• Trang Chủ
  • Pháp Hộ-Niệm Vãng Sanh là một pháp thuộc về tâm lý học nhằm an tâm người bệnh, giảm bớt sự đau khổ cho gia đình trước cảnh sanh tử biệt ly. Đúng không chư vị? (19)

Pháp Hộ-Niệm Vãng Sanh là một pháp thuộc về tâm lý học nhằm an tâm người bệnh, giảm bớt sự đau khổ cho gia đình trước cảnh sanh tử biệt ly. Đúng không chư vị? (19)

Share on facebook
Share on twitter

 Pháp Hộ-Niệm Vãng Sanh là gì?

Đáp án (h): Là một pháp thuộc về tâm lý học nhằm an tâm người bệnh, giảm bớt sự đau khổ cho gia đình trước cảnh sanh tử biệt ly.

Định nghĩa như vậy đúng không chư vị? – (Sai!). Thưa với chư vị, làm đạo khó lắm! Chư Tổ Tịnh-Độ-Tông đã ứng dụng Pháp Hộ-Niệm gần 2.000 năm qua, cứu độ vô lượng chúng sanh rồi đến nay chúng ta mới biết được. Muốn gặp một cái duyên để được độ thoát phải trải qua cả hàng ngàn năm chứ không phải tầm thường đâu chư vị. Trong cơ duyên này, mình gặp được phương pháp cứu mình vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, cứu người thân của mình vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, nếu sơ ý định nghĩa rằng đây chỉ là một vấn đề thuộc về tâm lý để giúp cho người bệnh an tâm, giúp cho gia đình bớt khổ, nhằm chia sớt nỗi buồn sanh tử biệt ly, thì coi chừng có tu hành nhưng đọa lạc vẫn hoàn đọa lạc đấy, chính mình vẫn cứ tiếp tục cảnh sanh rồi tử, tử rồi sanh trong sáu đường, hàng ngàn năm sau chưa chắc gặp lại cơ hội này. Nên nhớ cho, một duyên được độ thoát phải trải qua cả hàng ngàn năm mới gặp được. Khó lắm đấy chư vị ơi!…

Thưa thực, câu nói này được thu lượm từ những người đã biết tu học Phật Giáo. Người tu hành mà còn nói như vậy, thì người thế gian hiểu lầm còn tệ hại hơn! Tập sách này ghi lại những tin tức, những suy nghĩ, những ý kiến thu thập từ khắp nơi, trong đó có điều đáng tiếc là chính những người có tu học Phật lâu năm mà lại nói lời này: À!… Đây chẳng qua là vấn đề tâm lý làm cho người bệnh an tâm, làm cho gia đình bớt khổ, chứ có Tây-Phương Cực-Lạc đâu mà về!…”.

Chư vị ơi!… Hãy nhìn cho rõ đi. Phật dạy, đến thời mạt pháp, người nói lên chánh pháp khó gặp lắm, còn người nói tà pháp thì nhiều như cát sông Hằng. Vì thế, khi biết được Pháp Hộ-Niệm giúp được từng người niệm Phật vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, mình phải biết giật mình tỉnh ngộ đường tu hành nhé chư vị. Có nhiều người dùng Tâm-Lý-Học ra ru chúng sanh vào đường tình thức mà cho là Phật Pháp. Có người dùng Triết-Học ra dẫn dắt chúng sanh vào những con đường lý luận mông lung trừu tượng mà cho là Phật Pháp. Cũng có người tự nghĩ ra những phương pháp riêng của mình rồi đem truyền cho đại chúng để tìm cầu những sự cảm ứng hão huyền mà cứ cho đó là Phật Pháp!… Chính vì thế, trong cái cơ may này mình gặp được Pháp Niệm Phật là chánh pháp của Phật thật là quí báu, lại biết được Pháp Hộ-Niệm giúp ta thực hiện chính xác và nghiêm chỉnh Pháp Niệm Phật lại càng quí báu vô cùng. Xin chư vị hãy cố gắng trân trọng gìn giữ để được độ thoát nhé.

Pháp Hộ-Niệm không phải là vấn đề tâm lý, tuy nhiên mình có thể ứng dụng vấn đề tâm lý để hướng dẫn người bệnh giúp cho họ vui vẻ phát khởi niềm tin, đây là điều đáng khuyến khích. Như vậy, hộ niệm có thể ứng dụng tâm lý để sự thành tựu được dễ dàng hơn, chứ không phải hộ niệm chỉ là vấn đề tâm lý nhằm ru ngủ đại chúng, giảm bớt sự đau buồn đâu.

Có nhiều người đã từng tu học Phật Giáo lâu năm mà lại mạnh tiếng nói như thế này:

– Người ta sắp chết mà không cho thân nhân khóc than để trút nỗi bi thương. Tại sao không có một chút tâm lý gì cả vậy? Trước cảnh sanh tử biệt ly mà không cho khóc, không cho rơi lệ, thì xử trí tình cảm sao cho thông?!…

Chư vị thấy đó, hình thức thì tu hành, còn nội dung thì toàn là tình cảm thế gian! Có nhiều người nói, anh tu hành niệm Phật, muốn làm gì thì làm… nhưng khi người thân chết mà không cho tôi khóc than thì tôi không chịu. Thấy thân bằng quyến thuộc muốn khóc, thôi thì mình cũng châm thêm vài câu tâm lý não nề để giúp họ thêm tủi lòng mà khóc não nuột cho thõa lòng nhau vậy. Ôi!… Xử sự hoàn toàn theo thế tục phàm tình, còn Phật Pháp thì bỏ quên đâu mất rồi, không hề nhắc đến? Vậy mới biết, muốn cứu một người thực sự đâu phải dễ!… Khi chư vị học tập qua Pháp Hộ-Niệm này rồi, mong sao mọi người cố gắng thực hiện cho đúng lý đúng pháp, đừng uyển chuyển làm theo cảm tình nặng quá mà sai pháp Phật nhé.

Diệu Âm có gặp một vị đã đề xướng một phương pháp gọi là “Hộ Niệm Thân-Trung-Ấm. Vị đó hỏi xin ý kiến, thì Diệu Âm nói rằng, rơi vào cảnh thân-trung-ấm tức là người đã chết rồi, thì làm sao hộ niệm được nữa? Đối với người đã chết, thì phải nói là cầu siêu mới đúng, chứ sao lại gọi là hộ niệm?

Chính Diệu Âm này có coi sơ qua phương pháp đó. Những cảnh giới của thân-trung-ấm thực quá huyễn hóa! Vị đó đã nghiên cứu và đưa ra hàng trăm cảnh giới trong thân-trung-ấm, khi đọc đến chính mình cũng cảm thấy có nhiều cảnh giới quá dễ sợ, nhiều lúc sợ muốn dựng tóc gáy.

Như vậy ngồi trước người bệnh chưa chết mà mình lại giảng những cảnh trong thân-trung-ấm có lẽ người ta cũng phải chết luôn. Sợ quá mà chết!… Khi chết rồi, lại còn dẫn dắt họ vào sâu trong đó nữa thì làm sao cứu được đây?!… Xin thưa thẳng với chư vị, nhiều khi chính người dẫn dắt này mà chui vào khu rừng đó rồi, chưa chắc gì sẽ thoát ra được, đừng nói chi là người bệnh đang trong cơn hỗn loạn.

Mong chư vị cần nên hiểu thấu, những gì cần giữ phải giữ, những gì cần buông phải buông ra. Phật dạy khi biết con đường thành Phật rồi, thì pháp Phật cũng phải buông ra mà đi thành Phật, gọi là: “Pháp thượng ưng xả”. Xin nhớ cho kỹ điểm này, đừng thấy hễ là pháp Phật thì cứ ôm hết mà nghiên cứu, cứ đưa hết pháp này đến pháp nọ vào tâm này, thì coi chừng tâm này sẽ rối bùng ben, đến một lúc nào đó nằm xuống rồi, thì những chủng tử trong kho tàng rối ren đó sẽ tự động hiện ra, chúng ứng hiện một cách tự nhiên, không thể kiểm soát được. Lúc đó mình sẽ đối diện với trùng trùng cảnh giới, chịu không nổi đâu!…

Nên nhớ, bây giờ chúng ta còn tỉnh táo có thể ý thức được, có thể kiểm soát được, nhưng đến lúc đó tâm trí của chúng ta đã mê mệt rồi, không còn tự chủ được nữa, tất cả những chủng tử trong tiềm thức tự động ứng hiện ra trong vô thức. Vô thức tức là không còn ý thức được, những gì lưu chứa trong tâm tự động tuôn trào ra. Nhiều thứ thay phiên ứng hiện ra thì tâm bị rối loạn, chúng ta không còn biết đường nào để vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc đâu.

Chính vì vậy, Pháp Hộ-Niệm dạy cho người niệm Phật cần chuyên nhất, nhờ chuyên nhất mà dễ định tâm, tránh sự mông lung chao đảo. Cụ thể nhất, lúc đó phải niệm “A-Di-Đà Phật” cho thành tâm, phải nguyện vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc cho tha thiết. Nhắc lên nhắc xuống vẫn là niệm Phật cầu vãng sanh. Một điểm này thôi mà chư vị làm được thì thành tựu. Một điểm này mà chư vị làm không được, thì dẫu cho tu hành 10 năm, 20 năm, 30 năm, 50 năm… dẫu cho phước đức của chư vị tràn trề, thì may lắm cũng chỉ theo đường phước báu hữu lậu nào đó mà hưởng thôi, chứ không dễ gì vãng sanh TPCL đâu. Mong chư vị nhớ cho.

 

Trích: Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 19)

 

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –