“Sanh Tử Một Mình, Đến Đi Cô Độc.”

Share on facebook
Share on twitter
SANH TỬ MỘT MÌNH, ĐẾN ĐI CÔ ĐỘC.
Người biết tu, biết thực hiện đường giải thoát, họ sẽ thật sự giải cái ách nạn sanh tử luân hồi, thoát qua sáu đường sanh tử, gọi là thoát ly sanh tử luân hồi. Người không biết tu, khi lìa cái báo thân này thì chuyển qua một cảnh giới khác, sống trong cảnh đọa lạc triền miên! “Độc sanh độc tử”, sinh ra chỉ có một mình, chết đi cũng có một mình!
– Nhất định ông chồng không thể nào theo mình được.
– Nhất định bà vợ không thể nào theo mình được.
– Nhất định đứa con không thể nào theo mình được.
– Nhất định căn nhà không thể nào mình đem theo được.
– Nhất định chiếc xe hơi này… Không đem theo bất cứ một cái gì.
– Mà chỉ đem theo cái khổ triền miên, khổ đến nỗi mà: “Thống bất khả ngôn”. Nghĩa là đau đến nỗi mà nói không được!
Khi hiểu được một chút lý đạo rồi thì cái cơ hội ngồi với nhau niệm Phật này quý vô cùng. Mà quý hơn nữa là gì? Là ta biết phương pháp hộ niệm. Chúng ta đang nói chuyện về hộ niệm, tức là chúng ta khai thị cho chính chúng ta. Khai thị như thế nào?… Phật dạy, tất cả chúng sanh không có một người nào chết hết mà chỉ là chuyển đời, chuyển cảnh. Cũng giống như cách đây năm năm mình ở Việt Nam, bây giờ mình ở tại Úc. Nghĩa là mình rời nước Việt Nam để qua ở bên Úc. Rồi khi mình chết, mình lại bỏ nước Úc này để chui xuống một chỗ nào đó ở. Nếu khôn ngoan thì mình đi tới một quốc gia thật là đẹp, giàu có. Nếu dại khờ thì chui vào những cảnh giới vô cùng đau khổ để tự mình chịu lấy, gọi là “Khổ lạc tự đương”. Không ai có thể giúp mình được. Phật cũng không giúp mình được. Chỉ có tự mình phải biết cách giúp mình.
Giúp như thế nào?… Đã biết mình không chết thì không được sợ chết. Đây là một nội dung khai thị trong buổi hộ niệm.
– Người bệnh nào mà sợ chết, thì người bệnh đó phải chịu ách nạn!
– Người nào mà sợ chết, thì người đó phải chịu đọa lạc!
– Người nào biết rằng mình không chết, thì lúc đó người ta đã ngộ ra được một chút…
Không chết thì phải lo con đường sướng, đừng nên dại khờ đi theo con đường khổ. Xin nhắc lại, “sáng còn tối mất…” Thì bữa nay cũng có sáng cũng có tối. Ngày mai cũng có sáng có tối. Ngày mốt cũng có sáng có tối… Không biết là trong những ngày sáng tối này, ngày nào mình đi? Như vậy, thì từ bây giờ, mình phải lo ngay:
– Niệm câu A-Di-Đà Phật là điều thứ nhất.
– Nguyện sanh Tây Phương Tịnh Độ trung là điều thứ hai.
– Niềm tin phải vững vàng như tường đồng vách sắt là điều thứ ba.
Ba điểm này là điểm lo của người học Phật để được thoát nạn trong đời mạt pháp này. Với thân thế là một phàm phu tục tử như chúng ta, nếu chúng ta không chịu niệm Phật, nếu chúng ta sợ chết, nếu chúng ta không tin con đường vãng sanh… Thì thôi chịu thua rồi! Bây giờ tới đây niệm Phật hàng ngày, sau cùng thì đọa lạc vẫn hoàn nguyên đọa lạc!…
Nói thẳng thắn rằng, lúc chết rồi thì vợ chịu cảnh vợ, chồng chịu cảnh chồng, “Độc sanh độc tử, độc khứ độc lai…”.
– Không ai có thể đi theo mình.
– Không có một cái gia tài nào đi theo mình.
– Không có một người yêu thương nào đi theo mình.
– Mà mình chỉ đeo lấy cái nghiệp để chịu khổ triền miên. Đau khổ kinh khủng lắm! Đau khổ không phải chỉ là những chuyện đau khổ thông thường giống như bệnh tật, mổ xẻ… ở thế gian này đâu!
Chính vì vậy, khi biết cuộc đời mình không chết thì trước cơn đau, trước những bệnh khổ, bệnh nan y bác sĩ chịu thua… thì hãy nghĩ rằng ta chuẩn bị thay thế một cuộc đời khác, ta chuẩn bị liệng cuộc đời khổ nạn này để đi theo cuộc đời sung sướng khác. Đó là người ngộ đạo. Đổi chiếc thân như đổi chiếc áo, ví dụ như trước khi ta vào Niệm Phật Đường ta mặc cái áo tràng, sau khi ra khỏi Niệm Phật đường ta cởi áo tràng ra, mặc chiếc áo khác vào, đi về nhà. Ta chỉ đổi áo như vậy mà thôi. Mặc áo tràng thì lụng thụng một chút, ấm trên ấm dưới. Mặc áo khác thì chỉ ấm khúc trên, còn khúc dưới ta cần thêm cái quần… Thế thôi, chứ không có gì khác biệt lắm.
Khi mình ở trước một người bệnh luôn luôn phải có lời khai thị, khuyến tấn làm sao để người bệnh đừng sợ chết. Chư Tổ nói, muốn vãng sanh về Tây Phương thì bảo người bệnh đừng sợ chết. Lời khai thị này chỉ khai thị được:
– Với những người còn đang tỉnh táo.
– Với những người không được mê man.
– Với những người còn nghe rõ ràng.
– Với những người còn trả lời được, còn lý trí đầy đủ.
Vậy thì, trong lúc chúng ta còn đầy đủ lý trí, ta phải vận dụng ngay chuyện này. Những người biết niệm Phật cầu về Tây Phương khi đối diện cái chết họ cảm thấy mừng vui, không sợ sệt…
Ở bên Việt Nam có một cô kia, bị ung thư. Đến lúc bác sĩ không cách nào chữa được nữa. Em của cô là một bác sĩ chuyên về ung thư, nhưng chính người em cũng không chữa được nữa, mới email hỏi Diệu Âm. Diệu Âm hướng dẫn buông liền, không sợ nữa, sống chết có số mạng. Lúc phải chết thì trốn đâu cũng chết. Với bệnh của cô này, bác sĩ nói sống nhiều lắm là được bốn tháng. Nếu thật sự đúng bốn tháng thì khen bác sĩ giỏi, nhưng mà nhiều khi mới ba ngày thì chết. Nhiều khi bác sĩ nói bốn tháng, nhưng có đôi lúc đến mười năm sau chưa chết!
Diệu Âm khuyên hãy buông luôn đi, đừng sợ nữa, niệm câu A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Người đó đã đến đường cùng, không còn cách nào khác để lựa chọn nên quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh, khỏi cần thuốc thang gì nữa hết. Bảy tháng sau không chết mà cái bệnh ung thu tự nhiên hết. Đến nay đã sáu bảy năm qua rồi vẫn chưa chết. Bây giờ đã hết bệnh, lại còn đi khuyên giảng người ta niệm Phật nữa.
Pháp môn niệm Phật tuyệt vời! Sự tuyệt vời này lại ứng dụng ngay trong pháp hộ niệm chứ không phải ở ngoài. Nếu nói về pháp niệm Phật thì rộng quá, mênh mông quá! Còn nói về pháp hộ niệm thì có sự chỉ vẽ cụ thể từng chút, từng chút.
Chư Tổ nói, một lòng nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, không sợ chết. Cứ mong cho chết đi, chết liền đêm nay đi cũng đâu có sao! Cứ mong vãng sanh đi thì tâm này sẽ cảm ứng với đại nguyện của đức A-Di-Đà. Nếu thật sự cái mạng của mình đã hết hạn thì mình vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, thân xác lưu lại sẽ đẹp vô cùng. Bắt đầu từ đó mình an nhiên tự tại sống đời một vị Bồ-Tát bất thối trên cảnh Tây Phương.
Còn nếu cái số mạng mình mười năm nữa mới chết, thay vì mình nằm trên giường bệnh mười năm quằn quại khổ đau, thì bây giờ mình có thể an nhiên tự tại, đi khắp nơi, chụp hình thì bác sĩ không còn phát hiện ung thư nữa. Bệnh ung thư hình như biến mất, để mười năm sau mình mới ra đi!
Vậy thì dại gì mà sợ chết, dại gì mà không niệm Phật, dại gì mà không tha thiết nguyện vãng sanh Tây Phương.
LÃO CƯ SĨ DIỆU ÂM .

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –