• Trang Chủ
  • Mỗi một Pháp môn tu học đều có pháp hộ niệm riêng. (04)

Mỗi một Pháp môn tu học đều có pháp hộ niệm riêng. (04)

Share on facebook
Share on twitter

Trên thế gian này có bao nhiêu Pháp Hộ Niệm?

  1. a) Mỗi một Pháp môn tu học đều có pháp hộ niệm riêng.

Đúng đấy chư vị. Có nhiều người hiểu lầm về hộ niệm. Họ nói rằng tại sao không chịu lo tu hành, lại cứ ở đó chờ chết rồi kêu người ta tới hộ niệm vãng sanh. Đâu có chuyện vãng sanh dễ dàng như vậy!…

Thực ra, mỗi một pháp môn tu hành là một pháp hộ niệm. Mỗi lần một vị Sư tới giảng pháp cho Phật tử nghe là mỗi lần Ngài hộ niệm cho đấy. Thực đấy! Tại vì hộ niệm là hướng dẫn, khai thị, chỉ vẽ cho người tu hành đó thành đạt mục đích của pháp môn tu, thì pháp hộ niệm vãng sanh chính là người đi hộ niệm hướng dẫn cho người đồng tu, người bệnh thực hiện cho được Tín-Nguyện-Hạnh để họ vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Như vậy rõ ràng mỗi pháp môn tu đều có phương pháp hộ niệm riêng, hay nói thẳng ra, mỗi pháp môn tu là một pháp hộ niệm chứ không khác gì cả.

Nhưng khi chúng ta nhấn mạnh tới danh từ “Hộ Niệm“ là hàm ý một khi hướng dẫn một phương pháp tu hành thì chúng ta phải hướng dẫn cho đầy đủ, cụ thể, thực tiễn… Ví dụ rõ hơn, khi không chú ý tới vấn đề hộ niệm, thì có thể đến kỳ một pháp hội, hoặc nhân dịp một đại lễ nào đó trong năm, ta đến thuyết giảng một lần cho Phật tử đồng tu nghe qua pháp Phật rồi thôi. Thành ra, 365 ngày trong năm, người học đạo chỉ được nghe giảng pháp một tiếng đồng hồ, còn 364 ngày và mấy chục giờ nữa thì tự tìm cách tu lấy. Tự tu thì có thể tu sai, có thể hành sai… chính vì vậy mà Phật tử đồng tu khó có thể thành tựu được mục đích của phương pháp tu hành.

Còn khi chúng ta nói về hộ niệm thì trong pháp hội chúng ta giảng, gặp cơ duyên chúng ta giảng nhưng giảng thật kỹ, rồi đến những lúc cần thiết như bệnh hoạn, đau ốm, lâm chung… chúng ta đến sát bên cạnh người bệnh giảng giải, hướng dẫn, gỡ rối…

Cho nên, trong pháp hộ niệm có phương pháp gọi là khai thị, hướng dẫn. Khác với sự lập đàn thuyết kinh giảng đạo, khai thị ở đây là hướng dẫn từng chút, từng chút và gỡ từng phần, từng phần những gì người bệnh bị rắc rối, bị vướng mắc… để họ an tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ.

Vì thế, người nào cho rằng tại sao không chịu lo tu hành, mà lại cứ đợi chết rồi nhờ tới hộ niệm là một sự hiểu lầm lớn lao, vô cùng đáng tiếc!.. Thực ra, phương pháp hộ niệm chính là hướng dẫn cho một người từng chút, từng chút rõ ràng để họ biết đường tu hành. Hộ niệm cho người bệnh là hướng dẫn người bệnh đó từng điểm, từng điểm và đòi hỏi chính họ phải thực hiện cho được để được vãng sanh. Như vậy biết hộ niệm là biết pháp tu hành cụ thể, thiết thực, vững vàng chứ không phải nằm đó chờ chết đâu. Xin đừng hiểu lầm!…

Thành ra, tu hành mà mông lung vô định, ưa lý huyền luận diệu, cứ tưởng như vậy là đủ, là hay… không ngờ đến lúc nằm xuống rồi thì vạn sự phũ phàng ập đến, tâm hồn tán loạn, rối rắm… làm sao gỡ được đây? Vì nhiều người đã sơ ý xem thường sự hộ niệm, giảng giải quá sơ sài, cứ tưởng triển khai một vài lý đạo hay hay là người ta có thể thực hiện được. Xin hỏi rằng, trước nay có mấy ai thực hiện được đây!…

Xin thưa với chư vị, ngay ở Việt Nam chúng ta, bao nhiêu năm qua có lẽ cũng vì sơ suất không chú ý đến vấn đề hộ niệm, không dẫn dắt từng bước từng bước cụ thể để đi, không vạch rõ từng điểm từng điểm thực tế để thực hiện, làm cho người tu hành mông lung đường tu, thành ra trải qua một thời gian quá lâu dài người tới chùa lạy Phật thì có, còn sự thành tựu thì quá hiếm hoi!… May ra chỉ có những vị Cao Tăng Hòa Thượng, những vị thượng căn thượng trí mới có được sự thành tựu, chứ còn hàng Phật tử, đồng tu tại gia tìm đâu ra một người thực sự hưởng được sự lợi lạc chân chính?

Phải chăng, trong sự tu hành đã sơ ý tạo một khoảng trống quá lớn. Khoảng trống đó là ngay tại lúc người ta lâm chung, ngay khi người ta bệnh hoạn, ngay trên ý niệm mông lung, ngay ở chỗ pháp tu không khế hợp căn cơ. Từ đó vọng tưởng phát sinh, vướng mắc đủ điều… Làm sao gỡ được để thoát nạn?…

Cho nên hiểu được chân chính ý nghĩa hộ niệm rồi, chúng ta mới thấy đây là một điều vô cùng quan trọng, không thể thiếu, chứ không phải đơn giản như người thế gian khen chê đâu.

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –