• Trang Chủ
  • Người một đời tu hành nhưng khi sắp chết lại thương tiếc thân mạng cầu xin hết bệnh thì phải theo xác thân mà đọa lạc. Đúng không chư vị?

Người một đời tu hành nhưng khi sắp chết lại thương tiếc thân mạng cầu xin hết bệnh thì phải theo xác thân mà đọa lạc. Đúng không chư vị?

Share on facebook
Share on twitter

Câu (d): Người một đời tu hành nhưng khi sắp chết lại thương tiếc thân mạng cầu xin hết bệnh thì phải theo xác thân mà đọa lạc.

Đúng không chư vị? – (Đúng). Rõ ràng hai câu này trả lời câu trên. Người bệnh có tâm nguyện niệm Phật cầu hết bệnh thì sẽ được hết bệnh là sai. Cái câu trước trả lời sai rồi, câu này thêm một lần nữa xác định rằng, người tu hành cả một cuộc đời nhưng khi sắp chết lại thương tiếc cái thân mạng thì bị đọa lạc. Không biết chư vị có thương hay không? Tôi không biết!… Nhưng thực sự có nhiều người bình thời thì niệm Phật cầu vãng sanh hay lắm, giỏi lắm, nhưng khi bệnh xuống rồi thì cầu xin hết bệnh. Ngài Ấn-Quang Đại Sư nói, hễ khởi cái niệm cầu hết bệnh trong khi lâm chung thì theo cái nguyện này đi đường đọa lạc, hứ không được vãng sanh. Nghĩa là theo cái thân nghiệp này mà chịu nạn. Tất cả những công hạnh tu hành suốt cả cuộc đời có thể biến thành phước báu cho chư vị hưởng. Người niệm Phật tốt, rất là tốt, có thể sanh làm ông tổng thống, làm vua chúa. Trong kinh Vô-Lượng-Thọ có nói rõ, tức là một người tu hành niệm Phật rất tinh chuyên, niệm Phật rất tinh tấn, ăn ở rất hiền lành, công khóa rất đầy đủ… nhưng cuối đời lại không nguyện vãng sanh, nhờ cái công hạnh tu hành cao có thể người ta sẽ sinh vào trong nhà vua chúa hưởng phước.

Xin chư vị nhớ cho kỹ, khi mà hưởng phước báu, sung sướng mà thường mê vào đó không còn tu hành nữa đâu. Không tu thì hết phước, lại tạo nghiệp trùng trùng. Tạo nghiệp nhiều nên đời sau nữa dễ bị trở ngại lớn. Những người hiện thời làm tổng thống, làm vua chúa, sinh trong hoàng tộc, v.v… thì trong tiền kiếp người ta tu hành tốt lắm, không phải đơn giản đâu. Chư vị cứ nghĩ đi, một cái phước báu mà vừa sinh ra tự nhiên trở thành một thái tử, mọi người phải tôn kính… Cái phước báu này lớn lắm chứ không phải đơn giản đâu. Ở nhiều nơi, chỉ cần một lời nói sơ ý phạm tới nhà vua thì có thể bị tử hình. Thực ra đó là những người đại tu trong tiền đời. Cũng có thể là người niệm Phật, hiền lành, chất phác, công hạnh rất cao… nhưng vì không muốn vãng sanh, không nguyện vãng sanh, để sau cùng thành người hưởng đại phước báu. Cũng có thể suốt đời họ nguyện vãng sanh, nhưng sau cùng lại không muốn vãng sanh mà vô tình bị chuyển qua cảnh giới khác. Vì phước báu lớn quá nên người ta vừa sinh làm liền co quyền lực là như vậy.

Mong chư vị nhớ rằng, không có phước báu thế gian nào có thể sánh bằng phước báu trên cõi Tây-Phương Cực-Lạc được. Cho nên người thực sự muốn hưởng phước báu thì phải tha thiết cầu được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, ở đó thần thông đạo lực phi thường, rồi tiền bạc thì không đếm hết, vàng thì lót dưới chân mà đi, không thèm đeo lên mình làm chi, còn thọ mạng thì vô lượng vô biên, không còn sanh tử nữa.

Chư vị hiểu được như vậy rồi, thì chúng ta phải cố gắng niệm Phật để vãng sanh, nhất định không thèm đi con đường nào khác nhé. Bệnh trạng gì đó, đau ốm gì đó, chết sống gì đó… đối với người niệm Phật không còn gì phải lo ngại nữa đâu. Quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh thì sau cùng chúng ta có thể giơ tay lên chào biệt mọi người rồi đi theo A-Di-Đà Phật về miền Cực-Lạc thành Phật.

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 21)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

 

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –