Người Niệm Phật Cố Gắng Tập Tánh Hiền Lành

Share on facebook
Share on twitter

NGƯỜI NIỆM PHẬT CỐ GẮNG TẬP TÍNH HIỀN LÀNH

Nam Mô A-Di-Đà Phật

Chúng ta một lòng một dạ niệm Phật để cầu nguyện vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Người ta vãng sanh được thì chúng ta cũng vãng sanh được. Nhiều nơi người ta hộ niệm thành quả vãng sanh càng ngày càng thể hiện rất nhiều, đây là một điều làm cho chúng ta cảm thấy sung sướng, vui vẻ vô cùng. Trong thời mạt pháp này tu hành rất khó thành tựu, nhưng những bạn đồng tu, những người niệm Phật đã vãng sanh trước, người ta ra đi bất khả tư nghì thì hy vọng chúng ta cũng được vãng sanh vậy.

Nhưng mà còn cái thân này chúng ta còn phải lo. Nếu chúng ta không lo thì coi chừng người ta thì vãng sanh, mà mình cũng có thể bị trở ngại. Trở ngại ở tại đâu? Ấn-Quang Đại-sư nói như thế này:

• Vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc chính là do lòng chí- thành chí-kính mà cảm thông với Phật, được Phật tiếp dẫn về Tây-Phương, chứ không phải là ta chứng đắc để vãng sanh về Tây-Phương.

Câu này giảng ra nghe thấm thía lắm. Ta không phải chứng đắc mà được vãng sanh về Tây-Phương, có nghĩa là trong khi ta vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì nghiệp chướng của chúng ta còn đầy dẫy. Mà nghiệp chướng còn đầy dẫy, nếu không khéo chỉ cần nghiệp chướng nó bùng lên thì con đường vãng sanh của chúng ta bị đứt luôn. Tại sao vậy? Hòa-Thượng Tịnh-Không nói như thế này:

• A-Di-Đà Phật cho phép chúng ta đới nghiệp vãng sanh, có nghĩa là mang cái nghiệp đi vãng sanh, chứ Ngài không có một lời thề cho chúng ta đới cái tập khí đi vãng sanh. Nghĩa là Ngài không cho chúng ta đem cái tập khí hư hại của thế gian này về trên Tây-Phương Cực-Lạc.

Cái điểm khó nhất là chỗ này! Cái điểm nguy hại nhất là ở chỗ này! Ngài Ấn-Quang Đại-sư nói: Do lòng CHÍ-THÀNH CHÍ-KÍNH mà được cảm ứng. Người chí thành chí kính là người quyết lòng kiềm chế tập khí, đừng để tập khí nổi lên. Tập khí nói rõ ra là gì?… Tham, Sân, Si là ba cái quan trọng nhất. Mạn, Nghi, Ác-kiến, sáu cái phiền não này chính là tập khí của chúng sanh. Khổ là khổ chỗ này!

Cho nên khi tu hành, nếu chúng ta quyết lòng một đời này về tới Tây-Phương Cực-Lạc, thì những nghiệp chướng cũ chúng ta có thể sám hối được. Nhưng còn nghiệp mới chúng ta phải cẩn thận đề cao cảnh giác đó nhé!…

Tại sao lại có nghiệp mới? Xin thưa thật, chính là vì tập khí nó tạo ra cái nghiệp mới. Nếu làm cách nào đó, đến lúc lâm chung tập khí của chúng ta có thể dẹp bớt hoặc không còn nữa thì cũng còn có chút hy vọng! Nhưng trong kinh Phật có nói một câu như thế này, xin chư vị cẩn thận: “Nhất niệm sân tâm khởi, bá vạn chướng môn khai”. Câu này ghê sợ lắm! Càng tu hành mình càng suy nghĩ cho kỹ, chỉ cần một cái niệm sân giận trong tâm nổi lên, kèm theo cái niệm đó khởi ra tới tám mươi bốn ngàn nghiệp chướng trỗi dậy. Mình cứ tưởng tượng, trong những pháp tự lực thì chỉ còn một nghiệp chướng thôi, một cái thôi chứ không cần gì nhiều, mà còn vướng lại, thì ngài Ấn-Quang Đại- Sư đã nói: “Nghiệp mà không sạch, tình không không”, tức là coi như nghiệp chướng tập khí mình mà không còn chút xíu nào hết trơn, thì chúng ta mới được vượt qua sanh tử luân hồi. Nếu mà còn vướng lại một chút, thì bắt buộc ta phải theo cái nghiệp đó mà thọ nạn. Mà một khi đã thọ nạn thì nhất định chúng ta không thể nào giải thoát được. Ấy thế mà nghiệp chướng của chúng ta, trong quá khứ chứ không phải bây giờ, nó nặng như núi Tu-Di, bao trùm pháp giới, vô lượng vô biên rồi chớ không phải chỉ là tám mươi bốn ngàn nghiệp đâu. Nó còn nhiều như vậy mà ta lại được quyền vãng sanh về Tây-Phương, thì đây là cái cơ hội quá hy hữu! Nghe đến điều này mình mừng vô cùng! Nếu không có cơ hội này, nhất định chúng ta không có cách nào để hy vọng trong một đời này có thể vượt qua tam giới, chớ đừng nghĩ chi là vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Ấy thế mà ngài Ấn-Quang Đại-sư nói, chỉ cần: CHÍ-THÀNH CHÍ-KÍNH niệm câu A-Di-Đà Phật thì được vãng sanh.

Cái điểm chí thành chí kính này chúng ta cũng cần phải nói cho rõ. Khi đã quyết lòng đi về Tây-Phương rồi thì đừng bao giờ khởi lên một cái tâm giận, đừng bao giờ khởi lên một cái tâm ghét, đừng bao giờ để cho cái Thân-Miệng-Ý của mình nó sinh sự ra. Đây chính là ý nghĩa của ba câu Phật dạy chúng ta ghi ở trên tấm bảng màu vàng đó. Câu này trong kinh Vô-Lượng-Thọ:

Thiện hộ khẩu nghiệp, bất nghị tha quá. Thiện hộ thân nghiệp, bất thất luật nghi. Thiện hộ ý nghiệp, thanh tịnh vô nhiễm.

Ba câu này đã bao trùm pháp giới trong đó mà không hay! Nếu chúng ta muốn giảng ra, thì có thể giảng hoài giảng hoài cũng không bao giờ hết chỗ này đâu. Chúng ta cố gắng làm sao phải gìn giữ cho được.

Xin thưa là khi nói tới những lời này, thì Diệu Âm tự mình cũng xin thành tâm sám hối. Vì trước đây cái khẩu nghiệp của Diệu Âm mạnh lắm! Dữ lắm! Cũng ưa phê phán người này, phê phán người nọ lắm!… Ngay cả những vị Sư mình cũng phê phán luôn. Sau khi làm điều sai trái, nói Thầy này như vầy! Thầy nọ như kia!… Khi nghe được những câu kinh Phật nói về những chuyện này, mới bắt đầu giật mình sợ hãi toát mồ hôi luôn! Tại sao như vậy? Tại vì, khi mình nói một điều gì sơ suất với một vị Sư thì mình lại phạm cái lỗi “Phỉ báng Tam-Bảo”. Lạ lắm! Dù vị Sư đó có phá giới hay là hư hại, hoặc làm điều gì sai trái cũng kệ người ta. Nhưng nếu mình nêu cái sai của vị đó ra, thì mình lại bị phạm cái lỗi phỉ báng Tam-Bảo. Mà cái lỗi phỉ báng Tam- Bảo lại liên quan tới cái lỗi “Phá Hòa Hợp Tăng”. Mà phá hòa hợp tăng thì liên quan tới cái lỗi “Ngũ Vô-Gián Tội”. Dễ sợ quá! Thành ra, thành thật khi nói tới đây, Diệu Âm nếu mà có tóc cũng sợ đến dựng tóc lên! Xin thành khẩn sám hối. Hồi trước mình không biết, hễ thấy một vị Thầy làm sai, mình cự! Thấy một Sư Cô làm sai, mình cự! Bây giờ biết rồi, không dám cự nữa!… Bắt đầu từ đây nhất định là bỏ cái tánh cự này đi, dù người đó có làm sai như thế nào cũng kệ họ. Đó là nghiệp chướng của người ta, người ta tự chịu lấy, nếu sơ ý mình nói lên, mình bị vướng! Cho nên, nếu gặp trường hợp không thuận duyên thà rằng mình trốn đi, thà rằng mình lánh xa đi! Phản ứng nhiều nhất là như vậy.

Thường thường tập khí của mình đã kết tập lại từ trong nhiều đời nhiều kiếp, nó không chịu cho mình được “Thanh tịnh vô nhiễm” đâu! Cho nên khi muốn về Tây-Phương xin tất cả chư vị hãy cố gìn giữ cho được ba điểm này. Ví dụ: Nếu mình lỡ buông một lời nói nào sơ ý, thì ngay lập tức xin sám hối liền. Ở đây chúng ta không ai là thầy, không ai là sư phụ hết, nên chúng ta không có cái pháp gọi là “Tự Tứ”, nhưng khi lỡ làm một chuyện sai lầm, nên về nhà mặc áo tràng đàng hoàng vô, quỳ trước bàn Phật lạy Phật ba lạy, rồi đứng chắp tay khấn: Nam mô A-Di-Đà Phật, hôm nay con sơ ý làm điều sai lầm này, giờ con biết lỗi rồi, thành tâm đối trước Phật tiền xin sám hối.

Thành tâm sám hối rồi, thì cũng nên nghĩ rằng, có thể sau này mình lại tái phạm nữa thì làm sao? Hòa-Thượng Tịnh-Không dạy một câu rất là hay: “Trước khi mở lời nói một câu gì, chúng ta nên niệm một câu A-Di-Đà Phật trước”. Khi niệm câu A-Di-Đà Phật, thì tự nhiên quang minh của Phật phổ chiếu. Ví dụ, như chúng ta đang lỡ làm sai điều gì đó, trực thấy liền niệm: Nam Mô A-Di-Đà Phật. Định kình cãi cái gì, định nổi sùng cái gì, mau mau niệm câu A-Di-Đà Phật liền, thì tâm ta tự nhiên sẽ lắng lại. Trong trường hợp ta chưa kịp niệm câu A-Di-Đà Phật, mà đã thốt ra lời sai lầm rồi, thì ngay lập tức niệm câu A-Di-Đà Phật liền. Phải thành kính làm việc này. Thành kính là chính mình phải thành kính, chớ người bên cạnh không thể nào thành kính cho mình được đâu.

• Chính mình phải lo chuyện vãng sanh của chính mình.
• Chính mình phải tự cứu lấy chính mình.

Nếu mình làm sai, xin thưa thật, A-Di-Đà Phật cũng không cứu mình được. Thường thường mình hướng dẫn người bệnh phát nguyện: “Nguyện A-Di-Đà Phật cho con được về Tây- Phương”, tức là mình nói cho người bệnh phát tâm mong muốn được về Tây-Phương, nhằm để gìn giữ cái tâm người bệnh muốn về Tây-Phương, chứ thực ra, như ngài Lý-Bỉnh-Nam nói: Thực tế là chính cái tâm của mình tiếp dẫn mình về Tây-Phương chứ không phải A-Di-Đà Phật. Tại vì nếu A-Di-Đà Phật có khả năng tiếp dẫn tất cả chúng sanh về Tây-Phương thì chúng ta ở đây khỏi cần tu nữa, khỏi cần phải ngày đêm tu hành tinh tấn làm chi. Nhưng bắt buộc chúng ta phải tu hành tinh tấn, bắt buộc chúng ta phải làm tất cả những điều Phật đưa ra. Để chi vậy?… Để cho cái tâm của mình hiển hiện chủng tử A-Di-Đà Phật ngay trong những giờ phút lâm chung, được vậy thì chúng ta mới về Tây-Phương được.

Như vậy thì những điểm nào để cho chủng tử A-Di-Đà Phật hiển hiện? Trong tâm của chúng ta thường thường niệm A-Di-Đà Phật, gọi là “Tâm trú niệm Phật trung”. Luôn luôn cái tâm phải niệm A-Di-Đà Phật. Đừng có niệm sân giận. Đừng có niệm đố kỵ. Đừng có tức bực. Đừng có tự ái… Tại vì tất cả thứ này đều là tập khí. Khi còn những tập khí này, thì Phật cứu cũng không được. Khó lắm đấy!

Khi đi tìm hiểu, mình mới thấy rõ rệt một điều, là thường thường những người được vãng sanh hầu hết là những người hiền lành, chớ không phải là những người tu giỏi! Về Việt Nam quý vị để ý lắng nghe những chuyện này nhé, lạ lắm! Một trăm người vãng sanh, có đến chín mươi người thuộc thành phần “Hiền”.Tức là:

MỘT TRĂM NGƯỜI VÃNG SANH, CÓ ĐẾN CHÍN MƯƠI NGƯỜI THUỘC THÀNH PHẦN “HIỀN”. TỨC LÀ:

Những người hiền lành.
Những người vui vẻ.
Những người không chấp.
Những người ưa tha thứ cho người khác.
Những người ít kình ít cãi.

Có một trăm người vãng sanh, thì chín mươi người thường nằm trong cái dạng người hiền. Lạ lắm! Còn mười người còn lại thuộc về dạng khác. Như vậy, người biết tu là người biết tập tánh hiền lành. Càng tu chúng ta càng hiền, càng hiền chừng nào chúng ta càng dễ vãng sanh chừng đó.

Diệu Âm nói lên những lời này để nhắc nhở chúng ta niệm Phật nên tập cái tánh hiền lành. Tánh càng hiền chúng ta càng thành tâm niệm Phật, vô tình chúng ta sẽ trở thành một đại hiền nhân, một đại Thượng-Thiện-Nhân trên cõi Tây-Phương Cực- Lạc chứ không phải là Phật tử bình thường nữa.

Nói cụ thể, hãy cố gắng giữ cho được tính hiền lành, vui vẻ, thoải mái, tha thứ… Tập tha thứ cho nhau. Tập đoàn kết với nhau. Xin thưa thực, ngày nào mình cũng kết bè với nhau để niệm Phật như thế này, thật là tốt, nhiều khi đi khắp thế gian cũng khó tìm ra. Bên cạnh đó chúng ta còn biết chuẩn bị hộ niệm cho nhau để vãng sanh nữa. Chúng ta thực sự đang ở trong quỹ đạo đi về Tây-Phương một cách rõ rệt…

Mong chư vị, nếu thực sự muốn vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì phải tự lo lấy. Hãy tập ăn ở hiền lành. Hiền lành niệm Phật mới tốt. Không cần chi tới những gì cao siêu quá! Chắc chắn chúng ta sẽ được vãng sanh về Tây-Phương, một đời thành đạo.
Nam Mô A-Di-Đà-Phật.

Trích: Hộ Niệm Là Một Pháp Tu – Tọa đàm 10
– Tác giả: Cư sĩ Diệu Âm Úc Châu –

 

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –