(05) Chương 3: Nhận Thức Về Hộ Niệm

Share on facebook
Share on twitter
Chương 3:
NHẬN THỨC VỀ HỘ NIỆM
Cần nhận thức thật chính xác pháp Hộ Niệm Vãng Sanh mới thấy rõ đây là chánh pháp của Phật, một đại cứu tinh cho tất cả mọi người trong thời mạt pháp này được vãng sanh TPCL, thành tựu đạo quả. Thật quí hóa vô cùng.
1. Tổng quát, pháp Hộ Niệm Vãng Sanh là gì?
a) Đây là phương pháp hướng dẫn thực hành pháp môn niệm Phật cầu sanh TPCL một cách chính xác, cụ thể, đúng lúc. [Đúng]
b) Khi lâm chung hướng dẫn người bệnh giữ vững tín tâm, giữ vững tâm nguyện vãng sanh, giữ vững câu Phật hiệu cầu sanh Cực-Lạc. [Đúng]
c) Trực tiếp trợ duyên, điều giải oán nạn, hóa gỡ những vướng mắc giúp người bệnh khi lâm chung giữ chánh niệm để được vãng sanh TPCL. [Đúng]
d) Pháp hộ niệm vãng sanh giúp người niệm Phật nắm vững phương cách tu hành, biết rõ đường đi điểm về không còn mông lung nữa. [Đúng]
2. Pháp hộ niệm quan trọng như thế nào?
a) Thời mạt pháp chúng sanh nghiệp chướng quá nặng, khi lâm chung bị nghiệp chướng làm chủ, nếu không nhờ hộ niệm thì khó ai có thể vượt qua nghiệp chướng mà thoát ly sanh tử luân hồi. [Đúng]
b) Thời mạt pháp chúng sanh trí cạn, vọng tưởng nhiều, tu hành khó thể khai ngộ. Pháp hộ niệm giúp người theo nguyện lực mà vãng sanh thành Phật. [Đúng]
c) Phật dạy: “Vạn pháp duy tâm”. Pháp hộ niệm giúp người ra đi thực hiện cụ thể đạo lý này bằng cách niệm Phật cầu vãng sanh để được vãng sanh về TPCL thành đạo. [Đúng]
d) Khi lâm chung có rất nhiều cạm bẫy hiểm nghèo, không hộ niệm khó ai có thể tự hóa giải được để thoát nạn. [Đúng]
e) Khi lâm chung nhiều hành nghiệp trong đời này và nhiều đời kiếp trước ứng hiện về làm cho tâm hồn tán loạn, không hộ niệm khó có ai tỉnh táo chọn được con đường sáng sủa cho tương lai. [Đúng]
f) Tuyệt đại đa số con người thời mạt pháp thuộc hàng hạ căn, nhờ hộ niệm mà giúp họ có thể chủ động đi vãng sanh thành đạo, tránh cảnh đọa lạc khổ đau vạn kiếp. [Đúng]
g) Hộ niệm rất quan trọng vì hễ hộ niệm thì chắc chắn được vãng sanh. [Sai]
3. Hiện tượng thiếu niềm tin vào pháp niệm Phật vãng sanh:
a) Phật dạy: “Nan tín chi pháp”, nghĩa là pháp rất khó cho chúng sanh tin tưởng, nên có người không tin pháp niệm Phật vãng sanh là chuyện bình thường. [Đúng]
b) Hộ niệm vãng sanh không đúng với khoa học. [Sai]
c) Khoa học vật chất càng phát triển, tâm linh càng bị lu mờ. Con người tham chấp kiến giải thế gian nên khó giác ngộ Phật pháp. [Đúng]
d) Pháp môn niệm Phật vãng sanh mới xuất hiện sau này chứ kinh Phật không nói đến. [Sai]
e) Phật dạy, người thiếu thiện căn không thể tin được pháp niệm Phật vãng sanh. [Đúng]
f) Người chưa có cơ duyên gặp được hiện tượng vãng sanh nên còn hồ nghi pháp niệm Phật vãng sanh. [Đúng]
g) Người không tu, hoặc tu theo ngoại đạo nên không hiểu Phật pháp thường đánh giá sai lầm chánh pháp của Phật. [Đúng]
h) Nhiều người tu theo Phật Giáo, nhưng vì không hành theo pháp môn Tịnh-Độ nên không hiểu thấu Lý và Sự niệm Phật vãng sanh. [Đúng]
i) Có người tu học Phật nhưng hành trì bất định, hướng giải thoát mông lung, cũng khó hiểu thấu pháp hộ niệm vãng sanh. [Đúng]
4. Nhận thức về pháp hộ niệm vãng sanh:
a) Hộ niệm là một hình thức cầu siêu cho người chết. [Sai]
b) Hộ niệm là pháp hướng dẫn người sống cách tu hành để vãng sanh TPCL. [Đúng]
c) Người hạ căn phàm phu dẫu có niệm Phật cũng không thể vãng sanh. [Sai]
d) Pháp môn niệm Phật rộng độ ba căn, thánh phàm đều được vãng sanh thành đạo. [Đúng]
e) Hộ niệm là pháp mong cầu cho người bệnh chết sớm. [Sai]
f) Phàm phu thân mạng đã có định kỳ, hộ niệm có thể giúp người lâm chung có cơ hội vượt qua sanh tử để vãng sanh thẳng về TPCL. [Đúng]
g) Pháp hộ niệm hướng dẫn cách thực hiện cụ thể, chính xác pháp môn Tịnh-Độ. Đây là đại chánh pháp của Phật để lại. [Đúng]
h) Nhờ được hộ niệm mà có nhiều hiện tượng vãng sanh xảy ra, tạo được ấn tượng rất tốt, chứng minh Phật pháp nhiệm mầu. [Đúng]
i) Người được hộ niệm thì được sống lâu, không bị chết sớm. [Sai]
j) Phàm phu thân mạng vô thường khi mãn phần thì phải trả về cho vô thường, người nắm vững pháp niệm Phật cầu vãng sanh thì được vãng sanh TPCL, chứ không còn chết sống trong sáu đường luân hồi nữa. [Đúng]
k) Người nào được hộ niệm thì thường tắt hơi sớm hơn bình thường. [Sai]
l) Chỉ có tự tử mới bị chết sớm hơn bình thường, còn hộ niệm là giúp người bệnh đến kỳ mãn báo thân biết đường vãng sanh về TPCL. [Đúng]
m) Người nào được hộ niệm thì chắc chắn được vãng sanh TPCL. [Sai]
n) Người được hộ niệm nhờ sự trợ duyên tốt, giúp họ có thể giữ được chánh niệm mà được vãng sanh. [Đúng]
o) Được vãng sanh là do chính người bệnh thực hiện đúng pháp niệm Phật, còn người hộ niệm chỉ hướng dẫn, trợ duyên mà thôi. [Đúng]
p) Người nào được hộ niệm nếu không được vãng sanh TPCL thì ít ra cũng sanh lên trời. [Sai]
q) Người được hộ niệm, ra đi lưu lại tướng lành tốt đẹp, nếu không được vãng sanh TPCL thì ít ra cũng sanh về cảnh giới lành. [Đúng]
r) Người được hộ niệm nếu tự mình không đủ Tín-Nguyện-Hạnh thì không được vãng sanh, nhưng có thể kết được duyên lành Phật pháp. [Đúng]
s) Người không tin tưởng Phật pháp, không làm theo sự hướng dẫn của BHN, nhưng nhờ hộ niệm vẫn có thể được vãng sanh. [Sai]
t) Chính người bệnh không tin tưởng, không tự thực hiện đúng quy luật vãng sanh, thì dù được hộ niệm cũng không thể vãng sanh. [Đúng]
u) Người nào được hộ niệm thì được hết bệnh. [Sai]
v) Người được hộ niệm, nếu phần số chưa mãn, nhưng nhờ có Tín-Nguyện-Hạnh vững vàng mà bệnh khổ dễ được bình phục. [Đúng]
w) Người được hộ niệm nếu thành tâm cầu hết bệnh thì mới hết bệnh. [Sai]
x) Người được hộ niệm nếu cầu xin hết bệnh thì bệnh không hết mà phải mất phần vãng sanh. [Đúng]
y) Người trong gia đình cầu xin cho người bệnh hết bệnh, thì người bệnh sẽ mất vãng sanh. [Sai]
z) Người trong gia đình cầu xin cho người bệnh hết bệnh, sự cầu nguyện này dễ làm cho người bệnh thoái tâm mà mất vãng sanh. [Đúng]
aa) Một người phải có năng lực đặc biệt mới có khả năng hộ niệm cho người khác vãng sanh. [Sai]
bb) Người hộ niệm không cần một năng lực đặc biệt nào cả, chỉ cần có tín tâm, lòng thành kính và nắm vững quy luật hộ niệm để hướng dẫn đúng pháp giúp người bệnh tự thực hành lấy để được vãng sanh. [Đúng]
cc) Một người tu hành đã chứng đạo mới có tư cách hộ niệm cho người khác vãng sanh. [Sai]
dd) Một người chân chánh tu hành khi đi hộ niệm có ảnh hưởng rất tốt tới người bệnh. [Đúng]
ee) Lòng chí thành và tin tưởng của người hộ niệm ảnh hưởng rất tốt cho người bệnh. [Đúng]
ff) Người hộ niệm cần nên tham gia đồng bóng, vì pháp đồng bóng biết rõ người chết đi về đâu. [Sai]
gg) Có thể dùng pháp đồng bóng để hỗ trợ vào pháp hộ niệm. [Sai]
hh) Pháp hộ niệm vãng sanh hoàn toàn không liên hệ gì đến các pháp đồng bóng. [Đúng]
ii) Cần lập đàn cúng thí thực cho vong hồn để hỗ trợ pháp hộ niệm vãng sanh. [Sai]
jj) Người hộ niệm có thể cầu xin chư Thần Linh nhập thân để hộ niệm [Sai]
kk) Người Phật tử chân chánh không nên ứng dụng các pháp của ngoại đạo. [Đúng]
ll) Người hộ niệm mà tự xưng mình là Phật, Bồ-Tát tái thế cứu độ chúng sanh thì đúng hay sai? [Sai]
mm) Thời này có Phật Bồ-Tát xuống thế cứu độ chúng sanh, nhưng các Ngài tuyệt đối không bao giờ thố lộ danh tánh, nếu bị lộ thì thị tịch ngay. [Đúng]
nn) Người tự xưng đắc đạo, phô diễn thần thông là đúng hay sai? [Sai]
oo) Người chân chánh tu hành không bao giờ tự khoe chứng đắc, hoặc phô diễn thần thông để chiêu nạp tín đồ. [Đúng]
pp) Người nào tự xưng là Minh-Sư, tự cho mình đã đắc đạo, thì người đó đang hành tà đạo. [Đúng]
qq) Nên tụng nhiều kinh chú để hỗ trợ thì pháp hộ niệm mới mạnh. [Sai]
rr) Hộ niệm chỉ nên niệm Phật hiệu “A-Di-Đà Phật” để giữ chánh niệm cho người bệnh là tốt nhất. [Đúng]
ss) Pháp niệm Phật vãng sanh càng chuyên càng mạnh, càng xen tạp càng yếu. [Đúng]
tt) Xen tạp ngay lúc lâm chung là một sự tối kỵ cho việc vãng sanh. [Đúng]
uu) Phải niệm “Nam Mô A-Di-Đà Phật”, không được niệm A-Di-Đà Phật. [Sai]
vv) Niệm “A-Di-Đà Phật” hoặc “Nam Mô A-Di-Đà Phật” đều được, tùy theo ý muốn của người bệnh. [Đúng]
ww) Niệm 4 chữ “A-Di-Đà Phật” thì mạnh hơn, dễ hơn cho người lâm chung vì lúc này họ rất yếu, nhiều người không niệm nổi 6 chữ. [Đúng]
xx) Niệm 4 chữ “A-Di-Đà Phật” nặng về Lý Tự Tánh, không còn “Năng-Sở”, (nghĩa là không phân biệt người niệm và Phật được niệm) nên dễ được cảm ứng đạo giao. [Đúng]
yy) Niệm 6 chữ “Nam Mô A-Di-Đà Phật” nặng về Sự Cung Kính, còn có “Năng-Sở”. Nhưng vẫn niệm được, tùy theo sở thích của người bệnh. [Đúng]
zz) Có thể niệm: “Mô Phật”, “Nam Mô Phật”… cho gọn khi hộ niệm. [Sai]
aaa) Có thể dùng câu: “Nam Mô Tây-Phương Cực-Lạc thế giới đại từ đại bi tiếp dẫn đạo sư A-Di-Đà Phật” để hộ niệm. [Sai] (Quá dài)
bbb) Người hộ niệm thường dễ bị ma nhập. [Sai]
ccc) Người tâm tính hiếu kỳ, thượng mạn, thích cảm ứng, ưa thần thông, tự cho mình đã chứng đắc hoặc có năng lực đặc biệt gì đó… thì rất dễ bị ma nhập. [Đúng]
ddd) Người thành tâm niệm Phật hộ niệm giúp người vãng sanh được Thiên Long Hộ Pháp bảo vệ không thể bị ma nhập. [Đúng]
eee) Pháp hộ niệm giúp nhiều người ra đi an lành, có hiện tượng vãng sanh vô cùng quí hóa, làm cho nhiều người giác ngộ đường tu hành, công đức vô lượng. [Đúng]

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –