Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (Tọa đàm 174) | Nhận Thức Về Hộ Niệm Vãng Sanh

Share on facebook
Share on twitter

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 174)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Xin tiếp tục nói về “Nhận thức về Pháp Hộ-Niệm”.

Xin chư vị mở trang 70, câu (ee): Lòng chí thành và tin tưởng của người hộ niệm sẽ ảnh hưởng rất tốt cho người bệnh.

Đúng hay sai? – (Đúng). Hôm qua chúng ta có nhắc nhở rằng, hộ niệm cần lấy lòng thành để trợ duyên cho nhau, đừng nên lấy tâm hiếu kỳ tham gia để dò xét, soi mói. Nếu đem lòng nghi ngờ, soi mói, đến nhìn qua nhìn lại sẽ ảnh hưởng không tốt cho từ trường nơi hộ niệm. Người chân chánh tu hành, có niệm Phật, có niềm tin chân thực thì hộ niệm sẽ có ảnh hưởng rất tốt. Nếu cuộc hộ niệm có được nhiều người chí thành tham dự, thì sự thành tựu có xác suất rất cao. Ngược lại nếu có nhiều người không tin, soi mói, hiếu kỳ tham gia sẽ có ảnh hưởng ngược lại, thường gây chướng ngại cho sự vãng sanh của người bệnh.

Vậy thì, mong các ban hộ niệm chú ý, không nên mời những người xa lạ tham gia hộ niệm. Nếu một người chưa quen biết lắm muốn tham gia, mình nên chú ý đến yếu tố chân thành của họ có hay không. Nếu có thì hoan nghênh, thêm một lòng chân thành, thêm một phần cảm ứng, và đây cũng là dịp gieo duyên Pháp Hộ-Niệm đến với đại chúng. Nếu chỉ vì hiếu kỳ, dò xét, nghi ngờ… thì không nên mời gọi, vì chưa chắc gì gieo được duyên lành cho họ, mà trước mắt thường chướng ngại cho cuộc hộ niệm.

Một điều nữa nên nhớ, Pháp Hộ-Niệm cấm người hộ niệm dùng các chất ngũ tân, vì mùi vị ô trọc của các thứ hành, tỏi, kiệu, nén, ba-rô… ảnh hưởng khá xấu đến sự hộ niệm. Những người chưa biết tu hành, chưa tin tưởng hộ niệm chắc chắn họ thường xuyên dùng những loại này, nên sự tham gia của họ có thể gây bất lợi cho cuộc hộ niệm. Xin các ban hộ niệm chú ý vấn đề này để giảm thiểu chướng ngại cho sự vãng sanh của người bệnh vậy.

(ff): Người hộ niệm cần nên tham gia đồng bóng, vì Pháp Đồng-Bóng biết rõ người chết sẽ đi về đâu.

Đúng hay sai? – (Sai). Nhiều người tu theo đạo đồng bóng thường gọi hồn để hỏi người chết đang ở đâu. Xin thưa chư vị, những lời báo cáo của Pháp Đồng-Bóng chưa chắc gì là đúng đâu. Chúng ta học Phật hãy làm theo lời Phật dạy, cố gắng khai thị hướng dẫn cho thần thức người chết giác ngộ niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ để được siêu sanh thoát vòng sanh tử, hay hơn là hiếu kỳ muốn tìm biết cái vong hồn người chết đang ở đâu. Giả sử như chuyện đồng bóng đó là thực, có cho mình biết được cảnh giới của vong linh, thì đọa lạc cũng hoàn đọa lạc, không giải quyết được gì, huống chi hầu hết đó chỉ là sự huyễn hoặc, hư dối. Thế giới mông huân, có nhiều điều thấy như thật nhưng lại giả, hư hư huyễn huyễn, vô cùng hão huyền, khó bề tin tưởng.

Nhiều người thấy chuyện hầu đồng thuật lại nhiều việc đã xảy ra trong quá khứ một cách khá chính xác, thì tưởng rằng họ nói chuyện tương lai không sai, họ đoán được chuyện vô hình chính xác. Thưa không phải vậy đâu.

Chúng ta nên biết rằng, trong pháp giới có những vị có thể biết được những gì mình đang suy nghĩ trong tâm, hễ mình biết điều gì thì họ biết được điều đó, còn những gì mình không biết thì họ cũng mù mịt. Ví dụ như người nhập xác về báo cha anh tên gì, bao nhiêu tuổi, thường thích gì, tính tình như thế nào, trong gia đình xảy ra chuyện gì, có nói với anh điều gì, v.v… họ có thể nói ra khá chính xác, vì những điều này trong gia đình không người này thì cũng có người khác đã biết rõ.

Những điều đã biết rồi mà khoe ra làm chi vậy? Đây chính là tấm bình phong đánh lạc hướng, làm hoa mắt mọi người, để tin tưởng những gì họ nói tiếp theo. Người thiếu chánh tri chánh kiến dễ dàng tin rằng, đây chính là linh hồn người thân của mình về nói chuyện thực rồi, không nghi ngờ gì nữa!…

Hơn nữa, trong thế gian này có rất nhiều trường hợp lợi dụng lòng mê tín của con người mà tung lên đủ chuyện huyễn hoặc hoang đường, tạo dựng những phương cách buôn Thần bán Thánh, ứng dụng tâm lý nhìn mặt đoán lòng, v.v… để lường gạt chúng sanh. Chúng ta học Phật chân chánh phải nên cẩn thận, đừng nên sơ ý tiếp tay tạo nghiệp, quả báo khó có thể tốt đẹp vậy.

(gg): Có thể dùng Pháp Đồng-Bóng để hỗ trợ cho Pháp Hộ-Niệm.

Đúng hay sai? – (Sai). Hoàn toàn sai. Pháp Hộ-Niệm là của Phật dạy, giúp cho người khi xả bỏ báo thân niệm Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc, không liên quan gì đến pháp đồng bóng cả. Vì thế, chúng ta không thể vay mượn đồng bóng để hỗ trợ cho Pháp Hộ-Niệm. Người hộ niệm nhất định phải làm đúng theo chánh pháp, không được lầm lẫn giữa chánh pháp của Phật và các pháp của thế gian. Người theo đạo đồng bóng thường xuyên tiếp xúc với thế giới vô hình, chư vị vong linh, chư vị Quỷ Thần… Đây là đường hướng tu luyện riêng trong đạo của họ, không hợp với sự tu hành của Phật Giáo, chúng ta không được áp dụng vào Pháp Hộ-Niệm vậy.

(hh): Pháp Hộ-Niệm hoàn toàn không liên hệ gì đến các Pháp Đồng-Bóng.

Đúng không? – (Đúng). Câu này trực tiếp trả lời cho câu trên. Nói chung, tập sách này giải quyết vấn đề nào đúng, vấn đề nào sai một cách rõ rệt, không úp mở gì cả. Mọi vấn đề đã được minh bạch, không cần giảng giải gì thêm nữa chúng ta cũng hiểu rõ ràng phần căn bản rồi.

Xin nhắc lại rằng, Pháp Hộ-Niệm hoàn toàn không liên hệ gì đến các pháp đồng bóng của thế gian. Vậy thì, khi người thân ra đi, người học Phật không nên nhờ vào những pháp đó để tìm hiểu linh hồn người chết đang ở đâu. Những chuyện gọi hồn nhập xác, bán hồn vào các đình miễu, lư hương chủ mạng, v.v… đều là pháp của các đạo Quỷ-Thần trong thế gian, trong kinh Phật không có nói đến. Mong chư vị cẩn thận làm đúng theo chánh pháp của Phật mới tốt.

(ii): Cần lập đàn cúng thí thực cho vong hồn để hỗ trợ Pháp Hộ-Niệm vãng sanh.

Đúng hay sai? – (Sai). Có ban hộ niệm mỗi lần đi hộ niệm đều lập bàn thờ cúng thí thực, điều này do chính ban hộ niệm đó thêm vào, chứ chư Tổ Tịnh-Độ Tông không có dạy như vậy. Nếu chư Tổ không dạy thì tốt nhất chúng ta không nên làm để tránh thành quy lệ khiến cho thế hệ sau này lầm lẫn. Xin chư vị cố gắng y theo lời Tổ dạy mà phụng hành, đừng nên tự ý thêm bớt. Mình thấy điều gì hay thêm vào, thì người khác thấy điều khác hay cũng đưa vào, đến một lúc nào đó chúng sanh không biết đâu là chánh pháp, đâu là sự thêm bớt của người thế gian, Pháp Hộ-Niệm sẽ biến thành rườm rà, mất căn bản, hiệu nghiệm kém đi và nhanh chóng trở thành mạt pháp, hoặc sai lệch với chánh pháp, không còn ai tin tưởng nữa.

Tuy nhiên, đôi khi gặp những gia đình vì một sự khẩn nguyện đặc biệt nào đó, họ tha thiết việc cúng thí thực, thì ban hộ niệm cũng có thể uyển chuyển làm một lần, và cần giải thích rõ ràng rằng, đây là sự uyển chuyển cho gia đình yên tâm, chứ không phải là quy luật của Pháp Hộ-Niệm. Thời buổi này dễ dàng lưu lại những clip video, cần phải chú thích rõ ràng hầu tránh sự lầm lẫn cho thế hệ sau.

Một điều cũng cần nhắc nhở, nếu có lập đàn cúng thí thực cho chúng đẳng vong linh, thì xin chư vị phải thành khẩn trang nghiêm, đem lòng từ bi thương xót, khẩn nguyện chư vị trong pháp giới hãy phát tâm niệm Phật cầu vãng sanh để giải thoát cảnh khổ sở hiện tại, đừng nên bất cẩn làm điều thất lễ có thể gây buồn lòng các vị đó mà nhiều khi bị họ quậy phá đấy. Chúng ta nên nhớ rằng, chư vị vong linh, cô-hồn các loại là những người mê lầm bị lạc vào cảnh giới khổ đau, chứ họ không phải là Thần Thánh gì đâu nhé.

Vì thế, tốt nhất vấn đề cúng thí thực nên dành cho các đạo tràng, tự viện, chùa chiền thì an ổn hơn. Còn hộ niệm chỉ nên thành tâm điều giải chướng nạn từ oán thân trái chủ, thành tâm khuyên chư vị trong pháp giới nương theo cơ hội này hãy buông xả vạn duyên, niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ thì đúng. Điều này chính xác và rất quan trọng, chư Tổ đều có dạy. Hàng phàm phu mê muội tạo nhiều nghiệp tội, không ai tránh khỏi ách nạn này.

Nói chung, điều gì chư Tổ dạy thì chúng ta làm, điều gì không dạy ta không nên thêm vào mà làm cho Pháp Hộ-Niệm bị xen tạp, rối rắm không hay.

(jj): Người hộ niệm có thể cầu xin chư Thần-Linh nhập thân để hộ niệm.

Đúng không? – (Sai). Có nhiều người hỏi rằng, bạn đã có năng lực gì chưa mà có thể hộ niệm cho người khác vãng sanh? Họ nghĩ rằng, muốn cứu được một người vãng sanh thành đạo, phải có một năng lực đặc biệt trước. Vì muốn tu luyện để được một năng lực đặc biệt nên đi lệch với chánh pháp. Mong cầu những điều hão huyền, tăng trưởng vọng tưởng, thượng mạn khởi phát… đây là cơ hội vô cùng thuận lợi cho chư vị pháp giới, oán thân trái chủ nương theo đó mà dựa thân, lâm vào tình trạng gọi là: “Tẩu hỏa nhập ma”, tự mình gây hại cho mình một cách đáng tiếc lắm vậy.

Vậy thì, người hộ niệm không được cầu xin Quỷ Thần nhập thân hỗ trợ, không nên nhờ vào sự nhập xác chỉ điểm mà hành đạo. Một người đi hộ niệm bị nhập thân, nguyên nhân đều do chính mình sơ ý mời gọi họ đến, tạo duyên cho họ nhập thân chi phối lấy tinh thần và hành động của mình. Người hộ niệm làm đúng chánh pháp, y giáo lời Phật lời Tổ tu hành, thì được chư Hộ-Pháp bảo vệ, không bị sự cố này đâu.

Cho nên đi hộ niệm mà vướng phải những chướng nạn này, hãy mau mau thức tỉnh tự xét lấy điều sai trái của mình, mau mau kiệt thành sám hối, chấm dứt ngay những hoang tưởng sai lầm, chấm dứt ngay tâm hiếu kỳ thô tháo, giữ hạnh khiêm cung, không được thượng mạn nữa thì sẽ thoát nạn. Ví dụ cụ thể, tu hành không được cầu cảm ứng này cảm ứng nọ, đừng hiếu kỳ chạy theo những hiện tượng lạ thường, đừng hâm mộ những sự biểu diễn khoe trương thần thông phép lạ, đừng cho mình đã chứng đắc, đã có những công năng đặc dị phi thường, v.v… Nếu vướng phải những điều này là tự mình mở cửa mời gọi pháp giới chúng sanh nhập thân chi phối làm mất cuộc sống tự nhiên của mình đấy.

Người niệm Phật mà không tha thiết cầu vãng sanh, mà cứ mong cầu được thấy quang minh ánh sáng, thấy Phật, thấy người âm, thấy chư Thần Linh, muốn được nghe âm thanh này âm thanh nọ, v.v… coi chừng tự mình rước họa vào thân.

Chư vị nên nhớ điều này, chư vị oán thân trái chủ muốn hại người tu hành, họ thường dùng đến những phương thức vô cùng tế vi. Mình muốn có năng lực đặc biệt gì đó họ sẵn sàng góp sức giúp mình có năng lực đó. Mình muốn trở thành “Thần Y”, họ cho mình cái năng lực trị bệnh phi thường. Mình muốn thấy quá khứ vị lai, họ có thể cho mình cái cảm giác đó, v.v… Họ cho được thì rút lại được, khi rút lại thì mình đã bị hỏng chân rơi tòm xuống hố thẳm rồi. Cho nên, đối với Quỷ Thần, chúng ta nên lấy châm ngôn “Kính Nhi Viễn Chi”, cung kính họ nhưng không nên tiếp cận, không lợi dụng họ thì đúng vậy.

Nói chung, hộ niệm là pháp của Phật để lại, người hộ niệm luôn luôn lấy lòng chân thành, chí thành chí kính, thương yêu người bệnh như thương người thân yêu của mình mà làm đạo. Biết người bệnh đang chịu khổ nạn, chúng ta tận sức giúp đỡ, trợ duyên. Biết người bệnh có sơ suất, vướng mắc nhiều điều lầm lỗi như: tham chấp tiền tài, luyến lưu con cháu, sợ chết, thương người này, ghét người nọ, v.v… mình tìm cách khuyên nhủ họ buông ra. Biết người bệnh trước sau gì cũng bị nạn oán thân trái chủ, mình đến khuyên người bệnh thành tâm sám hối lỗi lầm, vững vàng niệm Phật cầu vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc để sớm thành đạo, sớm có đủ khả năng cứu độ nhau cùng giải thoát, cùng hưởng lợi lạc. Nếu người bệnh nghe theo, làm đúng, thì được Phật từ gia bị, nhờ tâm lực vững vàng mà họ vượt qua tất cả ách nạn của nghiệp chướng, của oán thân trái chủ chướng, an toàn vãng sanh Tịnh-Độ.

Tất cả đều nhờ ở lòng chí thành chí kính. Lòng thành của người bệnh, cộng với lòng thành của người hộ niệm làm cho cuộc điều giải dễ thành công. Nếu người bệnh thành tâm, người hộ niệm thành tâm, người thân trong gia đình đều thành tâm thì liền có chư vị Thiện-Thần Hộ-Pháp bảo vệ giúp đỡ, có quang minh của Phật Bồ-Tát bao trùm gia hộ… Nhờ vậy mà người bệnh phàm phu tội chướng sâu nặng này mới thoát mọi ách nạn, và được tiếp độ vãng sanh thành tựu vậy.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm - Chương 3: Nhận Thức Về Hộ Niệm

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –