(04) Chương 2: Người Bệnh Và Vấn Đề Hộ Niệm

Share on facebook
Share on twitter

Chương 2:

 

NGƯỜI BỆNH VÀ VẤN ĐỀ HỘ NIỆM

 

Tu hành nhưng vô ý phạm nhiều sự sơ suất, thì chướng nạn trùng trùng từ đây mà sinh ra. Muốn tránh chướng nạn này hãy tìm ra những điều sơ suất mà sửa đổi liền.
Đối với hàng phàm phu, sự sơ suất ít khi liên can đến những lý đạo cao siêu, mà thường là những gì ở ngay bên cạnh, cụ thể, thiết thực, đơn giản… những điều rất dễ thấy nhưng vì không biết nên vô tình hầu hết đều bị vướng nạn, làm mất phần vãng sanh một cách đáng tiếc!…
Phương pháp hộ niệm vãng sanh giúp cho người niệm Phật biết phát hiện những điều sơ suất của chính mình mà tránh né, để ngày cuối cùng thực hiện được trọn vẹn tâm nguyện vãng sanh TPCL.
1. Một số tương quan giữa người bệnh và hộ niệm.
a) Danh từ “Người Bệnh” ở đây là chỉ cho người đang được hộ niệm vãng sanh. [Đúng]
b) Danh từ “Người Bệnh” cũng có hàm nghĩa rộng chỉ chung cho tất cả chúng ta, vì ai cũng sẽ bệnh và cuối cùng phải xả bỏ báo thân này. [Đúng]
c) Người bệnh chỉ cần chịu niệm Phật thì sẽ được an nhiên tự tại vãng sanh. [Sai]
d) Người bệnh được vãng sanh hay không hoàn toàn phụ thuộc vào tài năng của BHN. [Sai]
e) Hộ niệm để tạo thuận duyên. Nguời bệnh phải giữ vững tín tâm, chí thành niệm Phật và tha thiết cầu vãng sanh Tịnh Độ mới được vãng sanh. [Đúng]
f) Gia đình phải biết cách hỗ trợ tạo thuận duyên cho người bệnh niệm Phật. Hộ niệm sẽ đóng vai trò tích cực giúp người bệnh giữ được chánh niệm, vượt qua nghiệp chướng mà vãng sanh. [Đúng]
g) Ai cũng có thể niệm Phật đến nhất tâm bất loạn, tự tại vãng sanh không cần đến hộ niệm. [Sai]
h) Người phàm phu hạ căn trong thời mạt pháp này nên luôn luôn giữ tánh khiêm nhường, hiền lành, chí thành, chí kính niệm Phật, tha thiết nguyện cầu vãng sanh TPCL, và chuẩn bị sự hộ niệm càng sớm càng tốt mới có cơ hội vãng sanh. [Đúng]
i) Phải có một năng lực đặc biệt mới có thể hộ niệm được. [Sai]
j) Hàng phàm phu không thể hộ niệm cho người khác vãng sanh được. [Sai]
k) Chỉ có người tu hành đã chứng quả mới có tư cách hộ niệm cho người vãng sanh. [Sai]
l) Người phải có kiến thức Phật học cao mới có thể hộ niệm được. [Sai]
m) Người có lòng chí thành, tâm từ bi, biết rõ quy tắc pháp hộ niệm thì có thể hộ niệm được. [Đúng]
n) Làm người tốt trong xã hội, ăn ở hiền lành chính là sự tu hành thiết thực nhất. [Sai]
o) Pháp tu giải thoát của Phật Giáo không thể định nghĩa như sinh hoạt của một hội đoàn từ thiện xã hội. [Đúng]
p) Người không tin sự vãng sanh không thể được vãng sanh. [Đúng]
q) Người dù đã gây nên tội lớn nhưng biết hồi đầu kiệt thành sám hối, niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ vẫn có thể được vãng sanh. [Đúng]
r) Người chết rồi mà thân xác mềm mại thì chắc chắn được vãng sanh. [Sai]
s) Người sợ chết không thể vãng sanh. [Đúng]
t) Người chăm sóc sức khỏe rất cẩn thận, lo lắng từng chút về bệnh hoạn, thì rất dễ được tự tại vãng sanh. [Sai]
u) Quá lo sợ về bệnh hoạn là chướng nạn lớn cho sự vãng sanh. [Đúng]
v) Người học rộng, hiểu nhiều, niệm Phật rất dễ được vãng sanh. [Sai]
w) Người có kiến thức thế gian rộng thường vướng nạn thế trí biện thông, ít tin Phật pháp, rất khó vãng sanh. [Đúng]
x) Những người tánh tình hiền hậu biết niệm Phật, tha thiết nguyện vãng sanh lại được hộ niệm nữa thì rất dễ được vãng sanh. [Đúng]
y) Được vãng sanh là do mạng số định sẵn, chứ đâu phải muốn vãng sanh mà được. [Sai]
2. Tu pháp môn niệm Phật, cần xác định lập trường như thế nào?
a) Pháp môn niệm Phật đơn giản, dễ hành, nhưng chỉ thích hợp với các cụ già cả mà thôi. [Sai]
b) Chỉ có hàng thượng căn thượng trí mới niệm Phật một đời này vãng sanh, còn hàng hạ căn cần phải tu thêm nhiều hạnh khác hỗ trợ mới hy vọng được thành tựu. [Sai]
c) Phải giữ vững niềm tin, chuyên lòng niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ. Lâm chung người nào làm được đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh thì được vãng sanh. [Đúng]
d) Niệm Phật cần chuyên nhất, đừng nên quá xen tạp mà đường vãng sanh gặp nhiều trở ngại. [Đúng]
e) Người tu hành phải có tâm từ bi cứu độ chúng sanh, nỡ nào lại cứ lo chuyện vãng sanh cá nhân mà bỏ rơi chúng sanh quá khổ sở trên thế gian này. [Sai]
f) Đường thành đạo chính mình còn mơ hồ, việc thoát ly sanh tử luân hồi chính mình chưa vững, thì làm sao có thể cứu độ được chúng sanh. Nên phải lo tu hành và cầu vãng sanh trước. [Đúng]
g) Chưa vãng sanh thì chưa được thành đạo, chưa thành đạo thì chưa có thể cứu độ được chúng sanh. [Đúng]
h) Người tâm chưa khai, ý chưa mở, thường hiểu sai lời Phật dạy. Nếu dắt dẫn chúng sanh theo ý riêng của mình rất dễ bị sai đường, chịu vấn đề nhân quả rất nặng. [Đúng]
i) Quyết lòng một đời này vãng sanh thành Phật, thành Phật rồi mới có khả năng cứu độ chúng sanh. Niệm Phật để vãng sanh là Chánh Hạnh của người Niệm Phật. [Đúng]
j) Khuyên người niệm Phật cầu vãng sanh TPCL là giúp người phàm phu thành Phật, công đức vô lượng vô biên. [Đúng]
k) Bố thí, làm thiện, cúng dường, xây chùa… là cứu độ chúng sanh. [Sai]
l) Bố thí, làm thiện, cúng dường, xây chùa… đều là tu phước báu Nhân Thiên hữu lậu, chứ không phải là pháp thoát ly sanh tử luân hồi. [Đúng]
m) Hàng phàm phu mà nghĩ rằng một đời vãng sanh thành Phật là vọng tưởng. [Sai]
n) Người phàm phu quyết lòng niệm Phật, tin vững, nguyện thiết, lâm chung 10 niệm tất sanh thành Phật. Đây là lời Phật dạy. [Đúng]
o) Khuyên người niệm Phật với đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh là thực hành một đại pháp cứu độ chúng sanh trong thời này. [Đúng]
3. Niệm Phật với dụng ý nào mới đúng chánh pháp?
a) Niệm Phật để mở luân xa, luyện điển khí, đả thông kinh mạch. [Sai]
b) Niệm Phật để cầu hết bệnh, thân thể tráng kiện, sống lâu trường thọ. [Sai]
c) Niệm Phật cầu cảm ứng, được thấy Phật Bồ-Tát thường hiện thân. [Sai]
d) Niệm Phật buông xả vạn duyên cầu vãng sanh Tịnh-Độ. [Đúng]
e) Niệm Phật cầu mua mau bán đắt, thăng quan tiến chức. [Sai]
f) Niệm Phật không hồ nghi, không gián đoạn, không xen tạp. [Đúng]
g) Niệm Phật không được uống thuốc vì còn uống thuốc thì còn sợ chết. [Sai]
h) Đau bệnh không uống thuốc để chịu chết là hành động tự tử, sai chánh pháp. [Đúng]
i) Đau bệnh cần phải uống thuốc, nhưng vẫn quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh. [Đúng]
j) Niệm Phật cầu cho hết nghiệp chướng để được vãng sanh. [Sai]
k) Niệm Phật cầu cho hết vọng tưởng mới có thể vãng sanh. [Sai]
l) Niệm Phật phải nhất tâm bất loạn mới được vãng sanh. [Sai]
m) Người niệm Phật khi lâm chung giữ vững đầy đủ tín nguyện hạnh thì được vãng sanh. [Đúng]
4. Những điều gì có thể gây chướng ngại việc vãng sanh?
a) Niệm Phật cầu phước cầu lộc, cầu hết bệnh chứ không cầu vãng sanh gây chướng ngại cho việc vãng sanh. [Đúng]
b) Gia đình cản trở, bạn hữu nói chuyện sai lầm, đồng tham tạo nghịch duyên… làm chướng ngại việc vãng sanh. [Đúng]
c) Lâm chung bệnh khổ hành hạ, nghiệp chướng bức bách… làm cho tâm hồn điên đảo quên mất niệm Phật cầu vãng sanh. [Đúng]
d) Lâm chung oán thân trái chủ hãm hại trả thù làm cho tâm hồn khủng hoảng rối loạn. [Đúng]
e) Tâm còn quyến luyến tình thân, thương con nhớ cháu, tham tiếc tài sản… làm chướng ngại cho việc vãng sanh [Đúng]
f) Súc vật như chó, mèo… nuôi trong nhà cũng thường gây trở ngại cho việc hộ niệm vãng sanh. [Đúng]
g) Niệm Phật mà còn sợ chết, sợ bệnh làm chướng ngại lớn cho việc vãng sanh. [Đúng]
h) Hộ niệm có thể hóa giải hầu hết những chướng nạn để an toàn vãng sanh, nhưng vì không được hộ niệm nên dễ bị thọ nạn, mất phần vãng sanh. [Đúng]
5. Cụ thể, hàng phàm phu tội chướng quá nặng làm sao được vãng sanh?
a) Niệm Phật phải chứng đắc cảnh giới nhất tâm bất loạn. [Sai]
b) Phải lo chu tất việc hậu sự, cẩn thận cầu siêu 7 thất thật long trọng. [Sai]
c) Phải chí tâm chuyên nhất niệm Phật cầu vãng sanh và cẩn thận chuẩn bị hộ niệm như lý như pháp. [Đúng]
d) Phải nghiên cứu tất cả kinh điển để thông suốt đạo lý mà giải thoát. [Sai]
6. Người niệm Phật tha thiết muốn vãng sanh TPCL, thường:
a) Tự tại với bệnh hoạn, an nhiên trước sự sống chết, không lo âu, không sợ hãi. [Đúng]
b) Tinh thần dễ ổn định khi lâm chung. Nếu được hộ niệm thì rất dễ được vãng sanh. [Đúng]
c) Được Phật thương xót ban cho phước như Đông Hải, thọ tỉ Nam Sơn. [Sai]
7. Vấn đề tự tại với bệnh khổ:
a) Người niệm Phật không bao giờ bị đau bệnh. [Sai]
b) Người niệm Phật có thể bị bệnh, nhưng không bao giờ bị căn bệnh hành hạ đau nhức. [Sai]
c) Người niệm Phật khi bệnh đến không nên sợ hãi, hãy an nhiên chấp nhận. [Đúng]
d) Bị bệnh hành hạ đau nhức nhưng không lo, không sợ. Tinh thần vẫn vững vàng niệm Phật chờ ngày vãng sanh. [Đúng]
e) Bệnh nặng không còn chữa trị được nữa, thì quyết buông xả niệm Phật cầu vãng sanh, không cần lo chạy chữa cầu may theo kiểu còn nước còn tát. [Đúng]
f) Biết mình bệnh nặng, càng đau nhức càng quyết lòng niệm Phật, càng vui mừng vì biết mình được sớm vãng sanh. [Đúng]
g) Không cầu bệnh đến. Không cầu hết bệnh. Nghiệp chướng đến hay đi kệ nó. Cứ một lòng niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ. [Đúng]
h) Bệnh khổ đến nhưng ta không than, không buồn. Hãy nghĩ rằng đúng ra ta phải chịu nạn nặng nề ở tam ác đạo, nhưng giờ đây trở thành bệnh nhẹ để trả thêm một lần cuối nữa rồi về TPCL thành đạo. [Đúng]
i) Có duyên bệnh đến ta trả. Nghĩ rằng trả trước khỏi trả sau, đến khi lâm chung bớt nghiệp khổ. Tâm hồn luôn luôn an nhiên niệm Phật cầu vãng sanh TPCL. [Đúng]
8. Vấn đề tự tại với sống chết:
a) Ta niệm Phật rồi sẽ đứng ra đi, biểu diễn sự vãng sanh như chư Tổ Sư. [Sai]
b) Ta sẽ không đau không bệnh, chắc chắn biết rõ ngày giờ vãng sanh. [Sai]
c) Khi ra đi chắc chắn ta sẽ tỉnh táo, mỉm cười chào biệt mọi người rồi ngồi mà vãng sanh. [Sai]
d) Tự tại với sống chết là nhất định không sợ chết. Xác thân vô thường hãy trả về cho vô thường, ngày mãn báo thân ta vãng sanh về TPCL. [Đúng]
e) Bị bệnh lâu quá, chờ hoài mà chưa được vãng sanh, thôi thì ngừng ăn để đi sớm, không sợ chết. [Sai]
f) Tự tại là nếu bị bệnh khổ dài lâu ta cứ tranh thủ từng giờ niệm Phật cầu vãng sanh, ngày nào ra đi khỏi cần lo tới, vì thân mạng đã có số phần rồi. [Đúng]
9. Vấn đề lạy Phật cầu xin hết chướng ngại:
a) Nhờ lòng thành cầu xin mà Phật sẽ giúp cho chúng ta hết chướng ngại. [Sai]
b) Tự mình phải buông bỏ phân biệt chấp trước thì mới hết chướng ngại. [Đúng]
c) Chướng ngại từ trong tâm ứng hiện ra chứ không phải Phật ban phát hay kết tội. [Đúng]
10. Một vài ví dụ về sự chướng ngại do chính tâm mình tạo ra:
a) Sợ chết thì khi lâm chung tâm hồn sẽ bấn loạn mà mất vãng sanh. [Đúng]
b) Đau lưng liền cầu xin Phật cứu nạn, đau đầu liền cầu xin Phật cứu nạn… Đây là dạng người sợ bệnh! Chuyên cầu hết bệnh sẽ mất vãng sanh. [Đúng]
c) Quyến luyến con cháu, khi lâm chung cứ nhớ đến con cháu thì mất vãng sanh. [Đúng]
d) Tiếc tiền, nghĩ nhớ đến gia tài nhà cửa thì mất vãng sanh. [Đúng]
e) Người sợ ma, thì khi lâm chung ma quái sẽ đến quấy phá mất vãng sanh. [Đúng]
f) Người lâm chung cứ nghĩ về nghiệp chướng của mình thì mất vãng sanh. [Đúng]
g) Nói chung, ý niệm cuối cùng sẽ định đoạt cảnh giới tương lai. Nếu không buông bỏ phân biệt chấp trước thì chướng ngại cho việc vãng sanh. [Đúng]
11. Bệnh nặng không còn cách nào chữa được nữa, người muốn vãng sanh nên làm gì?
a) Không nên buồn, hãy cố gắng vui vẻ mà sống được ngày nào hay ngày đó. [Sai]
b) Buông xã vạn duyên, quyết tâm niệm Phật cầu vãng sanh TPCL. [Đúng]
c) Nhanh chóng liên lạc với một BHN đến niệm Phật, khai thị, hướng dẫn để mình thực hiện chính xác đường vãng sanh TPCL. [Đúng]
d) Thành tâm niệm danh hiệu Bồ-Tát Quán-Thế-Âm, khẩn cầu Ngài từ bi cứu độ, tật bệnh sẽ tiêu trừ, tiêu tai giải nạn. [sai]
e) Đừng nên thất vọng. Còn nước còn tát. Phải quyết lòng tìm phương cứu chữa. [sai]
12. Pháp hộ niệm cấm đụng chạm vào thân xác người mới chết ít nhất 8 giờ đồng hồ vì lý do gì?
a) Thời gian này thần thức có thể chưa rời khỏi xác, nếu đụng đến làm cho họ rất đau đớn, dễ sanh tâm sân giận mà bị đọa lạc. [Đúng]
b) Những trường hợp đặc biệt như chết giữa đường, chết trong nhà vệ sinh… thì đành phải chuyển thân đến chỗ an toàn để hộ niệm, nhưng phải rất nhẹ nhàng và cần lên tiếng xin lỗi và báo cho người chết biết trước. [Đúng]
c) Người nào tu hành giỏi rồi thì không cần quan ngại lắm, cứ việc tắm rửa cho sạch sẽ để họ thoải mái theo Phật. [Sai]
d) Nếu tránh đụng chạm đến 12 giờ sau khi tắt thở thì tốt hơn, an toàn hơn. [Đúng]
13. Người không hiểu đạo thường vô tình tạo duyên đọa lạc cho người chết, ví dụ:
a) Ôm nắm, tắm rửa, thay áo quần, làm hô hấp… lúc vừa tắt thở sẽ làm người chết bị đau đớn, hãi kinh mà đọa lạc. [Đúng]
b) Than khóc, kêu réo, gây xáo trộn lúc lâm chung sẽ làm người chết bị rối loạn mà đọa lạc. [Đúng]
c) Giết hại sanh vật đãi đằng, cúng tế vong linh làm cho người chết bị nạn càng nặng nề hơn. [Đúng]
d) Sợ bị trùng tang, nhét gạo nếp vào miệng, v.v… Tin dị đoan mê tín, chạy theo tập tục sai lầm của thế gian khiến cho người chết bị nạn. [Đúng]
14. Vì sao pháp hộ niệm là “Đại Cứu Tinh“ cho chúng sanh?
a) Có thể giúp hóa giải rất nhiều chướng nạn, ngăn chặn những tập tục sai lầm, giúp người lâm chung thoát khỏi những cạm bẫy hiểm nghèo. [Đúng]
b) Một pháp có thể cứu hàng phàm phu vượt qua nghiệp chướng vãng sanh thành đạo. [Đúng]
c) Vì người nào được hộ niệm cũng đều được vãng sanh. [Sai]
15. Hàng phàm phu cần chuẩn bị những gì để được vãng sanh?
a) Cần tu tâm địa hiền lành. Người càng hiền lành càng dễ vãng sanh. [Đúng]
b) Cần phát lồ sám hối nghiệp chướng. Kiệt thành sám hối nghiệp chướng, niệm Phật mới dễ được vãng sanh. [Đúng]
c) Chuyên tu pháp môn niệm Phật cầu vãng sanh. Vì thực hành nhiều pháp môn thì tâm dễ bị phân tán, chủ định yếu, khó vãng sanh. [Đúng]
d) Cần chuyên nhất niệm Phật, tha thiết cầu vãng sanh mới được vãng sanh. [Đúng]
e) Cẩn thận chuẩn bị hộ niệm như lý như pháp. [Đúng]
f) Cần hộ niệm, nếu không hộ niệm dẫu cho niệm Phật nhiều năm cũng khó thực hiện đường giải thoát trong thời mạt pháp này. [Đúng]
16. Vấn đề giúp đỡ người thân khi lâm chung dễ dàng được vãng sanh TPCL:
a) Ngay từ bây giờ hãy khuyên người thân niệm Phật và nghiên cứu pháp hộ niệm liền, không nên chờ đợi. [Đúng]
b) Hằng ngày tự bản thân phải tinh tấn niệm Phật cầu vãng sanh, thường xuyên nhắc nhở nhau buông xả càng nhiều càng tốt để tự hóa gỡ những chướng ngại. [Đúng]
c) Nói chung, tất cả những việc này đều liên quan đến pháp hộ niệm, phải lo nghiên cứu nắm vững pháp hộ niệm càng sớm càng dễ giúp người thân vãng sanh. [Đúng]
17. Vấn đề theo Phật vãng sanh:
a) Thấy được nhiều Phật, Bồ-Tát hiện thân tiếp dẫn thì hãy theo các Ngài đi vãng sanh. [Sai]
b) Nếu thấy ông bà người thân đã chết hiện về tiếp dẫn, thì nhất định không được đi theo. [Đúng]
c) Theo quang minh an hòa nhu nhuyễn của Phật, không được đi theo ánh sáng chói chang của ma. [Sai]
d) Phải chờ A-Di-Đà Phật hiện thân giống như tấm hình Phật A-DI-ĐÀ mà BHN treo trước mặt đến tiếp dẫn thì đi theo Ngài để vãng sanh. [Đúng]
e) Không có A-Di-Đà Phật hiện thân, chỉ cần Bồ-Tát Quán-Thế-Âm hoặc Đại-Thế-Chí đến chúng ta theo các Ngài vãng sanh cũng được. [Sai]
f) Đức Bổn Sư Thích-Ca Mâu- Ni Phật hiện thân tiếp dẫn mới an toàn. [Sai]
18. Người phàm phu mà được thành tựu đạo nghiệp trong đời này chính là nhờ:
a) Chí thành chí kính chuyên nhất niệm Phật cầu vãng sanh. [Đúng]
b) Không vọng cầu, vọng tưởng, hiếu kỳ… Luôn giữ tâm khiêm cung kính cẩn cầu xin A-Di-Đà Phật thương xót tiếp độ. [Đúng]
c) Kết hợp chặt chẽ thành từng nhóm để hộ niệm trợ duyên khi lâm chung mới dễ vượt qua chướng nạn, an toàn vãng sanh TPCL. [Đúng]
19. Sự thành tựu của việc tu hành được chứng minh cụ thể nhất khi:
a) Người đó xả bỏ báo thân lưu lại thân tướng an lành, mềm mại, tươi hồng… thì ít ra họ cũng chắc chắn thoát khỏi ba đường ác. [Đúng]
b) Thành tựu thuộc về tâm linh, thoại tướng thuộc về vật chất, hai vấn đề này không liên quan nhau. [Sai]
c) Tướng tùy tâm sanh, tướng tùy tâm diệt. Người được vãng sanh do sự gia trì của chư Phật Bồ-Tát mà tâm hồn họ an lành ra đi mới thể hiện ra tướng tốt. [Đúng]
20. Một người sau khi chết mà tướng ác hiển hiện là hiện tượng báo trước rằng:
a) Người đó khó có thể thoát khỏi những cảnh khổ trong đời sau. [Đúng]
b) Dù là người có tu hành, nhưng do vì không biết đường giải thoát, lại bị nghịch duyên gây chướng ngại mà bị nạn. [Đúng]
c) Thân xác chỉ là thứ vật chất vô tri trước sau gì cũng sẽ tan theo cát bụi, không liên quan gì tới đời kiếp tương lai. [Sai]
21. Nhờ hộ niệm mà nhiều người sau khi ra đi lưu lại thoại tướng rất tốt đẹp, điều này chứng tỏ rằng:
a) Hộ niệm là đúng với chánh pháp, dễ thực hành, nhưng thành tựu lại rất cụ thể và vi diệu. [Đúng]
b) Hộ niệm trở thành đại cứu tinh cho mọi người trong thời mạt pháp, ai cũng có cơ hội thoát qua ách nạn của nghiệp chướng. [Đúng]
c) Hộ niệm là một pháp tu khế lý, khế cơ, đặc biệt rất hợp với thời mạt pháp này. [Đúng]
22. Mục đích của pháp môn Niệm Phật là:
a) Tích công tạo phước, cầu mong đời sau được trở lại làm người tiếp tục tu hành cho đến ngày thành đạo. [Sai]
b) Nương theo đại nguyện của A-Di-Đà Phật, đới nghiệp vãng sanh thẳng về TPCL một đời viên mãn đạo quả. [Đúng]
c) Đoạn diệt nghiệp-hoặc, tu chứng từng cấp cho đến ngày minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật. [Sai]
d) Tạo được sự an lạc trong hiện đời là được. Quá khứ đã qua không cần nghĩ nữa, tương lai chưa đến lo tới ích gì. [Sai]
23. Đới nghiệp vãng sanh khác với tự lực tu chứng ở những điểm gì?
a) Vãng sanh là do Tín-Nguyện-Hạnh. Tự lực phải cần đến khả năng tu chứng. [Đúng]
b) Người hạ căn có đủ Tín-Nguyện-Hạnh vẫn được đới nghiệp vãng sanh. Tự lực chỉ có hàng thượng căn mới có thể thực hiện được, hàng hạ căn thì vô phương. [Đúng]
c) Vãng sanh là theo nguyện lực mà sanh về TPCL thành đạo. Còn tự lực là do diệt nghiệp để chứng qua từng cảnh giới một mà tiến lên. [Đúng]
d) Vãng sanh là đi thẳng về TPCL để thành đạo nên nhanh chóng. Tự lực là phải tự vượt qua nhiều thử thách khó khăn nên thời gian rất lâu. [Đúng]
e) Vãng sanh là nhờ Phật lực tiếp độ nên dễ. Tự lực phải đoạn sạch nghiệp chướng để thoát tam giới nên rất khó. [Đúng]
f) Còn nghiệp phải trả nghiệp, không có chuyện đới nghiệp vãng sanh. [Sai]
g) Vãng sanh về TPCL không phải chứng đắc mới được vãng sanh. Tự lực tu chứng phải tự mình chứng đắc mới được. [Đúng]
h) Đới nghiệp vãng sanh thành tựu do Tín, Nguyện, Hạnh. Tự lực tu chứng thành tựu do đoạn hết nghiệp hoặc. [Đúng]
i) Vãng sanh dành cho người yếu đuối, kém nghị lực. Tự lực mới xứng đáng là kẻ trượng phu. [Sai]
j) Vãng sanh là pháp tu thấp kém, phải chờ tới lúc chết mới được vãng sanh. Tự lực cao hơn, tích tắc có thể thành Phật. [Sai]
k) Vãng sanh là do định số, người nào có số vãng sanh mới được vãng sanh. Tự lực là do ý chí kiên dũng mà thắng định số. [Sai]
l) Đới nghiệp vãng sanh là vượt qua sáu đường luân hồi, nghiệp chướng tự nó bế tắc. Tự lực phải tự mình đoạn diệt nghiệp chướng để tiến tới. [Đúng]
m) Vãng sanh xong đương nhiên ta sẽ trở thành Bồ-Tát. Còn kẹt lại đây ta vẫn còn là phàm phu sanh tử luân hồi. [Đúng]
n) Về TPCL ta chỉ hưởng an vui cho cá nhân. Ở lại đây ta mới có cơ hội cứu độ chúng sanh. [Sai]
o) Về TPCL thành đạo ta mới cứu được chúng sanh. Ở tại đây ta bị chúng sanh lôi đi đọa lạc. [Đúng]
p) Đới nghiệp vãng sanh thành Phật thì dễ tu. Tự lực tu chứng thành Phật quá khó. [Đúng]
q) Vãng sanh xong thì an ổn tu hành cho đến ngày thành Phật, không bị chết, gọi là một đời thành Phật. Ở cõi này tu chưa được gì thì chết mất, phải chịu luân hồi đọa lạc!… [Đúng]
r) Về TPCL ta thoát qua sanh tử luân hồi. Ở lại đây thì vấn đề sanh tử vẫn còn nguyên vẹn. [Đúng]
s) Có nhân thì phải có quả. Đới nghiệp vãng sanh thành Phật là không hợp với lý Nhân-Quả. [Sai]
t) Người niệm Phật vãng sanh là thực hiện lý đạo cao tột của Nhân-Quả. [Đúng]
u) Cõi Tịnh-Độ rất thanh tịnh. Mang nghiệp mà sanh về đó là không đúng với lý Tịnh-Độ. [Sai]
v) Đới nghiệp vãng sanh là người có tạo nghiệp nhưng nay tâm đã giác ngộ. Tâm giác ngộ thì tâm niệm Phật vãng sanh, chứ không phải nghiệp chướng vãng sanh. [Đúng]
w) Phải tu vô lượng kiếp mới thành Phật, làm gì có chuyện tu một đời thành Phật. [Sai]
x) Nghiệp Lực không có tự tánh nên không thể chủ động, còn Tâm Lực có tự tánh nên chủ động mà đi vãng sanh. [Đúng]
y) Về TPCL sống trong cảnh giới của Pháp Tánh nên một đời thành đạo. Còn kẹt lại đây ta sống trong cảnh giới ô trược nên đời đời chịu nạn. [Đúng]
z) Về TPCL ta tu với chư đại Bồ-Tát bất thoái chuyển nên một đời thành đạo. Tại cõi Ta-Bà ta tu với phàm phu nên khó thoát cảnh phàm phu. [Đúng]
24. Những đáp án thích hợp cho người tu hành trong thời mạt pháp này:
a) Thời mạt pháp mà không niệm Phật, thì ức triệu người tu hành khó tìm ra một người chứng đắc. [Đúng]
b) Ai cũng có thể niệm Phật đến “Nhất Tâm Bất Loạn“ tự tại vãng sanh, không cần hộ niệm. [Sai]
c) Chí thành chí kính niệm Phật là đạo nhiệm mầu để vãng sanh, đừng nên khởi tâm thượng mạn mà dễ bị nạn. [Đúng]
d) Niệm Phật đạt được “Niệm Bất Niệm“ rất dễ, chắc chắn sẽ vãng sanh, không cần hộ niệm. [Sai]
e) Hiếu kỳ rất dễ bị ma nạn. Chỉ vì tâm thượng mạn mà dễ bị ma chướng phá hoại, gạt vào những cảnh giới chứng đắc giả. [Đúng]
f) Nếu niệm Phật được “Nhất Tâm Bất Loạn“ thì cứ khoe ra cho nhiều người tôn kính. [Sai]
g) Chưa chứng đắc mà khoe rằng chứng đắc là tội đại vọng ngữ, nếu không sám hối kịp thời sẽ bị đại nạn. [Đúng]
h) Đã chứng đắc rồi thì cứ biểu diễn thần thông cho mọi người thấy mà phát khởi tín tâm vào Phật pháp. [Sai]
i) Dùng thần thông chiêu nạp tín đồ không phải là chánh đạo. [Đúng]
j) Muốn an toàn thì phải giữ hạnh khiêm cung, kết nhóm đồng tu hộ niệm cho nhau. [Đúng]
k) Đừng quá lo về phiền não, đừng chú tâm diệt nghiệp. Hãy tập buông xả, thành tâm niệm Phật cầu nguyện vãng sanh TPCL, thì phiền não tự hết. [Đúng]
l) Càng có phiền não càng nhận rõ mình còn phàm phu. Hãy quyết lòng niệm Phật, chú trọng hộ niệm để có cơ hội vãng sanh. [Đúng]
m) Người phàm phu hãy chuyên nhất niệm Phật cầu vãng sanh thì đường vãng sanh vững vàng hơn là tu tập nhiều pháp. [Đúng]
25. Khinh thường pháp hộ niệm là một sơ suất rất lớn, tại sao?
a) Tự cô lập mình, dễ bị oán thân trái chủ tự do đánh phá không ai điều giải. [Đúng]
b) Lúc lâm chung chướng nạn chập chùng, cạm bẫy trùng trùng rất dễ bị nạn. [Đúng]
c) Lúc lâm chung không có người khai thị hướng dẫn đúng đường, bị nghịch duyên lôi kéo theo đường đọa lạc mà đành chịu oan uổng một đời tu hành. [Đúng]
26. Pháp môn nào của Phật cũng vi diệu cả, nhưng xét về sự thành tựu thì:
a) Có pháp quá cao, chỉ dành cho hàng thượng trí tu trì, người hạ căn rất khó thực hành nổi. [Đúng]
b) Có pháp quá dễ thực hiện, nhưng không có mục đích giải thoát. [Đúng]
c) Hàng phàm phu phải cẩn thận tuyển chọn pháp môn vừa khế lý vừa khế cơ thì đường tu hành mới thành tựu được. [Đúng]
d) Pháp môn niệm Phật là pháp duy nhất cứu độ khắp cả ba căn thượng trung hạ một đời giải thoát thành đạo. [Đúng]
27. Chúng sanh trong thời này nên chọn pháp “Niệm Phật – Hộ Niệm – Vãng Sanh “, vì sao?
a) Sự thành tựu của pháp hộ niệm đã được chứng minh quá rõ rệt, thực hành dễ dàng, phương pháp rất đơn giản cụ thể. [Đúng]
b) Những pháp môn tự lực thực hành quá khó nên sự thành tựu quá ít ỏi! Người phàm phu muốn được giải thoát thì nên cẩn thận hộ niệm mới an toàn. [Đúng]
c) Hiện tượng người chết bị đọa lạc quá nhiều!… Thực sự đây là sự cảnh cáo nghiêm khắc cho tất cả chúng ta. [Đúng]
d) Người phàm phu nghiệp nặng không thể tự lực thoát nạn, nhưng nhờ hộ niệm mà sự vãng sanh đã hiển hiện quá nhiều. Rất đáng được tin tưởng. [Đúng]
e) Những người hộ niệm có năng lực trừ ma yếm quỷ, có họ đến hộ niệm thì chúng ta yên tâm vãng sanh. [Sai]
f) Những người hộ niệm chỉ với lòng thành đến bên cạnh chúng ta niệm Phật giúp ta giữ chánh niệm, giúp ta điều giải oan gia trái chủ. [Đúng]
g) Vãng sanh TPCL chính là pháp mà Phật, Bồ-Tát tuyển chọn cho chúng sanh tu hành trong thời mạt pháp này. [Đúng]
28. Muốn cuộc hộ niệm thành công, thì giữa người hộ niệm và người bệnh cần đến yếu tố nào?
a) Người bệnh phải tôn trọng và thành khẩn nghe lời người hộ niệm. Người hộ niệm thương yêu và thành khẩn hộ niệm cho người bệnh. [Đúng]
b) Người bệnh mà tỏ ra khinh thường người hộ niệm, thì hộ niệm sẽ thất bại. [Đúng]
c) Người bệnh tự niệm và người hộ niệm phải hòa hợp nhau mới dễ được cảm ứng đến Phật lực gia trì tiếp độ vãng sanh. [Đúng]
29. Những ai cần nghiên cứu phương pháp hộ niệm vãng sanh?
a) Chỉ dành cho những người phát tâm đi hộ niệm mà thôi. [Sai]
b) Nhà nhà biết đến, người người biết đến pháp hộ niệm vãng sanh thì mới dễ giúp được nhiều người và giúp cả chính mình vãng sanh TPCL. [Đúng]
c) Khi bị bệnh nặng mới nghiên cứu tới, còn bình thời thì không cần. [Sai]
30. Người bệnh rất cần nghiên cứu pháp hộ niệm, tại sao?
a) Biết rõ những gì cần làm để chính ta thực hiện mà vãng sanh. [Đúng]
b) Biết rõ những cạm bẫy mà chính ta có thể mắc phải để tránh. [Đúng]
c) Biết rõ những sơ suất mà người khi lâm chung thường xuyên phạm đến để lo tu sửa ngay từ bây giờ. [Đúng]
31. Ấn Quang tổ sư khai thị: “Một đạo tràng nào giúp được một người vãng sanh mới được gọi là đạo tràng thành tựu, chứ không phải là nơi gieo duyên cho hàng vạn người tới lui tu tập“, theo lời khai thị này thì:
a) Đạo tràng đông người thì không thể thành tựu. [Sai]
b) Đạo tràng đông người thì không phải chánh pháp. [Sai]
c) Chỉ có hộ niệm vãng sanh là đúng chánh pháp. [Sai]
d) Chính những BHN giúp người vãng sanh đã có sự thành tựu rất cụ thể trong thời này. [Đúng]
32. Người tu hành thời này rất khó thoát nạn là do nguyên nhân gì?
a) Chọn pháp tu không hợp căn tánh, đường tu không vững, hướng về không rõ nên không thể thành tựu. [Đúng]
b) Phàm phu nghiệp nặng chướng sâu mà sơ ý không chuẩn bị hộ niệm cẩn thận khi lâm chung nên khó thoát nạn. [Đúng]
c) Chùa chiền quá ít, không có chỗ để tu hành. [Sai]
33. Những vấn đề khác về người tu học Phật trong thời này:
a) Căn tánh yếu mà tu theo các pháp quá cao thành ra thất bại. [Đúng]
b) Không hiểu pháp hộ niệm nên thường phạm nhiều điều sai lầm mà bị nạn. [Đúng]
c) Nếu đã nắm vững quy luật của pháp hộ niệm rồi thì có thể không cần hộ niệm nữa. [Sai]
d) Bây giờ biết rõ pháp hộ niệm, nhưng khi lâm chung tự mình khó có thể thực hiện được, nên cần phải được hộ niệm. [Đúng]
e) Những lý luận lúc bình thường đến lúc lâm chung không thể ứng dụng được vì các căn tán loạn, không còn sáng suốt được. [Đúng]
f) Tâm là Phật, Phật là tâm. Trong tâm đã có Phật thì không cần niệm Phật A-Di-Đà? [Sai]
g) Phàm có tướng đều là hư vọng, TPCL có tướng vậy TPCL không có thực. [Sai]
h) Bình thường không tu hành, chờ lâm chung mời BHN cũng khó giúp được gì. [Đúng].
i) Pháp môn vô lượng, phải học càng nhiều pháp môn càng tốt. [Sai]
j) Thực hành nhiều pháp môn thì tâm thường chao đảo, không có chỗ định, không tốt cho hàng phàm phu. [Đúng]
34. Nhiều vị tổ sư khi lâm chung vẫn phải dặn dò hàng đệ tử vây quanh hộ niệm. Tại sao?
a) Có lẽ các Ngài còn sợ chết. [Sai]
b) Chủ tâm nhắc nhở cho hàng đệ tử tầm quan trọng của pháp hộ niệm. [Đúng]
c) Chư tổ sư thị hiện giáo dục, làm tấm gương tốt cho chúng ta, vừa cẩn thận ngăn ngừa nghịch duyên bất ngờ. [Đúng]
35. Người phàm phu muốn vãng sanh TPCL có nên nguyện trả hết nghiệp không?
a) Không nên nguyện trả hết nghiệp!…Vì cầu hết nghiệp mà nghiệp không thể hết thì phải theo nghiệp thọ nạn. [Đúng]
b) Rất cần, vì phải trả hết nghiệp chướng thì mới vãng sanh TPCL được. [Sai]
c) Được cầu trả hết nghiệp, nhưng không được phép quên cầu vãng sanh TPCL. [Sai]
d) Khi còn mạnh khỏe thì cầu trả hết nghiệp, khi bệnh nặng thì chỉ cầu vãng sanh TPCL thôi. [Sai]
e) Đầy đủ Tín Nguyện Hạnh thì mới được vãng sanh. Nghĩa là chỉ cầu vãng sanh, không được cầu trả hết nghiệp. [Đúng]
36. Tu hành phải theo đúng lời Phật dạy, đúng lời Tổ khuyên mới có thể được thành tựu. Có nghĩa là:
a) Khi trong nhà có người chết phải chú trọng coi ngày giờ chôn cất, tìm thầy về giải nạn trùng tang. [Sai]
b) Phật dạy thời mạt pháp này phải niệm Phật mới có thể thành tựu. Ta quyết niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ là chính xác. [Đúng]
c) Muốn an toàn để thành tựu trong thời này thì tu hành KHÔNG được hiếu kỳ, đừng thấy điều gì lạ lạ cũng làm thử. [Đúng]
d) Tu hành không thể chạy theo cảm tình hay vị nể, mà phải làm đúng theo lời Phật dạy, niệm Phật để lo cứu huệ mạng của chính mình. [Đúng]
e) Niệm Phật Hộ Niệm đã chứng minh cụ thể sự vãng sanh đúng lời Phật và Tổ dạy, chúng ta không được hồ nghi. [Đúng]
f) Cần tìm BHN có năng lực đến niệm Phật giải nghiệp, thì nghiệp chướng có thể tiêu trừ, tiêu tai giải nạn. [Sai]
37. Người có nhiều năm công phu niệm Phật khá tốt, nhưng vẫn cần những người hộ niệm trợ duyên, vì sao?
a) Lúc lâm chung thường đầu óc không còn sáng suốt, định lực tiêu tan, oan gia trái chủ cài bẫy hãm hại làm cho tâm hồn thất điên bát đảo không giữ được chánh niệm. [Đúng]
b) Giây phút cuối đời thân tàn sức kiệt, lại bị bệnh khổ hành hạ có thể quên niệm Phật cầu vãng sanh nên cần hộ niệm. [Đúng]
c) Người hộ niệm nắm vững quy luật trợ niệm, biết cách hướng dẫn, hóa giải chướng nạn, có thể giúp cho mình giữ được chánh niệm mới có hy vọng vãng sanh. [Đúng]
38. Có người niệm Phật bị tẩu hỏa nhập ma, tại sao?
a) Vì niệm Phật không chí thành, thiếu khiêm hạ, tánh hiếu kỳ, ham thích những cảnh giới hão huyền. [Đúng]
b) Vì niệm Phật với tâm ý thượng mạn, tham chứng đắc nhanh chóng, thích phép lạ, ưa thần thông… [Đúng]
c) Vì niệm Phật mà trước đó không trì chú để trị ma chướng. [Sai]
d) Vì niệm Phật không cầu vãng sanh mà ngày ngày đều cầu xin được cảm ứng nên bị tẩu hỏa nhập ma. [Đúng]
39. Niệm Phật đới nghiệp vãng sanh, dễ tu dễ chứng, nhưng có nhiều người thất bại vì một sơ suất lớn, đó là:
a) Không chịu cố gắng niệm Phật đến nhất tâm bất loạn. [Sai]
b) Không đoạn diệt cho sạch hết nghiệp chướng. [Sai]
c) Người không có số phần vãng sanh mà cứ đòi vãng sanh. [Sai]
d) Không được hộ niệm cẩn thận để ngăn chặn sơ suất, hóa giải chướng nạn, giải tỏa vướng mắc lúc lâm chung. [Đúng]
40. Thêm nhận thức về niệm Phật vãng sanh:
a) Hãy tự nhận mình là phàm phu, nghiệp chướng nặng mà lập hạnh khiêm cung, thành thật niệm Phật. [Đúng]
b) Nghiệp báo, bệnh khổ sẽ là điều đương nhiên, hãy tự tại đón nhận, không quá lo âu. [Đúng]
c) Quyết lòng trả cho hết nghiệp trong một đời này để không còn bị chướng ngại sự vãng sanh TPCL. [Sai]
d) Quyết chí niệm Phật từ một ngày cho đến bảy ngày thì ai cũng có thể được nhất tâm bất loạn. [Sai]
e) Tách ly đại chúng, tự tu một mình mới được thanh tịnh. [Sai]
f) Người phàm phu thời mạt pháp không nên đóng cửa tự tu một mình. [Đúng]
g) Kết nhóm đồng tu, hộ niệm cho nhau vãng sanh mới an toàn. [Đúng]
h) Cần nghiêm chỉnh nghiên cứu kỹ lưỡng về pháp hộ niệm để hộ niệm như lý như pháp. [Đúng]
i) Chỉ có người xuất gia niệm Phật mới được vãng sanh. [Sai]
j) Không phải tín đồ của Phật giáo thì không được vãng sanh. [Sai]
k) Tất cả mọi người, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc… khi lâm chung thực hiện đầy đủ tín nguyện hạnh của pháp môn niệm Phật đều được vãng sanh. [Đúng]
l) Người tự thấy mình đã chứng đắc thì chắc chắn được vãng sanh. [Sai]
m) Người có tâm thượng mạn thì thường bị ma chướng. [Đúng]
n) Người thực sự chứng đắc không bao giờ khoe trương, người khoe trương không thể là thực chứng được. [Đúng]
o) Người không tin có sự vãng sanh Tịnh-Độ, thì dù tu hành rất giỏi cũng không được vãng sanh. [Đúng]
p) Người tu lâu năm thì chắc chắn vãng sanh cao phẩm. [Sai]
q) Chỉ có người niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ mới được vãng sanh. [Đúng]
r) Đừng quá ham mê kiến giải. Kiến thức thế gian càng rộng, càng mất duyên Tịnh-Độ. [Đúng]

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –