(i): Pháp môn vô lượng, phải học càng nhiều pháp môn càng tốt.
Đúng hay sai? – (Sai). Tông chỉ Pháp Môn Niệm Phật chú trọng về chuyên nhất. Chư Phật, chư Tổ đều khuyên nhắc chúng ta hãy đi một đường thẳng băng về Tây-Phương Cực-Lạc để một đời được thành tựu đạo quả. Phàm phu đừng nên đi xéo xéo, đừng nên đi lòng vòng mà khó bề thoát nạn. Ham tu học nhiều pháp môn là dạng người thích đi lòng vòng, biết thì nhiều mà không sâu không vững, trở thành những thứ lộn xộn khó tiêu. Ví như người tham ăn, hễ ăn nhiều thì nhai không kỹ. Nhai không kỹ thì dễ bị trúng thực. Ráng ăn cho nhiều sau cùng đành phải ói ra… Vừa phí của, vừa khổ thân!…
Cổ nhân dạy rằng: “Quý hồ tinh, bất quý hồ đa”. Chuyên tinh mới quý, đa tạp khó thành. Chính vì thế, xin đừng ham học quá nhiều pháp môn. Học pháp môn nào một pháp cho thật tinh thuần, thật vững vàng, thì từ một pháp môn đó dễ dàng giúp chư vị thành tựu đạo quả. Khi thành tựu rồi mới thấy rằng một là tất cả, tất cả là một. Một pháp tinh thông thì vạn pháp sẽ tinh thông. Một pháp môn hàm chứa vô lượng pháp môn vậy.
Trở lại hiện thực của chúng ta. Chúng ta đang chuyên tâm nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm. Nếu một Pháp Hộ-Niệm này mà hiểu thật thấu đáo, thì ta thấy rõ rằng vạn pháp đều hàm chứa trong pháp này. Tất cả pháp môn của Phật đều là phương tiện giúp cho chúng sanh tu tập để thành đạo vô thượng, thì Pháp Niệm Phật đưa chúng sanh vãng sanh một đời thành Phật. Pháp Hộ-Niệm hướng dẫn chi tiết, cụ thể, thiết thực giúp cho đến hàng phàm phu tội chướng sâu nặng cũng có cơ hội thực hiện vững vàng Pháp Niệm Phật để vãng sanh một đời thành tựu đạo quả. Vậy thì còn pháp nào khác nằm ngoài Pháp Hộ-Niệm?
“Đồng qui nhi thù đồ”, đồng về một mục đích nhưng đường đi khác nhau. Cùng tới một đỉnh núi, nhưng có nhiều đường lên. Người đang đi đường nào hãy dùng đúng thủ thuật của đường đó. Học Phật, chúng đi đường Hộ Niệm Vãng Sanh, con đường này dẫn chúng ta đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc. Đây là đường dễ tu, dễ hành, dễ chứng, vì được chư Phật mười phương gia trì, được chư Bồ-Tát yểm trợ, chư Thiên Long Hộ Pháp bảo vệ. Hàng phàm phu xưa nay dễ có mấy ai được siêu thoát, thế nhưng nay nhờ hộ niệm mà thực sự có nhiều người đã được vãng sanh lưu lại tướng lành bất khả tư nghì. Vui không chư vị?
Chư vị nghĩ thử, mình đi con đường mà được chư Phật Bồ-Tát hộ trì, chư Hộ Pháp bảo vệ chắc chắn phải an toàn hơn những con đường khó khăn, chắc chắn phải thích thú hơn những con đường đầy chông gai hầm hố cản ngăn chứ?
Như vậy, chúng ta đang học tập về hộ niệm là chuẩn bị để một đời này vãng sanh rồi đó. Trên đường tu hành, nếu có gặp thử thách gì xin đừng lùi bước nhé. Ấn Tổ dạy không được thoái tâm, không được tự mãn, đừng bao giờ tự cho rằng mình tu hành đã đủ. Phải tự nhận mình còn phàm phu, nghiệp nặng trí mê, mà ngày đêm gia công chuyên trì niệm Phật, phải huân tu cho chủng tử “A-Di-Đà Phật” thấm sâu vào tâm. Đến một lúc nào đó gặp cảnh đau khổ làm cho ta quên hết tất cả, nhưng không thể quên câu A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh. Đến lúc nào đó bị ngộp không thở được nữa, mình có thể quên hết tất cả, nhưng vẫn nhớ niệm câu A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh. Đến lúc nào đó thân xác này quằn quại đau đớn như con rùa bị lột mai, mình quên hết tất cả, nhưng vẫn giữ được câu A-Di-Đà Phật mà niệm để chờ Phật lai nghinh tiếp độ. Tất cả công phu một đời huân tập đều dồn vào thời điểm cuối cùng này niệm cho được câu A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh để về Tây-Phương Cực-Lạc thành đạo.
Trích: Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm
(Tọa đàm 149)
Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2