- c) Duy nhất chỉ có một pháp hộ niệm của Tịnh-Độ-Tông mà thôi.
Câu này đúng không chư vị? Sai rồi!… Câu này nghịch ý với câu trên. Vì nghĩ rằng chỉ có Tịnh-Độ-Tông mới có hộ niệm, nên kéo theo một sự hiểu lầm khác, cho rằng pháp hộ niệm vãng sanh là do Tịnh-Tông Học-Hội đưa ra. Xin thưa, không phải vậy đâu. Chúng ta đang hướng dẫn nhau đi về Tây-Phương Cực-Lạc, nên khi nói đến hộ niệm thì tự nhiên ai cũng hiểu là pháp hộ niệm của Tịnh-Độ-Tông, chứ thực ra Tịnh-Độ-Tông có pháp hộ niệm của Tịnh-Độ-Tông. Pháp hộ niệm của Mật-Tông thì ứng dụng khác hơn, thường thường một vị Thượng-Sư đến ngồi bên cạnh người chết và hướng dẫn thần thức của người chết đó vượt qua nhiều cảnh giới trong thân-trung-ấm, suốt mấy ngày, có khi suốt một tuần như vậy. Đó là cách hộ niệm của họ.
Hôm trước đi qua Mỹ, có một vị nghiên cứu về Mật-Tông rồi đưa ra những cảnh giới của thân-trung-ấm. Vị đó biếu cho Diệu Âm hai cuốn sách rất dày, và xin Diệu Âm cho ý kiến. Diệu Âm không dám nêu ý kiến gì cả, vì nhìn qua biết rõ ràng vị này đã nghiên cứu để dẫn dắt thân-trung-ấm trải qua những cảnh giới nào đó chứ không phải là pháp hộ niệm của Tịnh-Độ-Tông. Sẵn dịp đây cũng xin thưa với chư vị rằng, với pháp hộ niệm vãng sanh của Tịnh-Độ-Tông cần chú ý cái điểm đơn giản, dễ dàng, đừng nên dẫn dắt thần thức đi vào những cảnh giới quá ư huyễn hóa mà nhiều khi họ bị kẹt trong đó gỡ ra không được. Ví dụ, khi diễn tả những cảnh giới của thân-trung-ấm, nhiều lúc chính mình chưa thể hiện những cảnh giới đó một cách rõ ràng, chưa thấy qua những cảnh giới của thân-trung-ấm là như thế nào mà dẫn người ta đi vào đó, đường nào bảo đảm là đúng đây. Cho nên đã là “Mật“, nhưng chính mình chưa hiểu rõ cái “Mật“ đó như thế nào mà mạnh dạn khai thác ra coi chừng bị sơ suất!… Thứ hai, cảnh giới quá huyễn hóa, nhiều khi chính mình vào trong đó rồi thì hốt hoảng, rối bù… thoát ra không được, thì làm sao có thể dẫn dắt người chết đó thoát nạn. Chính vì những lý do này mà Diệu Âm không dám ý kiến vậy!
Diệu Âm chỉ nhắc nhở một vấn đề là pháp niệm Phật hộ niệm vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc đơn giản vô cùng. Hãy dặn dò người sắp ra đi đó dù thấy bất cứ một cảnh giới nào đều cứ cho đó là hão huyền, là vô thực. Đừng mừng, đừng sợ, đừng tham, đừng chấp vào đó, đừng sơ ý đi theo. Chỉ một mực nhiếp tâm nhìn hình tượng A-Di-Đà Phật, thành khẩn niệm A-Di-Đà Phật liên tục cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Khi nào thấy A-Di-Đà Phật hiện thân tiếp dẫn, hãy theo Ngài đi vãng sanh là được.
Thành ra, dẫn dắt chúng sanh đi sâu vào nhiều cảnh giới, sao bằng dặn họ hễ gặp bất cứ một cảnh giới nào, nếu không phải là A-Di-Đà Phật thì cứ tự nhiên, đừng để tâm tới, đừng nhìn tới, đừng nghe tới, đừng chú ý tới… Cứ cho đó là hư huyễn. Hãy dặn dò người bệnh quyết định tâm lại, vững vàng niệm “A-Di-Đà Phật“ là được. Như vậy, người ra đi chỉ còn đối diện hai vế thật đơn giản, một là A-Di-Đà Phật hiện thân thì theo Ngài đi về Tây-Phương Cực-Lạc; hai là những cảnh giới khác hiện ra, thì mặc kệ chúng, quyết định không thèm chú ý tới, cứ nhiếp tâm niệm Phật thì tự nhiên mọi chướng nạn đều được giải tỏa. Còn nếu sơ ý, dẫn dắt chúng sanh vào những cảnh giới của thân-trung-ấm, vào rồi dễ gì thoát ra!… Nên nhớ cho, nếu là Bồ-Tát thì không sao, còn hàng phàm phu mà thích chui vào những cảnh giới hư huyễn, vào thì dễ đấy còn thoát ra không phải đơn giản đâu nhé! Ví dụ như có một khu rừng vô cùng tối tăm hiểm trở, thì hãy dặn bảo nhau đừng vào đó làm chi. Nếu mạo hiểm dẫn nhau vào trong đó, vừa tránh bụi gai thì coi chừng bị rơi vào hố rắn, né được hố rắn thì coi chừng lại sụp xuống hầm rết, không rết thì cọp beo… Vạn cảnh giới hiểm nghèo mai phục trong đó, ta dễ gì có thể thoát nạn đây.
Chính vì thế xin thưa với chư vị, khi hiểu được phương pháp hộ niệm rồi thì hãy nhớ cho kỹ những điều này, tất cả mọi cảnh giới ứng hiện ra trong lúc mình xả bỏ báo thân xin đừng để tâm tới, nghĩa là đừng buồn, đừng sợ, đừng lo, đừng nghĩ, đừng chú ý tới là được. Hãy cứ nghĩ đó là cảnh giới hão huyền không thực. Hãy định cái tâm lại và vững vàng niệm A-Di-Đà Phật. Nhắc nhở người bệnh, nếu thấy một điều gì ứng hiện ra đều nên báo cho ban hộ niệm biết liền là được. Hãy tin tưởng rằng người hộ niệm có cách giải quyết. Xin nhớ lấy nguyên tắc này thì hầu hết những chướng nạn có thể được hóa giải. Ví dụ, thường nhất là người bệnh thấy ông bà, người thân đã chết hiện về… xin chư vị tuyệt đối đừng sợ, đừng buồn, đừng lo, đừng đi theo họ… Những ngày giỗ kỵ, đứng trước bàn thờ Gia Tiên đừng cầu xin Tổ Tiên, ông bà, cha mẹ, những người quá cố đó về bảo hộ giúp đỡ mình. Những sự cầu xin này hoàn toàn không tốt, không đúng chánh pháp! Thấy Phật, thấy Bồ-Tát, thấy Trời, thấy Tiên, bất cứ cảnh giới gì khác ứng hiện ra cũng cứ mặc kệ. Hãy cứ vững lòng nhiếp tâm niệm A-Di-Đà Phật là được. Nếu làm được như vậy, thì trong kinh Thập-Vãng-Sanh Phật có dạy rằng, 25 vị Bồ-Tát liền phóng quang gia trì cho chúng ta, chư Thiên-Long Hộ-Pháp bảo vệ cho mình, nhờ đó mà tự nhiên mình được thoát nạn.
Xin thưa chư vị, khi biết được sự quan trọng của pháp hộ niệm rồi, mong chư vị cố gắng nghiên cứu thêm để khả năng hộ niệm càng ngày càng vững. Ở những phần sau, Diệu Âm sẽ tiếp tục nói thêm. Chúng ta cố gắng hoàn thành một khóa trình tương đối đầy đủ một chút, làm tài liệu giúp cho những ai có duyên nương theo tu tập. Mong chư vị cố gắng, quyết tâm một đường đi về cho tới Tây-Phương Cực-Lạc.
Nam Mô A-Di-Đà Phật!