• Trang Chủ
  • Pháp Hộ-Niệm vãng sanh là cách hướng dẫn người bệnh thực hiện đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh để vãng sanh. Đúng hay sai? (17)

Pháp Hộ-Niệm vãng sanh là cách hướng dẫn người bệnh thực hiện đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh để vãng sanh. Đúng hay sai? (17)

Share on facebook
Share on twitter

Hôm nay chúng ta tiếp tục bàn về: Pháp Hộ-Niệm vãng sanh là gì?

Chư vị nào có sách xin mở trang 14, phần (d): Là cách hướng dẫn người bệnh thực hiện đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh để vãng sanh.

Đúng hay sai? – (Đúng). Đúng như vậy đó. Bây giờ đây chúng ta hãy đặt câu hỏi, khi lâm chung mình có dám bảo đảm được là mình còn đủ lòng tin, còn đủ sức nguyện tha thiết và còn niệm Phật được hay không? Đây là một câu hỏi rất lớn cho mỗi người chúng ta phải trả lời.

Tình thực, đi hộ niệm rồi chúng ta mới thấy rõ vấn đề, nhiều khi 100 người mình hộ niệm, có thể có tới 99 người bị trở ngại đấy, không phải đơn giản đâu. Chính vì thế, nếu chư vị là hàng căn cơ cao thượng thì không ngại gì lắm. Các Ngài thượng căn tự tại trước cảnh sanh tử, các Ngài muốn đi thì đi, muốn ở thì ở. Khi vãng sanh, các Ngài muốn đứng thì đứng, muốn ngồi thì ngồi. Thực sự có hiện tượng này. Nhưng với chúng ta thì phải nghiêm chỉnh tự xét lại, nếu không phải là Bồ-Tát gì cả, mà toàn là hàng phàm phu nghiệp nặng, thì phải ý thức rõ rệt rằng lúc lâm chung không đơn giản như mình ngồi đây lý luận đâu nhé.

Thưa với chư vị, mình vẫn thường thấy nhiều người tu hành rất cao, công phu rất tốt, nhưng sau cùng vẫn bị trở ngại vì bệnh khổ làm cho bầm dập trong bệnh viện đấy. Khi chưa đối diện với nghiệp chướng hiện hành, chúng ta chưa biết nó như thế nào, chứ khi đã đối diện rồi mới thấy rõ rệt rằng, với cái khả năng của chính mình chưa thể tự vượt qua cái ách nghiệp đó đâu. Quá khó! Quá khó đấy chư vị!… Ví dụ, ít bữa nữa bác sĩ Phi về đây, chư vị có thể hỏi để biết về một người vừa mới vãng sanh cách đây một-hai ngày, đến ngày cuối cùng, một hiện tượng lạ lùng đã xảy ra đến nỗi không còn biết người đó là ai nữa đây!…

Nếu trường hợp này mà không có người hộ niệm giúp đỡ, khai giải, gỡ rối… thì thôi chịu thua rồi! Là hàng phàm phu, một khi bị nghiệp chướng ứng hiện nhiều khi chúng ta không còn biết chính mình là ai nữa đấy, chứ đừng nói chi là còn biết đến A-Di-Đà, còn biết đến vãng sanh, còn biết lý này luận nọ…

Vì thế, chúng ta rất cần những người lịch lãm về hộ niệm, có đầy đủ kinh nghiệm về hộ niệm ngồi bên cạnh, người ta sẽ nói những lời rất cụ thể, rất rõ ràng… Người hộ niệm có những phương thức khai thị cần thiết giúp hóa giải ách nạn cho ta. Khi nào tới phần khai thị hộ niệm, Diệu Âm sẽ trình bày rõ hơn.

Nói chung, chúng ta rất cần người hộ niệm đấy. Xin đưa ra một ví dụ, người được chúng ta hộ niệm gần nhất là sư huynh Quảng-Chương. Xin hỏi ở đây có ai cùng đi hộ niệm với Diệu Âm trong ngày cuối cùng của huynh Quảng-Chương không? Một người trước khi xả bỏ báo thân bị mê man bất tỉnh, đây là một trường hợp khó trong khó, vô cùng truân chuyên để hóa giải đấy. Nếu anh Quảng-Chương không có cơ may gặp được những người hộ niệm tích cực thì dễ gì anh có thể vượt qua được ách nạn. Chính chúng ta nằm luôn tại nhà của anh, không dám rời nửa bước để tìm cách hóa giải. Và, sau cùng may mắn nhờ tìm ra được một nguyên nhân chính đáng mới hóa giải được. Hóa giải xong thì tự nhiên thân tướng chuyển biến liền.

Xin thưa với chư vị, hộ niệm vi diệu bất khả tư nghì. Hàng phàm phu như chúng ta, xin thưa thực, nếu không hộ niệm, khi ra đi coi chừng 100 người không có được 1 người thoát nạn đấy. Chính vì thế, hộ niệm rất cần thiết, rất cần thiết.

Phải giữ cho được Tín Tâm, Phải giữ cho được Nguyện Tâm, phải niệm cho được câu A-Di-Đà Phật, không thể khinh thường mà tự cho rằng mình sẽ dễ dàng làm được chuyện này khi lâm chung nhé. Chính vì thế, thưa với chư vị, nên tập thêm công phu tu hành, có công phu tốt chúng ta mới có sức chịu đựng, nhờ sức chịu đựng đó, cộng với người hộ niệm giúp đỡ nữa, mình mới vượt qua cảnh khổ mà vãng sanh. Xin nhắc nhở, đừng nghĩ rằng một đời tu hành như vầy là ngon lành nhé! Đừng nghĩ rằng có được chút ít tiếng tăm thì ngon lành nhé! Phải tập khui ra những cái dở của mình đi.

Đã là nghiệp chướng rồi thì trước sau gì cũng phải đối diện. Đã là bệnh khổ rồi thì trước sau gì cũng phải nhận lấy thôi. Xin chư vị hãy lập cái hạnh tự tại trước bệnh khổ đi. Tự tại trước bệnh khổ có nghĩa là có bệnh mà mình không sợ bệnh. Có bệnh mà mình không hãi hùng. Bị bệnh sắp chết rồi cũng tự nhiên đi nhé. Đây đúng là chuyến đò đưa mình về Tây-Phương Cực-Lạc, chứ có gì đâu mà sợ? Xin thưa thẳng với chư vị, nếu Diệu Âm bị ung thư, Diệu Âm sẽ khai báo cho tất cả mọi người biết, khai báo từng ngày luôn, không còn sợ nữa đâu. Bảo đảm!… Đời này sống là sống gởi, khi liệng báo thân này mình mới về Tây-Phương Cực-Lạc, có chi mà lo ngại. Mình trông chờ cái ngày đó để vãng sanh thì đâu có gì mà sợ, đâu có gì mà ngại, đâu có gì mà buồn khi bệnh hoạn tới đây? Tự tại trước bệnh hoạn là như vậy đó, chứ phàm phu này đừng mơ cầu không đau, không bệnh nhé.

Tự tại thì không sợ… Sợ thì không tự tại… Không tự tại thì khi đối diện với căn bệnh nhất định tâm thần không thể nào an tịnh được. Tâm thần không thể an tịnh thì tuyệt đối không thể nào gọi là Tín-Hạnh-Nguyện đầy đủ được. Không đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh thì nhất định bị nạn là như vậy.

Cho nên, mong chư vị chú ý nhớ cho, đã biết đường về Tây-Phương rồi thì không sợ bệnh nữa. Bảo đảm!… Chết mà không sợ thì sợ chi bệnh? Bị bệnh nặng thì bảo đảm được ngày vãng sanh sớm hơn những người khác. Thế thôi! Nhờ vậy mà mình giữ được đầy đủ Tín-Hạnh-Nguyện. Người đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh là tâm lực mạnh. Nhờ tâm lực mạnh, cộng với sự hộ niệm trợ duyên sẽ giúp mình gỡ được ách nạn. Còn người tâm lực yếu quá, dẫu gặp một ban hộ niệm giỏi nhiều lúc cũng đành phải chịu thua. Nên nhớ, Tín là của mình, Nguyện là của mình, Niệm Phật là chính mình niệm, chứ ban hộ niệm không có quyền niệm giùm cho mình được. Nhớ điều này thật kỹ để quyết định chính xác, đừng có nên sơ xuất mà bị nạn…

 

Trích: Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 17)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –