Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 173) | Nhận Thức Về Hộ Niệm Vãng Sanh

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 173)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Xin mở trang 70, câu (y): Người trong gia đình cầu xin cho người bệnh hết bệnh, thì người bệnh sẽ mất vãng sanh.

Đúng hay Sai? – (Sai). Câu này không đúng. Người trong gia đình người ta cầu sao cầu, nhưng người bệnh quyết lòng cầu vãng sanh thì cũng được vãng sanh. Được vãng sanh hay không đều do chính người bệnh chứ không phải do người trong gia đình. Ngược lại, người trong gia đình thành tâm cầu nguyện cho người bệnh vãng sanh, nhưng người bệnh cứ thầm cầu cho hết bệnh, thì người bệnh chắc chắn mất vãng sanh. Đây là điều vô cùng quan trọng, xin nhớ kỹ.

Cho nên, chính mỗi cá nhân phải tự thực hiện con đường tương lai của mình. Như hôm trước chúng ta có nói, người thương con nhớ cháu, cứ quyến luyến không nỡ rời thì mất vãng sanh, chứ không phải tình thương này làm mất vãng sanh. Ai mà không có con cháu, ai mà không thương con cháu, nhưng chính vì người bệnh cứ mãi quyến luyến con cháu không muốn rời đi mà đành chịu mất vãng sanh, chớ không phải người gia đình, con cháu thương yêu mình thì mình mất vãng sanh.

Tương tự, người hộ niệm tới khuyên người bệnh cầu nguyện vãng sanh, nhưng người bệnh không cầu vãng sanh, thì người bệnh mất phần vãng sanh. Ngược lại, người hộ niệm dẫu vụng về, khai thị yếu, nhưng người bệnh vẫn quyết lòng cầu vãng sanh, thì người bệnh cũng được vãng sanh.

Trong một gia đình mà con cháu không hỗ trợ, còn tìm cách cản trở con đường vãng sanh, có thể gây khó khăn rất lớn cho người bệnh, nếu người bệnh theo cái đà đó mà buồn phiền, xuôi tay luôn, thì đành chịu mất vãng sanh. Nhưng nếu người bệnh quyết lòng đi vãng sanh, kiên cường niệm Phật cầu Phật gia trì tiếp độ, lên tiếng khuyên người trong gia đình đừng cản trở tâm nguyện của mình, thì người bệnh sẽ được vãng sanh. Chư vị thấy rõ ràng điều này chưa?

Cho nên câu (y) này giảng rõ ra thì sai, chớ không đúng lắm. Người trong gia đình cứ lo cầu xin cho người bệnh hết bệnh, là tạo ra nghịch duyên, có thể cản trở làm cho sự vãng sanh của người bệnh khó khăn hơn, chứ không phải gia đình quyết định con đường vãng sanh cho người bệnh. Nói đi nói lại, chính người bệnh phải tự quyết định lấy tương lai của mình.

(z): Người trong gia đình cầu xin cho người bệnh hết bệnh, sự cầu nguyện này dễ làm cho người bệnh thoái tâm mà mất vãng sanh.

Đúng hay sai? – (Đúng). Do người trong gia đình không hiểu đạo, không thành tâm cầu Phật lực gia trì tiếp độ vãng sanh, cứ muốn chạy chữa theo kiểu còn nước còn tát. Nếu người bệnh tâm đạo không vững vàng, thì trước sự quyến luyến của gia đình dễ làm cho mình thoái tâm. Chính vì sự thoái tâm này mà mất vãng sanh.

Cho nên cần chú ý rằng, khi tới thời kỳ sắp phải ra đi, nếu con cái khóc than, kêu gào: “Mẹ ơi!… Đừng bỏ con ra đi!…”, mà mình thoái tâm, quyến luyến thì mất vãng sanh. Nếu lúc đó tâm nguyện vãng sanh vững vàng, tâm sự với con cái rằng, mẹ một đời tu hành để vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì giờ này cơ hội đã đến, mong các con vì hiếu thảo mà cố gắng hỗ trợ cho mẹ tròn ước nguyện, đừng nên ngăn cản.

Hãy nên làm di chúc đàng hoàng, mời ban hộ niệm tới, nhờ ban hộ niệm khuyên giải con cái làm theo lời ước nguyện của mẹ. Hãy quyết tâm bảo vệ đường vãng sanh thành đạo cho mình, có thể dặn con cháu đưa tới Niệm-Phật-Đường, Chùa, Nhà Vãng-Sanh… nơi có chư đồng tu liên hữu túc trực hộ niệm cho được vững tâm hơn. Hãy cố gắng hết sức để cơ hội quý báu này được vãng sanh, đừng để luống qua, tương lai khó có cơ hội nào khác để gặp lại đâu.

(aa): Một người phải có năng lực đặt biệt mới có khả năng hộ niệm cho người khác vãng sanh.

Đúng hay sai? – (Sai). Có nhiều người đã hỏi Diệu Âm rằng, anh có năng lực gì mà có thể hộ niệm người khác vãng sanh thành Phật? Một người phàm phu làm sao có thể đưa người khác vãng sanh thành Phật? Người ta nghĩ rằng, muốn hộ niệm cho người khác vãng sanh, bắt buộc người hộ niệm phải có một năng lực đặc biệt mới được. Chính vì ý nghĩ này mà nhiều người tìm cách tu luyện lấy một cái năng lực đặc biệt nào đó rồi đem ra ứng dụng để hộ niệm. Đây là do tự cá nhân đó làm lấy chứ không đúng với Pháp Hộ-Niệm. Chư vị chú ý sẽ thấy, những người dùng cái năng lực gì đó để hộ niệm cho người bệnh, kết quả không thể nào được thành tựu đâu.

Một người khi xả bỏ báo thân được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, một là do tự lực của chính người đó, hai là nhờ tha lực tiếp dẫn của đức Phật A-Di-Đà, hai lực này kết hợp lại mà người đó được vãng sanh. Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ trước lúc xả bỏ báo thân chính là tự lực của người đó. Nhờ Tín-Nguyện-Hạnh này mà cảm ứng đến đại nguyện của Phật mà được Phật lực tiếp độ về miền Cực-Lạc là tha lực.

Nếu niềm tin anh yếu đuối, ban hộ niệm đến khuyên anh phải tin vững lên. Lời khuyên này không phải là năng lực của người hộ niệm, mà chỉ là lòng thành khuyên giải. Nếu người bệnh không muốn vãng sanh, hoặc không tha thiết được vãng sanh, thì người hộ niệm có vững hay giỏi cũng không giải quyết được gì cả. Người hộ niệm chỉ giải thích thêm rằng, ở đây một đời sẽ khổ một đời, không phải là nơi tốt. Nương theo cơ hội xả bỏ báo thân này, nếu anh niệm Phật cầu về Tây-Phương Cực-Lạc thì anh sẽ được vãng sanh. Vãng sanh xong thì anh sẽ hưởng an vui hạnh phúc vô biên, đó là nơi không có tiếng khổ, tâm mình muốn cái gì đều được đáp ứng, gọi là “Tùy tâm sở dục”.

Cho nên, người hộ niệm trước sau gì cũng chỉ khai thị, hướng dẫn khuyên anh hãy phát khởi tín tâm, chí thành niệm Phật, tha thiết cầu vãng sanh để được vãng sanh. Lời khuyên này hoàn toàn không có năng lực gì cả, mà họ chỉ vì biết Pháp Hộ-Niệm, cộng thêm với lòng thành tâm muốn giúp anh thoát nạn sanh tử luân hồi, vãng sanh thành đạo mà hết lòng khuyến tấn đó thôi.

Còn như cho rằng người hộ niệm phải có năng lực thì chẳng lẽ người hộ niệm có thể tiếp độ người bệnh vãng sanh sao? Chẳng lẽ người hộ niệm có thần lực mạnh hơn chư Bồ-Tát, mạnh hơn A-Di-Đà Phật, mạnh hơn chư Phật trên 10 phương pháp giới sao? Vì một người không muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, thì A-Di-Đà Phật không tiếp độ được, chư Phật trên 10 phương cũng không tiếp độ được, vậy mà người hộ niệm dám nói đến năng lực của mình sao? Chính vì thế, cho rằng người hộ niệm phải có năng lực đặc biệt gì đó là đại vọng ngữ, tư tưởng vô cùng sai lầm!…

Cần hiểu thấu đạo lý duy tâm. Phật dạy tất cả đều do tâm tạo. Được vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc đều phải do chính cái tâm nguyện của người bệnh. Khi ra đi, người bệnh có Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ mới được vãng sanh, chứ không có năng lực gia trì nào từ người hộ niệm cả. Chỉ có người bệnh thực hiện đúng tông chỉ của Pháp Niệm Phật, được cảm ứng với 48 đại nguyện của Đức Từ Phụ mà được Phật tiếp độ vãng sanh, chứ không có một năng lực nào khác. Mong những người đi hộ niệm cần giữ đúng chánh tri, chánh kiến, phải hiểu thấu hành đúng Pháp Hộ-Niệm, luôn luôn thực hành đúng chánh pháp mới tốt vậy.

(bb): Người hộ niệm không cần một năng lực đặc biệt nào cả, chỉ cần có tín tâm, lòng thành kính và vững quy luật hộ niệm để hướng dẫn đúng pháp giúp người bệnh tự thực hành lấy để được vãng sanh.

Đúng hay sai? – (Đúng). Rõ ràng tập sách nhỏ này đưa ra từng điểm, điểm nào đúng, điểm nào sai một cách quá rõ ràng. Tự mỗi câu là một lời giải thích cụ thể.

Người hộ niệm không cần một năng lực đặt biệt nào cả, mà chỉ cần nắm vững quy luật hộ niệm để hướng dẫn cho đúng pháp. Người bệnh phải lắng nghe và thực hành đúng theo sự hướng dẫn đó thì được vãng sanh. Nếu người bệnh không thực hiện theo thì đành chịu thất bại. Rõ ràng hộ niệm là một pháp tu tập. Đã là một pháp tu thì khi phát tâm đi hộ niệm cho người ta, xin chư vị phải nghiên cứu thật cẩn thận, phải nắm thật vững quy tắc hộ niệm và khi đứng trước người bệnh phải hướng dẫn cho đúng theo qui luật đó, không được hướng dẫn sai. Hướng dẫn sai hậu quả vô cùng tai hại, tội nghiệp cho người ra đi lỡ mất cơ hội vãng sanh.

Có nhiều vấn đề sai rất tế vi, ở đây chúng ta sẽ tìm cách khai thác được tới đâu hay tới đó, chứ không đủ sức kể hết ra được. Chư vị muốn tìm hiểu thấu đáo thì thì tự mình phải cố gắng nghiên cứu thêm, trong đó kinh nghiệm hộ niệm vô cùng quý báu. Mong rằng, khi có cuộc hộ niệm, xin chư vị cố gắng tham gia, hãy dành nhiều thì giờ ngồi trước người bệnh niệm Phật hộ niệm. Chính những sự trải nghiệm là khả năng thiết thực của chính mình, còn nghe qua mà thiếu phần thực hành, thì chẳng khác gì như gió thoảng qua tai.

Nhiều người nghĩ rằng, pháp hộ niệm quá đơn giản, cần gì phải học tập, cần gì phải nghiên cứu. Ý niệm thật quá bất cẩn, thiếu phần thành kính, ít hạnh khiêm cung. Nếu vướng phải lỗi này, dù có đi hộ niệm cũng khó tạo được lợi lạc. Vì quá khinh thường Pháp Hộ-Niệm, nên khi gặp việc rồi thì quýnh quáng lên, lời nói cử chỉ thường phạm phải nhiều sai lầm, làm cho không khí hộ niệm thêm nặng nề, u ám hơn. Cho nên, tự thân mình cần tham gia hộ niệm, mỗi lần hộ niệm cần chú tâm học hỏi. Kinh nghiệm luôn luôn quan trọng. Tâm học hỏi luôn luôn quý báu.

(cc): Một người tu hành đã chứng đạo mới có tư cách hộ niệm cho người khác vãng sanh.

Đúng hay sai? – (Sai). Thật ra, nếu một người chân tu có chứng đạo đi hộ niệm thì rất tốt, sức ảnh hưởng của họ rất cao, sự điều giải oán thân trái chủ của họ cũng có kết quả tốt hơn. Chính cái uy đức của những vị chân chánh tu hành đem đến sự lợi lạc cho chúng sanh vô cùng to lớn. Điều này không ai dám phủ nhận.

Nhưng nói rằng chỉ có những người đã chứng đạo mới có tư cách hộ niệm thì sai. Hỏi rằng, trong thời mạt pháp trên thế gian này dễ gì tìm ra một người chứng đạo. Tìm người chứng đạo không ra thì làm sao có thể hộ niệm cho người vãng sanh được. Như vậy vô tình Pháp Hộ-Niệm cũng chỉ là hữu danh vô thực, có tiếng “Hộ Niệm” mà không bao giờ “Hộ Niệm” được cho ai.

Tuy nhiên, chúng ta cũng phải nhớ rằng, những người chân chánh tu hành, tâm địa hiền lương, tánh tình khiêm hạ, niệm Phật có đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh tham gia hộ niệm tạo nên thành quả tốt hơn những người không tu hành. Đây là điều hiển nhiên, vì tâm địa của họ thành kính, đức độ của họ cao dày, lòng từ bi của họ rộng lớn. Một người có đức hạnh cao luôn luôn tạo được cảm tình lớn lao đối với đại chúng cũng như pháp giới chúng sanh. Nhờ sức ảnh hưởng đó mà sự khai thị hướng dẫn của họ có tác động mạnh hơn, điều giải với pháp giới chúng sanh cũng có sự cảm ứng tốt hơn. Đây gọi là tâm tâm tương ứng, làm cho cuộc hộ niệm dễ thành công hơn.

Cho nẹn, trong nội quy dành cho thành viên ban hộ niệm, có điều lệ là, thành viên ban hộ niệm phải là người tự nguyện, không nên tham gia với lòng hiếu kỳ, không có niềm tin. Quy luật này để tránh tình trạng soi mói, chê bai, trách móc, thiếu sự thành kính. Người không nhiệt thành tham gia hộ niệm dễ gây nên sự rối loạn từ trường, động tâm người khác, gây ảnh hưởng không tốt cho sự hộ niệm.

Tóm lại, những người có tâm thành, có tu chứng tham gia hộ niệm thường thường có những kết quả tốt đẹp là hoàn toàn đúng. Còn cho rằng chỉ có người đã tu chứng rồi mới có tư cách đi hộ niệm, thì vô tình Pháp Hộ-Niệm này không còn thực hiện được nữa, và có thể trở thành môi trường thuận lợi cho sự dị đoan mê tín, những người vọng tưởng, thượng mạn khởi tâm tà vạy lạm dụng làm điều bất chánh. Mong chư vị hiểu thấu, để thấy rõ ràng điều nào đúng điều nào sai một cách cụ thể hơn vậy.

(dd): Một người chân chánh tu hành khi đi hộ niệm có ảnh hưởng rất tốt tới người bệnh.

Đúng hay sai? – (Đúng). Lòng chí thành chí kính là đạo nhiệm mầu để thành tựu. Người chân chánh tu hành thì từng lời nói, từng cử chỉ của họ đều làm cho người bệnh cảm động. Người chân chánh tu hành đi hộ niệm thể hiện được trọn vẹn cái lòng chí thành chí kính, nên sự hướng dẫn dễ dàng cảm ứng đến người bệnh, giúp họ dễ phát tâm niệm Phật cầu vãng sanh. Người bệnh có lòng chí thành chí kính thì dễ dàng nghe lời hướng dẫn, phát tâm niệm Phật cầu vãng sanh, nên dễ được cảm ứng đạo giao mà được Phật lực tiếp độ. Chính vì thế, sự chân chánh tu hành của người hộ niệm rất quan trọng, sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới người bệnh. Cho nên, người hộ niệm phải đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh mới hộ niệm tốt.

Hộ niệm là một pháp tu. Hộ niệm cho người chính là tu cho chính mình, tất cả đều để cùng nhau vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc vậy.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm - Chương 3: Nhận Thức Về Hộ Niệm

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –