Nam Mô A-Di-Đà Phật!
Hôm nay, chúng ta nói đến trang 13, câu số 9: Người phát tâm hộ niệm vãng sanh cần nghiên cứu những gì?
Mấy ngày qua, chúng ta thường nhắc nhở hãy cố gắng nghiên cứu Pháp Hộ-Niệm, thì hôm nay chúng ta bàn đến chuyện nghiên cứu. Mình sẽ nghiên cứu gì đây?
(a): Nghiên cứu tất cả những Pháp Hộ-Niệm để tổng hợp và rút tỉa ưu khuyết điểm.
Đúng không chư vị? – (Sai!). Hôm trước, chúng ta cũng đã nói rồi, mỗi pháp môn tu đều có một hướng đi riêng và cách thực hành riêng, nên có những Phương Pháp Hộ-Niệm khác nhau, chứ không phải các Pháp Hộ-Niệm đều giống nhau. Chính vì thế, nếu muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, thì chúng ta không thể nào nghiên cứu tất cả những Pháp Hộ-Niệm khác để tổng hợp lại và rút tỉa ưu khuyết điểm được. Mỗi phương pháp tu người ta hướng dẫn đi về một đường riêng. Ví dụ như người tu pháp gọi là Nhân-Thiên, thì suốt cả cuộc đời tu hành của họ đều nhắm tới là làm sao trở lại làm người hiền-nhân, quân-tử trong đời sau. Một pháp hướng dẫn trở lại làm người, hoặc sinh lại trong ba đường thiện của lục đạo luân hồi, thì không thể nào chúng ta nghiên cứu pháp đó rồi nhắc nhở người bệnh khi ra đi hãy trở lại làm người mà đúng với Pháp Hộ-Niệm vãng sanh được. Xin nhớ cho kỹ.
Vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc là vượt qua sáu đường sinh tử luân, tức là vượt qua luôn cõi Nhân, cõi A-tu-la, cõi Thiên. Vượt qua được sáu đường sinh tử luân hồi, thì mình mới thoát được nạn sanh sanh tử tử. Có rất nhiều Tôn-Giáo chú tâm tu hành cầu sanh về một cảnh Trời. Xin thưa với chư vị, về một trong những cảnh trời thì Phật-Giáo chúng ta gọi là đi về ba đường thiện trong lục đạo luân hồi, chứ chưa thoát khỏi sanh tử luân hồi đâu. Những người tu Thiền nếu vượt qua Vị-Đáo-Định, tức là bắt đầu chứng được Sơ-Thiền, thì họ có thể sinh vào cảnh trời Sơ-Thiền Sắc-Giới. Nếu công phu đạt đến Nhị-Thiền, Tam-Thiền, Tứ-Thiền thì họ sinh vào bốn cõi trời thuộc Sắc-Giới Thiên.
Kinh Phật nói như vậy, chứ thực ra đây là pháp tự lực tu chứng, không phải là dễ dàng mà được sinh về các cảnh trời Sắc Giới đâu chư vị. Ví dụ như vào thế kỷ 20 ở bên Trung Quốc có một vị Hòa Thượng, Ngài tu về Thiền-Định, Ngài đạt được mức Thiền Định rất tuyệt vời. Khi nhập định, thường thường Ngài ngồi trong định cỡ 2-3 tháng trường mới xuất định. Ở đây chúng ta tìm một người mà ngồi thiền được vài ba giờ thì đã bắt đầu nể rồi, người nào ngồi được một ngày thì mình nên cúi đầu sát đất để kính phục rồi. Những công phu này dễ gì có được. Nhưng lão Hòa Thượng Hư-Vân, Ngài ngồi trong định 2-3 tháng liền là chuyện hết sức bình thường. Có những chuyện kể lại rằng, khi Ngài tu trên núi trong một cái chòi tranh đơn sơ, Ngài ăn uống cũng rất đơn sơ. Có lần Ngài nấu một nồi khoai lang, đang lúc nấu thì Ngài nhập định luôn. Ngồi trong định một mình, không ai đánh thức, Ngài cứ tiếp tục ngồi trong định bên cái bếp đó, định suốt như vậy. Sau đó có người phát hiện ra mới dùng khánh đánh thức Ngài dậy. Khi Ngài xả thiền thì thấy cái nồi khoai lang meo đã lên cao mấy tấc. Tức là, thời gian Ngài ngồi trong định trải qua 2-3 tháng trường. Những chuyện nay rất bình thường đối với Ngài.
Tâm của Ngài rất thanh tịnh. Có những lần Ngài đi trong đêm tối mịt mù, hoàn toàn không đèn đuốc mà Ngài thấy cảnh vật sáng rõ như ban ngày. Mức công phu của Ngài thật quá tuyệt vời! Có một lần Ngài đi xuyên qua khu rừng trong đêm tối, thì có một vị trong làng đi ngược về gặp Ngài mới hô lên: “Ủa!… Sao Hòa Thượng một mình đi xuyên qua rừng trong đêm tối mà không có đèn đuốc gì cả vậy? Làm sao Ngài thấy đường đi?…”. Khi người đó hô hoán lên làm cho Ngài giật mình, vừa giật mình thì tự nhiên trời đất tối thui. Tức là, với mức định thâm sâu, Ngài có thể thấy suốt qua màn đêm đen tối.
Xin thưa với chư vị, ấy thế mà khi Ngài tịch, Ngài chỉ sanh về cảnh trời Đâu-Suất, là cảnh trời thứ tư trong Dục-Giới, chưa vào được Sắc-Giới Thiên. Chư vị thấy đó, cái mức tu của Ngài phi thường như vậy mà vẫn chưa vào được Sắc-Giới Thiên.
Thế mới biết những pháp tu này khó quá! Nếu chúng ta sơ ý đem những phương pháp tu tự lực mà ứng dụng để hộ niệm thì sai với Pháp Hộ-Niệm vãng sanh, làm cho người niệm Phật không thực hiện được đường vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Chính vì thế cần phải nghiên cứu cho đúng, nghiên cứu cho thẳng. Không nên nghiên cứu rộng khắp vì rất dễ lệch mất đường vãng sanh Tịnh-Độ.