67. Niệm A DI ĐÀ PHẬT hay A MI ĐÀ PHẬT?

Share on facebook
Share on twitter

Hỏi:
Niệm A DI ĐÀ PHẬT hay A MI ĐÀ PHẬT, rất cám ơn.

Phạm Hữu Nghị

Trả lời:

Niệm Phật, chính yếu là lòng thành, chớ chấp vào từ ngữ.

Phật không chấp nên vô ngại. Còn chúng sanh cứ chấp mãi nên bị chướng ngại! Từ chỗ cố chấp này mà sanh ra đủ thứ tranh luận! “Sự” mà còn chướng ngại như vậy, thì “” còn bị rắc rối nhiều hơn nữa, biết đến bao giờ tâm mới thanh tịnh?!

Trước tiên, xin đưa ra vài việc điển hình:

Thiền Sư Thích Nhất Hạnh dạy người niệm “Nam-mô Bụt A-Di-Đà”, còn hàng trăm vị Hòa Thượng khác khuyên niệm “Nam-mô A-Di-Đà Phật”. Sư Ông Nhất Hạnh không bao giờ chỉ trích người niệm “Nam-mô A-Di-Đà Phật”, các vị Hòa Thượng khác cũng không có chỉ trích cách niệm “Nam-mô Bụt A-Di-Đà”.

Đại lão HT Thích Trí Tịnh, và HT Thích Thiền Tâm có chủ trương niệm “Nam-mô A-Mi-Đà Phật”, nhưng ai muốn niệm theo kiểu nào các Ngài cũng hoan hỉ, chưa bao giờ Đại Lão HT la rầy một Phật tử niệm “Nam-mô A-Di-Đà Phật”. Trong khi đó, hàng trăm vị Hòa Thượng khác vẫn giữ nguyên câu Phật hiệu “Nam-mô A-Di-Đà Phật”, và các Ngài cũng chưa bao giờ phê phán cách niệm “Nam-mô A-Mi-Đà Phật” của HT Thích Trí Tịnh.

Tại sao vậy? Vì, phải chăng, các vị đã thấu được lý “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” (tạm dịch, cái gì có hình tướng đều là giả tạm). Còn phàm phu chúng ta thì cố chấp từng chút. Ai cũng cho mình là đúng, người khác sai, nên gây ra không biết bao nhiêu sự thị phi, tranh cãi…

Càng tranh cãi càng sai. Vừa phí uổng thời giờ, vừa tán loạn cái tâm!

Nhưng thực tế thì sao? Xin thưa rằng, đã là Phật thì đâu còn danh tánh, hình tướng… gì nữa. Vì chúng sanh cần phải có những thứ đó để nương dựa nên quý Ngài mới thị hiện ra danh tánh, hình tướng… cho chúng sanh có chỗ quy y. Như vậy, vì chúng sanh mà chư Phật có tên, có hình tướng, đó chỉ là phương tiện để độ chúng sanh mê muội như chúng ta mà thôi. Trong kinh Phật gọi là, “Tùy chúng sanh tâm, ưng sở tri lượng” (Tùy theo chúng sanh muốn gì, các Ngài thị hiện ra để độ).

Trong kinh nói, Bồ-tát đã phá tứ tướng, nghĩa là không còn tướng Ngã, tướng Nhân, tướng Chúng-sanh, tướng Thọ-giả nữa. Không những thế, Bồ-Tát còn phá đến tứ kiến, cao hơn tứ tướng, nghĩa là cái nghĩ tưởng về bốn tướng cũng không còn nữa. Nếu không được vậy thì chưa phải là Bồ-tát. Bồ tát mà còn vậy rồi, huống chi, khi chứng đắc đến quả vị Phật, là quả vị giác ngộ hoàn toàn rồi. Vậy thì, thực tế, suy cho cùng lý, Phật làm gì còn có tên? Có tên tức là còn có tướng Ngã, tướng Ngã, tướng Chúng sanh, tướng Thọ giả, có đủ tứ tướng sao?

Niệm một danh hiệu Phật là niệm ngay cái tánh đức của chính mình. Nhưng vì chúng sanh không biết cái tánh đức của mình là gì, cho nên niệm danh hiệu một vị Phật cho tánh đức hiển lộ.

Như vậy, niệm Phật chính là niệm tâm. Niệm tâm thì tâm phải niệm tâm, chứ không phải miệng xưng danh hiệu. Miệng xưng danh hiệu chỉ là phương tiện giúp cái cho cái tâm nó niệm. Nói cho dễ hiểu là người niệm Phật cần phải thành tâm, chí thiết. Khi tâm nhiếp lại, nghĩ, tưởng, quán đến vị Hóa-chủ Tây-phương Cực-lạc, thì niệm “A-Di-Đà Phât” hay “A-Mi-Đà Phât”, danh xưng nào lại không phải là vị Hóa chủ Tây phương cực lạc?

Niệm Phật là Tâm niệm Phật chứ không phải là cái miệng xưng danh hiệu. Hãy nghĩ thử, nếu mục đích là cái danh hiệu, thì người Tàu niệm tiếng Tàu, người Thái niệm tiếng Thái, người Việt niệm tiếng Việt, mỗi dân tộc niệm một ngôn ngữ riêng, âm thanh hoàn toàn khác lạ, chẳng lẽ mình thì đúng còn họ thì sai sao? Chẳng lẽ họ cũng tu pháp đó mà đành phải lạc đến chỗ khác sao? Chẳng lẽ pháp tu niệm Phật chỉ dành cho một dân tộc đặc biệt nào đó trên quả địa cầu này sao? Nên nhớ, đại thệ của A-Di-Đà Phật cứu đến muời phương pháp giới chúng sanh chứ không phải chỉ riêng quả địa cầu này đâu. (Quả địa cầu trong kinh gọi là Nam-diêm-phù-đề, thật quá nhỏ so với pháp giới!).

Mục đích là thành Phật. Đức Thích Ca Mâu Ni Phật dạy, muốn thành Phật chúng sanh hãy mau tìm đường vãng sanh Cực lạc quốc. Như vậy, pháp niệm Phật là một phương tiện cho chúng sanh nghe đến để biết đường đi về tới Tây phương tịnh độ. Trong kinh Vô Lượng Thọ có câu “Văn danh, đắc độ“. Nghe danh hiệu A-Di-Đà Phật, gọi là “Văn danh”. Được vãng sanh về Tịnh độ, gọi là “Đắc độ”. Hay gọi là, “Tùy văn nhập quán. Nghe danh hiệu Phật, gọi là “Tùy văn“; nhờ đó mà biết rõ đường vãng sanh Cực-lạc quốc, tức là “Nhập quán“.

Như vậy, chúng ta niệm Phật cách nào mà biết rõ đường về Tây-phương cực lạc là niệm đúng. Nếu người đã quen và nhiếp tâm vào “A-Di-Đà Phật” thì hãy tiếp tục niệm “A-Di-Đà Phật”. Nếu người nào nghe đến “A-Mi-Đà Phật” mà cảm ứng hãy niệm “A-Mi-Đà Phật”. Xin chớ chấp trước.

Chấp trước là sai! Hay nói rõ hơn, cố chấp vào ý muốn của mình thì nhất định bị lạc vào Tà kiến!

Phật có lời dạy rằng, “Dĩ âm thanh cầu Ngã, dĩ sắc tướng cầu Ngã,  thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như-Lai“. (Tạm dịch, người mà chấp vào hình tướng mà cầu Ta, chấp vào âm thanh mà cầu Ta, người đó đang tu theo tà đạo, không thể thấy được Như Lai). Câu kinh này ứng dụng tại đây rất hay.

“Dĩ sắc tướng cầu Ngã” tức là cố chấp vào hình tướng mà tu hành. Nói rõ hơn, thấy ta có tu, người khác không tu; ta tu giỏi, người khác tu dở; ta là tốt, người khác xấu; ta là nhất không ai bằng, cống cao ngã mạn, cạnh tranh ganh tỵ…  thì đây là điều không tốt.

“Dĩ âm thanh cầu Ngã” chính là sự cố chấp vào ngôn ngữ. Ví dụ, người chấp vào danh hiệu “A-Di-Đà Phật” mà chê bai người niệm “A-Mi-Đà Phật”. Hay ngược lại, người chỉ thích niệm “A-Mi-Đà Phật” mà tìm cách chống báng người niệm “A-Di-Đà Phật”. Thì những người này bị vướng đến cái nạn “Dĩ âm thanh cầu Ngã”. Người tu hành chân chánh phải tránh.

Nhắc lại, niệm Phật là tâm niệm chứ không phải là miệng niệm. Cái miệng niệm Phật chẳng qua là phương tiện nhắc nhở cái tâm quay về với chơn Tâm Tự Tánh, quay về với Phật Tánh của chính mình. Một người, khi niệm Phật đến chỗ “Vô Niệm“, thì xin hỏi rằng, còn đâu là “Di” còn đâu là “Mi” nữa?

Ngài Trung Phong quốc sư có nói, “Niệm đáo tâm không Phật diệt vong“, (Tạm dịch, niệm Phật đến cảnh tâm vắng lặng như chơn không, thì Phật cũng không còn nữa). Đây chính là Niệm Phật đến chỗ “Vô Niệm, lúc đó mới quán chiếu rõ ràng, Phật chính là Tâm, Tâm chính là Phật, ngoài Tâm không Phật, ngoài Phật không Tâm, thì còn gì để phân biệt? Phật đâu còn ở đây, ở kia? Phật đâu còn ở trong, ở ngoài? Phật đâu còn có tên tuổi gì nữa (mà chấp)?

Thế thì, chúng ta không nên cố chấp vào từ ngữ, âm giọng của thế gian làm chi cho tâm hồn rối bời. Tâm rối bời thì khó được thanh tịnh giải thoát vậy!

Tùy duyên thì vô sự, an nhiên. Phan duyên thì lộn xộn, rắc rối!

Ví dụ, người thường nhiếp tâm niệm A-Di-Đà Phật, hãy để họ cứ tiếp tục niệm A-Di-Đà Phật (Tùy duyên), họ sẽ dễ được cảm ứng. Biết bao nhiêu người niệm A-Di-Đà Phật đã được vãng sanh, không nên khuyên họ thay đổi. Ngàn kinh vạn điển, vô số tượng hình, hàng triệu người VN… đều xác định danh hiệu A-Di-Đà Phật, thì chúng ta hãy an lòng mà niệm A-Di-Đà Phật.

Nếu ta cố tình thay đổi cách niệm của họ (Phan duyên), làm cho họ mất sức nhiếp tâm, rất khó được cảm ứng. Nhất là lúc lâm chung.

Ví dụ khác, như người thường niệm “A-Di-Đà Phật”, đến lúc lâm chung, nếu người hộ niệm đến niệm “A-Mi-Đà Phật”. Nghĩa là, niệm khác cách niệm thường ngày của của người bệnh, sẽ làm họ bị xáo trộn, không nhiếp tâm, có thể gây nên phiền não rất lớn, chính vì vậy mà dễ mất phần vãng sanh! Nhân quả này người hộ niệm phải chịu.

Người tu hành, làm một việc gì cũng cần nghĩ đến quả báo.

Một ví dụ nữa, một người bệnh muốn niệm A-Mi-đà Phật”, khi lâm chung lại mời BHN thường ngày niệm “A-Di-đà Phật” đến hộ niệm, thì cũng dễ sanh ra vấn đề…

Nếu niệm theo người hộ niệm thì người bệnh bị phiền não, đã phiền não thì khó vãng sanh.

Nếu BHN vì muốn thuận theo người bệnh mà phải đổi cách niệm thường ngày của mình. Nghĩa là thay vì niệm “A-Di-đà Phật”, họ phải niệm “A-Mi-đà Phật”, làm cho chính những người hộ niệm rất khó nhiếp tâm. Không nhiếp tâm được thì cũng dễ sanh phiền não. Niệm Phật mà bị phiền não thì công đức hộ niệm sẽ bị suy giảm rất nhiều, rất khó được tương ưng.

Xin nhắc lại rõ ràng điều này, chúng ta đều là phàm phu, nên rất cần sự thuận duyên hỗ trợ. Mỗi một sự thay đổi đều có thể gây sự xáo trộn. Nếu bị xáo trộn ngay lúc lâm chung thì thật là bất hạnh lắm vậy!

Chính vì thế, để tránh sự xáo trộn này, chúng ta nên “Tùy hỉ công đức” và “Hằng thuận chúng sanh”là điều tốt đẹp. Nghĩa là, niệm cách nào cũng tốt cả, chúng ta cần tán thán người niệm Phật. Đó là “Tùy hỉ công đức“. Đi đến một đạo tràng, họ niệm sao mình niệm vậy, đừng cố tình thay đổi hay phê phán cách niệm của họ, đó là  “Hằng thuận chúng sanh”.

Thấy người tu hành, niệm Phật cầu vãng sanh, ta nên tán thán, ủng hộ. Điểm chính yếu chính là TÍN-NGUYỆN-HẠNH, đây là điều “Bất biến“, nên khuyến tấn, hỗ trợ. Còn hình thức thì có thể uyển chuyển, hay gọi “Tùy duyên“. Mỗi người đều cảm ứng đến một phương pháp riêng. Hãy nương theo điều thuận lợi riêng của họ để giúp họ thăng tiến.

Đừng quá cố chấp vào danh tự, cố chấp vào hình thức rồi phân biệt, chê bai, đúng sai… thật tế, việc này không đem lại ích lợi gì cả! Ngược lại, còn gây thêm xáo trộn, tranh luận, chia rẽ, khiến lòng người ly tán, thối tâm tu hành, làm cho Phật pháp đang trong cơn mạt pháp lại càng bị mạt nhanh hơn!

Tuy nhiên, riêng cá nhân của mỗi người phải tự quyết định một hướng niệm.  Đừng nên chao đảo. Cái gì thuận với mình, cảm ứng tốt với mình, thì đó là Chánh Pháp của mình vậy.

Ấn Tổ khuyến khích thành lập thành nhóm niệm Phật nhỏ đề cùng tu chung. Nhóm cộng tu nhỏ thì ít phiền não, bớt việc, dễ hội tụ những người đồng nguyện, đồng hạnh, đồng cách tụng niệm, không làm pháp sự, không làm Phật sự, không đi hóa duyên, giảm chế lễ lộc, ngày ngày cùng nhau niệm Phật là tốt nhất. Được vậy, sẽ dễ dàng hỗ trợ cho nhau, giúp nhau cùng tu, sự tiến tu đạo nghiệp sẽ giảm bớt chướng ngại. Khi hữu sự, cụ thể như có người lâm chung, sẽ cùng nhau hộ niệm tốt, mới giúp nhau một cách tích cực và hiệu quả vậy.

A-Di-Đà Phật.

Diệu Âm

(17/05/09)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –