KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT
Tác Giả: Cư sĩ Diệu Âm
Phật lịch năm 2547 / Dương lịch năm 2003
Ý Thức Về Sự Chướng Ngại
(Viết tiếp thư trước)
Kinh gởi cô Lệ Tân cùng cô bác cộng tu!
Thời này tu hành có nhiều chướng ngại lắm. Chướng ngại có ba loại, một là phiền não chướng, hai là nghiệp chướng, ba là báo chướng. Phiền não chướng là tham-sân-si; Cô bác muốn tu hành cho thành tựu thì nên tìm cách giảm bớt ba chất độc này, mỗi ngày mỗi giảm cho đến hết luôn mới dễ trốn thoát ba cảnh đọa lạc. Tham lam là đường ngã quỷ, sân khuể là đường địa ngục, ngu si là đường súc sanh. Nghiệp chướng là ngũ nghịch thập ác, sát đạo dâm vọng. Muốn tu thì cố gắng giữ năm giới, nhất là giới sát sanh. Hãy giữ lòng từ bi thương mạng chúng nó, có thế thì ta dễ được thoát nạn. Báo chướng là hậu quả bị đọa lạc trong ba đường khổ: địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh. Phiền não nghiệp chướng là nhân, báo chướng là quả. Nhân nào quả đó, nhân duyên quả báo không sai một ly một tấc.
Khi thấy được đường tu hành mới biết rằng trong quá khứ chính mình đã sơ ý tạo ra quá nhiều nghiệp ác như giết hại chúng sanh, tham lạm công quỹ, chống báng Phật pháp, sân giận, đố kỵ, vọng ngôn, xảo ngữ, trộm cướp, lường gạt, ganh tỵ, thị phi, v.v… nay gặp được Phật pháp mới hay quả báo này toàn là địa ngục, không địa ngục thì ngạ quỷ, không ngạ quỷ cũng là đường súc vật thì sợ đến đêm ngày ăn ngủ không yên! Đối điện với cảnh khổ mới thương hại kẻ bần cùng, nhìn thấy người chết mới lo buồn cho thân phận người sống, nhìn cảnh tra tấn dã man trong địa ngục mới sợ hãi đến tương lai của mình. Nhờ cơ duyên này mà nhiều người biết quay đầu sám hối không dám phạm tội nữa. Nhiều người phát khởi tâm từ bi lo làm lành tích phước. Nhiều người khởi phát tâm bình đẳng, nguyện trả cho sạch nghiệp để mong thoát cảnh tam đồ. Những người có những tâm nguyện này chứng tỏ đã biết tu hành, đáng khen! Nhưng nếu những người này gặp Diệu Âm thì tôi sẽ bày cho họ một sự phát nguyện khác. Đó là hãy niệm Nam-mô A-di-đà Phật và phát nguyện cầu sanh Cực-lạc.
Vì sao vậy? Vì niệm Phật cầu sanh Cực-lạc là đới nghiệp vãng sanh, bất thối thành Phật. Cái điểm chính là nguyện vãng sanh Tây-phương Cực-lạc, chứ không phải là cầu sám hối, cầu phước báu, cầu trả sạch nghiệp…
Một chúng sanh phàm phu tội lỗi như chúng ta không thể nào mơ có ngày trả cho đến nghiệp sạch tình không! Người biết sám hối nghiệp chướng, không dám phạm tội nữa thì rất tốt. Nhưng đâu phải không làm tội mới thì tội cũ sẽ hết đâu! Đã ra tay giết hại người ta rồi, mối thù này là mạng phải đền mạng, làm sao đền? Người phát tâm tu hành làm lành tích phước là tu phước. Nhân tu phước thì có quả báo phước, còn nhân đã gây tội trong quá khứ thì phải trả tội. Tội chướng chất chồng vô lượng kiếp chẳng lẽ mới đem vài đồng bố thí là xong được sao? Còn người phát tâm bình đẳng, dám làm dám chịu, nghe qua thấy khá cảm khái, khá anh hùng! Nhưng nhân duyên quả báo tơ hào không sai, giết một mạng phải đền một mạng! Hỏi rằng ta có được bao nhiêu cái mạng để trả đến hàng vạn ức chúng sanh đã bị ta sát hại? Hôm nay ta mới biết đường tu hành, nhưng có ai ý thức được cái số lượng tội lỗi do mình gây ra trong vô lượng kiếp qua là bao nhiêu chưa? Sống trong cảnh phàm phu ngu muội, ta tiếp tục tạo nghiệp mới, sát đạo dâm vọng mỗi đời mỗi tăng, trả chỉ có một mà tạo hàng vạn, thì bao giờ mới thực hiện xong cái anh hùng tính này đây?!!!… Trong kinh Hoa Nghiêm có nói, nếu nghiệp chướng của chúng sanh mà có hình tướng, thì hư không này không còn chỗ chứa. Chẳng lẽ cam tâm ở lại trong chốn tam đồ lục đạo hàng vô lượng vô biên kiếp để chịu chết đi sống lại trả cho xong nợ sao?
Giáo pháp nhiệm mầu của Phật là cứu độ chúng sanh vượt qua tam đồ lục đạo, thoát khổ được vui, vãng sanh Tây-phương, chuyển phàm thành Thánh. Nếu một pháp mà bắt có nợ phải trả cho hết, có nghiệp phải báo cho tận mới được giải thoát, thì bao giờ mới độ được một chúng sanh? Độ là gì? Là chuyển phàm thành Thánh, là đáo bỉ ngạn, là vượt qua sanh tử. Chúng sanh đang tạo tội lỗi, lặn ngụp trong sanh tử, đọa lạc, nhờ Phật lực gia trì mà được độ thoát. Đây mới thật là nhiệm mầu! Phật pháp đâu có thể cay nghiệt. Luật pháp thế gian mà cũng không đến nỗi cay nghiệt như vậy, hà huống là pháp Phật lấy từ bi làm gốc…
Cô Lệ Tân và quý cô bác ạ, nếu thực sự muốn tu hành, cô bác phải cần có nhiều lần tự phản tỉnh lại cách tu hành để coi có gì sơ suất hoặc sai lầm không hay. Có rất nhiều người tu hành khá lâu năm, nhưng vẫn còn có những ý niệm không chánh pháp, có những lời nguyện sai lạc! Nhiều người vẫn thường nghiên cứu kinh pháp, nhưng những sự lệch lạc này chưa chắc đã nhận ra; Nhiều người hàng ngày có tới chùa tu học, nhưng chưa chắc phát hiện được.
Trong năm vừa qua (2004), tôi có tiếp xúc với một vị, suốt một đời hầu như ở chùa tu hành, đã nói với tôi như vầy, “Tôi nguyện rằng, kiếp sau tôi sẽ không bao giờ cúng dường cho chùa lớn, chỉ cúng cho chùa nhỏ mà thôi. Chùa càng nhỏ tôi sẽ cúng dường càng nhiều. Người đời nay bất công quá, chùa lớn đã giàu mà lại cúng nhiều, còn chùa nhỏ nghèo xác xơ thì lại cúng ít, nhiều khi không thèm cúng!”. Tôi hiểu được chút ít tâm trạng của vị đó nên góp ý kiến rằng, thay vì chúng ta nguyện trở lại trong lục đạo này để cúng dường, thì đâu bằng nguyện vãng sanh Tây-phương Cực-lạc để thành Phật cứu độ chúng sanh không hay hơn sao? Vị đó lại nói, “Cái gì cũng phải cần có nhân duyên, có lý có sự chứ! Có lý mà không sự thì đạt lý không được. Có thực mới vực được đạo, không có ăn thì làm sao thành đạo!”.
Nghe lời biện bạch đó làm tôi hơi giựt mình! Chẳng lẽ thực sự có nhiều người suốt đời tu hành nhưng lại âm thầm đi theo con đường riêng của họ, chứ không chịu nghe theo lời Phật dạy trong kinh điển hay sao?!… Lời nguyện này có tác dụng như một Dẫn-Nghiệp, có thể đưa đến hậu quả là ta chịu cái Mãn-Nghiệp ở trong lục đạo. Nhất thiết duy tâm tạo. Cảnh giới tương lai ở từ tâm nguyện mà thành. Chúng ta cần cẩn thận, không nên dùng nó như chuyện thế gian thường tình để đối chọi với vài điều bất công riêng lẻ của người đời, hoặc phát lời nguyện lệch ra khỏi quỹ đạo giải thoát mà lạc mất mục đích chính của việc tu hành, đưa đến hậu quả một đời này dù có khổ công tu hành vẫn đành phải chịu luống qua oan uổng!
Chính cái nội tâm của con người tạo ra cảnh giới cho họ. Nếu tâm nguyện muốn thành Phật thì họ thành Phật. Cái tâm muốn được có ăn thì họ trở thành người đi kiếm ăn. Một người muốn vãng sanh Cực-lạc để hội kiến đức Di-đà thì tương lai họ sẽ thành vị A-duy-việt-trí Bồ-tát, một người cứ lo nghĩ chuyện thế gian thì không thể nào thoát ly luân hồi sanh tử. Người ở thế giới Cực-lạc có phước báu vô tận, mà ta ở đây cứ đắm tâm vào vài bó rau muống nhỏ xíu, thì làm sao đủ sức để hưởng được cái đại phước báu bao trùm vũ trụ. Cảnh giới Tây-phương của A-di-đà Phật là nhất chân pháp giới, mọi người đều có thần thông quảng đại, một tích tắc thời gian họ có thể đi tới khắp cùng hư không pháp giới để dạo chơi, còn chúng ta ở đây cứ bám riết vào căn nhà lụp xụp không nỡ rời, cứ nghĩ rằng cái làng nghèo nàn này là quê cha đất tổ, thì tương lai không đói cũng rách, không rách cũng nghèo, không nghèo thì ngày ngày cũng phải kiếm ăn từng bữa đổ mồ hôi, sôi nước mắt… chứ có cách nào được du hí thần thông, được du hành khắp chốn, hưởng vô tận an vui cực lạc ở cảnh Tây-phương!…
Một ví dụ khác, cách đây mấy năm, tôi có quen một người, cũng khá thân, anh là chủ một tiệm cắt may gia công. Anh ta có tu hành, tính tình khiêm nhường, thiện lương. Một hôm anh gặp tôi và tâm sự rằng, “Tôi chỉ làm cho đủ sống là được chứ không cầu làm giàu có gì đâu, tôi cũng cố gắng tu hành mong khỏi bị đọa lạc. Tâm nguyện của tôi cho kiếp sau là không cần danh vọng, không cần sự nghiệp, chỉ là một người thất nghiệp nhưng tôi nhất thiết không nhận một đồng tiền trợ cấp. Tôi cầu xin được làm người ăn mày thấp hèn và mong sao trong đời mình giúp được cho một người, giúp một người thôi là cũng đủ mãn nguyện rồi…!”.
Nghe nói vậy tôi mắc cười và nói với anh rằng, anh là người khiêm nhường, có lòng từ bi! Nhưng ở nước Úc này không có người nghèo đói làm sao anh đi ăn xin? Tôi nói đùa thêm, nếu anh nguyện như vậy, lỡ chánh phủ Úc nghe được, họ sợ tương lai ở xứ này có người ăn mày mà không cho phép anh định cư ở đây đâu…
Anh ta thật sự là một người hiền lành, chân thật, không bao giờ dám nghĩ đến lợi dụng ai. Lời nói của anh thật chân thành, không kiểu cách. Nhưng có lẽ vì quá hiền lành mà thành ra thiếu sáng suốt! Tôi hiểu được tâm ý của anh, tôi cố gắng phân giải với anh vài điều lợi hại trong lời phát nguyện. Tôi nói, đời này dù anh không cứu được nhiều người chứ ít ra cũng giúp được một số công nhân có công ăn việc làm, giúp được vợ con anh không đói khổ. Anh không cần cố gắng lắm nhưng ít ra cũng giúp ích được hơn một người, vậy mà xã hội này vẫn còn nhiều người thất nghiệp, nhiều nơi khác vẫn cần đến sự giúp đỡ của anh. Nếu anh có tâm từ bi, muốn giúp ích người khác bớt khổ, sao anh không nguyện thành người triệu phú, thành tỷ phú, rồi đem khối tài sản đó đi bố thí giúp người thì có hay hơn không? Chứ còn anh muốn trở thành một người ăn mày, là kẻ tận mạt trong xã hội rồi thì giúp ích được ai? Giả như, xã hội còn có những người cần đến một kẻ ăn mày giúp đỡ, thì những người đó cũng là kẻ mạt tận còn tệ hại hơn giới ăn mày nữa, thì xã hội đó có tốt lành gì đâu! Chẳng lẽ đã thành một người ăn mày mà mong cho có người còn tệ hơn kẻ ăn mày để mình có dịp thực hiện cái hạnh bố thí mà tốt lắm sao!… Anh ta có vẻ hiểu thấu và làm thinh!…
Đi phải có đường, nhắm phải có hướng. Tu hành cũng vậy, ta phải xác định rõ rệt hướng đi, điểm đến, nếu không thì đường tu hành của ta sẽ bị mông lung vô định hướng hoặc lạc đường! Trong kinh Viên Giác, Phật có đưa ra vấn đề Liễu-nghĩa và Bất-liễu-nghĩa. Kinh bất liễu nghĩa là thuyết phương tiện chưa trọn vẹn. Kinh liễu nghĩa là kinh nói đến giáo pháp chân thực cứu cánh. Nói cho dễ hiểu, liễu nghĩa là pháp tu hành thành Phật, bất liễu nghĩa là các pháp tu hành chưa thể đạt đến quả vị Phật cứu cánh. Phật dạy, chúng sanh nên y theo kinh liễu nghĩa, đừng nên theo kinh bất liễu nghĩa. Thành Phật chính là khai mở chân tâm tự tánh. Bất liễu nghĩa thì rất nhiều, vì đó là pháp phương tiện dùng để dẫn dắt chúng sanh lạc đường quay về với đạo. Còn liễu nghĩa là mục đích tối hậu, chỉ có một chứ không phải hai.
Niệm Phật là pháp môn thành Phật, là liễu nghĩa trong các pháp liễu nghĩa, là pháp môn ở ngoài tất cả các pháp môn, đưa chúng sanh thẳng về cảnh giới Phật, gọi Môn dư đại đạo. Chính vì chỗ này mà sự tu hành cần nên chuyên nhất để thâm nhập thẳng vào cửa đạo, khai mở chân tâm. Ngài Tịnh-Không nói rằng, pháp môn thì vô lượng vô biên, nhưng quy tụ lại không ngoài ba cửa, đó là: Giác-môn, Chánh-môn, Tịnh-môn. Giác-môn thuộc về pháp tu thiền định, trực chỉ nhân tâm để minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. Đây là pháp tự lực tu chứng chỉ dành cho bậc Thượng-Thượng căn trong thời chánh pháp; Chánh-môn thuộc về giáo hạ, thông đạt kinh giáo để chứng cảnh giới Đại khai viên giải, đây cũng là pháp tự lực, hợp với bậc Thượng-Trung căn ở thời kỳ tượng pháp; Tịnh-môn là pháp nhị lực, niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, hợp cho cả tất cả mọi căn cơ, thích hợp với thời mạt pháp. Đây là đại pháp để cứu độ tất cả chúng sanh viên thành Phật đạo trong một đời tu hành. Phật dạy, đời mạt pháp phải tu Tịnh-độ mới thoát khỏi luân hồi, còn tu theo các pháp tự lực thì ức triệu người tu tìm không ra một người đắc đạo. Như vậy, trong thời mạt pháp này, niệm Phật là pháp đại liễu nghĩa trong pháp liễu nghĩa. Ta là người trung hạ căn nhất định phải y giáo phụng hành, tu đúng theo lời Phật dạy để được thiện lợi, quyết lòng không dám tự kiêu ngã mạn mà tự hại mình triệu đời vạn kiếp trong lục đạo luân hồi sanh tử khổ đau!…
Đã là hạng trung hạ căn thì trí huệ chưa khai mở, chưa đủ khả năng tự tu tự độ. Chúng ta rất cần sự gia trì chư Phật, chư Bồ-tát. Có nhiều người tu hành, có tâm lượng rất tốt, phát tâm Bồ-đề cao cả, nhưng họ không ý thức được đâu là năng lực của họ. Học đạo cần biết đến lý vô ngại, sự vô ngại. “Lý” thì hay(?), nhưng “Sự” bị bế tắt thì việc làm sẽ biến thành vọng tưởng, không thể thực hiện. Đây cũng là một điều cần phải nghiêm chỉnh xét lại.
Ví dụ, Tứ hoằng thệ nguyện của đức Bổn sư Thích-ca Mâu-ni Phật:
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ.
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn.
Pháp môn vô lượng thệ nguyện học.
Phật Đạo vô thượng thệ nguyện thành.
Đây là cương yếu của sự phát tâm Bồ-đề. Nhiều người y theo Tứ-hoằng-thệ-nguyện mà phát tâm đi cứu độ chúng sanh, đoạn diệt phiền não, học nhiều pháp môn, để cầu thành Phật đạo. Tâm nguyện này tốt lắm! Nhưng kết quả thì nhiều khi một điều cũng không thực hiện được! Tại sao vậy? Muốn hiểu tường tận kinh Phật, chúng ta cần phải cẩn thận, nếu không sẽ dễ dàng giải sai chân thật nghĩa của Như Lai!…
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ. Người học Phật phải phát tâm nguyện độ chúng sanh, nếu không phát tâm nguyện này thì tâm hồn quá hẹp hòi ích kỷ. Tu hành mà tự tư ích kỷ thì không thể thành tựu. Nhưng muốn độ chúng sanh phải có phước báu và trí huệ đầy đủ, hay nói cách khác, phải có phương tiện và năng lực. Phương tiện không có, năng lực chưa đủ để tự cứu lấy mình, thì làm sao độ được chúng sanh. Thấy một người đang ngoi ngốp giữa sông, mình vội nhảy xuống cứu mà quên rằng mình không biết bơi thì thật là điều buồn cười vậy! Do đó, một người chưa có năng lực độ lấy chính mình mà lo đi độ chúng sanh, nếu không dẫn chúng sanh đi sai đường thì cũng bị chúng sanh “Độ” mất. Nghĩa là, nếu không hại người thì cũng hại ta! Nên nhớ, “Độ” chúng sanh là thành tựu cho một chúng sanh thành Phật. Đường thành Phật chính ta chưa rõ thì làm sao có thể hướng dẫn người khác thành Phật? Thề độ tận vô biên chúng sanh, mà trong khi chính ta chỉ là một chúng sanh phàm phu chính hiệu, tương lai chưa chắc sẽ tránh khỏi đọa lạc, mà có tư cách độ chúng sanh tới bờ giác ư?!…
Cách đây mấy năm, có một cô gái trẻ, khá thông minh, thường nghiên cứu nhiều kinh sách về cả triết học và Phật học. Cô rất thích bàn thảo, lý luận về những triết lý cao siêu huyền nhiệm trong Phật pháp. Cô thường đem theo mình một tập nhỏ ghi chép những tư tưởng cao siêu của các triết gia cả Đông lẫn Tây. Cô cũng rất sốt sắng trong những chuyện xã hội, bố thí, gây quỹ, cúng dường. Có một hôm cô đến bàn chuyện Phật pháp với tôi. Cô nói,
-Tu hành chính là làm lành làm thiện, cứu khổ cứu nạn và giảng giải Phật pháp cho chúng sanh. Đây mới là tâm nguyện của Phật Bồ-tát, còn chú sao chỉ ở nhà niệm Phật hoài vậy?
Tôi nói, “Chú dở quá, không đủ khả năng!”. Cô ta lại nói,
-Chú có biết Bồ-tát đạo là gì không?
Tôi nói, “Chú chưa phải là Bồ-tát, thành ra hành đạo Bồ-tát không nổi!”. Cô ta trố mắt, không giữ được bình tĩnh nữa và nói hơi lớn tiếng,
-Tu hành mà không lo cứu giúp người nghèo khổ, cứ ngày ngày niệm Phật cầu về Cực-lạc làm chi? Tìm cách trốn đời để tìm chỗ hưởng phước, tu hành kiểu gì kỳ lạ vậy!…
Tôi mỉm cười và đành chịu thua cuộc! Cô nói cũng có lý lẽ của riêng cô, nhưng xét kỹ thì thật tội nghiệp! Một người muốn hành Bồ-tát đạo, nhưng còn khá nhiều tập khí chưa phục được. Chính vì vậy, khi vừa gặp một sự bất như ý nhỏ thì phiền não liền nổi lên, sân si không kềm nổi, khai khẩu nói ào, phạm phải tội phỉ báng pháp Phật mà cô không hay!…
Niệm Phật là đại pháp cứu độ tất cả chúng sanh, chư Phật đều tán thán tuyên dương, người học Phật chân chính sao lại dám khinh thường! Tình thật, tôi hơi lo sợ cho cô, vì quá nhiệt tâm vào việc bố thí, tu phước, mà lại sơ ý cứ buông lời phỉ báng chánh pháp thì tội sẽ khá nghiêm trọng! Tu phước được phước. Với chút phước báu hữu lậu thế gian làm sao cứu nổi cái Báo chướng từ Nghiệp chướng và Phiền não chướng đã gây ra đây! Giúp người phải biết tùy duyên, nếu cố phan duyên thì phiền não càng ngày càng nhiều, nghiệp chướng cũng từ đó phát sinh. Tăng trưởng phiền não và nghiệp chướng thì quả báo không thể tốt được! Cứu người khó lắm, phải lo tu cho tâm của mình thanh tịnh trước mới có thể giúp được chúng sanh. Nếu sơ ý, cứu người không được mà còn gây thêm tội cho người, thêm tội cho ta vậy!
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ. Độ chúng sanh không phải là đem tiền giúp người nghèo khổ. Giúp người nghèo khó chỉ là sự bố thí tài vật. Bố thí tài được giàu có, bố thí pháp được thông minh trí huệ, bố thí vô úy được khỏe mạnh kiên khang. Người đi thuyết kinh giảng pháp cũng chưa phải là độ được chúng sanh, đó chỉ là sự bố thí pháp, nhiều khi chỉ là sự gieo duyên Phật pháp mà thôi! Tổ Ấn-Quang nói, giúp một chúng sanh vãng sanh Tây-phương Cực-lạc thì công đức vô lượng vô biên, thù thắng hơn việc gieo duyên Phật pháp cho hàng ngàn người. Chính vì vậy mà Ngài chủ trương, hãy xây dựng những nhóm niệm Phật nhỏ, không quá 20 người, chí đồng đạo hiệp, quyết lòng niệm Phật, một đường cầu sanh Tịnh-độ để cho tất cả 20 người này chắc chắn được vãng sanh. Đây mới là một đạo tràng đại thành tựu. Ngài Huệ Viễn Đại sư đời nhà Tùy lập ra Bạch Liên Xã tại đỉnh núi Lư Sơn, gồm 123 người cả xuất gia lẫn tại gia, chuyên tu Tịnh-độ, chỉ có một đường đi là niệm Phật cầu sanh Tây-phương. Kết quả 123 người đều đã được vãng sanh. Ngài không cần độ đến tất cả chúng sanh. Ngài chỉ cần độ 123 người tu chung với Ngài vãng sanh Tây-phương Cực-lạc, nhưng nhờ cái gương đó mà vô lượng chúng sanh về sau được độ thoát.
Như vậy, thế nào gọi là độ chúng sanh? Ngài Ấn-Quang dạy, “Khuyên người niệm Phật là giúp cho một người phàm phu thành bậc Chánh Giác, công đức này vô lượng vô biên, đem công đức đó cầu sanh Tịnh-độ thì ắt thành Phật đạo”. Lời của Tổ Sư đã quá rõ ràng minh bạch. Độ chúng sanh chính là: “khuyên người niệm Phật, cầu sanh Tịnh-độ”.
Người ở nhân gian này khổ quá, người ở Cực-lạc sướng quá. Người ở Ta-bà bị đọa lạc, người ở Tây-phương được siêu thoát. Người ở cõi ngũ trược ác thế hung hiểm xấu xa, người ở Tịnh-độ đại thiện đại thánh… Người nào có lòng từ bi hỷ xả, biết thương xót chúng sanh, thì hãy mau mau khuyên người niệm Phật, chỉ đường cho họ đi thẳng về Tây-phương để họ sớm được hưởng Cực-lạc an vui, để họ thành Phật. Đừng nên có những ý tưởng quá nông cạn, cứ khuyên người ta ở lại đây chịu khổ nạn đau thương. Đừng thấy quyên được chút ít tiền còm, biếu tặng một vài người tượng trưng nào đó rồi cho đó là Tâm Bồ-đề cao thượng, cứu được “vô biên chúng sanh“. Không phải vậy đâu! Đây là một việc thiện, nên làm, đáng làm, hãy cố gắng làm nhiều hơn. Nhưng nên nhớ rằng, dù sao đây cũng chỉ là sự bố thí, tu phước, chứ không phải là cứu độ chúng sanh. Giúp cho người một bữa cơm để cho họ no lòng rồi khuyên họ niệm Phật mới đúng hơn, chứ đừng sơ ý khuyên họ bỏ đường thành đạo để lo đi làm phước mà đoạn mất đường giải thoát của họ, hoặc làm cho họ lầm lạc mục đích tu hành để phải chịu vạn kiếp trầm luân. Sơ suất điều này sẽ gây tội không nhỏ, ta gánh không nổi đâu!
Phiền não vô tận thệ nguyện đoạn. Phải đoạn phiền não. Nhưng làm sao đoạn đây? Nhiều người tu lâu năm mà kiến-hoặc phiền não 88 phẩm chưa phá nổi được một phẩm, thì còn nói chi đến Tư-hoặc, Trần-sa, Vô-minh? Pháp môn vô lượng thệ nguyện học. Nhưng có thể học hết được chăng? Đừng nói chi vô lượng pháp môn, chỉ cần 8 vạn 4 ngàn pháp môn, giả sử một người tu 50 năm, muốn học hết thì mỗi năm phải tu tới 1.680 pháp môn, mỗi ngày phải tu 5 pháp môn mới, không được ôn lại pháp cũ. Hỏi rằng, ai có năng lực này? Sự thật là, nhiều khi chỉ có một quyển kinh tụng đi tụng lại suốt năm cũng không thuộc, không hiểu nổi, thì mơ chi tới cả ngàn pháp môn một năm! Khi nghĩ đến điều này, tôi mới giựt mình tỉnh ngộ ra câu: “Y kinh giảng nghĩa, tam thế Phật oan”. HT Tịnh-Không thường nói, “… không được giải sai ý nghĩa chân thật của Như Lai”. Chúng ta cần nhớ đến lời nhắc nhở này.
Chúng sanh vô biên thệ nguyện độ là lời nguyện của Phật. Một phàm phu tội chướng tràn trề có tư cách nào thực hiện được lời nguyện này! Như vậy, muốn độ chúng sanh ta phải thành Phật trước. Chưa thành Phật chưa thể độ tận chúng sanh! Hoặc ít ra, cũng phải đoạn được kiến tư phiền não, đắc Thánh quả A-la-hán, chánh tri chánh kiến, vòng sanh tử không cần vướng bận, lúc đó mới mong độ được chúng sanh. Đạo lý này thật chính xác vậy.
Làm sao thành Phật? Hãy vãng sanh Tây-phương. Vãng sanh Tây-phương thì chắc chắn sẽ thành Bồ-tát bất thối, thành Phật. Lời nguyện thứ hai là đoạn phiền não, nhưng diệt đoạn thì chúng ta làm không nổi, còn phủ phục phiền não thì có thể được. Phủ phục phiền não bằng cách niệm Phật. Một tạp niệm khởi lên hãy nhanh chóng niệm A-di-đà Phật. Bao nhiêu niệm khởi chuyển thành bấy nhiêu câu Phật hiệu. Niệm Phật liên tục, niệm Phật trong bất cứ trường hợp nào, ở bất cứ hoàn cảnh nào, cứ niệm Phật tương kế thì câu Phật hiệu sẽ dễ dàng bao phủ phiền não. Đây cũng là cách lấy chấp phá chấp. Chấp vào câu Phật hiệu giác ngộ để phá chấp trước phiền não. Phủ phục phiền não là có thể đới nghiệp vãng sanh. Vãng sanh về Tây-phương, nhờ cơ duyên thù thắng mà nghiệp chướng phiền não không thể hiện hành, tự nó sẽ tiêu tan. Như vậy thực hiện hai nguyện đầu chỉ cần Tín-Nguyện-Niệm Phật là hoàn thành.
Vãng sanh được về Tây-phương, mỗi ngày chúng ta có thể biến hóa đi khắp mười phương cúng dường chư Phật Như Lai, mỗi vị Phật chỉ giảng cho ta một pháp thôi, thì một ngày ta có thể học được vô lượng pháp môn rồi, nhờ thế Phật đạo vô thượng chắc chắn sớm được viên thành. Như vậy, chân thành niệm Phật cầu sanh Tây-phương thì chúng ta đã hoàn thành được đầy đủ Tứ-Hoằng-Thệ-Nguyện của đức Thế Tôn rồi.
Sự khai thị này tôi học được từ HT Tịnh-Không, đã giúp tôi ngộ nhập được một chút ít đạo lý cho việc tu tập. Cho nên, xin khuyên cô bác hãy tìm cách thân cận với thiện tri thức, nhờ thiện tri thức họ chỉ điểm, ta mới có cơ hội khai ngộ. Chứ kinh điển của Phật có nhiều huyền nghĩa cao siêu mà vội vã đi tra cứu, tự tìm hiểu lấy, thì rất dễ giải sai lắm vậy.
Trở lại vấn đề những chướng ngại của sự tu hành. Có nhiều vị đồng tu trong nhà chất cả một kho băng giảng kinh thuyết pháp và kinh sách, thế mà họ vẫn cứ thường xuyên săn tìm pháp mới. Tôi không biết là làm sao họ có đủ thời giờ để nghe cho hết đây? Trong khi đó, chính tôi, nhiều khi chỉ một bộ pháp mà tôi nghe đi nghe lại hoài vẫn chưa hiểu thấu, còn cần phải nghe thêm. Thật sự tôi không có giờ để nghe nhiều pháp như họ!
Ở đây có một cô đạo hữu còn rất trẻ, chưa tới 30 tuổi, có gia đình, vừa mới phát tâm ăn chay trường niệm Phật cỡ hơn một năm. Chồng của cô cũng phát tâm tu hành khá tốt. Trước đây anh ta rất thích đi câu cá để giải trí. Một cần câu trị giá cả ngàn đô la, nhưng khi biết tu, anh đã bẻ liệng rồi. Bây giờ thì anh lại thích cúng dường, bố thí, phóng sanh. Cô đạo hữu này nhiều lần tới gặp tôi, rồi nhờ tôi “Độ” giùm cha của cô. Cô nói, hầu hết cả nhà của cô đã chuyển hướng tu hành, niệm Phật. Chỉ riêng cha cô thì nhất định không theo. Tôi ở Úc, cha cô ở VN, hai nơi xa cách, thế mà cô cứ tới nhờ tôi “Độ!” giùm. Làm sao “Độ” đây? Có lẽ cô thấy tôi viết được vài lá thư khuyên người niệm Phật, thì tưởng rằng tôi là Bồ-tát chăng? Xin thành thật thưa rằng, cô ta đã lầm rồi, vì tôi dù sao cũng chỉ là thứ Bồ-tát bằng đất qua sông tự mình giữ mạng không xong, làm sao có khả năng độ người!
Cô thật là một người đáng mến, đáng thương, có tâm hồn hiền lành, hiếu thảo. Nhiều lần cô nói chuyện với tôi mà nước mắt lưng tròng. Cô nghĩ tới cái cảnh người cha khó tránh khỏi khổ nạn trong tương lai mà nhiều lần cô nghẹn ngào rơi lệ. Cô nói với tôi,
– Cứ mỗi lần em khuyên cha em niệm Phật thì bị cha chửi mắng. Cha em nói, cha em biết Phật pháp từ lúc em chưa sanh ra kìa. Nếu muốn thì cha giảng cho nghe, chứ đâu cần gì em phải khuyên cha! Em sợ cha em cứ cống cao ngã mạn như vậy mà sau này bị đọa lạc!…
Nói đến đó thì cô bậc khóc! Tấm lòng hiếu thảo, tâm địa thiện lương, tha thiết thương cha kính mẹ, có nghĩa với anh chị em, cô đã làm tôi nhiều lần phải cảm động!
Những người trong gia đình cô, mẹ, anh chị em, chồng con… hầu hết cô khuyên được. Họ là những người trước giờ chưa biết pháp, chưa biết tu hành, thế mà lại dễ chuyển. Còn người cha thì đã nghiên cứu quá nhiều kinh pháp, sách vở, nhưng lại không chịu tu!
Có một chị đạo hữu khác cũng thường tới đạo tràng niệm Phật. Có lần, chị cảm thấy quá buồn tức, mới đến tâm sự với tôi như vầy,
-Anh nghĩ coi, ảnh thì hiểu nhiều Phật pháp, nhiều lúc giảng Phật pháp cho tôi nghe. Thế mà bây giờ thấy tôi đi chùa, làm Phật sự thì ảnh lại la, không muốn cho tôi đi. Thật sự Phật nói không sai mà, khi phát Bồ-đề tâm thì liền bị ma chướng. Nhưng tức một nỗi, con ma này lại là người trong nhà của mình!…
Nhiều chuyện kể ra giống như chuyện tiếu lâm, nhưng lại là sự thật! Những người nghe nhiều pháp lại tu không được, đây đúng là điều buồn cười! Hay nói rõ hơn một chút nữa là, đời mạt pháp này nếu ham thích nhiều pháp thì thường bỏ tu. Đây thật là những chuyện lắt léo, tiếu lâm! Vì sao vậy? Vì tâm mất thanh tịnh. Căn cơ của chúng sanh trong thời này không đủ sâu để tiếp nhận giáo lý của Phật, không đủ năng lực để đi theo đường giáo hạ. Nếu không phải là hàng thượng căn mà ham nghiên cứu nhiều pháp môn, nhiều kinh điển, sẽ dễ bị mắc kẹt trong rừng thuật ngữ, mông lung trong biển pháp. Pháp giới mông huân, người căn tánh yếu, chính họ đã không biết đường đi, nếu không gặp được thiện tri thức hướng dẫn chuyên nhất, thì nay người chỉ hướng này, mai người khác dẫn hướng kia, mới đầu thì hay, nhưng sau cùng thì mù mịt! Nghe một pháp thấy một đường, hai pháp thấy hai đường, nghe nhiều pháp thì trở thành mông lung ngỡ ngàng ở giữa vạn nẻo đường! Đây chính là người kém phước vậy. Cuộc đời vô thường, số mệnh ngắn ngủi mà cứ chập chờn phân vân vô định, cứ chạy cà rông để thỏa tánh hiếu kỳ, một mai tử ma gõ cửa thì ô-hô! Cơ hội nào nữa để hồi đầu!
Ngài Ấn-Quang dạy, chí thành chí kính thật là pháp nhiệm mầu để thành đạo nghiệp. Chí thành nghe theo lời Phật, hành theo lời Phật thì làm sao không đắc. Có thiện tri thức nào đáng tin hơn Phật. Phật dạy thời mạt pháp phải tu Tịnh-độ, thế mà con người còn cứ chạy lung tung! Trong hàng chư Phật có Phật nào cao hơn Phật A-di-đà. Đức A-di-đà phát thệ: 10 niệm tất sanh. Thế mà chúng sanh không niệm, lại chạy khắp đó đây để cầu kiếm thêm chút ít kiến thức. Vì mê kiến thức thế gian nên đường công phu mới hững hờ, dang dỡ! Người chưa có tâm thành kính mà hiểu biết nhiều pháp thường tự kiêu, cống cao ngã mạn, kém đức khiêm nhường. Những khuyết điểm này nó phá hỏng tâm thanh tịnh, che lấp cái chơn như bản tánh. Ngài Tịnh-Không nói, người nghiên cứu nhiều, biết quá nhiều pháp môn không tin Tịnh-độ, họ không chịu niệm Phật. Đây chính là hạng người thiếu thiện căn. Những lời này mới nghe qua giống như chuyện tiếu lâm, nhưng quả thực như vậy. Quý vị cứ thử đi tìm hiểu sẽ rõ.
Người đam mê đọc nhiều sách, muốn nghe nhiều pháp, muốn hiểu nhiều chuyện là vì chính tâm họ chưa có một chỗ nhất định để an trụ, thành ra tâm hồn cứ chơi vơi, lạc loài. Không có định tâm, thì tâm đang ở trong cảnh giới loạn động, hồ nghi, mập mờ, bất định. Họ thích sưu tầm những kiến thức thế gian bên ngoài để thỏa mãn sự đói khát của tình thức mà cứ lầm tưởng là chân lý. Họ đâu biết rằng, Phật gọi, kiến thức thế gian là thế trí biện thông, một loại sở tri chướng, cản trở sự thành tựu chân chính của người học Phật. Trong kinh Duy Ma nói, thế trí biện thông là một trong “bát nạn” của người tu hành!
Trong kinh Kim Cang, Phật dạy, “Ưng vô sở trụ, nhi sanh kỳ tâm”. Nhiều người nói “Vô sở trụ” là không trụ ở đâu hết, tâm để trống không. Nhưng tôi thì không đủ khả năng nghĩ vậy, vì nếu để tâm trống không thì quá nguy hiểm, chẳng khác gì ngủ mê mà quên đóng cửa, lỡ kẻ xấu xâm chiếm vào thì tiêu mạng! Thành ra, “Vô sở trụ” chính là trụ vào cái chơn tâm, trụ nơi tâm thanh tịnh của mình, đừng buông lung ra ngoài nữa. Tập buông xả, đừng tham quá nhiều pháp, đừng cầu hiểu nhiều lý. Nên nhớ, tất cả đã có sẵn trong tâm rồi vậy.
Làm sao trụ vào chơn tâm? Cứ thành tâm niệm Phật, chí thành chí thiết cầu về Tây-phương. Một lòng niệm Phật, tưởng Phật, đem tâm trụ vào câu danh hiệu Phật, trụ vào Tây phương Cực-lạc, thì chơn tâm sẽ có ngày hiển lộ. Đây gọi là: Nhi sanh kỳ tâm vậy.
Cũng xin đính chính rõ điều này, là chúng ta không nên nghe nhiều pháp, chứ không phải nói: không nghe pháp nhiều. “Nghe nhiều pháp” là nay nghe pháp này, mai nghe pháp nọ, cái gì cũng muốn thâu lượm cả. Người tu hành trong thời đại mạt pháp mà không chú ý đến điều này, thì như trong kinh Đại-Tập Phật nói: …Ức ức người tu hành không có một người chứng đắc. Đây gọi là tạp tu, tạp niệm, xen tạp, một trong ba thứ kỵ cho người niệm Phật. Niệm Phật phải không hồ nghi, không xen tạp, không gián đoạn, trong đó xen tạp là tối kỵ trong tối kỵ, dễ đánh lạc tâm người niệm Phật mà mất phần vãng sanh. Còn “nghe pháp nhiều” là cách chuyên tu, nhất hướng chuyên niệm, một pháp thực hành cho tinh thuần, nghe đi nghe lại cho thật nhuyễn, càng nghe lý đạo càng thâm nhập vào tâm. Một pháp nhập tâm, thì tự tâm ta sẽ có tất cả pháp. Lục Tổ Huệ-Năng nói: “Hà kỳ tự tánh năng sanh vạn pháp”, thật sự tất cả pháp ở trong chân tâm của chính chúng ta, chứ không phải ở ngoài. Cứ đi thẳng một đường để khai tâm, khi tâm được khai sẽ tự nhiên thấy tất cả.
Cô Lệ Tân cùng quý cô bác thân mến, nói lòng vòng khắp nơi nhưng rồi chúng ta cũng quay về với câu A-di-đà Phật. Có lẽ đây cũng là cái duyên của tôi. Nhiều người đọc được những lá thư “Khuyên Người Niệm Phật” thì cứ tưởng chú Diệu Âm này giỏi lắm, hay lắm!… Nhưng thực ra, đó chẳng qua là sự cốp nhặt lời giảng của các vị Tổ-sư, Hòa-thượng, Đại-đức… rồi thuật lại mà thôi. Diệu Âm có lòng tin, biết đường niệm Phật, nhưng công phu còn quá yếu, có nhiều lời thư còn thiếu chính xác. Chính vì thế tôi đã xin được gác bút tịnh tu sau khi làm xong bộ Khuyên Người Niệm Phật. Nhưng hình như Diệu Âm còn một số duyên nợ, một vài vị muốn tôi viết thêm, một vài đề tài có đề nghị tới. Thỉnh thoảng cũng thường có thư của các vị đồng tu khắp nơi gởi tới hỏi việc. Có nhiều vấn đề khá cần thiết đối với việc tu hành của họ, ví dụ như cô Lệ Tân đây chẳng hạn, thành ra tôi lại viết thư trả lời trở lại. Có lẽ đây cũng là duyên với nhau. Thôi thì, nếu là duyên thì tùy theo duyên. Duyên của Diệu Âm là “Khuyên người niệm Phật”, nhất môn thâm nhập, trường kỳ huân tu, cho nên, nếu có viết tôi cũng chỉ tiếp tục viết thư “Khuyên người niệm Phật”. Còn duyên còn viết, tùy theo duyên chúng ta khuyên nhau cố gắng niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Hết duyên thì hết viết, hết nợ. Duyên nợ hết là cơ hội tốt cho chúng ta nguyện xin Phật A-di-đà tiếp độ vãng sanh. Sớm về Tây-phương gặp Phật, nghe pháp, tận hưởng an nhàn khoái lạc không sướng hơn ở đây sao…
Xin báo cho cô lệ Tân biết, ngày mai 8/7/2005 Diệu Âm về Việt Nam thăm gia đình, thời gian ở VN có thể mấy tháng. Mấy lời thư này vẫn chưa trả lời hết những điều của cô Lệ Tân nêu ra trong thư, nhưng vì việc cần gia đình nên đành phải gián đoạn. Còn duyên thì còn gặp, xin cô và quý cô bác chớ nóng lòng. Nếu có duyên có thể gặp được ở quê nhà, còn không thì khi thuận dịp Diệu Âm sẽ viết tiếp để giải quyết vào mấy vấn đề chính khác của cô sau. Diệu Âm xin hứa sẽ cố gắng trả lời rõ ràng và chi tiết theo khả năng riêng của Diệu Âm.
Cầu nguyện cho cô Lệ Tân cùng tất cả cô bác đồng tu pháp hỷ sung mãn, tinh tấn niệm Phật. Đời này ta có được thành tựu đạo pháp hay không đều do nơi lòng tín tâm vững mạnh, tha thiết cầu vãng sanh, và ngày đêm không rời câu Phật hiệu của quý cô bác. Pháp niệm Phật dễ tu dễ chứng. Cố gắng xa lìa thế sự thường tình, ngày ngày cầm chuỗi niệm Phật. Tin Phật, tưởng Phật, niệm Phật, cầu sớm về Tây-phương thì thành đạo dễ dàng vậy.
A-đi-đà Phật,
Diệu Âm kính thư, (Viết xong tại Brisbane, ngày 7/7/05).
Tâm hay tạo nghiệp, tâm hay chuyển nghiệp, nên khi tâm chú trọng thì làm cho nghiệp thêm mạnh, mới hay dẫn dắt thọ sanh. Nếu ta dùng tâm chú trọng tu Tịnh nghiệp thì tịnh nghiệp mạnh. Tâm chú trọng, nghiệp mạnh chỉ hướng tới Tây-phương, khi lâm chung quyết định sanh về Tây-phương, chẳng sanh vào nơi khác.
( Đại sư Triệt-Ngộ ).