• Trang Chủ
  • VẤN ĐÁP
  • “Vãng Tích Nhược Bất Tu Phước Huệ, Ư Thử Chánh Pháp Bất Năng Văn” Nghĩa Là Gì?

“Vãng Tích Nhược Bất Tu Phước Huệ, Ư Thử Chánh Pháp Bất Năng Văn” Nghĩa Là Gì?

Share on facebook
Share on twitter

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Trong kinh Vô-Lượng-Thọ Phật có nói: “Vãng tích nhược bất tu phước huệ, ư thử chánh pháp bất năng văn”. Nghĩa là nếu trong quá khứ một người không tu đầy đủ Phước và Huệ, thì trong đời này gặp phải pháp môn niệm Phật không thể nào có khả năng nghe cho được.

“Huệ” thuộc về Thiện-Căn. “Phước” là Phước-Đức. Cho nên tu phước rất là quan trọng. Tuy nhiên khi tu phước chúng ta cũng phải cẩn thận, nếu sơ ý thì như trong kinh Hoa-Nghiêm Phật có nói: “Vong thất Bồ-đề tâm, tu chư thiện pháp thị danh ma nghiệp”. Nghĩa là nếu một người quên mất con đường siêu thoát, không nghĩ đến con đường giải thoát lục đạo luân hồi, mà cứ lo tu phước thiện, thì Phật nói đó là hành nghiệp của ma.

Nếu có người hỏi ta rằng:

– Tại sao tu phước thiện mà Phật lại nói rằng đó là hành nghiệp của ma?…

Thì ta phải rõ ràng minh bạch nói rằng:

– Không phải!… Không phải là Phật nói tu phước thiện là hành nghiệp của ma. Mà Phật nói rằng: “Vong thất Bồ-đề tâm, tu chư thiện pháp thị danh ma nghiệp”. Nghĩa là người quên mất Bồ-đề tâm mà lo tu phước thiện thì đó mới là hành nghiệp của ma.

Năm chữ đầu quan trọng vô cùng! Năm chữ đầu là “Quên mất Bồ-đề tâm”. Chính vì vậy, hành nghiệp của ma là đối ứng với câu: “Vong thất Bồ-đề tâm”. Nếu một người không vong thất Bồ-đề tâm mà tu thiện pháp, thì Phật không gọi đó là hành nghiệp của ma đâu.

Mình thấy Phật nói người chỉ quên đi, lỡ quên đi con đường giải thoát để lo làm phước thiện mà Phật còn đánh giá rằng đó là nghiệp của ma, huống chi là những người lại bỏ đi con đường giải thoát!…

Hiện tại ngày nay trong vấn đề tu học, nếu lấy lời dạy này của Phật để soi chiếu, thì thật sự ta thấy có rất nhiều người đã đi lạc đường! Ví dụ Phật nói: “Thời mạt pháp niệm Phật mới thành tựu”, có nghĩa là trong thời mạt pháp này Phật tuyển chọn một pháp môn có thể đưa chúng sanh thành tựu đạo quả, đó là pháp môn Niệm Phật cầu vãng sanh. Vậy mà có nhiều người lại nói rằng: Tây-Phương Cực-Lạc đâu có mà cầu vãng sanh? Không tin có Tây-Phương Cực-Lạc, nên chủ trương tu là làm phước để đời sau tu tiếp… Rõ ràng, không phải là không nghe qua con đường vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, có nghe qua nhưng họ lại bác bỏ con đường này. Họ nói rằng: Đừng có nguyện vãng sanh. Họ kêu gọi những người tu hành hãy lo tu phước đi để đời sau tu tiếp!…

Lấy lời của Phật ra ấn chứng vào đây, mới thấy rõ rệt sự hướng dẫn này sai lầm! Người học Phật mà hướng dẫn như vậy là nói sai kinh Phật. “Vong Thất” là quên đi. Lỡ quên mà lo tu thiện pháp Phật cũng nói “Thị danh ma nghiệp”, huống chi là những người không phải quên mà còn cố tình nói: Làm gì có cái chuyện vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc? Lo tu kiếm chút phước đi để đời sau tu tiếp. Nói đúng ra, rõ rệt là hướng dẫn cho người ta tiếp tục ở trong sáu đường sanh tử luân hồi, không cho người ta giải thoát. Đây là một tệ trạng của thời mạt pháp này!…

Trong kinh Lăng-Nghiêm Phật nói một câu như thế này: “Thời mạt pháp tà sư nói pháp như cát sông Hằng”. Bây giờ mình nghĩ coi có đúng hay không? Chính vì thế, chúng ta đang ở trong thời mạt pháp, sâu trong thời mạt pháp một ngàn năm rồi, thì phải hết sức cẩn thận!… Hôm nay chúng ta gặp được pháp môn Niệm Phật, là pháp mà Phật nói “Tam căn phổ bị”. “Tam Căn” là thượng, trung, hạ căn. Ta là phần hạ căn. “Phổ Bị” là bao đồng gia bị, Phật gia bị đại đồng. “Phàm Thánh Tề Thâu”, ta là Phàm, hạ căn là Phàm, thượng căn là Thánh. “Tề” là bằng, là bình đẳng. “Tề Thâu” là Phàm Thánh đều bình đẳng được gia bị trở về Tây-Phương thành Phật. Đây là lời Phật nói.

Chúng ta phải đem kinh ra nói cho rõ ràng để xác định đường ta đi về Tây-Phương, nhất định không thể nào sai sót được.

Trở lại câu mình đã nói hôm qua: “Vong thất bồ đề tâm, tu chư thiện pháp thị danh ma nghiệp”. Nói theo pháp Niệm Phật là con đường vãng sanh, nói theo các pháp môn khác là siêu xuất luân hồi lục đạo, “Minh tâm kiến tánh” thành đạo… Nếu ta quên mất những con đường này mà lo tu các pháp thiện lành(?), thì đó là hành nghiệp của ma!…

Tại sao lại có cái chuyện lạ lùng như vậy?…

Hôm trước bên Âu Châu, Diệu Âm có nêu ra vấn đề, là muốn phá được người tu hành khó hơn là phá những người không tu hành. Tại vì những người không tu hành thì khỏi cần phá, trước sau gì họ cũng chết, chết xong thì xuống trong tam ác đạo. Vậy phá làm chi nữa?… Đợi cho đến ngày đó, cho một đạp là xong!…

Còn những người tu hành thấy vậy mà khó phá lắm! Muốn phá được người tu hành thì phương pháp dễ nhất là làm cho họ tăng thượng mạn lên. Một khi tăng thượng mạn lên thì tự họ mở ra cái cửa để cho chư vị oán thân trái chủ dễ gia nhập vào, đưa họ tới cái chỗ thất bại. Đó là một cách để hại người tu.

Tuy nhiên nhiều lúc dùng phương pháp này để hại người tu cũng không phải dễ, tại vì người tu hành đã biết ngừa, đã đề phòng rồi.

Còn một cách nữa là làm sao giữ cho được những người tu hành này ở lại trong sáu đường sanh tử. Không cho họ có cơ hội vượt qua khỏi sáu đường luân hồi, thì nhất định không trước thì sau cũng sẽ có cơ hội để trả thù. Rõ rệt! Vì còn trong sanh tử luân hồi tức là chưa thoát nạn, mà chưa thoát nạn thì giả sử như bạn tu phước nhiều đi. Tu phước nhiều thì đời sau hưởng phước. Đúng không?… Hưởng phước thì sao?… Cũng trong kinh Phật có nói rằng: Một đời làm phước, một đời hưởng phước, rồi một đời vì cái phước đó mà đại họa. Đây chính là tam thế oán… Cho nên khi nghĩ tới câu này, mình mới thấy rõ rệt có nhiều đường tế vi vô cùng để hại chúng sanh, để hại những người tu hành!

Tại vì chủ trương một đời tu phước là dụ cho người ta tu phước. Tu phước để đời sau tu tiếp, thì quên mất đường giải thoát. Tu phước thì đời sau hưởng phước. Khi hưởng được phước rồi, thì thường thường không tu nữa. Người có phước mà không tu thì phá đạo. Phá đạo thì nương theo cái nghiệp đó mà bị đại họa! Phật gọi đây là “Tam thế oán!”.

Chính vì vậy Phật nói, người quên mất con đường giải thoát, chỉ lo làm phước thiện, thì đó ma nghiệp! Hiểu được chỗ này rồi, chúng ta hãy đem tất cả phước lành gởi về Tây-Phương để quyết định một đời này vãng sanh thành đạo, thì chúng ta mới ứng hợp được ba cái điểm Thiện-Căn, Phước-Đức, Nhân-Duyên để được sanh về nước đó, như trong kinh A-Di-Đà.

Mong chư vị quyết lòng quyết dạ. Nhất định chúng ta sẽ được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thành đạo trong một báo thân này.

Nam Mô A-Di-Đà Phật. 

THIỆN-CĂN, PHƯỚC-ĐỨC, NHÂN-DUYÊN

(Tọa Đàm 30)

Lão Cư Sĩ Diệu Âm (Úc Châu)

 

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –