Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Hôm nay chúng ta tiếp tục giảng về phần tại sao phải hộ niệm.
Câu d: Người bệnh còn rất nhiều những vướng mắc khác, nên cần phải hộ niệm mới hóa gỡ được, giúp người bệnh chuyên nhất niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
Đúng không chư vị? – (Đúng). Tu hành rất cần thiết, nhưng cần thiết nhất chính là lúc lâm chung mình nương dựa với nhau. Trong niệm Phật đường cùng nhau niệm Phật, nhưng sự nương dựa quý báu nhất chính là giúp đỡ nhau trong lúc lâm chung. Nếu sơ ý cứ tưởng rằng công phu như thế này là đủ cho mình thành đạo, thì coi chừng đến lúc lâm chung đối diện với những sự vướng mắc, những sự khó khăn… lúc đó chúng ta có ngộ ra cũng thành thừa, đành chịu thua. Đã quá trễ rồi!…
Cho nên, quan trọng nhất là lúc lâm chung có người giúp đỡ, lúc lâm chung có bạn đồng tu tới hộ niệm cho mình. Điểm này quan trọng lắm. Chính vì điểm quan trọng này mà Ngài Thiện-Đạo Đại Sư, Tổ thứ 2, đời nhà Đường, Ngài đã nhắc lên nhắc xuống rất nhiều về vấn đề hộ niệm. Ngài luôn luôn khuyến nhắc Phật tử đồng tu phải cố gắng hộ niệm giúp đỡ cho nhau, lúc lâm chung không được bi lụy, không được nói lời an ủi vu vơ, không được sầu bi… Ngài nhắc nhiều lắm. Từ thời đó đến nay cách nhau cả ngàn năm. Các Ngài nhắc nhở việc hộ niệm hàng ngàn năm rồi đến nay chúng ta mới biết tới. Rõ ràng muốn có cái duyên hộ niệm, chúng ta phải mất qua hàng ngàn năm mới gặp được. Khó khăn lắm mới gặp được đó chư vị.
Một vấn đề hệ trọng là khi bệnh xuống, chúng ta có còn giữ vững được tinh thần niệm Phật cầu vãng sanh hay không? Hôm nay mỗi lần niệm Phật xong chúng ta có nguyện vãng sanh. Nhưng lúc bị bệnh nặng chư vị có còn tha thiết nguyện vãng sanh hay không? Xin chư vị phải tự giải quyết vấn đề này. Niệm Phật nguyện vãng sanh rồi, cũng đừng nghĩ rằng mình sẽ ngon lành nghe chư vị. Hôm qua mình nói về, “Quán Tâm Vô Thường”. Hãy chú ý điều này. Lúc khỏe như thế này mình niệm: “A-Di-Đà Phật, xin Phật cho con về Tây-Phương Cực-Lạc”. Lúc đau bệnh, vừa gặp một đứa con tới khóc, mình niệm: “A-Di-Đà Phật, xin Phật cho con được sống thêm vài năm nữa để lo đứa con thành đạt rồi sẽ vãng sanh sau”. Có nhiều người già đến 70-90 tuổi rồi, bệnh sắp chết rồi mà vẫn còn nghĩ bây giờ thằng con trai út chưa có việc làm, đứa cháu ngoại chưa có ai trông. Như chị Đ… có đứa cháu nội sắp sinh. Chị phải cố gắng chăm sóc chứ lơ là sao được. Rồi vài chục năm nữa sẽ có đứa cháu chít… rồi chúng cũng nhờ tới bà Cố chăm sóc giùm à. Đời này khổ lắm đó chư vị ơi! Đây là những mối dây chằng chịt với nhau nó kéo mình mãi thôi. Trước đây có một chị đồng tu, chị thương đứa cháu nội, thương đến nỗi không thể xa cách một ngày. Lỡ một khi nằm xuống, thấy đứa cháu nội chưa có vợ, thôi không nỡ nào bỏ cháu để đi vãng sanh đâu!… Nhiều cái vướng mắc lắm.
Xin thưa với chư vị, mình ngồi tại đây niệm Phật như vầy, đừng nghĩ là mình không vướng mắc nhé. Thực đấy!… Ví dụ như chuyện sợ chết, bây giờ thì nói ngon lắm, tôi không sợ chết đâu. Nhưng coi chừng một khi bác sĩ phát hiện mình bị ung thư đến thời kỳ cuối rồi… Ối Giời ơi!… Ngày đêm thở vắn than dài!… Tâm hồn phân vân chao đảo, hồi giờ mình niệm Phật cầu vãng sanh mà không biết Phật có đến tiếp dẫn mình không đây?… Hồi giờ vẫn nguyện vãng sanh, tưởng là tha thiết, nhưng bây giờ thì cứ đứng trước bàn Phật chắp tay khẩn nguyện: “Nam Mô A-Di-Đà Phật, xin Phật cho con sống thêm được ngày nào hay ngày đó, con có chút tiền bạc đây, sẽ đem cúng dường cho Phật…”.
Xin thưa với chư vị, có nhiều sự vướng mắc lắm, ở đây mình nói tượng trưng cho vui đó thôi, chứ đến khi chính mình bệnh rồi, đối diện với những cảnh giới qua từng giờ từng phút rồi, lúc đó mới thấy thế nào gọi là nan giải.
Tại sao có nhiều người tu hành mà sau cùng ra đi thân tướng lại cứng đơ? Tại sao tu hành cũng khá mà sau cùng trong giờ phút cuồi đời tự nhiên biến đổi hình như hoàn toàn, không còn bình tĩnh được nữa? Hãy nhớ cho, bây giờ đây chúng ta ngồi nói chuyện với nhau không có gì bất thường cả, nhưng đêm đêm nằm ngủ nhiều khi có đấy, nào mộng này mơ nọ. Nhưng những sự mộng mị đó dù sao cũng chỉ là những cảnh giới hư huyễn xảy ra trong một vài giây, nhẹ nhàng lắm, không đến nỗi căng thẳng như lúc lâm chung đâu. Lúc lâm chung, từng cơn từng cơn ác mộng hãi hùng liên tục xảy ra đấy. Một cơn đến thì có thể chịu đựng được, hai cơn thì còn có thể chịu đựng thêm được, chứ hết cơn này đến cơn khác dồn dập ập đến làm cho các căn tán loạn, tinh thần hãi kinh. Tinh thần mình quá khủng hoảng rồi, từng giờ từng phút khủng bố dồn tới khủng bố. Thôi chịu thua!… Lâm vào trạng huống khổ đau như vậy, nếu không có người biết đạo tới hướng dẫn, mà lại gặp toàn những người thế gian đến thăm nói những chuyện sai lầm, làm những điều sai lầm… khiến cho mình sợ càng sợ hơn! Rồi con cháu đứng bên cạnh khóc than, kêu gào thảm thiết!… Ôi thôi!…Vạn chuyện rối rắm!…
Xin thưa với chư vị, chính vì những nguyên do này đã làm cho người tu hành bị chới với, ngỡ ngàng, ngã ngửa bất ngờ!… Lúc đó dù có ngộ ra cũng quá muộn màn, có muốn hóa gỡ cũng không còn cách nào hóa gỡ nổi!… Ách nạn đã bao trùm rồi!…
Hôm qua chúng ta có nói đến chuyện oán thân trái chủ, xin thưa với chư vị, dễ sợ lắm đấy! Các vị Cao Tăng tu hành nghiêm túc mà đôi lúc sau cùng cũng bị nạn oán thân trái chủ nhiều khi chịu không nổi. Ngài Ngộ-Đạt là một vị Quốc Sư, là Quốc Sư thì có chư Thiên-Long Hộ-Pháp bảo vệ cho Ngài, ấy thế mà chỉ cần sơ ý một chút liền bị oán thân trái chủ nhập thân báo hại cơ hồ muốn mất mạng, không phải đơn giản đâu. Ngài Giới-Hiền Luận-Sư là một đại Cao Tăng một thời, nhưng khi nghiệp chướng đổ ra, Ngài chịu không nổi đến nỗi muốn quyên sinh. Vậy thì đừng nghĩ rằng chúng ta tu hành như thế này là mình đã hết nghiệp chướng nhé. Còn nhiều lắm đó chư vị ơi!
Chính vì vậy, những chướng nạn lúc cuối cùng của cuộc đời tự mình khó có thể hóa gỡ được, nên rất cần những người biết hộ niệm đến bên cạnh giúp đỡ dìu dắt mình. Xin thưa, nếu người tu hành cao, đức hạnh tốt đến hộ niệm thì mình rất có lợi. Nhưng những người tu ít, tu dở, mới biết tu tới hộ niệm cho mình vẫn có lợi như thường. Họ tu dở hơn mình, họ không biết đạo pháp gì cao siêu bằng mình, nhưng họ vẫn hơn mình ở chỗ họ đang còn tỉnh táo. Mình tu hành hơn họ, nhưng giờ đây mình thua họ vì mình đang bị chướng nạn, tinh thần đang bị khủng hoảng, thể lực thì đang nằm chèo queo, tay chân khó ngúc ngắc nữa rồi. Rõ ràng, đến lúc này, loài ruồi, loài muỗi, những con vật nhỏ nhít cũng có thể dễ dàng phá hoại chánh niệm của mình rồi, huống hồ chi là oan gia trái chủ họ mạnh mẽ biết dường nào.
Nhiều người vì lơ là chuyện hộ niệm, cứ cho rằng tự mình có thể vượt qua sanh tử luân hồi dễ dàng, đến sau cùng khi đối diện với cận tử nghiệp, gặp hoàn cảnh quá khắc nghiệt bủa vây mà đành cúi đầu chịu nạn!… Thất quá sơ suất!…
Xin thưa với chư vị, khi chúng ta biết và hiểu thấu Pháp Hộ-Niệm rồi mới thấy được hộ niệm quý báu vô cùng. Quý ở chỗ ngay tại thời điểm lâm chung có người giúp đỡ. Quý ở chỗ ngay lúc mình sắp bị sụp xuống hố có người đưa tay kéo mình lên. Quý ở chỗ mình đi lạc đường có người kịp thời kéo mình lại. Còn bây giờ đây mình chưa bị sụp hố, mình chưa bị vướng nạn, mình chưa chưa biết sẽ lạc như thế nào, nên không thấy rõ lắm sự quí báu này phải không?
Vậy thì, mong chư vị cố gắng nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm cho cẩn thận một chút. Biết rõ qui luật hộ niệm thì trong khi tu hành mình kịp thời ngăn ngừa những điều sơ suất. Nhờ vậy đến lúc cuối cùng, những người biết hộ niệm đến khai thị, hướng dẫn, chỉ cần vài lời nói của họ rót vào tai mình, tự nhiên bao nhiêu những gì cần thiết cho đường vãng sanh tự mình nhớ lại hết, mình thực hiện chính xác để được vãng sanh. Còn tu hành sơ suất, khinh chê Pháp Hộ-Niệm, giả sử như lúc lâm chung có người hộ niệm thật giỏi ở bên cạnh cũng đành chịu thua thôi. Đây là vì tâm bài bác Pháp Hộ-Niệm mà nhận lấy quả báo đấy. Người ta giảng giải cho mình đường siêu thoát mà mình không nghe. Người ta muốn cứu mình mà mình không chịu tiếp nhận. Người ta năn nỉ mình cố gắng niệm Phật để vãng sanh thì mình lại phản đối. Mình sợ hãi khi nghe đến vãng sanh, mình đang van xin được sống thêm ngày nào hay ngày đó. Làm sao cứu chư vị đây, chư vị ơi!…
Một người đang rối loạn trong cơn khủng bố, người hộ niệm tới hóa giải, nói rằng tất cả những cảnh giới gì đó đều là hư huyễn, đừng lo, đừng sợ, có chúng tôi đang ở bên cạnh trợ giúp đây, nhưng họ cứ mở mắt ra sợ hãi vì nhìn thấy mọi người đều là oán thân trái chủ hết, tại vì giờ giờ, phút phút, giây giây họ sống trong cảnh giới hãi hùng của oán thân trái chủ trả thù đòi nợ, họ thấy những người ngồi bên cạnh cũng là oan gia trái chủ luôn, nhiều khi họ thấy con cháu trong nhà cũng là oan gia trái chủ. Vì sao vậy? Vì lúc đó mắt đã hoa rồi, tai đã điếc rồi, lưỡi đã đớ rồi… không còn lời gì có thể giải thích được nữa!… Nhiều cảnh giới xấu ác dồn dập xảy ra, không cho phép họ bình tĩnh nữa đâu.
Cho nên, muốn được hộ niệm vững vàng, xin chư vị nhớ phải nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm trước. Biết rõ về hộ niệm rồi, khi được người tới hộ niệm cho mình, thì cơ hội vãng sanh của mình cao lắm. Nếu có người hộ niệm, nhưng chính mình không biết gì về hộ niệm, nhiều khi được hộ niệm mà cũng đành thất bại mà thôi.
Xin thưa với chư vị, tâm chấp của chúng sanh nặng lắm! Bây giờ chấp một, thì lúc đó mình chấp tới một trăm. Bây giờ mình mê một, thì lúc đó mình mê tới một ngàn. Những người ưa lý luận này lý luận nọ, bây giờ thì lý luận hay lắm, nhưng lúc đó còn gì để lý luận nữa, mà chính sự lý luận mông lung đã làm cho cái tâm không được định, tâm không vững, tâm không biết đường nào để đi. Lý luận nhiều thì phải nghiên cứu nhiều thứ, nghiên cứu nhiều thứ thì tất cả những kiến thức sẽ nhồi vào tâm. Nhồi vào tâm nhiều kiến thức quá thì không có chỗ chủ định. Tâm không có chủ định, thì lúc lâm chung sẽ hoang mang, phân vân, do dự. Oán thân trái chủ nhiều đời nhiều kiếp đã bao vây, rào đường, bít ngõ giải thoát rồi, nghiệp chướng bùng lên làm chủ rồi, thôi đành phải theo nghiệp mà đi đầu thai trong 3 đường ác đạo, chứ còn cách nào khác hơn! Chính vì vậy, Phật dạy kiến thức thế gian nhiều là một ách nạn rất lớn, là một nạn trong tám cái nạn khổ lớn của chúng sanh đấy, chứ có hay ho gì đâu mà cứ luận huyền lý diệu.
Bây giờ chúng ta biết niệm Phật rồi, xin chư vị hãy cố gắng nhiếp tâm lại, thành tâm mà niệm Phật đi, không nên nghiên cứu lung tung nữa nhé. Hãy giữ niềm tin cho vững, hãy giữ sức nguyện vãng sanh cho tha thiết để tu hành. Chư Tổ dạy chúng ta như vậy, chỉ cần tin cho vững, nguyện cho tha thiết, niệm Phật sẽ được vãng sanh, còn phẩm vị cao hay thấp là nhờ công phu niệm Phật sâu hay cạn của mình.
Ở đây mỗi ngày chúng ta đều nói với nhau về hộ niệm, hãy cố gắng tự mình củng cố con đường chuyên nhất của mình. Bây giờ mỗi bữa cơm, mình niệm “A-Di-Đà Phật” 10 câu, mình còn nguyện thêm câu: “Xin Phật cho con về Tây-Phương Cực-Lạc, Nam Mô A-Di-Đà Phật”, thành ra tới 11 câu, phải không? Hay vô cùng. Đây là sáng kiến của các vị bên Châu Âu đấy. Hay ở chỗ là ngay trong lúc ăn cơm mình cũng nguyện vãng sanh, cũng nhắc nhở thêm cho mình lời nguyện vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc.
Nguyện vãng sanh rất quan trọng. Nhớ nhé chư vị, lúc lâm chung xả bỏ báo thân này mình phải nguyện vãng sanh thì mới được vãng sanh. Lúc lâm chung mình không nguyện vãng sanh thì mình phải mất vãng sanh. Lúc lâm chung nhiều nỗi khổ bức bách, dễ làm mình lạc tâm lắm đấy. Chính người hộ niệm nhắc nhở cho mình giữ được chánh niệm. Xin quyết tâm cùng vãng sanh về nước Cực-Lạc nhé.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm
(Tọa đàm 10)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2
Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)