Phật dạy tất cả do tâm tạo. Pháp Hộ-Niệm thực thi cụ thể và chính xác đạo lý này.
Đáp án (b): Người bệnh có tâm nguyện cầu hết bệnh thì sẽ được hết bệnh.
Chư vị thấy câu này đúng hay sai? – (Sai!). Câu này không đúng. “Nhất thiết duy tâm tạo” ứng vào Pháp Hộ-Niệm là nói người niệm Phật muốn vãng sanh chứ không muốn lưu lại trong sáu đường sanh tử luân hồi nữa, khi xả bỏ báo thân chúng ta hãy buông xả cái thân này không còn lưu luyến đến nó nữa, quyết lòng niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ, thì chúng ta được vãng sanh. Còn nghĩ rằng tất cả đều do tâm tạo, vậy ta muốn gì được nấy, muốn hết bệnh sẽ được hết bệnh, thì không đúng chánh pháp. Vì thực sự cái nhục thân này thuộc về sự hợp tan của tứ đại: đất, nước, gió, lửa. Chúng duyên hợp lại mà thành gọi là Sanh, hết duyên tan rã gọi là Tử. Thân xác này có sanh, lão, bệnh, tử theo định luật vô thường, chứ không phải mình muốn hết bệnh thì hết bệnh, muốn không chết thì không chết được. Tương tự, chúng ta không thể nói, tôi muốn giàu thì được giàu, tôi muốn đẹp thì được đẹp… nói như vậy không đúng. Đẹp-xấu, khỏe-yếu, giàu-nghèo… tất cả đều có nhân duyên quả báo cả…
Như vậy muốn hết bệnh thì ở đây chúng ta hàng ngày nguyện đem công đức này hồi hướng cho oán thân trái chủ, để gỡ cái nạn oán thân trái chủ. Phật dạy chúng ta làm thiện làm lành thì được quả báo thiện lành. Nếu từ vô lượng kiếp qua chúng ta thường làm thiện lành thì phước báu của chúng ta lớn, nghiệp xấu ác ít, thì tự nhiên đời này chúng ta ít bị bệnh hoạn. Thực tế có nhiều người từ lúc sinh ra đến 80 tuổi, 90 tuổi, 100 tuổi chưa bao giờ có bệnh. Sở dĩ được vậy là nhờ trong nhiều đời nhiều kiếp những người này tu thiện tích đức rất lớn, nhất là không sát sanh hại vật. Nói chung, là những người biết tu bố-thí vô-úy lớn đưa đến quả báo thân thể an khang không bệnh hoạn, chứ không phải niệm Phật cầu xin hết bệnh thì được hết bệnh. Xin chư vị nhớ kỹ đạo lý này.
Cũng xin nhắc thêm, những bệnh không thuộc về nghiệp chướng thi dễ dàng điều trị, ví dụ bệnh sinh ra từ việc ăn uống không điều độ, cảm mạo, trái gió, trở trời, v.v… hãy đi bác sĩ mua thuốc về uống là xong, ở Việt Nam chúng ta thường có khoa xoa bóp, cạo gió cũng hết, đâu cần gì phải cầu xin, khẩn nguyện. Còn các bệnh thuộc về nghiệp chướng thì bác sĩ chịu thua. Đây là do cái nhân tạo tác ác nghiệp trong nhiều đời tích tụ lại, khi nhân gặp duyên sinh ra bệnh khổ. Bệnh khổ do nghiệp chướng thì thầy thuốc hay bác sĩ chịu thua, chữa không được đâu.
Riêng bệnh về nghiệp chướng có bệnh liên quan đến oán thân trái chủ. Xin thưa với chư vị, bệnh về oán thân trái chủ thì bác sĩ cũng chịu thua. Nhiều lắm người ta giới thiệu đến bệnh viện tâm thần, để người bệnh nhập vào đó mà tiếp tục chịu nạn, chứ ở đó người ta cũng không chữa được đâu. Vì thế thường thường ở đây buổi sáng và buổi trưa chúng ta có đọc lời nguyện: “Nguyện đem công đức này hồi hướng cho lịch đại kiếp số oán thân trái chủ…”, là chúng ta hàng ngày đều sám hối với họ đấy, đem công đức hồi hướng cho họ để hóa giải cái ách nạn này ra. Xin thưa với chư vị, đối với bệnh về nghiệp chướng, nếu có bệnh về oán thân trái chủ, bây giờ chư vị có cầu trời cầu Phật thì cũng vô ích, mà tự chúng ta phải giải quyết lấy:
- 1. Là sám hối nghiệp chướng, đem công đức hồi hướng cho oán thân trái chủ.
- 2. Là bắt đầu cữ kiêng sát sanh hại vật, kiêng cữ những việc xấu để tạo thêm phước đức. Chúng ta cần tạo phước đức để chan hòa nghiệp chướng. Phước tội do chính mình làm thì chính mình phải phải giải quyết, chứ không thể nào cầu Phật ban phước hay kết tội cho ai được.
Cho nên mong chư vị chú ý, niệm Phật cầu hết bệnh là không đúng chánh pháp, không đúng chánh pháp thì không có kết quả đâu. Người niệm Phật cầu xin hết bệnh chính là cầu nguyện cho sống lâu, tức là tham sống sợ chết. Thân mạng thuộc về vật chất vô thường, nếu còn tham thân mạng thì phải theo thân mạng vô thường mà chịu sanh tử luân hồi, chứ không thể được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Mong chư vị nhớ cho điều này, đừng nên nguyện sai lầm nữa.
Trích: Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm
(Tọa đàm 21)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)