Lúc còn khỏe thì có thể lý luận, đến khi nằm xuống thì các căn tán hoại, nếu không được hộ niệm thì coi chừng uổng phí một đời tu hành.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Thực sự là đúng đấy. Thường thường pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, chư Tổ khuyên chúng ta chớ nên đi theo con đường lý luận, mà nên đi theo con đường thành tâm chí thành chí kính để được hợp với đại nguyện của Đức A-Di-Đà mà vãng sanh. Hiện tượng những người thành tâm, thực thà, chất phác với lòng tin vững vàng tha thiết cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc đã thành tựu nhiều lắm rồi. Những người không có niềm tin vững chắc, thường chạy theo lý luận, cái gì cũng đòi có khoa học chứng minh, nào là hợp với lý luận, nào là hợp với khoa học gì đó, thường thường niềm tin bị lung lay đến gốc rễ!…
Chư vị để ý mà coi, thường thường khi đem khoa học ra luận giải về Phật Pháp, luận giải riết rồi dẫn chúng sanh đi sâu vào ngõ đọa lạc mất tiêu. Bám víu vào khoa học vật chất, con người cạn cợt niềm tin vào lời Phật dạy. Đây là sự thực!… Thưa chư vị, nhiều người đã quên điều này, khoa học thuộc về vật chất, còn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thuộc về tâm linh. Chính cái Chân-Tâm của người đó đi về Tây-Phương chứ không phải là chuyện vật chất hữu hình đâu. Khoa học có giỏi cho mấy đi nữa cũng chỉ lý luận tới cái chỗ gọi là “Linh-Hồn” là cùng. Còn nói đến chỗ “Chân-Tâm” là một cảnh giới cao diệu, khoa học chưa có thể với tới được đâu. Chính vì thế, đem nghiệm chứng của vật chất mà giải thích về tâm linh thì hai đường sẽ lệch nhau, càng giải càng mơ hồ, càng chao đảo, càng mất niềm tin chừng đó. Chao đảo thì đường tu không ổn, sức định không vững, niềm tin lung lay, giống như một cái cây mà gốc trồng quá cạn, hễ gió nam thì nghiêng về hướng nam, gió bắc nghiêng về hướng bắc, lung lay riết rồi có ngày cũng phải tróc gốc, chịu nạn.
Xin thưa với chư vị, tu hành mà ưa luận huyền lý diệu thật là uổng phí công phu quá! Lý luận chi vậy? Có phải vì thấy pháp niệm A-Di-Đà Phật khô khan, thấp kém, cằn cõi quá nên lý luận cho đậm đà chăng? Hay là không thấy cảnh Tịnh-Độ đâu hết, không thấy Tây-Phương Cực-Lạc ở đâu mà không tin chăng? Có người nói, Tây-Phương Cực-Lạc ở đâu mà cứ mơ mơ màng màng truy tìm? Một phi thuyền lên không trung chỉ thấy mờ mờ mịt mịt, đâu có thấy cảnh Tịnh-Độ gì đâu, có thấy cảnh giới Tây-Phương Cực-Lạc gì đâu mà nói là có Tây-Phương Cực-Lạc?!….
Xin thưa với chư vị, người ta thiếu mất niềm tin nên họ lý luận nhiều điều buồn cười quá. Một phi thuyền tối tân nhất, vĩ đại nhất hiện giờ cũng chỉ lên tới sao Hỏa, nghĩa là nhiều lắm cũng chỉ lòng vòng trong Thái-Dương-Hệ, chưa ra ngoài quỹ đạo của mặt trời, còn một quốc độ của một Đức Phật giáo hóa không phải chỉ là một thái dương hệ, không phải chỉ một dãy ngân hà, mà rộng lớn vô biên. Ví dụ như cái quốc độ giáo hóa của Đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật có “Tam Thiên Đại-Thiên Thế-Giới”. Tam thiên không phải là 3 ngàn, mà 1.000 x 1.000 x 1.000, gọi là “Tam Thiên”. Tam thiên đại thiên thế giới có nghĩa là 1.000.000.000 (một tỷ) Đại-Thiên Thế-Giới. Xin nhớ cho kỹ điều này.
Một “Thế-Giới” trong kinh Phật nói là cả một dãi Ngân-Hà. 1.000 cái “Thế-Giới” hợp thành một“Tiểu-Thiên Thế-Giới”. 1.000 “Tiểu-Thiên Thế-Giới” thành một “Trung-Thiên Thế-Giới”, 1.000 “Trung-Thiên Thế-Giới” thành một “Đại-Thiên Thế-Giới”, đó gọi là: “Tam Thiên Đại-Thiên Thế-Giới”. Quốc độ của Đức Thích-Ca Mâu-Ni Phật rộng lớn như vậy đó.
Chúng ta ở đây dù sao cũng chỉ lòng vòng trong quĩ đạo quả đất này. Có ai trong chúng ta lên đến mặt trăng chưa? Xin thưa với chư vị, cái mặt trăng, cái quả đất này mà đem lên trên cõi Tây-Phương, so ra lớn lắm cũng chỉ bằng một cái mụt cóc dính trên một nhánh của cây Bồ-đề ở cõi Tây-Phương Cực-Lạc, chứ có mấy đâu mà khoe!… Vậy thì khoa học kỹ thuật này sẽ khai phá tới đâu đây?… Không đi tới đâu cả!…
Người cứ bám vào cái gọi là khoa học để lý luận về Phật Pháp, thì sự suy tư này còn quá hạn hẹp trong vòng vật chất vô thường, làm tiêu mòn niềm tin về vấn đề giải thoát tâm linh. Trong pháp niệm Phật có một chướng ngại gọi là “Sở Tri Chướng”. Sở Tri Chướng chính là “Thế-Trí Biện Thông” hay còn gọi là “Tà-Trí Biện Thông”. Trong Phật Pháp, đây là một trong tám nạn khổ của chúng sanh. Tà-trí biện thông chính là một cái nạn khổ. Chướng nạn này ngang với sự khuyết tật, hay gọi là căn khuyết. Những người khuyết tật, các căn không đủ thì khó tu lắm, rất khó tu. Trong tám nạn khổ gồm có: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, trường thọ thiên, biên địa, căn khuyết, tà trí biện thông, Như-Lai bất xuất sanh. Thế trí biện thông không hay gì đâu nhé!
Thưa với chư vị, chính vì thế nếu chư vị thực sự muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, hãy cố gắng nuôi dưỡng niềm tin vào Phật pháp càng vững càng tốt, lòng chân thành niệm Phật càng cao càng hay… còn cứ ngồi đó mà lý luận, thì thế gian có nhiều người cho là hay, nhưng coi chừng có được cái danh hão huyền vài chục năm nào đó, sau cùng rồi phải tàn đời, huệ mạng phải khốn khổ trong cảnh sanh tử luân hồi này, mà thường thường bị rơi vào tam ác đạo. Kẹt lắm đấy!…
Vậy thì, mong chư vị nhớ cho, muốn được vãng sanh chúng ta không nên đi theo con đường lý luận, mà nên đi theo con đường của Ngài Ấn-Quang dạy: “Lòng chí thành chí kính chính là cái đạo rất nhiệm mầu để người phàm phu vãng sanh thành đạo”. Trong những thời gian gần đây, Diệu Âm thường hay khen một bà Cụ bán bánh ú. Chư vị biết bà bánh ú không? Bà Nguyễn Ngọc Xoan đó, Niệm Phật Đường mình có để bảng cầu siêu nè. Diệu-Âm biết bà Cụ từ mười mấy năm nay, bà hiền lành, ở tại thành phố Sài Gòn mà gia đình lại nghèo. Bà đi hộ niệm mười mấy năm qua. Công phu tu hành của bà chính là đi hộ niệm. Khi gặp được pháp niệm Phật vãng sanh rồi bà cứ hộ niệm. Nhiều lần bà ngồi niệm Phật hộ niệm suốt đêm, rồi sáng ra về nhà bưng cái rổ mây đi bán bánh ú: “Bánh ú đây!… Bánh ú đây!…”. Thường thường bán tới 2-3 giờ chiều mới về tới nhà, rồi sau đó chuẩn bị đi niệm Phật hộ niệm cho người vãng sanh. Bà làm suốt mười mấy năm trường như vậy, rồi sau cùng bà vãng sanh. Người ta nói lại, bà biết vãng sanh trước được mấy ngày, khi ra đi bà đưa tay chào mọi người đàng hoàng. Bà vãng sanh năm ngoái đây (2017). Diệu-Âm xin khoe ra đây với chư vị. Bà Cụ chính là một trong những người thành tựu.
Chư vị nghĩ đi, bà Cụ có lý luận gì đâu? Bà chỉ một lòng chí thành niệm Phật, tha thiết niệm Phật. Khi đi hộ niệm, thường thường 2 tiếng đồng hồ thay phiên một lần, nhưng nếu ban hộ niệm hôm đó niệm suốt đêm, thì bà xin lãnh niệm Phật luôn từ đầu đêm đến cuối đêm. Bà không ngồi bên người bệnh mà thường ngồi trong một góc đề niệm Phật. Chính phụ thân của Diệu-Âm cũng được bà Cụ này hộ niệm. Có một lần tôi tới mời bà Cụ xuống nghỉ ngơi, thì Bà nói, “Không cần, không cần!…”. Bà cứ tiếp tục niệm như vậy… Sau cùng bà đã vãng sanh.
Chư vị ơi! Bây giờ mình có thể lý luận, nhưng đến lúc sắp lâm chung thì Phật nói rằng, chư căn của chư vị sẽ tán hoại cả rồi đấy. Câu “Chư căn tán hoại” này Phật nói trong Kinh Hoa-Nghiêm, nghĩa là Phật cảnh cáo đến hàng Bồ-Tát đấy. Hàng Bồ-Tát mà khi lâm chung vẫn có thể bị chư căn tán hoại, đừng nói là phàm phu như chúng ta. Một khi chư căn tán hoại rồi thì không còn Định, không còn Huệ, không còn gì nữa đâu, mà coi chừng mê-mê hồ-hồ theo sự tán hoại đó mà trôi nổi trong sinh tử luân hồi. Lúc đó tất cả đã bị nghiệp chướng làm chủ rồi!…
Chính vì thế, xin thưa với chư vị, nếu muốn được an ổn vãng sanh, điều hay nhất cho người phàm phu là hãy nghiên cứu thực kỹ phương pháp hộ niệm đi.
Mấy ngày vừa qua, chúng ta xác định rằng, pháp môn nào cũng hộ niệm cả. Thiền cũng hộ niệm, Mật cũng hộ niệm, Hiển cũng hộ niệm, Tịnh cũng hộ niệm… Pháp môn nào cũng hàm ý hộ niệm cho nhau hết. Nhưng ở đây chúng ta nhấn mạnh mãi đến từ “Hộ-Niệm” là chú ý đến sự giảng giải, dẫn dắt cụ thể, một khi đã hướng dẫn thì phải hướng dẫn cho tới cùng tới chốn. Mới khởi đầu tu hành, ta hướng dẫn. Trong lúc đang tu hành, ta hướng dẫn. Trước những giờ phút lâm chung, ta phải hướng dẫn cho cụ thể đến từng phút từng giây một, để ngay cái thời điểm xả bỏ báo thân, ngưng hơi thở ra đi người ta thực hiện được cái ý niệm về tương lai của chính họ, nghĩa là tự họ thực hiện được cái đạo lý gọi là: “Nhất thiết duy tâm tạo”. Tất cả đều do chính cái tâm nguyện của người đó định hình cho tương lai đời kiếp về sau của họ.
Bây giờ ngồi ở đây chúng ta cũng có thể định hình được. Đúng!… Trước khi ăn cơm chúng ta niệm 10 câu: “A-Di-Đà Phật”, rồi còn nguyện: “Xin Phật cho con về Tây-Phương Cực-Lạc”, tức là chúng ta nguyện vãng sanh ngay trước lúc ăn cơm. Đúng!… Nhưng sau khi ăn cơm xong, hình như chúng ta không còn nguyện nữa rồi!.. Trong đạo tràng này hôm nay chúng ta nguyện vãng sanh, ngày mai ra ngoài kia chúng ta gặp chuyện gì khác hay hơn, chúng ta liền nguyện cái khác rồi đấy.
Vì thế, đối với chúng ta nên nhớ câu: “Quán Tâm Vô Thường”, cái tâm phàm phu nó chao đảo, chờn vờn, nó chạy khắp nơi, khó có chỗ định.
Chính vì vậy mà Ngài Lý-Bỉnh-Nam nói, 1.000 người niệm Phật sau cùng chỉ có được 2-3 người vãng sanh, lý do phải chăng vì không được hộ niệm kỹ càng, không có sự dẫn dắt tới nơi tới chốn vậy…
Người học Phật mà mông lung, thiếu định hướng, đến lúc lâm chung bao nhiêu cảnh giới ùn ùn ập tới làm cho họ chịu đựng quá nhiều đau khổ. Đối diện với sự đau khổ thì tâm trí quay cuồng, hãi kinh. Họ rối rắm theo sự loạn động đó mà bị đọa lạc. Thôi chịu thua!… Nói chung, lúc đó không còn định hướng gì được nữa, nghiệp chướng đã ứng hiện dẫn dắt họ đi theo đường nghiệp báo mà thọ nạn rồi. Thành ra đạo lý: “Nhất thiết duy tâm tạo”, (tất cả đều do chính tâm tạo), họ không thực hiện được trong lúc xả thân này thọ thân khác.
Chính vì thế, phướng pháp hộ niệm dạy chúng ta phải định hướng tương lai rõ ràng, đó là Tây-Phương Cực-Lạc, và phải định cho được ngay trước lúc lâm chung. Khó nhất chính là đây. Đạo lý 10 niệm 1 niệm tất sanh chính là ý niệm vãng sanh lúc lâm chung.
Lúc lâm chung không đơn giản!… Hãy nhờ người hộ niệm giúp đỡ cho, hãy nhờ người hộ niệm định giùm cho:
– Bác Bảy ơi!… Sắp buông báo thân này rồi, phải buông hết… buông hết… buông hết nghe bác. Không nhớ con nhớ cháu… Không nhớ tiền nhớ bạc… Nhớ tới tiền nợ, phải buông ra liền. Nhớ tới đứa con, phải buông ngay lập tức...
Nhờ người hộ niệm nhắc nhở cho mình. Người hộ niệm khai thị nói mạnh mẽ, làm cho người bệnh tỉnh ngộ mà kịp thời buông ra và niệm được câu A-Di-Đà Phật cầu nguyện vãng sanh. Niệm Phật nguyện vãng sanh xong rồi buông báo thân ra đi thì người bệnh đã thực hiện được đạo lý duy-tâm. Tất cả đều do tâm tạo.
Chính vì vậy, một người biết đường đi rồi, đến lúc lâm chung chúng ta đến hướng dẫn cụ thể, giúp cho họ theo nguyện lực mà đi vãng sanh, để lại tại thế giới này một khối nghiệp vĩ đại như núi Tu-Di. Về Tây-Phương Cực-Lạc rồi, tất cả đều có cách giải quyết tròn vẹn.
Hiểu được như vậy mới thấy pháp hộ niệm thực sự hàm chứa một lý đạo cao siêu vi diệu. Mong chư vị cố gắng chú ý nghiên cứu cẩn thận, đừng nên sơ ý mà lỡ cuối đời bị thọ nạn, đành chịu oan uổng cả một cuộc đời tu hành.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Trích: Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm
(Tọa đàm 9)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)