Loạn’ thì phát Huệ. Phát huệ mới có khả năng diệt đoạn phiền não nghiệp chướng, được định thì chỉ có thể phủ phục nghiệp hoặc mà thôi. Phủ phục phiền não nghiệp chướng mà biết cầu sanh Tịnh-độ thì chắc chắc được vãng sanh. Nhưng nếu không cầu sanh Tịnh-độ, thì công phu trở thành phước báu nhân thiên, không siêu thoát tam giới, tránh sao khỏi luân hồi, trả nghiệp…
Ấn Tổ nói rằng, người không phát nguyện vãng sanh, dù cho niệm Phật đến chỗ gió thổi không qua, mưa rơi không lọt thì cũng rơi vào pháp tu tự lực. Nếu nghiệp chưa sạch, tình chưa không, vẫn phải theo nghiệp thọ báo. Dị ngôn đồng nghĩa, tất cả chư vị Tổ Sư Đại Đức chỉ nói có một ý. Như vậy, người thực sự muốn siêu vượt tam giới lục đạo trong một đời này thì không có gì khác hơn là phải tin tưởng vững chắc vào pháp niệm Phật, phải phát nguyện vãng sanh Tây-phương, phải chấp trì niệm câu Phật hiệu A-di-đà Phật.
Như vậy, cho rằng hộ niệm khó nhiều khi chỉ vì niềm tin còn quá yếu, chứ thực sự chưa chắc là khó. Niềm tin yếu thì tinh thần dễ bị xoay chuyển bởi hoàn cảnh chung quanh. Người hàng xóm vì không hiểu đạo nên mới dị nghị gièm pha việc cứu độ chúng sanh, còn ta thì không đủ lòng tin mà ái ngại đủ điều nên không dám hộ niệm để cứu độ người thân yêu. Ái ngại này lôi kéo ái ngại khác, đến khi tới phần mình cũng đành phải bị mất phần vãng sanh vậy. Vì sao? Vì cũng không có ai dám đứng ra hộ niệm cho mình. Khi đã bị bỏ rơi trong một tình huống hãi hùng nhất, dễ sợ nhất, đau khổ nhất, lúc đó mới nhận ra sự quí báu vô giá của sự hộ niệm, thì cũng đã trễ rồi, dù có ân hận cũng đành phải nhận lấy số phần hẩm hiu, thương đau vạn kiếp!
Vậy thì, xin cô bác hãy xác định rõ ràng lập trường. Nếu thực lòng cầu đạo giải thoát, thì hãy dồn hết tâm sức vào sự giải thoát, còn duyên nợ trần gian nên biết buông xuống, hãy xem nó nhẹ nhàng một chút mới được. Muốn vãng sanh thì quyết lòng đi theo đường vãng sanh thành Phật. Muốn ở lại cõi Ta-bà để trông nôm mấy đám rau muống thì cứ ở lại đây sáng chiều tưới nước bón phân. Muốn về Tây-phương mà còn coi chuyện thế tục quá nặng, còn tranh giành từng chút quyền lợi, còn đố kỵ ganh tị, còn oán giận sầu đau… dù cho lúc lâm chung, Phật có muốn phóng quang tới rước, nhưng họ hàng, con cháu, tiếng tăm, danh vọng, tiền bạc, thị phi… hàng hàng lớp lớp sẽ kéo chân mình lại, làm sao siêu thoát được đây? Đường nào phải đi một đường, xưa nay chưa ai có khả năng cùng lúc đi hai đường được!
Cho nên, tốt nhất là hãy tin tưởng vững mạnh, ngày ngày phát nguyện vãng sanh Tây-phương. Dù tâm hồn tán loạn không tịnh được, thì cũng phải cố gắng giữ vững hai chữ TÍN -NGUYỆN, rồi ráng đề khởi câu A-di-đà Phật. Quyết tu như vậy, dần dần sẽ thấy kết quả.
(*) Vấn đề thứ tư: Con Người & Hoàn Cảnh.
Con cái chống đối, người thân ngăn cản, gia đình bất đồng ý kiến… thì không thể hộ niệm được. Đây là một chướng ngại rất lớn, đoạn mất đường thoát nạn của người ra đi.
Trong khoảng đầu năm 2005, tại Brisbane có một chị đang làm việc thì bị xỉu giữa nông trại của chị. Khi đem vào bệnh viện, bác sĩ cho biết là chị bị tai biến mạch máu não, chắc chắn phải chết. Họ thông báo cho gia đình hay để chuẩn bị tinh thần. Người chồng của chị liên lạc mời chúng tôi đến hộ niệm. Khi chúng tôi đến nơi thì anh đang ở tại phi trường để đón những thân nhân khác chứ không có mặt tại bệnh viện. Người con gái không biết gì cả, nhưng khi nghe giải thích rằng ba của cô mời chúng tôi tới để hộ niệm cho mẹ cô, nên cô cũng đồng ý cho chúng tôi hộ niệm. Nhưng mới niệm Phật được khoảng 5 phút thì những người thân nhân khác tới, họ không đồng ý việc này. Họ không thích chúng tôi xen vào chuyện gia đình của họ, và họ muốn được tâm sự, than vãn, ôm ấp người sắp chết cho nhẹ bớt nỗi xót thương! Dàn xếp không được, chúng tôi đành phải ra về. Nhìn thấy cảnh bệnh nhân nằm im bất động, nhưng lúc đó nước mắt chị ứa ra, lăn dài xuống má, chúng tôi cảm thấy xót xa!
Chị đó tuổi đời chưa tới 45, khá xinh, tính tình rất linh lợi, tháo vát, thỉnh thoảng có tới chùa. Chị thường chở nhiều thùng nấm đến cúng dường các chùa ở Brisbane để cung ứng các bữa cơm gây quỹ, các buổi lễ, các buổi cộng tu… Thế mà cuối đời, chị không được may mắn lắm!
Hộ niệm là cứu độ một người sắp sửa chết được vãng sanh về nước Cực Lạc của Phật A-di-đà, nó quí báu vô giá, phước đức vô tận. Nhìn thấy một người sắp bị chết, người chồng mời chúng tôi tới hộ niệm, nhưng chúng tôi không thực hiện được, thật là một điều đáng buồn! Nhưng một khi hoàn cảnh không cho phép, nếu ta miễn cưỡng phan duyên thì chắc chắn không đem lại một kết quả nào tốt đẹp cho cả bệnh nhân lẫn người hộ niệm. Gia đình chống đối, thân nhân không đồng ý, người nhà không tuân theo nguyên tắc hộ niệm, môi trường lộn xộn… ảnh hưởng rất xấu cho thần thức, là mối nguy hại khá lớn cho người ra đi. Còn đối với người hộ niệm thì phải có tâm thanh tịnh và cần phải có sự tự nguyện ưng thuận và mời thỉnh của gia đình mới hộ niệm được. Không bao giờ cưỡng ép người ta chấp nhận sự hộ niệm!
Một người muốn vãng sanh Cực Lạc, nhưng gặp phải chướng ngại này thì thật là bạc phước! Rất nhiều người tu hành nhiều năm, sau cùng cũng có thể bị hại vì vấn đề này. Xưa nay chúng ta cũng thường nghe kể lại, có nhiều người lúc chết hiện ra những tướng bất lành, có nhiều khi rất đáng sợ, rất hãi hùng! Nguyên nhân chính thường là do họ tạo quá nhiều nghiệp ác, nhất là sát sanh. Ngoài ra, cũng có những nguyên nhân khác, ví dụ như, con cháu chống phá, bướng bỉnh không vâng lời, khóc lóc gây náo loạn… cũng dễ tạo nên những hiện tướng chẳng lành! Ví dụ, như mới đây, người em của tôi đã kể cho tôi nghe một chuyện vừa mới xảy ra như vầy, có một bà bị bệnh gì đó đang điều trị ở bệnh viện Chợ Rẫy, nhưng quá nặng nên bác sĩ đã hết cách chữa. Bà biết chắc chắn mình phải chết, nên bảo mấy người con đem bà về nhà để tụng kinh cho bà đi, nhưng các người con không chịu nghe theo. Bà tức quá nên hộc máu mà chết. Chết rồi mà máu cứ hộc ra đỏ cả thau vậy. Thật là dễ sợ!…
Một chuyện khác, do thầy Thích Thiện-Huệ kể lại. Cách đây cỡ mười mấy năm, có một ông kia chết đã liệm vào trong hòm. Trong khi Thầy đang tụng kinh cầu siêu thì con cái bất đồng ý kiến, tranh giành đất đai, lớn tiếng cãi cọ nhau cạnh xác chết của người cha. Ngay lúc đó, cái xác chết phun phẩn ra đầy cả trong quan tài, hôi thối chịu không nổi, mọi người phải bỏ chạy. Thầy nói, đây là vì người chết quá uất hận bởi con cái ngổ nghịch, bất hiếu mà ra!…
Những chuyện này có thật, thường xảy ra khắp nơi, thời kỳ nào cũng có. Nếu người đó trong đời làm nhiều việc ác, lúc chết phải cảm đến quả ác thì cũng đành đi. Nhưng còn nhiều người không làm gì ác mấy, nhưng cuối cùng bị con cháu ngang ngạnh, người thân gây phiền não quá mức đến nỗi uất ức mà chết, thì thật là tội nghiệp cho họ! Khóc lóc, than vãn, níu kéo, ồn ào, tranh cãi, v.v… là những lỗi thường phạm nhất, và chính nó là thủ phạm làm cho người chết rơi vào những cảnh giới xấu ác, rất thảm thương! Người chết mà có những ác tướng hiển hiện, chắc chắn là điềm không tốt! Người hiểu rõ đạo lý mới thấy mối thương tâm, vô cùng đau khổ cho người ra đi vậy! Hy vọng những hình ảnh hãi hùng này sẽ là những bài học thấm thía xoáy sâu vào tâm khảm của người làm con, làm thân thuộc…
Khổng Tử dạy, ‘Nhân sanh bá thiện, hiếu vi tiên’. Tất cả việc thiện của thế gian, hiếu đạo là điều quan trọng nhất. Người làm con mà không lo tròn chữ hiếu thì còn tư cách nào để ngước mặt nhìn đời! Dù có tin nhân quả hay không, dù tâm tính bạc bẽo tới đâu, nhưng đối với đấng sanh thành phận làm con cũng không thể nào đối xử tệ bạc, thiếu lương tâm được. Hãy nhìn lại những hình ảnh hãi hùng đầy bi thảm phía trên mà tự nhắc nhở lấy mình. Làm con đừng bao giờ làm điều gì cho cha mẹ phải lo lắng buồn đau. Đừng sơ ý làm cho cha mẹ giận, nhất là lúc sắp lâm chung. Cuộc đời vô thường, sáng còn tối mất! Cha mẹ già như trái chín cây, đung đưa trước gió chờ ngày rụng rơi! Hôm nay chúng ta còn nói tiếng mẹ mẹ cha cha, chứ biết đâu ngày mai phải lo tính tới chuyện tang lễ rồi. Thế mà, thế gian này vẫn còn nhiều người con cứ dửng dưng lo chuyện danh vọng hão huyền, chạy chọt cầu xin từng chút tiếng khen giả tạm, còn mãi tranh giành uy thế, còn đi kèo kè với anh chị em một ít quyền lợi, còn quyết lớn tiếng cãi cọ với nhau, v.v… thì xin hỏi rằng, làm sao cha mẹ ra đi mà đành lòng nhắm mắt đây?!… Tục ngữ thế gian có câu: ‘Tham thì thâm, lấn thì mất, lận thì mạt‘. Người biết tu hành cần rõ cái đạo lý này. Ngài Tịnh-Không thường nói, ‘người chịu thiệt thòi mới có được nhiều phước‘. Nếu anh em trong một nhà ai cũng nhận chịu thiệt thòi về phần mình, thì làm gì còn có chuyện bất hòa phải tranh nhau. Đừng giành chi chút lợi trước mắt mà tiêu hao cái phước đức của mình, giảm mất nhân phẩm!…
Bất hiếu thật là tệ lắm! Nên nhớ, hiếu đễ không phải nói hiếu là có hiếu! Không phải nói đừng lo là cha mẹ khỏi lo! Không phải cung ứng vài bữa rượu thịt là trả hiếu đâu! Tâm địa, tư tưởng, hành động, cung cách, nếp sống phải thiện lương… mới xuất lộ được tánh đức hiếu đễ. Xin đừng sơ ý mà trở thành kẻ oan gia đối đầu, hại đến bậc sanh thành. Người đại nghịch bất hiếu, quả báo xấu lắm, không gỡ nổi đại họa về sau!
Về hiếu thân tôn sư đạo Phật còn chú trọng nặng hơn nữa. ‘Hiếu dưỡng phụ mẫu‘ là tánh đức đầu tiên của người học Phật. Người có tâm bất hiếu, coi thường cha mẹ là kẻ đại ác. Trong kinh Phật có nói, ‘Nghiệp nhân quả báo bất khả tư nghì‘, đã làm chuyện đại ác thì phải chịu đại tội, rước lấy hình phạt ở cõi địa ngục A-tỳ vạn kiếp khó có ngày thoát thân!…
Tội nào là đại ác? Tạo tội nghiệp cho cha mẹ, đẩy người sanh thành của mình vào chốn hung hiểm, là tội đại nghịch bất hiếu, đại ác. Trong kinh Vô Lượng Thọ Phật nói, người mà bất hiếu với cha mẹ, khinh thường sư trưởng, không trung tín với bằng hữu… thì tội ác này sẽ dẫn dắt vào chốn hỏa ngục, không thể trốn chạy được, thân tâm tan nát, thân hình khổ cực.
Thế nào là bất hiếu? Phật dạy, con cái phản nghịch lời cha mẹ dạy, giống như thứ oan gia, không giữ phận làm con, phụ ân bội nghĩa, không chịu báo đền công ơn sanh thành… những người như vậy đến lúc mạng chung, có hối hận cũng đã muộn rồi! Nghĩa là, tránh sao cho khỏi bị ác quả khổ nạn.
Gây tội bất hiếu, đày cha mẹ vào tam ác đạo có thể là vô tình hoặc cố ý, nhưng dù sao vẫn là tội, vì đày một người vào cảnh tam đồ làm cho họ phải chịu khổ đau hàng vạn kiếp thì cái nhân quả đâu phải tầm thường!
Vô tình gây họa cho người thân chính là những người chưa hiểu đạo. Vì không hiểu đạo thành ra lúc người thân lâm chung thì khóc lóc, than thở, kể lể, bi lụy… làm cho người ra đi bấn loạn tinh thần, lưu luyến trần tục mà chiêu cảm vào những đường xấu ác. Tệ hơn nữa là ôm ấp, lay động, đụng chạm, níu kéo đến thân thể, làm cho người ra đi bị đau đớn quá mức, chịu không nổi mà sinh ra tức giận. Trạng thái này vô cùng nguy hiểm, rất dễ chiêu cảm vào cảnh giới địa ngục!
Còn cố ý gây tội chính là những người không tin Phật pháp, dù đã biết qua những lời cảnh cáo này nhưng cứ một mực bướng bỉnh, cuồng ngạo, ngang ngạnh làm bừa. Phật nói, những người này là hạng ‘ngu si mông muội, tự vi trí huệ’. (Nghĩa là, người ngu si mê muội mà cứ tự cho mình là có trí huệ). Trí huệ gì mà lại ‘không biết từ đâu sanh ra, chết rồi không biết đi về đâu’, sống mê mờ mù mịt, cứ nhắm mắt kéo nhau vào địa ngục, nướng mình trong hầm lửa vạn kiếp vậy?! (Xem kinh Vô Lượng Thọ, phẩm 35).
Vô tình thì quả báo vô tình, cố ý thì quả báo cố ý, nhân duyên quả báo tơ hào không sai. Hôm nay ta vô tình hại cha mẹ, thì mai này con cái cũng vô tình hại lại ta. Hôm nay ta cố ý hại cha mẹ, đến lúc mình tàn đời thì nghiệp báo phủ vây, con cái sẽ xúm lại nhiễu loạn cho mình đến điên đầu loạn óc, chúng sẽ quậy phá ta đến tan nát cõi lòng. Làm cho người bị đau khổ thì ta cũng phải bị khổ đau, kết cuộc phải vào ác đạo, thọ lãnh quả báo đau thương!
Nhân nào quả đó. Nếu biết luật nhân quả vay trả không hề sai chạy thì xin ráng tu hành, tạo nhân tốt, không tạo nhân xấu. Xin đừng khinh thường luật nhân quả, đừng ngang bướng làm điều sai trái, đến khi quả báo đến rồi thì ân hận cũng thừa thôi! Còn người tu hành cần rõ lý đạo mới tránh khỏi lầm lạc. Trong vô lượng kiếp qua ta sống trong vô minh bất giác, tạo nên biết bao nhiêu tội lỗi, túc nghiệp này là chướng ngại cho đường thoát nạn, nó giữ chân ta lại trong vòng luân hồi sanh tử, chờ đợi gặp phải cơ duyên sẽ lôi ta vào ba đường ác. Biết vậy, thì xin cô bác hãy nhanh chóng phát lồ thành tâm sám hối để giải nghiệp. Thời mạt pháp này, như Ngài Quán Đảnh pháp sư nói, nghiệp chướng của chúng sanh đã quá nặng rồi, những kinh, sám, chú… không còn đủ sức nữa, chỉ còn có câu A-di-đà Phật. Hãy ngày ngày lạy Phật, niệm Phật. Một câu chí thành niệm Phật phá tan 80 ức kiếp nghiệp chướng sanh tử tội ác. Không có pháp nào phá nghiệp dễ dàng hơn pháp niệm Phật đâu!
Như vậy, hộ niệm bị khó là vì hoàn cảnh khó, con người khó, làm cho cơ hội cứu độ chúng sanh bị chướng ngại. Phật nói thế giới này là ngũ trược ác thế. Ngũ trược là năm thứ ô nhiễm, ác thế vì nghiệp chướng sâu dày. Sinh ra trong thời mạt pháp, lòng người động loạn, khó tìm đâu ra một hoàn cảnh tốt đẹp, khó có những con người thiện lành, biết tin Phật. Như vậy, người học Phật nếu tin tưởng giáo pháp của Phật, thực sự muốn được vãng sanh Cực Lạc thì phải chú ý đề phòng sự nhiễu loạn từ con người, từ hoàn cảnh mới mong thoát nạn.
Làm sao đề phòng? Nên thường đọc 20 chữ này để suy gẫm.
Chân Thành, Thanh Tịnh, Bình Đẳng, Chánh Giác, Từ Bi.
Khán Phá, Phóng Hạ, Tự Tại, Tùy Duyên, Niệm Phật.
20 mươi chữ này có đầy đủ cả lý lẫn sự, cả thể lẫn dụng, có cứu cánh thành tựu có phương tiện thực hành, do chính Ngài Tịnh-Không hạ bút.
Cái chính yếu vẫn là phải tự lo tu hành để nắm vững phần vãng sanh. Về tinh thần thì cô bác nên chú ý hai chữ Chân Thành. Về phương pháp chú ý đến bốn chữ Phóng Hạ và Niệm Phật. Hẳn nhiên, không phải chỉ giữ sáu chữ này mà quên mất những chữ kia, vì tất cả đều quan trọng cả. Nhưng khi hiểu được tổng quát rồi thì hãy nên tùy căn tùy cơ của mình mà phát khởi tu tập. Đây chẳng qua là sự đề nghị cho cô bác hạ thủ công phu mà thôi.
Chân Thành là tu hành cần phải chí thành chí kính, phải có lòng tin vào Phật pháp. Đừng nên mong cầu lý luận cao xa. Thành tâm thì linh hiển, được chư Phật chư Bồ-tát cảm ứng gia trì. Nói cho dễ hiểu hơn, chân thành chính là thực thà, hiền lành, chân thật, chất phác, một lòng tôn kính Tam-Bảo. Những người thực thà, chất phác, họ sống rất giản dị, hiền hòa, họ niệm Phật thường được vãng sanh một cách dễ dàng. Mấy người mới vừa vãng sanh gần đây đều là người hiền lành, tính tình dễ thương, dù trong đời họ giống như người không tu, nhưng tâm tính họ đơn giản, cuối đời chỉ cần gặp được người chỉ điểm cách tu niệm, họ thành tựu không ngờ tới được. Ngược lại, những người ỷ mình tài giỏi, ưa lý luận cao xa, thường thường kết quả không được như ý. Tệ hơn nữa, những người tu hành nhiều năm mà còn phân biệt chấp trước, còn đố kỵ ganh tị, còn thị phi hơn thua đủ thứ… thì kết quả cuối cùng khó có thể tốt đẹp!
Cho nên, tu phải biết ‘Phóng Hạ‘. Phóng hạ có nghĩa là buông xả. Muốn thoát nạn phải tập buông xả cho nhiều, buông xả thì tâm hồn mới thoải mái, tự tại. Người lo lắng hết chuyện này đến chuyện khác là vì lòng trần còn quá nặng. Người ưa chê khen là vì còn phân biệt chấp trước. Người còn chống báng đố kỵ là vì tâm tính hẹp hòi, v.v… Tất cả những thứ này sẽ phá tiêu tan tâm đạo, dù hình thức tu hành có như thế nào đi nữa, thì cuối cùng cũng sẽ thất bại, không bằng những người ít tu nhưng hiền lành chất phác.
Buông xả khó lắm chứ không dễ, nhưng đã học Phật thì phải tập bỏ dần. Trước đây bị người chửi mình tức giận, nay không thèm giận nữa, vì giận sẽ tự đốt hết công đức của mình. Hôm qua bị nói xấu ta buồn, nay được ai nói xấu thì vui lên, vì người đến gỡ nghiệp giùm ta. Người biết tu thì buông nghiệp ra, giữ lấy công đức. Người không biết tu thì thích buông công đức ra, giữ lại nghiệp chướng. Không chịu buông xả nghiệp chướng ra thì sẽ bị mắc kẹt. Kẹt tiền, tình, nhơn, nghĩa; kẹt danh, lợi, thị, phi; kẹt con cháu, nhà cửa; kẹt tham, sân, si, mạn, v.v… nói chung, còn kẹt đủ thứ, thì làm sao tu hành cho vô! Niệm Phật cũng chỉ vô ích thôi!
Muốn thoát khỏi sự nhiễu loạn của con người thì phải buông xả con người xuống. Coi cái thân này là đồ giả, nên không thèm sợ chết. An nhiên tự tại. Con cháu, thân thuộc đều có duyên nợ, muốn cứu độ nhau hãy kêu gọi hỗ trợ cho nhau vãng sanh thành đạo trước. Đừng quyến luyến theo kiểu thế tục mà cùng nhau chịu khổ nạn đời đời kiếp kiếp, có ích lợi gì đâu! Lúc lâm chung mà còn quyến luyến con cháu, nhà cửa… thì không thể thoát nạn.
Muốn thoát khỏi sự nhiễu loạn của hoàn cảnh thì buông xả hoàn cảnh xuống. Đường ta đi là đường vãng sanh thành Phật, hãy cố gắng khuyên nhau Niệm Phật tu hành. Ai nghe theo thì cùng nhau giải thoát, ai không nghe thì tùy nghiệp duyên của họ. Sống cần phải hòa hợp gọi là Tùy duyên, nhưng đường vãng sanh ta phải giữ thẳng gọi là Bất biến. Đừng vì thấy người không tu mình bỏ tu, thấy người không niệm Phật mình bỏ niệm Phật, thấy người không hộ niệm mình không dám hộ niệm. Như vậy thì biết bao giờ mới có dịp được chứng kiến người vãng sanh về Tây-phương Cực-lạc đây?!…
Như vậy, được vãng sanh hay không điểm chính yếu vẫn do mình có tự chủ được bản thân hay không, chứ không thể đổ lỗi hết cho ngoại cảnh được.
Chúc Cô Bác vững lòng tin tưởng, tinh tấn niệm Phật, quyết tâm cầu sanh Tịnh-độ.
Diệu Âm kính thư,
(Viết xong, Brisbane ngày 1/12/05)
Muốn sanh Tây-phương, trước phải tin sâu nguyện thiết. Thiếu hai điều này, dù có tu hành, cũng không thể cảm ứng với Phật, chỉ được phước báu cõi trời người và gieo nhân giải thoát về sau mà thôi. Nếu tín nguyện đầy đủ thì muôn người vãng sanh không sót một. Ngài Vĩnh Minh đã bảo: “Muôn tu, muôn người về”, là chỉ cho người tín nguyện đầy đủ vậy.
( Đại sư Ấn-Quang).