Khóc Lóc Mối Nguy Hại Cho Người Lúc Lâm Chung (Khuyên Người Niệm Phật 68)

Share on facebook
Share on twitter

KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT
Tác Giả: Cư sĩ Diệu Âm
Phật lịch năm 2547 / Dương lịch năm 2003

Khóc Lóc Mối Nguy Hại Cho Người Lúc Lâm Chung

Cô Lệ Tân cùng quý đạo hữu!

 

Đời người thật ngắn ngủi, sống chết là chuyện thường tình. Có người coi cái chết nhẹ tợ lông hồng, nhưng có người coi cái chết nặng hơn dãy núi Trường sơn. Người hiểu Phật đạo không sợ chết, họ an nhiên tự tại vãng sanh. Người không hiểu Phật pháp họ sợ cảnh ra đi làm cho tâm hồn thường trực đối diện với nỗi hãi hùng khủng bố! Chung quanh chuyện người lâm chung, trước đây có một vài đạo hữu có nêu lên vấn đề chướng ngại do con cháu khóc lóc, người thân yêu trong gia đình không hiểu đạo gây ra sự ồn náo. Thư của cô Lệ Tân cũng có nêu lên những khó khăn tương tự. Hai thư trước giải quyết một ít chuyện. Hôm nay Diệu Âm xin cố gắng bàn đến những chuyện khá phổ biến này. Những chướng ngại này, nếu nhẹ thì làm mất phần siêu thoát, nếu nặng có thể đày đọa người thân vào ba đường ác để chịu vạn kiếp khổ đau. Những chướng ngại ở đây suy cho cùng thì thật quá oan uổng, vì nó chính lại là hậu quả của tình cảm, thương yêu mà vụng dại! Bình thường, con người hẹp hòi, ganh ghét, đố kỵ mới hại nhau, đây là chuyện thường tình của thế nhân. Nhưng còn thương yêu chân tình mà vô ý để đến nỗi phải gây hại cho nhau một cách thê thảm thì thật là điều quá đáng tiếc!…

 

Ở đây chúng ta hoàn toàn không có ngụ ý nói về những chuyện tình yêu và thù hận hoặc những cảnh thất tình lục dục của thế nhân, mà chúng ta đang nhấn mạnh đến những hành động lỗi đạo do sự thiếu hiểu biết về Phật pháp gây ra. Trong thư cô Lệ Tân viết: có người cho rằng bố mẹ ra đi con cái phải khóc, không khóc thì thiên hạ bảo là bất hiếu…”. Cô đã đưa ra vấn đề rất hay, rất thực tế, rất phổ thông. Cứu khổ chúng sanh, cứu nạn nhân loại, giúp người tránh khỏi đọa lạc… không phải là khoe trên đầu môi những điều siêu huyền diệu lý, mà chính là giải tỏa những vấn nạn này đây. Diệu Âm sẽ cố gắng hết sức mổ xẻ vấn đề, mong sao cho cô bác đồng tu biết thêm một ít điều lợi ích.

 

Đầu tiên, khi nghe được “Thiên hạ” còn nhắc đến hiếu, đây là điều thiện lành đáng mừng. Nhưng biết được chữ hiếu và làm trọn chữ hiếu là hai chuyện khác nhau. Thường tình, người ta hay nói rằng, tu hành là làm lành đừng làm ác, có lòng từ bi thương người là được. Nhưng thực ra, không phải quá đơn giản như vậy đâu!

 

Tại sao vậy? Lời ngạn ngữ trong nhân gian thường nói, Từ bi đa họa hại, phương tiện xuất hạ lưu, đã lật ra bề trái nào đó đầy phũ phàng, đau đớn! Đối với người lâm chung, thì ảnh hưởng của tình cảm lớn lắm, nó có thể cứu một huệ mạng vượt qua ách nạn, cũng có thể đẩy một thần thức vào ba đường ác. Từ bi, lòng thương yêu thuộc về tình cảm, chứ không phải lý trí. Từ bi gây nhiều tai họa, vì vậy chúng ta phải hết sức cẩn thận về chuyện này, chớ nên xem thường mà vô tình gây đại họa cho nhau.

 

Đầu tiên xin nhắc nhở rằng, lời ngạn ngữ này hoàn toàn không có ý phỉ báng lòng từ bi thương người, hoặc chống lại việc làm lành tích thiện đâu, xin đừng lạm dụng nó để làm điều sai trái, mà tinh thần của nó chính là nhắc nhở những người có tâm thiện lành cần phải sáng suốt, minh mẫn. Từ bi cần đến trí huệ mới thật sự làm lợi ích cho chúng sanh, mới tránh điều họa hại. Không có trí huệ thì coi chừng càng có nhiều phương tiện như: tiền bạc, thế lực, địa vị bao nhiêu càng gây khổ nạn cho đại chúng bấy nhiêu!…

 

Chuyện đời xưa nay thiện ác nhiều lúc khó phân minh. Có những việc con người cho là thuần phong mỹ tục, có đạo nghĩa… nhưng thực ra chỉ là mê tín, hủ lậu, bất nhân! Ví dụ, trên thế giới có nhiều dân tộc khi có người chết, họ đem gạo, nếp, đậu… nhét đầy vào miệng, để cho người ra đi khỏi bị cảnh chết đói. Tệ hại hơn, có lúc người bệnh chưa kịp chết, đã bị người nhà vạch miệng đổ đầy những thứ đó vào mồm làm cho nghẹt thở chết luôn! Có chỗ họ đem tiền bạc dí vào tay, nhét vào túi để người chết xuống âm ty có chút tiền xài. Trước đây vào thời đại vua chúa, có nhiều nơi khi nhà vua chết họ bắt người hầu cận, cung nữ chôn theo để hầu hạ cho vua. Nhiều dân tộc họ phân chia tài sản chôn theo dưới mộ, bắt những kẻ nô tỳ chôn theo chủ nhân. Ngoài ra, còn rất nhiều những tập tục bất nhân, như bắt người thả xuống sông tế thần linh để cầu mưa thuận gió hòa… Những hình thức đó, làm sao gọi là thiện lành được? Thế nhưng vì mê muội, cố chấp, con người đã làm điều tệ hại mà cứ cho là đúng!

 

Trong xã hội hiện nay, cũng đâu thiếu những tư tưởng, sinh hoạt lầm lạc! Ví dụ, nhiều người làm cha mẹ vì thương con cái mà cưng chìu chúng thái quá, vô tình tạo nên những đứa con hỗn hào, vô lễ, ương ngạnh. Nhiều cha mẹ muốn con cái lễ phép thì thường lại đi vạch ra những sai lầm của kẻ khác: con thấy đó, gia đình kia vô lễ, mất dạy, xấu xa, vô giáo dục, là thứ hạ cấp, đáng khinh… con đừng gần với chúng nó!!! Lối giáo dục kiểu này có thể tạo nên người tốt chăng, hay là chỉ tạo ra những kẻ xấu tệ trong xã hội?… Vạn vật vạn sự luôn luôn có hai mặt: phải – trái, thiện – ác, trắng – đen… Dạy cho con cái điều phải thì chúng làm theo điều phải, chỉ cho chúng thấy việc sai trái thì chúng cảm nhiễm việc sai trái. Làm điều thiện con cái sẽ noi theo điều thiện, nêu ra điều ác con cái sẽ nhập tâm điều ác. Dạy con cái biết lễ phép thì đừng nên để chúng thấy những cảnh vô lễ. Muốn được tính khiêm cung thì chính ta đừng biểu diễn tính cống cao, ngã mạn đối với mọi người. Người có lòng từ bi, thương người, tính tình quảng đại mới làm gương mẫu tốt, chứ chỉ cho con cái thấy những kẻ ích kỷ, hẹp hòi, đanh đá… làm chi?… Muốn con cái trở thành người tốt mà hàng ngày cha mẹ cứ trương lên những cái gương xấu cho chúng nhìn, thì chúng không thể nào trở thành một đấng trượng phu được!… Người lớn mà thường chỉ trích người này, chê bai người nọ, thì giới trẻ sẽ là kẻ thị phi, cạnh tranh, ganh tị, ngạo đời… nói chung chắc chắn sẽ là giới hạ lưu trong tương lai. Cho nên, dạy điều tốt hoàn toàn không có nghĩa là chửi bới điều xấu.

 

Làm cha mẹ đã khó, làm con cũng đâu phải dễ! Ví dụ, nhiều người con có lòng hiếu thảo, biết thương cha mẹ, gặp khi cha mẹ bị đau bệnh là họ lo sợ cuống cuồng, cầu vái khắp nơi, giết heo giết gà đi cúng tế thần linh cầu cho cha mẹ tai qua nạn khỏi. Họ tưởng vậy là có hiếu có nghĩa, nhưng thực sự là họ đang gây thêm nghiệp ác cho cha mẹ, bắt cha mẹ phải chịu thêm quả báo xấu! Rõ ràng, từ bi thương người không phải là không gây họa đâu!

 

Nhiều tình cảm, biết thương người, có lòng từ bi chưa phải là đủ! Người thế gian mỗi khi người thân chết, họ khóc than, níu kéo, lay động, vạch mắt, vạch mồn… họ làm đủ cách trên thân người mới chết. Vì quá nhiều tình cảm, quá thương tiếc người thân mà họ không đành lòng để người thân an lành nhắm mắt ra đi. Theo như kinh Phật nói, những hành động này gây đau đớn vô cùng cho người chết về cả thể chất lẫn linh hồn. Chính những hành động phũ phàng này tạo ra cái nhân chủng xấu dẫn đến sự đọa lạc cho người thân yêu trong chốn đại hiểm nạn! Từ bi đa họa hại! Có hiếu, có tình, có nghĩa nhưng vô tình tạo ra hậu quả bất hiếu, bất tình, bất nghĩa! Thật quá oan uổng!…

 

Như vậy, người tốt không phải chỉ cần lòng tốt là được. Người hiếu nghĩa không phải chỉ biết thương cha mẹ là có hiếu đâu! Điểm chính yếu là việc làm của mình có đem lại hậu quả tốt hay không? Tốt thì thiện lành, có hiếu. Xấu thì sai trái, bất hiếu! Người hiểu được Phật đạo mới nhận ra suốt vấn đề, mới mong trọn vẹn được cái đạo làm người thiện lành vậy.

 

Trong kinh Hoa Nghiêm có nói, “Quên phát Bồ-đề tâm mà làm các việc thiện lành, thì đó là nghiệp của ma”. Bồ đề tâm là tâm giác ngộ. Quên phát tâm bồ đề là chưa có tâm giác ngộ. Chưa có tâm giác ngộ, dù có làm việc thiện, thì nhiều lúc cũng biến thành ma nghiệp. Ma nghiệp thì tính chất của nó là tà vạy, hậu quả là tai họa! Thế gian pháp và Phật pháp đều có lời cảnh cáo tương tự về sự thiện ác. Nhiều người tu hành mà tâm Bồ đề không vững thì hướng tu dễ bị biến dạng. Nghĩa là, càng tu càng sai, càng xa đường chánh giác!… Lại có nhiều người cho rằng, sống với đời ăn ở hiền lành là được, cần chi tu hành, cần chi hiểu đạo. Thực sự không đơn giản như vậy đâu! Hiền lành mà thiếu sáng suốt, thường sanh chuyện hạ hưu. Làm việc thiện lành mà thiếu trí huệ, rất dễ dàng tiếp tay cho tội ác!… tâm tánh thiện lành mà gây nên tai họa chính là vì chưa sáng suốt nhìn thấu vấn đề, không lường trước cái hậu quả của việc làm đó thôi.

 

Chưa phát Bồ-đề tâm, chưa thể hoàn thành thiện pháp! Tâm Bồ-đề là tâm thành Phật, nếu tâm chưa biết đường thành Phật, thì hãy lo tìm đường vãng sanh Cực-lạc để thành Phật trước. Nếu tâm chưa khai ngộ mà chăm chú vào việc thiện, thì thiện nghiệp càng lớn, nợ sanh tử càng nặng, nó sẽ lôi cuốn chúng sanh lún sâu vào luân hồi, khó có thể thoát ly tam giới!

 

Cho nên, làm thiện làm lành thấy vậy mà không đơn giản! Xin kể cho cô bác nghe về một câu chuyện phát nguyện tâm, tốt thì có tốt, nhưng theo thì không nên theo! Tháng 8/2005 tôi về thăm VN, có một đạo hữu gặp tôi tâm sự rằng, người thân của chị đã phát một tâm nguyện là đời đời kiếp kiếp xin được làm người để cứu giúp người nghèo khổ. Chị hỏi, lời nguyện này có đúng không? Tôi nói, nếu thực sự là Bồ-tát tái lai thì có thể đúng! Còn chỉ là kẻ phàm phu, thì lời nguyện này không đúng với lời Phật dạy. Phát một nguyện tâm không y cứ vào kinh Phật thì coi chừng bị vướng nghiệp ma! Tại sao vậy? Mất phần vãng sanh!

 

Phật dạy thời này chúng sanh phải niệm Phật, nguyện sanh Cực-lạc để thành Phật, thành Phật mới có khả năng cứu độ chúng sanh. Một người phàm phu chưa có năng lực tự cứu lấy mình, mà đòi đi cứu chúng sanh thì đây chính là vọng tưởng! Dù lòng từ bi có lớn đi nữa, cũng vẫn là vọng tưởng! Không làm theo lời Phật để thành đạo Vô Thượng, lại đi làm khác lời Phật dạy, đã không cứu được ai mà chính mình bị kẹt lại trong luân hồi. Tệ hơn nữa, nếu khuyên người khác chú tâm làm việc thiện mà quên mất đường về Tây-phương, thì thật sự là sai lầm! Xin nghĩ thử coi, đánh lạc mất hướng vãng sanh của người, đoạn cái cơ hội thành đạo của chúng sanh, thì đây là hành nghiệp gì? Xin quý đạo hữu thức tỉnh!

 

Thời mạt pháp, chân tâm đã bị vô minh che lấp, vọng tưởng nhiều. Sống theo vọng tưởng thì lạc mất chánh pháp, gây nghiệp luân hồi. Trải qua một cuộc cách ấm, thần trí sẽ mê mờ và quên hết những gì xảy ra trong quá khứ. Phàm phu thì sức định yếu, không đủ năng lực để giữ vững ý nguyện. Do đó, dù đời này có phát tâm thiện lành, nhưng chưa chắc đời sau sẽ tiếp tục làm người thiện lành. Không định, không lực, không đủ phước báu thì không chuyển đổi được hoàn cảnh. Ngược lại, sẽ bị hoàn cảnh chuyển xoay thành một thứ con vụ quay cuồng theo vọng niệm của thế gian. Khi đó, lấy gì bảo đảm rằng ta sẽ giữ vững lý tưởng thiện lành? Vị đạo hữu đã phát nguyện đời đời kiếp kiếp ở lại trong cảnh người để cứu khổ cứu nạn. Đây là hạnh Bồ-tát, tốt đấy! Nhưng đáng tiếc, ta chưa phải là Bồ-tát. Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật nói, “Nghiệp nhân quả báo bất khả tư nghì”. Nghiệp chướng của chúng sanh đều do nhân quả, chư Phật Như Lai cũng không cứu nổi, thì kể chi đến kẻ phàm phu! Chính thế mới có câu, “Phật không độ kẻ vô duyên”. Chúng sanh phải có duyên với Phật mới mong có ngày được độ thoát. Hữu duyên chính là tin Phật và biết làm theo lời Phật dạy. Ta là một chúng sanh mà không chịu y giáo phụng hành theo lời Phật, thì đành phải chịu làm kẻ vô duyên vậy.

 

Hơn nữa, nên nhớ cho, chúng sanh không phải chỉ có cảnh giới người. Và, cứu độ chúng sanh, như lời Ấn Tổ dạy, là giúp cho một chúng sanh phàm phu thành bậc Chánh Giác. Muốn chúng sanh thành bậc Chánh Giác thì hãy tích cực khuyên người niệm Phật cầu sanh Tịnh độ, chứ không phải là chạy lo chuyện bố thí. Bố thí giúp người chỉ là điều căn bản phải làm của người tu hành, chỉ là một độ trong “Lục độ Ba-la-mật” của hạnh Bồ-tát mà thôi, chứ không phải là mục đích chính trong giáo pháp giải thoát của các đức Như Lai!

 

Rất nhiều người tu hành cốt để cầu phước, điều này không phải xấu. Nhưng làm lành hưởng phước là đạo Nhân-Thiên, chứ không phải là đạo giải thoát, siêu việt tam giới, vĩnh ly sanh tử. Người học Phật mà cầu xin chỉ được làm người, thì tâm đạo thật sự còn quá hạn hẹp, chỉ vương vấn trong cảnh giới người, thì làm sao có ngày thành đạo Vô Thượng. Trong kinh Vô Lượng Thọ, Phật dạy, người cầu hưởng phước báu nhân thiên không được vãng sanh. Trong kinh Hoa nghiêm Phật nói, Vạn pháp duy tâm sở hiện, tâm còn tham đắm ở cảnh giới người, thì dù tu hành có giỏi cho mấy đi nữa, cũng chỉ đầu thai trở lại làm người, tốt hay xấu còn tùy thuộc vào nhiều nhân duyên, nhưng chắc chắn còn phải chịu trầm luân trong biển khổ, không thể thoát nạn. Đây là tự mình làm mất phần thành đạo của chính mình, tự chọn con đường khổ hải trong tương lai!…

 

Làm thiện mà chấp trước vào việc thiện thì chưa phải là thiện! Phật gọi đây là “Hữu tướng tam luân”, (Kinh Tâm-Địa-Quán). Những người này lúc mới phát tâm thì khá tốt, nhưng vì nghiệp chướng phiền não chưa đoạn, tâm chưa thanh tịnh, định chưa đủ để đối đầu với những thử thách phức tạp bên ngoài, thành ra sau cùng thường gặp phải nhiều chướng ngại. Vì chấp vào việc thiện, nên dễ sinh ra: khó chịu, chỉ trích, phê phán, đánh giá thấp những người ít làm thiện, hoặc ghét bỏ những người bất thiện, v.v… đây chính là cơ hội phát triển những thứ căn bản phiền não: tham, sân, si, mạn, hoặc phân biệt, chấp trước… làm cho tâm mất thanh tịnh. Tâm đã mất thanh tịnh thì căn bản thiện đã bị mất. Căn bản thiện bị mất thì làm sao thành tựu đạo nghiệp! Lục Tổ Thiền-tông Huệ-Năng dạy, “người tu hành chân chính không bao giờ nhìn thấy lỗi của kẻ khác”. Người làm thiện mà chấp thiện thường vướng phải cái lỗi này. Nói cách khác, người còn chấp lỗi kẻ khác, ưa vạch điều sai lầm của người này người nọ, thì không có thể trở thành người tu hành chân chính được!…

 

“Tam-Luân” là người bố thí, kẻ được bố thí, phẩm vật bố thí. “Hữu Tướng” là còn so đo, ghi nhớ, tính toán, hơn thua, cố chấp những việc đã làm. Làm thiện mà tâm cứ dính vào đó thì dù việc thiện có lớn cũng chỉ tạo thêm nghiệp chướng của luân hồi chứ không có đường giải thoát. Đại sư Tĩnh-Am, tổ thứ 9 của Liên Tông Tịnh độ Trung Hoa nói: “Việc thiện càng nhiều, sanh tử càng lớn; một niệm tâm ái khởi lên, muôn kiếp bị trói buộc”. Đây là lời nói khá thấm thía khi Ngài nghiêm khắc cảnh cáo một vị cư sĩ suốt đời lấy việc làm thiện, bố thí, công quả làm chính, mà lơ là chuyện niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ.

 

Nói vậy, chẳng lẽ Tổ sư xúi làm ác sao? Thưa không!

 

“Yếu vô phiền não, yếu vô sầu,

Bổn phận tùy duyên mạc cưỡng cầu…”

 

Điều chính yếu là tâm không bị phiền não, không buồn sầu khổ đau. Bổn phận cũng phải tùy theo hoàn cảnh chứ đừng nên gượng ép. Người tu hành mà còn khó chịu vì chồng con chống đối, ảo não vì bị mất ngủ, lo sợ vì bệnh hoạn nhiều, khổ tâm vì con cái chưa thành danh, buồn phiền vì sự nghiệp chưa thành, ái ngại vì chưa giúp được ai, xấu hổ vì chưa làm được nhiều việc thiện, v.v… thì đường tu hành đã bị mất hướng hoặc bị lạc đường rồi vậy. Dù có tu theo chánh pháp, thì dụng tâm cũng đã sai! Tại sao vậy? Vì tu hành là để thoát khổ được vui. Nếu tu mà không vui thì đường tu làm sao đúng được! Người tu mà không được vui, thì một trong những lý do chính là vì không chịu buông xả, cái gì cũng muốn ôm đồm, cái gì cũng muốn trọn vẹn, cái gì cũng muốn xảy ra đúng theo ý của mình. Không buông xả thì không tự tại thoải mái. Lòng tham chấp còn quá nặng thì tâm chưa được an trụ, không được thanh tịnh. Đây chính là mẫu người chưa nhìn thấu chân tướng của vũ trụ nhân sinh, nên cứ cố chấp vào cảnh vô thường. Muốn được thanh tịnh thì tâm phải an trụ trong chánh định, còn tất cả những thứ khác phải bỏ đi, hoặc ít ra cũng biết xem nhẹ mới được. Chánh Định là an trụ trong lý tưởng chân chính của mình. Còn chạy xiên xiên xéo xéo, gọi là Tà Định.

 

Làm sao an trụ trong chánh định? Người niệm Phật thì giữ tâm mình trong câu Phật hiệu là an trụ trong chánh định. An trụ vào câu A-di-đà Phật, an trụ vào Tây-phương Cực-lạc. Tâm nguyện chỉ có một điều duy nhất là được vãng sanh Cực-lạc để thành Phật. Còn tất cả những việc khác hãy xem nhẹ nhàng, phụ thuộc. Như vậy thì còn có gì có thể làm cho ta buồn với khổ. Còn có “bổn phận” nào khác để cho ta cầu với mong.

 

Làm thiện đừng nên chấp vào việc thiện, mới thật là thiện. Tùy duyên, chứ không phan duyên. Có cơ hội, có khả năng thì gặp việc thiện hãy cố gắng hết sức mà làm. Không có cơ hội, không có khả năng thì cứ an nhiên niệm Phật, đừng móng khởi niệm nào khác, đừng để gián đoạn câu Phật hiệu. Sự làm thiện này gọi là ‘Vô Tướng Tam Luân‘, “Tam Luân Không Tịch”, hay là “Tam Luân Thanh Tịnh”. Đây mới thực sự là đại thiện. Làm thiện thì tốt, nhưng nên nhớ đừng để việc thiện trở thành một cái nghiệp. Đã là nghiệp thì dù thiện hay ác vẫn là nghiệp, vẫn làm chướng ngại cho đường vãng sanh thành đạo.

 

Như vậy làm thiện làm lành có công đức hay không là do sự dụng tâm. Làm thiện, hãy lấy tinh thần: “Làm mà không làm, không làm mà làm”. Nghĩa là, làm mà không chấp, không tham, không khoe, không cầu… Làm rồi quên chúng đi để cho tâm hồn thanh thản, ngày ngày niệm Phật, giờ giờ niệm Phật, đem tất cả công đức tu hành được hồi hướng cho pháp giới chúng sanh, hồi hướng về Tây-phương trang nghiêm Tịnh-độ. Vừa tu huệ vừa tu phước, phước huệ đầy đủ, thì đường vãng sanh Cực-lạc sẽ phẳng lặng an toàn. Ví dụ, giả như người cư sĩ suốt đời làm thiện kia mà dụng tâm được như vậy, thì có lẽ ngài Tĩnh-Am sẽ khen ông ta không tiếc lời, chứ làm gì có chuyện chê trách…

 

“Chư ác mạc tác, chúng thiện phụng hành, tự tịnh kỳ ý, thị chư Phật giáo”. Giáo pháp của Phật là dạy làm thiện, nhưng cái thiện này là đại thiện để thành tựu Bồ-đề được soi sáng bởi lý trí, còn cái thiện phàm phu chúng ta làm là cái tiểu thiện thiên lệch, dụng tâm theo cảm tình. Chính vì dụng tâm theo cảm tình mà thường bị mê muội, gây ra không biết bao nhiêu nỗi niềm đau khổ! Trong kinh Vô-Lượng-Thọ, Phật dạy: “Ngày đêm thường giữ tâm thiện lành, suy nghĩ về điều thiện lành, và quán xét về những việc làm thiện lành”. Ba điều này phải luôn luôn để tâm, nếu thiếu một thì việc thiện không trọn. Giữ cái tâm thiện lành để không móng khởi ý nghĩ xấu ác. Suy nghĩ về điều thiện lành để làm lợi ích chúng sanh. Và điều sau cùng, rất quan trọng, đó là quan sát, xem xét việc làm của mình thực sự có thiện hay không? Việc này phải cần đến trí huệ mới làm được.

 

Nhưng hỏi rằng, làm sao biết mình đã có trí huệ hay chưa? Xin thưa rằng, đã hỏi tức là chưa có! Chưa có trí huệ thì tự ta chưa thể quán sát việc thiện lành một cách chính xác. Nghĩa là, nhiều khi một việc ta cho là thiện, nhưng thực chất lại là ác. Nhiều thói quen ta cho là tốt nhưng xét kỹ lại là xấu. Nhiều tập tục nhân gian cho là hay nhưng lại là điều quá dở. Vậy thì, phương cách tốt nhất cho người đệ tử Phật chân chính là dựa vào lời Phật dạy mà hành sự. Phải lấy kinh Phật ra để y giáo phụng hành, lấy lời chư Tổ sư ra làm mẫu mực. Đó là chỗ y cứ căn bản nhất, an ổn nhất và vững tâm nhất để tu hành trong thời mạt pháp này.

 

Học Phật hãy quyết lòng nghe theo Phật, không nghe theo người. Trên đường tu hành, gặp bất cứ một người nào, dù chức phận, địa vị, danh tiếng cao tới đâu, nhưng những điều họ nói ra không có trong kinh Phật, xin cô bác chớ nghe theo. Những lý luận hay ho, những triết lý cao siêu, những sự thuyết giảng bóng bẩy… nhưng chỉ dựa theo tri kiến cá nhân, không y cứ vào kinh điển, chúng ta chớ vội tham đắm. Thời mạt pháp, thế gian nhiễu loạn, thường phát sinh những sự cám dỗ khá lòe loẹt… xin chư vị đồng tu cần phải cẩn thận, không nên hiếu kỳ. Ví dụ, Phật dạy chúng sanh niệm Phật, nếu người nào bảo đừng niệm Phật thì ta biết người đó đã tự đi đường riêng của họ, ta không theo. Phật dạy nguyện vãng sanh Tịnh-độ, có người dạy chỉ cần giữ tâm an lạc là được, không cần cầu vãng sanh, thì họ đã không theo con đường thẳng tắt thành Phật, khó có thể có được cơ duyên vãng sanh, v.v… Phải chủ tâm đề phòng, nếu không chúng ta sẽ rất dễ vướng vào cái bẫy của luân hồi mà ân hận không kịp.

 

Phật dạy, “Y pháp bất y nhân”. “Y pháp” là đúng theo chánh pháp để tu tập. “Bất y nhân” là không theo tư tưởng, cách nghĩ, cách làm của ai cả. Tất cả phải lấy kinh của Phật làm ấn chứng. Đúng theo kinh Phật thì ta tán thán, không đúng theo kinh Phật thì ta “kính nhi viễn chi”. Phải như vậy, chúng ta mới giữ vững được chánh đạo, bảo đảm những điều mình làm là chính xác, thật sự thiện lành.

 

Thôi chuyện thế gian thì nhiều lắm và rối ren lắm, hãy trở lại chuyện chính yếu của chúng ta, chuyện niệm Phật thành Phật.

 

Pháp môn niệm Phật là chánh pháp của Phật ứng hợp với thời kỳ mạt pháp này để cứu độ tất cả chúng vãng sanh về nước Cực-lạc, một đời siêu vượt tam giới lục đạo, vĩnh ly sanh tử luân hồi. Phật dạy, thời mạt pháp mà chúng sanh không niệm Phật, thì ức ức người tu cũng khó tìm ra một người chứng đắc. Cô bác đồng tu hãy nhớ đạo lý này mà quyết định đường tu để cứu lấy huệ mạng của mình. Huệ mạng chính là thần thức vô sanh vô tử của ta chứ không phải là cái thân xác này đâu. Xác thịt này là cái thân nghiệp báo trong đời này, nó sống lăn lóc khổ cực mấy chục năm, trăn qua trở lại để kiếm ăn từng bữa đói bữa no rồi chết, thế thôi! Đời này khổ, chúng ta phải chịu khổ, đó là nghiệp ta đành phải chịu. Nhưng cái khổ này chưa thấm thía gì đâu, đến lúc chết rồi cũng không phải hết, trăm ngàn lần xin cô bác đừng lầm lẫn mà ân hận về sau! Vậy thì, phải có đường giải thoát rõ rệt sau khi mãn cái báo thân này. Đường đó chắc chắn là vãng sanh Tây-phương Cực-lạc. Nếu không quyết lòng cầu sanh Cực-lạc, thì coi chừng chúng ta phải chịu khổ đến ngàn vạn lần hơn cái khổ của hiện tại và trải qua hàng vạn đời vạn kiếp, chứ không phải thường! Dễ sợ lắm, kinh khủng lắm!

 

Đọc thư của cô Lệ-Tân, có những vấn đề đưa ra rất hay, rất thực tiễn, rất phổ thông. Phân tích những vấn đề này có thể sẽ thành những ấn tượng sâu sắc, lợi ích cho nhiều người. Trước đây cũng có một số vị đồng tu đưa ra, nhưng chưa được bàn tới. Hôm nay mượn lời thư này Diệu-Âm sẽ cố gắng giải bày cho cô Lệ-Tân và chung cho quý vị hữu duyên khác.

 

Cô viết: “… việc hộ niệm khó quá, nó mới mẻ quá, có người chấp nhận, có người lại cho rằng bố mẹ ra đi con cái phải khóc, không khóc thì thiên hạ bảo là bất hiếu…”.

 

Việc hộ niệm xin gác lại thư sau sẽ bàn tới. Trong suốt bộ “Khuyên Người Niệm Phật”, tập 1, 2 và 3 đều có đề cập đến việc này, dù rằng chưa được đầy đủ lắm, nhưng cũng khá cần thiết, xin cô bác đọc thêm vài lần. Thư tới chúng ta sẽ bàn thêm sau.

 

Về chữ hiếu, trước đây cũng có một vài đạo hữu đề cập đến. Nay xin trả lời chung. Chữ hiếu thực ra chỉ có trong nền văn hóa Á-Đông, chứ bên Âu-Mỹ không có chữ hiếu, họ không đặt ra tinh thần hiếu đễ hoặc bổn phận làm con rõ rệt như người Á-Đông. Bên Âu-Mỹ chỉ có triết học, ta thường gọi là Triết-học Tây-phương, thiên về tư tưởng luận lý có tính cá nhân, phát triển khá mạnh về khoa học, kỹ thuật, vật chất kinh tế. Còn nền văn hóa Á-Châu thuộc về triết lý sống, có truyền thống đạo đức nhân sinh lâu đời, hay gọi là Đạo-học Đông-phương, mạnh về tinh thần, nhắm đến sự tương quan giữa con người với vũ trụ và pháp giới. Trong đó, Phật-học, Lão-học, Khổng-học, gọi là “Tam-Huyền-Học”, ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và văn hóa Á-Đông. Trong Đạo-học Đông-phương rất đề cao chữ hiếu. Đây chính là điểm nổi bậc, làm cho nền văn hóa Á-Đông có giá trị, được tôn thành bậc thầy tinh thần cho loài người.

 

“Hiếu dưỡng phụ mẫu” là điều căn bản đầu tiên trong 11 điều tu phúc của chư Phật. Phật giáo là đạo dạy hiếu thân, tôn sư. Người học Phật không thể bất hiếu được. Như vậy, phận làm con phải có hiếu thảo, phải trả hiếu đối với cha mẹ. Nhưng trả hiếu bằng cách nào cho trọn vẹn đây? Chứ không phải đợi cha mẹ chết rồi khóc cho nhiều, để được thiên hạ khen tức là mình đã có hiếu đâu!…

 

Trong cuộn VCD tựa đề: “Việc lớn nhất của đời người”, do Phật giáo Đài-Loan thực hiện, có kể lại một câu chuyện trích từ kinh Phật như vầy:

 

Thuở đó, có một người suốt đời làm rất nhiều việc thiện lành, khi chết quả báo đáng lẽ được sanh lên một cõi trời để hưởng phước. Nhưng lúc lâm chung, người vợ vì quá thương chồng, đã khóc than thảm thiết, kể lể nhiều nỗi thương tiếc bi ai, làm cho người chồng khởi dậy tâm luyến ái mà biến thành con sâu chui vào lỗ mũi của vợ. Người vợ thấy đau nhức trong lỗ mũi mới hỷ mạnh, thì con sâu văng ra. Người vợ định giết chết nó. Vừa lúc đó có một vị sư biết được, đến ngăn cản lại…

 

Người chết, người thân phải khóc, không khóc thì thiên hạ cho là bất hiếu, bất nghĩa! Chồng chết, vợ khóc lóc mới tỏ được sự thương yêu. Điều này hiểu ra đơn giản! Vì có thương mới khóc chứ không thương ai thèm khóc! Về mặt tình cảm thì nói vậy là đúng (!), nhưng về mặt lý trí thì nên bình tĩnh xét suy lại. Từ câu chuyện của Phật, ta mới thấy, cái đúng này chỉ đúng với người vợ bị mất chồng, chứ không đúng với người chồng đang chết! Đúng với tâm trạng người sống đang sầu khổ vì cảnh đời góa bụa, chứ đâu có đúng với người chết đang van xin một vài giờ an lành để ra đi! Đúng với người đời ham thích tiếng khen, chứ làm sao đúng đối với người vừa thoát khỏi báo thân đáng lẽ sẽ được thành một vị thiên nhân hưởng phước lạc, mà nay bỗng chốc đành phải làm loài sâu bọ!

 

Khóc lóc là chuyện thường tình của thế gian, nhưng lại là điều đại kỵ cho một thần thức đang lìa khỏi xác! Rõ ràng, nếu người vợ im lìm lặng lẽ thì chồng đã được vãng sanh lên trời hưởng phước, nhưng chỉ vì khóc lóc than van mà người chồng đã bị đọa vào hàng thú vật, một con vật xấu xí, nhơ bẩn trong tam ác đạo. Câu chuyện này thật là một bài học thấm thía!

 

Sẵn đây, xin kể cho cô bác nghe một chuyện rất hay, rất ý nhị vừa mới xảy ra! Trong chuyến về thăm Việt Nam kỳ này, Diệu Âm tình cờ có cơ duyên đi hộ niệm cho một người vãng sanh. Chị đó tên là Bùi Thị Gái, 45 tuổi, ở Bến Vân Đồn Sài gòn, bị ung thư gan, bác sĩ đã báo cho biết là sắp sửa chết. Chị đó hồi giờ không biết tu hành gì cả, nhưng do một duyên lành nào đó, những ngày sắp chết lại được quý Phật tử khuyên nên để cho chúng tôi tới hộ niệm. Gia đình đồng ý. Chúng tôi tới khuyên chị buông xả vạn duyên để niệm Phật cầu sanh Tây-phương. Chị vui vẻ nghe theo, hứa bỏ hết mọi chuyện và thành tâm niệm Phật, cầu xin được về cõi Cực-lạc. Ngay ngày đầu tiên, chúng tôi khuyên giải, khai thị cách niệm cách nguyện. Chị chú ý lắng nghe và làm theo. Chúng tôi có hỏi chị rằng đã sẵn sàng đi về với Phật chưa? Có điều gì khó khăn chưa giải quyết không?… Hãy nói ra hết đi, để chúng tôi giải quyết giùm cho. Chị nói, ” Tôi sẵn sàng rồi, không có gì bận bịu cả…”. Thật quá tốt!

 

Thế nhưng, cũng trong đêm đó, khi vừa mới nghe nói rằng có bà mẹ chồng cũng đang ngồi niệm Phật hộ niệm cho chị, thì chị lại bậc khóc nức nở… Tôi hỏi,

 

Tại sao chị khóc vậy?… Chị nói,

Mẹ chồng của tôi thương tôi nhiều lắm, tội nghiệp cho mẹ tôi quá đi

 

Thật tội nghiệp! Thật đáng mến! Thương tâm vô cùng! Một người sắp chết, đang bị đau đớn quằn quại với bệnh ung thư, mà còn nghĩ thương đến người mẹ chồng già yếu, tuổi bát tuần, phải ngồi niệm Phật hộ niệm cho mình. Tâm tình này thật quá quý hóa, tha thiết, cảm động! Nhìn cảnh tượng này ai mà không thương, ai mà không đau lòng, ai mà không xúc động! Bình thường có lẽ ai mà không khóc theo. Thế nhưng… trong lúc mọi người còn đang ngỡ ngàng, người nhà chưa có ai kịp khóc, thì tôi đã liền lên tiếng “nói đùa(!)” với chị,

 

Ôi chao! Chị này lạ chưa! Rõ ràng vừa rồi chị hứa với chúng tôi là buông bỏ hết, thế tại sao bây giờ lại thương bà mẹ, lại khóc tùm lum vậy?… Chúng tôi tiếp tục “đùa(!)” thêm,

 

Nếu chị còn khóc, còn thương, còn nhớ bà mẹ chồng tức là chưa muốn vãng sanh. Thôi kỳ này để tôi vãng sanh giùm cho, còn chị thì tiếp tục nằm trên giường bệnh vài năm nữa để khóc nghen. Chịu không? Hình như… chị đã hiểu ra vấn đề, nên ngưng khóc rồi niệm Phật:

Nam mô … A Di … Đà Phật… xin Phật.. cho . con . v(z)ề … Tây phương … trong đêm nay.

 

Chúng tôi thì chỉ chị nguyện là: “Xin Phật cho con về Tây-phương”, còn chị thì tự động nói thêm ba chữ “… trong đêm nay”. Lời nói của chị rất yếu đuối, cố gắng phát lên từng hai tiếng một, khá khó khăn, vậy mà còn ráng nói thêm ba chữ “…trong đêm nay” rồi mới ngưng. Hàm răng thì rụng mất hai cái răng cửa, ráng nói nên phải chu nhọn cái miệng lại, các vị đồng tu trông thấy không ai nín được cười! Chính tôi cũng phải mắc cười và mọi người đồng cười rộ lên. Chúng tôi vừa cười vừa vỗ tay hoan nghênh tình thần của chị. Chính chị Gái cũng vui theo và ráng vỗ tay được vài cái. Trong suốt mấy ngày sau, mỗi lần thấy chị phấn khởi niệm Phật, dũng mãnh phát nguyện vãng sanh, chúng tôi đều vỗ tay hoan nghênh. Thấy vậy, có nhiều người tâm sự: “Thật là một cảnh tiễn đưa người ra đi khá lạ lùng, chưa từng thấy. Cảnh sắp chết mà lại vui vẻ, thoải mái, cười đùa vỗ tay”. Và kết quả, chị đó đã niệm Phật ra đi, thoại tướng rất tốt, mặt mỉm cười, sắc da từ màu vàng như nghệ vì bệnh gan đã biến nên hồng hào. Niệm Phật hộ niệm 15 giờ sau mới tẩn liệm mà thân xác vẫn tươi nhuận, mềm mại. Một đám tang khác lạ với nhiều đám tang, người đi vui vẻ, người nhà vui vẻ, người người đều vui vẻ, không có một tiếng khóc. Cả gia đình tràn ngập niềm tin vào Phật pháp và đồng phát tâm niệm Phật. Rất nhiều người trong xóm cũng đồng loạt phát tâm niệm Phật tu hành.

 

Chị Bùi Thị Gái vãng sanh vào lúc 10:50 tối đêm 10/9/2005, nhằm ngày mồng 7 tháng 8 năm Ất Dậu. Vừa ra đi là chị đã tạo duyên lành cho nhiều người. Rồi đây chị sẽ độ được biết bao nhiêu người khác nữa… (Chuyện này xin gác lại và sẽ kể rõ chi tiết hơn vào thư tới).

 

Theo như trong kinh Phật dạy, nếu một người lúc lâm chung mà bị con cháu khóc than, người thân níu kéo, hàng xóm gây ồn ào, va chạm vào thân thể thì thật là đại bất hạnh cho người đó. Trong giờ phút cuối cuộc đời, người đang chết sẽ đối diện với nhiều cảnh giới hãi hùng đau khổ. Đau khổ vì thân xác tứ đại phân ly, đau khổ vì oán thân trái chủ trả thù, đau khổ vì nghiệp chướng hành hạ v.v… bao nhiêu nỗi thống khổ đang ào ào ập tới bắt người ra đi phải chịu lấy. Tinh thần hãi kinh, tâm hồn hoảng sợ, tâm lý rối bời… Họ đang chới với trong những cảnh giới quá hãi hùng, quá tội nghiệp! Nếu lúc đó người thân trong gia đình tới quây quanh an ủi, bình tĩnh khuyên lơn, thì người ra đi an lòng, sẽ đỡ khổ biết chừng nào. Và, hay hơn nữa, nếu người thân hiểu đạo thì hãy bao quanh niệm Phật, nhờ bạn đồng tu tới hộ niệm, khuyên nhủ buông xả thế trần, chỉ dẫn nguyện cầu vãng sanh Cực-lạc. Nếu mọi người đồng tâm thành ý niệm Phật cầu xin Phật A-di-đà tiếp độ, thì người ra đi không những được an lòng bớt khổ, mà còn thoát nạn tam đồ, thoát ly tam giới, vãng sanh Tịnh-độ, một đời bất thối thành Phật. Đây là đại thiện căn, đại phúc đức, đại nhân duyên. Quý hóa, đại quý hóa…

 

Cứu người là vậy đó, hiếu nghĩa là vậy đó, thương yêu nhau là vậy đó. Chứ đâu phải thương yêu là phải khóc cho nhiều, phải than cho dữ! Giả sử như ngày chị Bùi Thị Gái ra đi, mọi người trong gia đình khóc lóc than van. Khóc cho lớn để được tiếng khen tặng của hàng xóm. Than thật nhiều cho đã cái nư “Ái biệt ly khổ”! Ôm ấp, lay động, vằn vọt thân thể người đi cho dữ để người đi không đành lòng nhắm mắt chia tay. Thì chúng ta hãy nghĩ thử, việc gì đã xảy ra? Xin thưa rằng, chắc chắn hôm đó đã có một người bị hãm hại! Có một thần thức bị đọa đày! Có một oan hồn bị ném vào hầm lửa! Có một chị tên là Gái bị bệnh ung thư gan đau đớn phải chết và sau đó sẽ bị đau khổ hơn gấp trăm ngàn vạn lần cái bệnh ung thư này! Thương tâm biết chừng nào! Người ở lại sẽ buồn khổ sầu đau, người ra đi còn tức tưởi buồn đau vạn kiếp! Kẻ ra đi thì đã bị đọa lạc, người ở lại thì sống trong cảnh khổ não chờ đợi tới phiên mình chịu chung cảnh ngộ! Nhân nào quả đó. Hôm nay gây nên đại họa làm cho người thân bị đọa lạc, thì ngày mai tới phiên mình cũng bị con cháu nó mạnh tay ném vào ác đạo để ta trả trọn cái quả báo này, chứ có cách nào khác hơn!

 

Vậy thì, khi có người ra đi, xin cô bác đừng khóc. Khóc lóc là bất hiếu, bất nghĩa! Sống chết là lẽ thường! Hãy phát tâm hộ niệm cho nhau, để cứu độ từng người một vãng sanh Cực-lạc. Lời Phật nhất định không sai. Chị Bùi Thị Gái niệm Phật chỉ vỏn vẹn 11 ngày, nhờ hộ niệm mà an nhiên vãng sanh thoát vòng sanh tử. Xin cô bác quyết lòng tin tưởng, niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Niệm Phật sẽ thành Phật.  (Hẹn thư sau trả lời tiếp).

 

Diệu Âm kính thư,

(Viết xong, Úc châu ngày 29/9/05).

 

Người bệnh khi sắp tắt thở cũng chính là lúc phải phân biệt cảnh giới giữa phàm, thánh, người và quỉ ma. Cho nên, ngay lúc này chỉ có thể dùng danh hiệu Phật để khai thị, hướng dẫn thần thức của họ, chứ không được tắm rửa, thay quần áo, di động, than khóc. Tùy theo ý thích của người bệnh muốn ngồi hay nằm cũng được. Nóng ở đầu sanh về Tịnh độ, ở trán sanh về Trời, ở ngực sanh cõi người, ở bụng sanh ngạ quỉ, ở đầu gối sanh vào cõi súc sanh, dưới bàn chân sanh về địa ngục. Biết vậy thì mọi người đều phải niệm Phật một cách khẩn thiết, đừng để ý thăm dò hơi nóng nằm ở đâu, quyết định giúp được họ đới nghiệp vãng sanh.

( Đại sư Ấn-Quang )

 

KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –