(03) Chương 1: Tổng Quát Về Pháp Hộ – Niệm

Share on facebook
Share on twitter
Chương 1
TỔNG QUÁT VỀ PHÁP HỘ-NIỆM
Chúng ta cần học hỏi, nghiên cứu cẩn thận để có nhận thức đúng đắn về pháp hộ niệm rồi mới đồng ý với nhau rằng đây đúng là chánh pháp trong Phật môn, một pháp cứu người vãng sanh vi diệu, một đại cứu tinh cho tất cả mọi người trong thời mạt pháp này để có cơ hội thành tựu đạo quả.
Chú ý: Từ “Vãng Sanh” dùng trong tập sách này là chỉ cho người xả bỏ báo thân được sanh về thế giới Tây-Phương Cực-Lạc (TPCL). Từ “Niệm Phật” là niệm A-Di-Đà Phật.
Mỗi vấn đề đưa ra có nhiều câu trả lời: (a), (b), (c), (d), (e)… theo đáp án [Đúng] hoặc [Sai], kết quả đều có ghi rõ sau mỗi câu.
Đáp án [Đúng] là sự thực hành chính xác, không bị sơ suất. Đáp án [Sai] có hàm nghĩa rộng như: không thích hợp lắm, không cần thiết, kinh Phật không nói đến, chư Tổ không khuyên dùng, không thấy nhắc đến trong các tài liệu hộ niệm, nếu chúng ta tự động áp dụng có thể dẫn đến sơ suất v.v… Xin chư vị chú ý cẩn thận, đừng nên thêm bớt.
1.Pháp Hộ Niệm vãng sanh bắt nguồn từ đâu?
a) Được Phật huyền ký trong nhiều kinh điển, nhất là kinh luận Tịnh-Độ. [Đúng]
b) Được chư Tổ dựa theo kinh Phật rồi hệ thống hóa để ứng dụng trợ duyên cho người lâm chung vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. [Đúng]
c) Do pháp sư Tịnh Không sáng chế ra, được Tịnh-Tông Học Hội phổ biến mà có. [Sai]
d) Hoàn toàn do người thời này tự sáng chế ra chứ không có trong kinh Phật. [Sai]
2. Pháp hộ niệm vãng sanh của Tịnh-Độ Tông y cứ vào kinh nào?
a) Ba kinh Tịnh-Độ: A-Di-Đà, Vô Lượng Thọ, Quán Vô Lượng Thọ. [Đúng]
b) Kinh Lăng Nghiêm, kinh Hoa Nghiêm, kinh Địa Tạng… [Đúng]
c) Và nhiều kinh điển đại thừa khác đều có huyền ký về hộ niệm. [Đúng]
3. Những tài liệu nào trước đây nói về Hộ Niệm vãng sanh?
a) “Lâm Chung Chánh Niệm Vãng Sanh” của đại sư Thiện Đạo. [Đúng]
b) “Lâm Chung Tam Nghi Tứ Quán” của ngài Từ Chiếu Tông Chỉ. [Đúng]
c) “Sức Chung Tu Tri” của pháp sư Thế Liễu. [Đúng]
d) “Lâm Chung Cảnh Sách” của đại sư Ưu Đàm. [Đúng]
4. Những tài liệu nào hiện nay nói về Hộ Niệm vãng sanh?
a) “Quy Tắc Trợ Niệm Khi Lâm Chung và Pháp Ngữ Khai Thị”, kết tập của chư Tổ Tịnh-Độ. [Đúng]
b) “Hỏi Đáp Trợ Niệm Khi Lâm Chung” của PS Tịnh Không (kết tập). [Đúng]
c) “Sự Kiện Quan Trọng Nhất Của Đời Người” của PS Tịnh Không. [Đúng]
d) “Khuyên Người Niệm Phật” của cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị). [Đúng]
e) Rất nhiều cuộc tọa đàm nói về hộ niệm của cư sĩ Diệu Âm (Minh Trị). [Đúng]
f) Và rất nhiều tài liệu khác của Tịnh-Độ tông. [Đúng]
5. Trên thế gian này có bao nhiêu pháp hộ niệm?
a) Mỗi pháp môn tu học đều có pháp hộ niệm riêng. [Đúng]
b) Tất cả mọi tôn giáo đều có phương pháp hướng dẫn người sắp chết đi về cảnh giới tương ứng, có thể gọi là cách “Hộ Niệm” của họ. [Đúng]
c) Duy nhất chỉ có một pháp hộ niệm của Tịnh-Độ tông. [Sai]
d) Những người tu hành mà tiêu cực nên cứ nằm đó cầu chết mới nói đến hộ niệm. [Sai]
6. Pháp hộ niệm vãng sanh TPCL chính là:
a) Pháp hộ niệm chung của Phật Giáo không phân biệt pháp môn. [Sai]
b) Pháp hộ niệm của Thiền tông giúp cho người “Minh Tâm Kiến Tánh”. [Sai]
c) Pháp hộ niệm của Tịnh-Độ tông giúp cho người vãng sanh TPCL. [Đúng]
d) Pháp hộ niệm của Mật tông giúp cho người được “Tam Mật Thanh Tịnh”. [Sai]
7. Trong Tịnh-Độ tông, những vị Tổ nào đề xướng hộ niệm?
a) Từ sơ tổ Huệ-Viễn đời nhà Tấn khi kết lập Bạch Liên Xã ở Lô Sơn Đông Lâm khuyên đồng tu quyết thề đồng vãng sanh về Liên Bang Cực Lạc. [Đúng]
b) Đại sư Thiện-Đạo đời nhà Đường, tổ thứ 2 Tịnh-Độ tông rất chú trọng pháp hộ niệm để giúp người hạ căn phàm phu giữ được chánh niệm mà vãng sanh. [Đúng]
c) Tất cả chư tổ Tịnh-Độ đều khuyến nhắc hộ niệm. [Đúng]
8. Tại sao cần phải hộ niệm?
a) Đến thời mạt pháp này nghiệp chướng của chúng sanh quá nặng. Cần phải hộ niệm mới giúp được người bệnh vượt qua ách nạn của nghiệp báo. [Đúng]
b) Chúng sanh phạm tội sát sanh hại vật quá nhiều, nạn oán thân trái chủ quá kịch liệt. Cần phải hộ niệm mới có thể hóa giải mối oán thù này mà thoát nạn. [Đúng]
c) Lúc còn khỏe thì có thể lý luận, đến khi nằm xuống thì các căn tán hoại, nếu không được hộ niệm thì coi chừng uổng phí một đời tu hành. [Đúng]
d) Người bệnh còn rất nhiều vướng mắc khác. Cần phải hộ niệm mới hóa gỡ được giúp người bệnh chuyên nhất niệm Phật cầu vãng sanh. [Đúng]
e) Khi nào người bệnh muốn chết sớm thì nên cần đến hộ niệm. [sai]
f) Phàm phu khi lâm chung bị nghiệp khổ bức bách, gia sự rối ren, oán thân trái chủ trả thù đòi nợ rất nguy hiểm… nếu không được hộ niệm rất khó thoát nạn. [Đúng]
g) Người tu hành lâu năm thì không cần hộ niệm cũng được vãng sanh. [Sai]
h) Người nào niệm Phật đã đạt được tam muội thì có thể không cần đến hộ niệm, ngoài ra ai cũng cần đến hộ niệm. [Đúng]
i) Người được hộ niệm nếu không được vãng sanh thì cũng hết bệnh. [Sai]
9.Người phát tâm hộ niệm vãng sanh cần nghiên cứu những gì?
a) Nghiên cứu tất cả những pháp hộ niệm để tổng hợp và rút tỉa ưu khuyết điểm. [Sai]
b) Nghiên cứu nhiều pháp hộ niệm rồi chọn một pháp tâm đắc để hộ niệm. [Sai]
c) Nghiên cứu nhiều pháp hộ niệm khác nhau thường bị mông lung, không có định hướng thẳng về cảnh giới TPCL. [Đúng]
d) Phải nghiên cứu thật kỹ pháp hộ niệm của Tịnh-Độ tông là đủ, vì chỉ có pháp hộ niệm của Tịnh-Độ tông mới hướng dẫn đi thẳng về. [Đúng]
e) Phải nghiên cứu pháp hộ niệm của Tịnh-Độ tông, nhưng cần bổ túc thêm những sáng kiến mới. [Sai]
10. Pháp hộ niệm vãng sanh là gì?
a) Là người khỏe niệm Phật thay cho người bệnh, vì thường người bệnh không tự niệm Phật được. [Sai]
b) Là một pháp do Tịnh-Độ tông Trung Hoa sáng chế ra, chứ không có trong kinh điển của Phật. [Sai]
c) Là cách giảng giải Phật pháp cho người bệnh hiểu rõ lý đạo vãng sanh. [Sai]
d) Là cách hướng dẫn người bệnh thực hiện được đầy đủ Tín, Nguyện, Hạnh để vãng sanh. [Đúng].
e) Là pháp cầu tiêu tai giải nạn, tiêu trừ tật bệnh. [Sai]
f) Là pháp giúp người đang bị bệnh khổ hành hạ được chết sớm để bớt khổ đau. [Sai]
g) Là pháp giúp cho người đang trong cơn hấp hối được tắt hơi sớm. [Sai]
h) Một pháp thuộc về tâm lý học nhằm an tâm người bệnh, giảm bớt sự đau khổ cho gia đình trước cảnh sanh tử biệt ly. [Sai]
i) Là sự kết hợp giữa pháp siêu độ vong linh của Việt Nam và Tam Thời Hệ Niệm của quốc sư Trung Phong. [Sai]
j) Là một pháp niệm Phật được ứng dụng rất vi diệu giúp người bệnh chắc chắn được vãng sanh. [Sai]
k) Chính là pháp môn Niệm Phật được ứng dụng cụ thể, chính xác, đúng lúc giúp người lâm chung vãng sanh TPCL. [Đúng]
11. Phật dạy tất cả do tâm tạo. Pháp hộ niệm thực thi cụ thể và chính xác lý đạo này. Xin giải thích rõ.
a) Ý niệm cuối cùng quyết định đời kiếp tương lai, ví dụ: sân giận đọa địa ngục, tham lam đọa ngạ quỷ, ngu si đọa bàng sanh. Vậy thì khi lâm chung nếu người bệnh quyết niệm Phật cầu vãng sanh TPCL thì được vãng sanh. [Đúng]
b) Người bệnh có tâm nguyện niệm Phật cầu hết bệnh sẽ được hết bệnh. [Sai]
c) Cầu hết bệnh là đem cả đại pháp của Phật phục vụ cho thân xác tứ đại vô thường. Tu hành sai pháp Phật nên không được vãng sanh. [Đúng]
d) Người một đời tu hành, nhưng khi sắp chết lại thương tiếc thân mạng, cầu xin hết bệnh thì phải theo xác thân mà bị đọa lạc. [Đúng]
e) Ý niệm cuối cùng quyết định đời kiếp tương lai, cho nên pháp hộ niệm hướng dẫn thẳng về TPCL để người lâm chung vãng sanh. [Đúng]
f) Người phàm phu lâm chung bị bệnh khổ hành hạ, nghiệp chướng bức bách, không thể tự chủ được, nhờ hộ niệm mà họ quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh mà được vãng sanh. [Đúng]
g) Người ưa thích lý luận cao huyền, vô tình sự lý luận sẽ tạo nhân chủng hỗn loạn trong tâm. Tâm loạn không thể vãng sanh Tịnh-Độ. [Đúng]
h) Người tu tập nhiều thứ, tìm hiểu nhiều lý đạo thì khi lâm chung họ dễ dàng chọn lựa đường nào thích hợp để đi. [Sai]
i) Người tu tập quá nhiều thứ, thì mông lung không chủ định, đến khi lâm chung sẽ hoang mang như đứng giữa vạn nẻo đường đành phải theo nghiệp thọ nạn. [Đúng]
j) Một người tu hành rất giỏi, công phu cao thì khi bỏ báo thân chắc chắn được vãng sanh TPCL. [Sai]
k) Một người tu hành rất giỏi, nhưng không nguyện sanh về TPCL nhất định không được vãng sanh. [Đúng]
l) Tất cả do tâm tạo, pháp hộ niệm hướng dẫn người khi ra đi quyết lòng niệm Phật cầu vãng sanh về TPCL nên họ được vãng sanh. [Đúng]
12. Vãng Sanh là gì?
a) Từ này được Phật nói rất nhiều trong các kinh điển Tịnh-Độ tông, chỉ cho người khi bỏ báo thân được A-Di-Đà Phật tiếp dẫn thẳng về cảnh TPCL. [Đúng]
b) Vãng sanh tức là chết, danh từ tuy khác nhau nhưng ý nghĩa thì tương đồng. [Sai]
c) Đây là thuật ngữ chỉ cho người chết được tái sanh vào những cảnh thiện trong sáu đường luân hồi. [Sai]
d) Chỉ cho những người khi chết rồi để lại thân xác mềm mại, sắc tướng an lành. [Sai]
13. Nói về hiện tượng vãng sanh TPCL, cần nhớ những điểm gì?
a) Người chết để lại thoại tướng mềm mại thì chắc chắn được vãng sanh TPCL. [Sai]
b) Người biết trước ngày giờ chết, an lành ra đi, để lại nhiều xá lợi thì chắc chắn được vãng sanh TPCL. [Sai]
c) Người chết về báo mộng cho biết mình đã vãng sanh thì được vãng sanh. [Sai]
d) Người được vãng sanh thì có thoại tướng tốt, nhưng có thoại tướng tốt chưa hẳn là được vãng sanh TPCL. [Đúng]
e) Người thực hiện được đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh, lúc lâm chung thấy A-Di-Đà Phật tiếp dẫn thì chắc chắn được vãng sanh TPCL. [Đúng]
f) Người hiền hậu, có chí quyết vãng sanh, lại được hộ niệm cẩn thận, nếu có thoại tướng tốt thì xác suất vãng sanh rất cao. [Đúng]
14. Người ra đi với thoại tướng tốt, tại sao chưa chắc được vãng sanh TPCL?
a) Người tu bố thí, làm thiện, ít tạo nghiệp ác… khi chết nếu để lại thoại tướng tốt thì họ theo nghiệp thiện mà sanh vào ba cảnh thiện để hưởng phước chứ không phải vãng sanh TPCL. [Đúng]
b) Người suốt đời niệm Phật cầu sanh TPCL, lúc lâm chung vẫn niệm Phật nhưng lại quyến luyến thế gian, tưởng nhớ đến phước báu, v.v… quên mất tâm nguyện
vãng sanh thì dù có thoại tướng tốt vẫn chỉ sanh vàoba cảnh thiện mà thôi. [Đúng]
c) Người tu hành các pháp môn tự lực, nếu đạt được mức tu chứng tốt, ra đi có tướng lành thì có thể sinh vào những cảnh Trời tương ứng với mức chứng chứ không phải vãng sanh TPCL. [Đúng]
d) Người tu hành phước lớn, nhưng nghiệp chưa sạch thì ra đi dù có thân tướng tốt cũng chỉ được sanh lên một cảnh giới lành để hưởng phước, chứ không phải vãng sanh TPCL. [Đúng]
e) Chỉ có người niệm Phật tha thiết cầu sanh TPCL, giữ vững ý niệm này đến lúc buông bỏ báo thân, ra đi để lại thoại tướng tốt mới được vãng sanh TPCL. [Đúng]
15. Người niệm Phật ra đi với thoại tướng tốt, trường hợp nào ta biết họ được vãng sanh TPCL?
a) Trước khi ra đi chính họ nói đã thấy được A-Di-Đà Phật đến tiếp dẫn, trường hợp này chắc chắn nhất. [Đúng]
b) Nhiều khi nói không nổi, nhưng thường ngày niệm Phật tốt, đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh đến giây phút cuối cùng thì tin tưởng họ được vãng sanh. [Đúng]
c) Người có đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh, tắt hơi sau hơn 8 giờ mà hơi ấm còn lưu lại một điểm ở đỉnh đầu thì xác suất vãng sanh rất cao. [Đúng]
d) Người đã được vãng sanh thì thân tướng rất tốt, bất khả tư nghì. [Đúng]
16. Tại sao người biết trước ngày giờ ra đi cũng không chắc chắn được vãng sanh TPCL?
a) Người tu hành các pháp môn khác, vì họ không cầu vãng sanh về TPCL, nhưng nhờ công phu cao, định lực mạnh, họ có thể ngưng thần ra đi theo những cảnh giới tương ứng khác. [Đúng]
b) Có nhiều trường hợp người tu theo các đạo Quỷ Thần, được các Ngài báo cho biết ngày chết để về phục vụ trong các cảnh giới Quỷ Thần. [Đúng]
c) Chỉ có người nào tin tưởng, thành tâm niệm Phật cầu sanh TPCL mới được vãng sanh. [Đúng]
d) Biết trước ngày giờ ra đi là một thoại tướng tốt, chứ không phải là điều kiện bảo đảm việc vãng sanh. [Đúng]
17. Những gì có thể làm được khi Hộ Niệm?
a) Giúp người bệnh vượt thoát nhiều cạm bẫy hiểm nghèo, tránh bị khủng hoảng hay sợ hãi khi lâm chung. [Đúng]
b) Hướng dẫn người bệnh phát nguyện vãng sanh ngắn gọn cho dễ nhớ. [Đúng]
c) Giúp người bệnh an tâm nằm dưỡng bệnh, không cần suy nghĩ gì cả. [Sai]
d) Hộ niệm có thể hóa giải nhiều chướng ngại giúp người bệnh an tâm niệm Phật cầu vãng sanh. [Đúng]
e) Hướng dẫn người bệnh thực hiện chính xác pháp môn niệm Phật ngay trong giây phút sắp mãn báo thân để được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. [Đúng]
f) Giúp người khi lâm chung giữ được chánh niệm, niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-độ. [Đúng]
g) Khéo léo hướng dẫn, dùng tâm lý khuyến tấn giúp người bệnh an tâm niệm Phật vãng sanh. [Đúng]
h) Khai thị, hướng dẫn người bệnh buông xả vạn duyên, nhiếp tâm niệm Phật cầu vãng sanh. [Đúng]
i) Giúp người bệnh không cầu hết bệnh, không sợ chết, tha thiết muốn vãng sanh thành đạo. [Đúng]
j) Giảng pháp là chính, nhưng phải biết tâm lý để an ủi người bệnh mới được. [Sai]
k) Không nên giảng giải lý đạo cao siêu. Hãy chú ý hóa gỡ những vướng mắc, khuyên người bệnh tin tưởng niệm Phật cầu vãng sanh là tốt. [Đúng]
l) Hướng dẫn gia đình người bệnh thực hiện quy luật trợ niệm vãng sanh. [Đúng]
m) Dặn dò người thân không được khóc lóc, than thở hoặc nói những lời bi quan trước mặt người bệnh. [Đúng]
n) Ngăn cấm mọi sự đụng chạm vào thân thể người chết ít ra là 8 tiếng đồng hồ sau khi tắt thở. [Đúng]
o) Một BHN giỏi có thể giúp cho người bệnh hết bệnh hoặc muốn ra đi lúc nào tùy ý. [Sai]
p) Người dù có tu hành tốt nhưng lâm chung không được hộ niệm cũng dễ bị nghiệp khổ hành hạ, bị rối loạn mà quên mất đường vãng sanh. [Đúng]
q) Người tu hành lâu năm nhưng khi ra đi không được hộ niệm vẫn dễ bị vướng bẫy của oán thân trái chủ mà bị nạn. [Đúng]
r) Người hộ niệm có thể kịp thời chế ngự oan gia trái chủ, không cho họ đánh phá người bệnh. [Sai]
s) Người hộ niệm có thể đánh đuổi oan gia trái chủ, trị ma quái đang công phá người bệnh. [Sai]
t) Hộ niệm chỉ giúp cho người bệnh an tâm niệm Phật cầu vãng sanh, không liên quan đến vấn đề oan gia trái chủ. [Sai]
u) Hộ niệm có thể điều giải nạn oán thân trái chủ, giúp người bệnh khỏi bị khủng bố. [Đúng]
v) Hộ niệm có thể an ủi, khuyến tấn, ủng hộ tinh thần giúp người bệnh không sợ hãi, an ổn niệm Phật khi lâm chung mà vãng sanh. [Đúng]
w) Hộ niệm có thể hướng dẫn gia đình biết cách niệm Phật hộ niệm và giải quyết tốt nhiều biến cố xảy ra giúp cho người bệnh dễ thoát nạn. [Đúng]
x) Hộ niệm cần khuyên bệnh nhân thành tâm sám hối, nhờ thế mà hóa giải nạn oán thân trái chủ. [Đúng]
18. Phương thức cần ứng dụng để giảm thiểu sơ suất?
a) Cần phổ biến rộng rãi tài liệu hộ niệm vãng sanh đến tất cả thành viên BHN và đến đại chúng nếu có thể. [Đúng]
b) Lập quy trình huấn luyện, T/P BHN cần được đào tạo tốt để thực thi chánh pháp, tránh điều sơ suất. [Đúng]
c) Nếu hộ niệm theo ý riêng, pháp hộ niệm rất dễ bị biến chất, không còn chánh pháp nữa và sớm ngày mai một. [Đúng]
19. Những điểm khác nhau giữa Hộ Niệm và Cầu Siêu:
a)) Hộ Niệm là hướng dẫn cách tu hành, hóa gỡ chướng nạn cho người đang sống, còn Cầu Siêu là phương cách gỡ nạn cho người đã chết. [Đúng]
b) Hộ Niệm là hướng dẫn cho người sắp lâm chung giữ được chánh niệm, vững Tín-Nguyện-Hạnh để vãng sanh, còn Cầu Siêu là pháp hướng dẫn thân trung-ấm tỉnh ngộ mà siêu sanh. [Đúng]
c) Hộ Niệm là một pháp tu giúp người sống thực hiện pháp môn Niệm Phật một cách cụ thể, vững vàng để được sanh về Tịnh-Độ, còn Cầu Siêu là pháp hồi hướng công đức, tăng phước, giảm tội cho hương linh sau khi đã chết. [Đúng]
d) Hộ Niệm là pháp hướng dẫn người bệnh chủ động thực hiện Tín-Nguyện-Hạnh để đi vãng sanh, Cầu Siêu là pháp tìm cách cứu độ người đã bị chết rồi. [Đúng]
20. Những điểm khác nhau giữa Hộ Niệm và Cầu An:
a) Mục đích của Hộ Niệm là giúp người vãng sanh thành đạo, còn mục đích của Cầu An là cầu tiêu tai giải nạn khi bị nạn hoặc đau bệnh. [Đúng]
b) Hộ Niệm là cả một quá trình tu học để thành tựu đạo quả, còn Cầu An chỉ thực hiện khi nghiệp chướng hiện hành rồi tìm cách hóa giải. [Đúng]
c) Hộ Niệm là trợ duyên cho người bệnh giữ vững ba tư lương Tín-Nguyện-Hạnh của pháp môn niệm Phật để vãng sanh, còn Cầu An chủ tâm cầu hết bệnh. [Đúng]
21. Người muốn được vãng sanh TPCL phải làm gì?
a) Tin tưởng vững vàng vào pháp niệm Phật, ngày ngày chí thành niệm Phật cầu vãng sanh TPCL. [Đúng]
b) Cần chuẩn bị sự hộ niệm cẩn thận lúc lâm chung mới có thể hóa giải những vướng mắc và giữ được chánh niệm để vãng sanh. [Đúng]
c) Bắt buộc phải chứng đắc cảnh giới “Nhất Tâm Bất Loạn” mới được vãng sanh. [Sai]
d) Người nào tu lâu thì chắc chắn được vãng sanh. [Sai]
e) Tín-Nguyện-Hạnh của pháp môn Niệm Phật phải vững vàng. [Đúng]
f) Cần nghiên cứu thật cẩn thận pháp hộ niệm của Tịnh-Độ tông, nắm vững quy luật hộ niệm, đừng nên sơ suất. [Đúng]
g) Không thể nằm đó chờ sắp chết rồi phó thác vào BHN. [Đúng]
h) Phải lo làm di chúc trước cho con cháu về gia sự, tài sản, dặn con cháu phải nghe sự hướng dẫn của BHN lúc lâm chung đừng để quá trễ. [Đúng]
i) Phải tập buông xả. Buông xả trụi lủi vãng sanh tự tại. Buông xả nhiều vãng sanh dễ. Buông xả ít vãng sanh khó. Không buông xả không thể vãng sanh. [Đúng]
22. Nhiệm vụ của BHN là gì?
a) Cứu người bệnh vãng sanh TPCL. [Sai]
b) Cứu người lâm chung vượt thoát sáu đường sanh tử luân hồi. [Sai]
c) Niệm Phật, hướng dẫn, trợ duyên, giúp người bệnh lúc lâm chung thực hiện đúng pháp niệm Phật cầu vãng sanh Cực-Lạc để họ được vãng sanh. [Đúng]
d) Giúp người có duyên niệm Phật chứng đắc “Nhất Tâm bất Loạn”. [sai]
23. Cách cầu nguyện nào đúng với pháp Hộ Niệm?
a) Cầu Phật Bồ-Tát gia trì cho người bệnh chóng lành bệnh. [Sai]
b) Cầu Phật Bồ-Tát gia trì cho người bệnh sống lâu, trường thọ. [Sai]
c) Buông xả vạn duyên, nhiếp tâm niệm Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc. [Đúng]
d) Cầu Phật Bồ-Tát gia trì người đang bị bệnh khổ hành hạ được chết sớm cho khỏe thân. [Sai]
24. Người hộ niệm chú ý dặn dò người bệnh những gì?
a) Chỉ được theo A-Di-Đà Phật, không được đi theo một vị nào khác. Thấy bất cứ ai cũng bình thản tiếp tục niệm Phật chờ Phật A DI ĐÀ đến tiếp dẫn. A-Di-Đà Phật sẽ ứng hiện giống như tấm hình mà BHN treo trước mặt. [Đúng]
b) Chỉ được theo Phật và Bồ-Tát mà thôi, không được theo ông bà quyến thuộc. [Sai]
c) Cần giữ tâm thanh tịnh, bình thản trước mọi cảnh giới để tâm thức tự chuyển hóa theo duyên. [sai]
25. Người Hộ Niệm có thể giúp người bệnh những gì?
a) Kịp thời chế ngự, hoặc đàn áp oan gia trái chủ không cho phép họ đánh phá người bệnh, nhờ thế người bệnh mới được an toàn. [Sai]
b) Giúp người bệnh niệm Phật cầu vãng sanh, không liên quan gì đến vấn đề oan gia trái chủ. [Sai]
c) Điều giải oan gia trái chủ, giúp người bệnh tránh được những cạm bẫy hiểm nghèo. Hóa gỡ những vướng mắc, khuyên người bệnh nhiếp tâm niệm Phật. [Đúng]
d) Nếu cần thiết có thể thay gia đình chăm sóc người bệnh. [Sai]
e) An ủi, khuyến tấn, động viên tinh thần người bệnh giúp họ an tâm niệm Phật cầu vãng sanh. [Đúng]
f) Khuyên người bệnh buông xả rốt ráo không cần ăn uống nữa để sớm được vãng sanh. [Sai]
g) Khuyên người bệnh không sợ chết, mà hãy coi đây chính là cơ hội thoát được nạn khổ của thân nghiệp báo để vãng sanh thành đạo. [Đúng]
h) Khuyên người bệnh không cầu hết bệnh, vì cầu hết bệnh thì không còn tha thiết chuyện vãng sanh nên đành phải mất phần vãng sanh. [Đúng]
i) Quan sát những diễn biến trên sắc mặt người bệnh để bắt kịp mọi sự biến chuyển về tinh thần hầu tìm cách hóa giải. [Đúng]
26. Tại sao người bệnh còn sợ chết thì không được vãng sanh?
a) Vì còn quyến luyến cõi trần này nên không được vãng sanh. [Đúng]
b) Vì tinh thần sẽ hãi kinh, bấn loạn khi lâm chung nên không được vãng sanh. [Đúng]
c) Vì còn tham sống sợ chết thì không đúng tông chỉ Tín-Nguyện-Hạnh, nên không được vãng sanh. [Đúng]
27. Tại sao người bệnh cầu hết bệnh thì không được vãng sanh?
a) Vì lạc mất khỏi tông chỉ của pháp niệm Phật, không tương ưng với đại nguyện của Phật A Di Đà nên không được vãng sanh. [Đúng]
b) Vì không tha thiết nguyện vãng sanh, nên không được vãng sanh. [Đúng]
c) Tâm đang lo về bệnh, đang nghĩ về bệnh nên phải theo nghiệp chướng thọ nạn. [Đúng]
d) Vì còn tham sống thêm thì không đúng tông chỉ Tín-Nguyện-Hạnh, nên không được vãng sanh. [Đúng]
28. Đối với gia đình, người Hộ Niệm cần nên làm gì?
a) BHN nên đến giảng giải pháp hộ niệm cho những gia đình có người bệnh biết. [Sai]
b) Gia đình phải đến mời thì BHN mới được quyền vào nhà người bệnh trình bày về hộ niệm. [Đúng]
c) BHN phải làm việc cẩn thận về qui luật hộ niệm với gia đình người bệnh trước khi nhận ca. [Đúng]
d) Khi đã hộ niệm rồi thì không cần thiết phải để ý đến thân nhân trong gia đình. [Sai]
e) Hướng dẫn và khuyến tấn gia đình cùng hộ niệm đúng pháp để trợ duyên cho người thân của họ. [Đúng]
f) Khuyên gia đình chú ý cho bệnh nhân ăn uống đầy đủ để có sức khỏe và tinh thần tốt mà niệm Phật. [Đúng]
g) Khai thị, hướng dẫn người bệnh niệm Phật cầu vãng sanh là đủ. [Sai]
h) Nếu gia đình có làm điều gì sai lầm thì phải cực lực phản đối liền. [Sai]
i) Cần động viên gia đình tin tưởng và quyết lòng niệm Phật hộ niệm cho người thân vãng sanh. [Đúng]
j) Nhắc nhở gia đình không nên để bà con, bạn bè không rành hộ niệm thường xuyên trực tiếp thăm hỏi người bệnh. [Đúng]
k) Nhắc nhở gia đình không được khóc lóc, âu sầu, nói lời bi quan trước mặt người bệnh. [Đúng]
l) Nhắc nhở gia đình không được đụng chạm vào thân xác từ lúc tắt hơi cho đến ít nhất 8 giờ. [Đúng]
m) Nhắc nhở gia đình luôn luôn phải có ít nhất một người sát bên cạnh người bệnh để chăm sóc. [Đúng]
n) Nhắc nhở gia đình cần báo với BHN biết về mọi tình huống của người bệnh. [Đúng]
29. Mức tu chứng tối thiểu của người Hộ Niệm là gì?
a) Tự mình niệm Phật phải “Nhất Tâm Bất Loạn” thì mới có khả năng hộ niệm cho người khác vãng sanh thành đạo được. [Sai]
b) Niệm Phật dù không được “Nhất Tâm Bất Loạn”, nhưng ít ra cũng phải đạt được tiêu chuẩn niệm Phật thành thục mới có thể hộ niệm. [Sai]
c) Không cần chứng đắc, nhưng ít ra cũng phải được cảm ứng với “Bề Trên” ứng hiện khai thị hướng dẫn rồi mới được hộ niệm. [Sai]
d) Không cần tu chứng, nhưng cần học tập kỹ pháp hộ niệm và chân thực phát tâm hộ niệm cho người lâm chung vãng sanh là được. [Đúng]
e) Tâm từ bi thương người với lòng chí thành khẩn thiết cầu A-Di-Đà Phật gia trì tiếp độ người bệnh là có thể hộ niệm được. [Đúng]
f)  Vãng sanh là do người bệnh biết buông xả và có đầy đủ Tín-Nguyện-Hạnh mà được Phật tiếp dẫn chứ không phải do năng lực của người hộ niệm.  [Đúng]
30. Người Hộ Niệm cần trang bị những kiến thức gì?
a) Hiểu rõ quy luật của pháp hộ niệm để hướng dẫn người bệnh vãng sanh, tránh điều sơ suất khi hộ niệm. [Đúng]
b) Hiểu biết đạo pháp nhiệm mầu để thấu suốt mọi tình huống. [Sai]
c) Nắm vững nhiều lý đạo cao siêu để khai thị cho người bệnh sớm ngộ đạo. [Sai]
d) Phải đọc tụng càng nhiều kinh điển của Phật càng tốt. [Sai]
e) Cần biết ứng dụng tâm lý để khuyến tấn người bệnh. [Đúng]
31. Đối với oán thân trái chủ, người hộ niệm phải:
a) Có năng lực chế ngự oan gia trái chủ khiến họ không thể đến gần người bệnh. [Sai]
b) Thành tâm điều giải và khuyên người bệnh phải kiệt thành sám hối lỗi lầm thì mới có thể điều giải nạn oán thân trái chủ. [Đúng]
c) Có tâm kính cẩn, từ bi, thương xót, cầu mong cho họ cùng được giải thoát. [Đúng]
32. Cách niệm Phật trong buổi hộ niệm:
a) Phải niệm Phật thầm trong tâm và quán tưởng đến Phật phóng quang tiếp dẫn. [Sai]
b) Niệm “A-Di-Đà Phật” hoặc “Nam Mô A-Di-Đà Phật” ra tiếng để người bệnh nghe và niệm theo. [Đúng]
c) Nên niệm Phật theo cách mà người bệnh ưa thích hay thường niệm để họ dễ được cảm ứng. [Đúng]
d) Nếu người bệnh không đòi hỏi cách niệm nào đặc biệt, thì nên niệm 4 chữ “A-Di-Đà Phật” theo trung đạo, nghĩa là không quá nhanh hoặc quá chậm. [Đúng]
e) Cần niệm rõ ràng, mọi người phải hòa với nhau, không được người nhanh kẻ chậm. [Đúng]
f) Người có âm giọng quá đục hoặc quá sắc (the thé) cần được nhắc nhở nên niệm nhỏ và ngồi xa đế tránh gây xáo trộn người bệnh. [Đúng]
33. Khi bệnh tình không còn chữa trị được nữa là đến thời điểm khẩn thiết, gia đình cần chú ý làm những việc sau đây:
a) Sớm lo coi ngày giờ chôn cất, xây mộ hợp theo phong thủy để người chết hưởng nhiều phước lạc. [Sai]
b) Chuẩn bị mâm cỗ thết đãi chu đáo, hầu được trọn vẹn việc ơn nghĩa thế gian, giúp người chết vui lòng nhắm mắt ra đi. [Sai]
c) Người thân trong gia đình bình tĩnh, thành tâm niệm Phật cầu gia bị, không nên bi lụy hay ồn náo. [Đúng]
d) Cần giấu bệnh nhân về sự thực đau lòng để họ còn chút hy vọng mà sống cho hết những ngày còn lại. [Sai]
e) Chăm sóc cẩn thận để giúp người bệnh thoải mái và có sức niệm Phật cầu vãng sanh. [Đúng]
f) Gấp rút mời BHN đến trợ niệm, khai thị, điều giải oan gia trái chủ, hóa giải chướng nạn. [Đúng]
g) Thân quyến cần cộng tác chặt chẽ với BHN, thực hiện đúng quy luật trợ niệm, giúp người bệnh giữ vững Tín-Nguyện-Hạnh mà vãng sanh. [Đúng]
34. Ngoài việc niệm Phật trợ duyên, BHN có thể làm thêm:
a) Cần cúng thí thực cho chúng đẳng vong linh, thập loại cô hồn mỗi khi hộ niệm. [Sai]
b) Cần trì thêm các chú như: chú Đại Bi, chú Lăng Nghiêm, v.v… để pháp hộ niệm được mạnh hơn. [Sai]
c) Cần tụng thêm các kinh như: A-Di-Đà, Địa Tạng, Lương Hoàng Sám, v.v… thì việc hộ niệm sẽ hoàn chỉnh hơn. [Sai]
d) Nên nhắc nhở người bệnh và gia đình sớm làm tờ di chúc cụ thể hầu tránh bị rắc rối khi người bệnh ra đi. [Đúng]
e) Được phép sử dụng các loại công phu như: vận khí công, thuật bấm huyệt, đọc thần chú để chuyển cảnh giới cho thần thức. [Sai]
f) Phải biết đến những đạo thuật tiếp dẫn thần thức vãng sanh. [Sai]
g) Các vị Tăng hoặc Ni tu hành nhiều đức độ có thể tiếp dẫn được thần thức người bệnh vãng sanh. [Sai]
h) Dặn dò người bệnh chỉ được đi theo A-Di-Đà Phật để vãng sanh TPCL. [Đúng]
i) Có thể dùng phương pháp cộng tu niệm Phật với địa chung để trợ niệm. [Sai]
j) Có thể sử dụng hệ thống loa, micro hoặc hệ thống khuyếch đại âm thanh để hộ niệm và khai thị. [Sai]
k) BHN cần phải phụ giúp chăm sóc, tắm rửa bệnh nhân. [Sai]
l) BHN cần nên phụ giúp việc bếp núc với gia đình. [Sai]
m) Cần nhắc nhở gia đình lập bàn thờ thật trang nghiêm để hộ niệm. [Sai]
n) Không bắt buộc phải lập bàn thờ, nhưng treo tấm hình A-Di-Đà Phật cho người bệnh thấy rõ là điều không thể thiếu. [Đúng]
o) Nếu nhà rộng rãi có thể lập bàn thờ đơn giản gần phòng hộ niệm để gia đình lễ Phật cầu gia trì. [Đúng]
p) Cần thiết trí hoa, quả, nhang, đèn… thật trang nghiêm thì mới hộ niệm tốt. [Sai]
q) Trước khi hộ niệm cần có nghi thức khai lễ trang nghiêm mới hộ niệm được. [Sai]
r) BHN nên quyên góp tiền bạc giúp đỡ những gia đình bệnh nhân nghèo khó. [Sai]
s) BHN cần phải lo luôn việc hậu sự, tang lễ thì công đức mới trọn vẹn. [Sai]
t) BHN nên nhận tiền trả ơn để tránh cho gia đình khỏi bị ái ngại. [Sai]
u) BHN khuyên gia đình phóng sanh hồi hướng cho oan gia trái chủ để giải nạn, còn những gì có liên quan đến tiền bạc thì nên từ chối là tốt nhất. [Đúng]
35. Vấn đề dùng tấm hình của người bệnh để hộ niệm từ xa:
a) Điều này không đúng với pháp hộ niệm. Hàng phàm phu không có năng lực làm điều này, nếu sơ ý dễ biến thành vọng tưởng tai hại. [Đúng]
b) Người bệnh cần người hộ niệm ở sát bên cạnh để niệm Phật ra tiếng, hướng dẫn trực tiếp, hóa gỡ vướng mắc, điều giải oán nạn mới được. [Đúng]
c) Nếu người bệnh ở xa, người hộ niệm có thể hướng dẫn qua điện thoại, nhưng cần phải có người trực tiếp bên cạnh niệm Phật hộ niệm mới đúng pháp. [Đúng]
d) Niệm lực siêu vượt không gian và thời gian, thì hộ niệm trực tiếp hoặc từ xa đều có kết quả như nhau. [Sai]
e) Hộ niệm cần cụ thể và trực tiếp, nếu chấp lý bỏ sự thì trong thời mạt pháp này hộ niệm không thể cứu được ai. [Đúng]
36. Vấn đề đi kinh hành chung quanh người bệnh để hộ niệm:
a) Nếu phòng hộ niệm rộng rãi đủ chỗ kinh hành thì có thể được dùng cách này. [Sai]
b) Không được đi kinh hành chung quanh người bệnh để hộ niệm, vì sẽ làm cho khung cảnh hộ niệm bị xáo trộn, người bệnh dễ bị chóng mặt, khó tập trung. [Đúng]
c) Không được đi kinh hành chung quanh người bệnh để hộ niệm, vì khi vừa tắt hơi thì mọi sự di chuyển gần bên thân xác sẽ gây trở ngại rất lớn cho việc vãng sanh. [Đúng]
d) Chung quanh người bệnh rất cần sắp xếp chỗ ngồi cho đại chúng ổn định, thanh tịnh niệm Phật mới tốt. [Đúng]
37. Vấn đề lạy Phật, nhiễu Phật chung quanh bàn thờ Phật để hộ niệm:
a) Có thể thiết lập một bàn thờ Phật riêng biệt trong gian phòng khác cho đại chúng kinh hành niệm Phật. [Đúng]
b) Người gia đình nên thường xuyên lạy Phật cầu Phật tiếp dẫn người bệnh vãng sanh. [Đúng]
c) BHN đang có trách nhiệm thì ngồi niệm Phật bên cạnh người bệnh, còn những người khác có thể lạy Phật hoặc nhiễu Phật ở phòng khác rất tốt. [Đúng]
38. Vấn đề chụp hình khi đang hộ niệm:
a) Tốt nhất là không cho phép chụp hình, vì chụp hình sẽ có tiếng động và đèn chớp dễ làm động tâm người bệnh và đại chú [Đúng]
b) Tối kỵ nhất là giai đoạn lâm chung, ánh chớp và tiếng động của máy chụp hình có ảnh hưởng xấu đối với người bệnh. [Đúng]
c) Cần hỏi qua người bệnh, nếu họ không phiền não thì có thể chụp hình lưu niệm. [Sai]
39. Vấn đề quay video khi đang hộ niệm:
a) Có thể quay video để làm tài liệu học tập, vì quay video không tạo tiếng động, không lóe ánh sáng. [Đúng]
b) Người quay không được dùng đèn pha chiếu vào thân xác hoặc lấn tới trước người hộ niệm để quay. [Đúng]
c) Được phép quay, nhưng phải tuân theo sự cố vấn của BHN, người quay không được gây tiếng động hoặc đi lại quá nhiều. [Đúng]
d) Chỉ được quay khi người bệnh còn sống, tắt hơi rồi không được quay. [Sai]
40. Vấn đề sử dụng pháp khí khi hộ niệm:
a) Bất cứ pháp khí nào cũng đều có thể được dùng để hộ niệm khi cần. [Sai]
b) Dùng khánh là thích hợp nhất cho việc hộ niệm vì tiếng khánh thanh, trợ giúp thêm sự tỉnh táo.[Đúng]
c) Nhiều người bệnh không thích tiếng khánh, thì ta có thể dùng pháp khí khác thay thế cũng được. [Sai]
d) Được dùng khánh để giữ nhịp niệm Phật, nhưng cần theo dõi phản ứng của người bệnh, nếu họ không thích lắm thì cũng không nên dùng. [Đúng]
e) Được dùng khánh, nhưng người sử dụng cần chú ý đừng để tiếng khánh lúc lớn lúc nhỏ, lúc đục lúc trong, lúc tịt lúc vang… [Đúng]
f) Nếu người bệnh thường xuyên bị hôn trầm, đánh vài tiếng khánh bên tai có thể giúp họ tỉnh lại. [Đúng]
g) Có thể dùng địa chung, hoặc dùng chuông và mõ kết hợp thành địa chung để hộ niệm. [Sai]
h) Tang, khơ, chuông, mõ và trống là đủ bộ pháp khí của pháp cộng tu có thể kết hợp để hộ niệm được. [Sai]
i) Được dùng khánh nhưng chỉ dùng ban ngày, không được dùng ban đêm. [Sai]
41. Vấn đề đồng phục khi hộ niệm:
a) Bắt buộc phải mặc áo tràng cho trang nghiêm. [Sai]
b) Bắt buộc không được mặc áo tràng. [Sai]
c) Hoàn toàn tùy thuộc vào ý muốn của gia đình. [Sai]
d) Nên mặc áo tràng hoặc đồng phục thống nhất cho trang nghiêm. [Đúng]

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –