SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH
(Tọa Đàm 23)
Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Buổi chiều hôm nay Diệu-Âm tiếp tục chương trình đang nói dang dở. Chúng ta đang cùng nhau khai thác phương thức hỗ trợ cho nhau, để khi mãn báo thân này được vãng-sanh về Tây- Phương Cực-Lạc.
Pháp tu của chúng ta là “Pháp Tu Vãng-Sanh”. Người đời khi nghe tới tiếng vãng-sanh thì sợ lắm, tại vì họ nghĩ rằng vãng-sanh là chết. Tu kiểu gì lại đi cầu chết. Còn khi ta hiểu rõ ràng đạo lý rồi, thì ta có cách nói khác:
“Vì con người phải chết. Chết thì đọa lạc đau khổ lắm, nên ta phải tu cho đừng có chết. Sau khi xả bỏ báo thân này ta được SANH về Tây-Phương Cực-Lạc, gặp đức Phật A-Di-Đà”. Một khi đã gặp đức Phật A-Di-Đà rồi, thì xin chư vị miễn lo tới chuyện Sống-Chết, vì ta không còn chết nữa. Miễn lo tới chuyện chứng hay không chứng, đắc hay không đắc, vì hễ gặp đức Phật A-Di-Đà rồi thì tất cả không còn vấn đề gì phải nêu ra nữa hết. Ta đã hoàn thành tâm nguyện một đời thành tựu đạo quả.
Chính vì vậy, nếu ở đây có người nào còn có cái tâm sợ chết, thì bắt đầu từ đây đừng sợ chết nữa nhé!
Nếu nhất định chư vị quyết thề rằng, một ngày nào còn sống trên dương gian này, ta quyết lòng niệm Phật. Ta niệm cho đến lúc sức kiệt hơi tàn, miệng không còn niệm được nữa thì trong tâm của ta vẫn niệm câu A-Di-Đà Phật. Ta niệm từ bây giờ là trong lúc còn thở, khi không còn thở nữa thì thần thức của ta vẫn tiếp tục câu A- Di-Đà Phật mà niệm. Quý vị biết không?… Nếu được vậy thì ta không còn chết nữa rồi. Tức là trong đời này ta không trải qua một cảnh chết nào hết. Mà ta tiếp tục sống. Ta chủ động sống để đi về Tây-Phương Cực-Lạc với Phật.
Pháp môn niệm Phật này được gọi là “Pháp Môn Bất Tử”, pháp môn không chết. Chỉ vì người ta không biết tu cho nên phải chịu chết. Vì chết tránh không khỏi nên mới đâm ra lo sợ! Lo sợ mà không giải quyết được nên bị khủng bố! Bị khủng bố mà mắc cỡ nên âm thầm giấu người khác. Giấu người khác, nhưng người khác cũng chết. Người cũng chết mà sau cùng mình cũng chết, không chết trước thì cũng phải chết sau thôi. Vì không hiểu đạo nên tâm trạng rối bời, sợ sệt, khủng bố càng lúc càng tăng. Đúng hệt như vậy. Chắc chắn như vậy. Thật là đáng tiếc!…
- Thấy cái chết… Ghê gớm quá!…
- Thấy cái chết… Sợ hãi quá!…
- Thấy quan tài… Lệ rơi chứa chan!…
Nhưng một sự thực là từng ngày từng giờ ta đi đến chỗ đó. Chết rồi, sau đó thì sao?… Đại nạn đối đầu, phải thọ lãnh những sự khổ đau trong vô lượng vô biên kiếp thời gian sau này, không biết đến ngày nào mới thoát được cảnh khổ.
Hôm nay chúng ta biết niệm Phật, xin chư vị hãy mừng lên vì chúng ta đang đi trên con đường vô sanh vô tử. Hãy sớm ngộ ra đi thì tự mình sẽ cảm nhận ra chân lý này: Chúng ta không sanh không tử nữa. Ta bắt đầu thực hiện con đường không tử không sanh. Ta sẽ không nói chết nữa, mà ta nói đi về Tây-Phương hưởng đời an vui cực lạc. Như vậy há không sướng hơn ở đây chịu khổ hay sao?...
Với hàng phàm phu tục tử như chúng ta, có những điều cấm kỵ, chúng ta nên nhận rõ mà tránh xa đi. Cũng có những điều thích hợp cho người phàm phu tục tử chúng ta, thì chúng ta nên hiểu thấu mà cố gắng giữ gìn lấy. Với hàng căn cơ cao thượng, các Ngài có cách tu của hàng căn cơ cao thượng, để một đời thành tựu đạo quả. Hàng phàm phu tục tử như chúng ta vẫn có những cách tu rất chắc chắn, vững vàng, cụ thể, mạch lạc, không mơ hồ… để một đời này chúng ta vẫn được thành đạo “Vô Sanh Vô Tử”. Nhất định một đời thành đạo, không phải hai đời. Lạ lùng không?…
Cho nên đạo Phật là đạo cứu độ tất cả chúng sanh, chứ không phải chỉ cứu hàng căn cơ cao thượng đâu. Có nhiều người nghĩ rằng, chỉ có hàng Bồ-Tát mới được vô sanh vô tử, mới vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, mới một đời thành đạo, còn ta là hàng phàm phu tục tử, phải tu cho vô lượng kiếp mới được như vậy. Lời nói này không đúng lắm đâu. Có lẽ chỉ đúng một nửa thôi, còn một nửa thì sai rồi. Đúng là đúng trên căn cơ, mà sai là sai trên lý đạo!
Về lý đạo thì Chân-Tâm Tự-Tánh của tất cả mọi người đều là Phật. Đã là Phật thì được thành Phật. Người chưa rõ lý nhưng nếu tu hành biết ứng dụng cho đúng hợp với căn cơ thì tự nhiên cũng thành đạo. Chính vì vậy tu hành cần Hợp-Lý Hợp-Cơ. Cơ-Lý, Lý- Cơ tuy hai mà một. Lý-Cơ viên dung viên thành Phật Đạo. Nói rõ hơn, biết thân phận của mình là một phàm phu, thì cứ dùng cách tu Phật dạy cho hàng phàm phu mà thực hành cho đúng pháp, ta vẫn trở về lý đạo nhiệm mầu, thành tựu y hệt như các Ngài thượng căn. Khi đã trở về tới Tây-Phương Cực-Lạc rồi thì cao hay thấp cũng là một vị Bất-Thối Bồ-Tát. Các vị đại Bồ-Tát vãng-sanh về đó Thượng Phẩm. Ta là phàm phu vãng-sanh về đó Hạ Phẩm. Hạ Phẩm hay Thượng Phẩm vẫn là Bất-thối Bồ-Tát, vẫn ở chung một nơi, tay trong tay với nhau tu hành. Phân biệt Hạ Phẩm hay Thượng Phẩm là nói về công phu tu tập hay gọi là căn cơ, chứ nói về lý Tự-Tánh thì bình đẳng, ngang nhau. Tuyệt vời chính là ở chỗ này. “Phàm Thánh tề thâu, Tam căn phổ bị”. Từ người phàm phu trở về cõi Tây-Phương Cực-Lạc thì tay trong tay với những vị thượng căn thượng trí.
Ở cõi Ta-bà này thì ngài Phổ-Hiền, ngài Văn-Thù ngồi trên cao, mình ở dưới phải lạy các Ngài, lạy mệt xỉu luôn. Khi về tới Tây- Phương, thì ta cầm tay với các Ngài đàm đạo. Lời kinh nói rất rõ ràng: “Bất-Thối Bồ-Tát vi bạn lữ”. Bồ-Tát bất thối là ngài Văn-Thù, Phổ-Hiền, Quán-Âm, Thế-Chí. Khi trở về Tây-Phương, thì ta cũng là bất thối Bồ-Tát. Lạ lùng không?…
Chính vì vậy mà ta tu là để vãng-sanh chứ không phải ta tu là để cầu chứng đắc gì khác. Các ngài Văn-Thù, Phổ-Hiền đã tu chứng đắc. Các Ngài chứng đắc rồi, chứng thành Đẳng-Giác Bồ- Tát rồi, các Ngài mới trở về Tây-Phương. Còn ta thì ta không tu chứng đắc, nhưng mà tu theo cách của các Ngài dạy. Sở dĩ là vì ta làm không được chứ không phải ta chê… Một người phàm phu nương theo lời dạy của các Ngài để trở về đó, các Ngài ôm ta trong tay mà khen tặng: “Trời ơi !… Chư vị may mắn quá, chư vị có phước duyên lớn quá, chư vị giỏi hơn Ta. Ta tu khổ cực muốn chết trong vô lượng kiếp qua… Khổ vô cùng khổ mới được tới đây, còn chư vị chỉ tu có một đời thôi mà đã tới đây rồi…”.
Khi hiểu được chỗ này mình mới thấy quý con đường vãng- sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Quý lắm!… Quý lắm!… Thật không phải nói ngoa. Khi chư vị đi hộ-niệm thấy người ta vãng-sanh rồi mới giật mình tỉnh ngộ. Điều này trong kinh Phật đã nói rõ ràng từ
- năm nay rồi, nhưng vì chúng sanh thiếu phước nên không gặp. Không gặp nên không biết. Vì chúng sanh thiếu thiện-căn nên không tin. Không tin thì thôi chịu thua. Đức A-Di-Đà Phật ngày đêm đưa tay cứu độ chúng sanh, nhưng chúng sanh rời xa Ngài, Ngài cũng đành chịu thua. Không tin thì không cách nào có thể hưởng được một cái đại phước-báu, một cái đại phước-duyên, một cái đại thiện-căn để thành tựu đạo quả!…
Chính vì vậy, khi đã gặp được pháp môn niệm Phật rồi, đối với một người dù tu ít hay tu nhiều, Diệu-Âm cũng thành tâm kính ngưỡng. Xin thưa thực với chư vị, đây là sự thật. Một người tu nhiều mà không muốn vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, thì cơ duyên để thành đạo có thể huyễn mộng xa vời hơn một người mới biết tu mà có cái tâm chí thành niệm câu A-Di-Đà Phật cầu vãng- sanh Tịnh-Độ.
Diệu-Âm đã từng đi hộ-niệm cho những người, hỏi họ:
- A-Di-Đà Phật là ai?…
- Không biết.
Đưa cho họ xâu chuỗi và hỏi:
- Xâu chuỗi đây để làm gì biết không?…
– Không biết!…
Rồi chỉ đến tượng đức Quán-Thế-Âm nói:
- Biết đây là Ngài gì không?
- Không biết!…
Ấy thế mà mình giảng giải cho họ, khuyên họ cầu về Tây- Phương Cực-Lạc với đức A-Di-Đà Phật. Bồ-Tát Quán-Thế-Âm là vị tầm thanh cứu khổ cứu nạn… Khuyến khích họ niệm Phật, các Ngài sẽ cứu mình thoát ách nạn sanh tử, đi về Tây-Phương hưởng đời cực lạc.
- Được không?…
- Được!
Nhờ vậy mà tự nhiên họ phát lòng tin tưởng, phát tâm niệm Phật, nhiều khi họ niệm Phật còn mạnh hơn mình. Người sắp chết mà niệm Phật mạnh hơn người còn khỏe. Chỉ cần 1-2 tuần hộ- niệm như vậy, họ ra đi để lại thân tướng đẹp bất khả tư nghì.
Diệu-Âm đi hô hào chuyện hộ-niệm là do một duyên tình cờ, hoàn toàn tình cờ, chứ không có chủ tâm trước. Bắt nguồn từ chỗ Diệu-Âm có nói chuyện về hộ-niệm trong các tập “Khuyên người niệm Phật”. Đầu tiên chỉ là những lá thư riêng tư, vô tình đã loan ra ngoài, có người thực hiện thử cách hộ-niệm. Thực hiện thử, nhưng không ngờ lại đưa đến những hiện tượng quá vi diệu. Từ đó, người ta mới tìm đến đề nghị tôi nói chuyện về hộ-niệm. Do cái duyên tình cờ này, đi đến đâu tự nhiên Diệu-Âm cũng bị bắt phải nói chuyện hộ-niệm hết.
Năm 2005, ở quận 7 Sài-Gòn có một người bệnh được chị Diệu-Thường giới thiệu đến hộ-niệm được vãng-sanh. Ca này có Thầy Thích-Giác-Chỉ tham gia. Nhờ Thầy mà pháp hộ-niệm bỗng chốc được phổ biến sâu rộng… Trong một cuộc nói chuyện qua điện thoại, tôi vẫn còn nhớ lời Thầy Giác-Chỉ đã quá sức hoan hỷ báo rằng:
– Chị Bùi-Thị-Gái đã vãng-sanh rồi. Thật sự bà này hồi giờ chưa biết mái chùa là cong hay thẳng, vậy mà phước lớn quá. Chẳng lẽ ở Việt-Nam ta, chị là một người đầu tiên vãng-sanh chăng?…
Quý vị thấy không? Bất khả tư nghì!… Từ cái gương lành của chị đó, và nhất là nhờ uy đức của thầy Giác-Chỉ hô hào lên, mà pháp hộ-niệm mới phát triển ào ào. Hình như tất cả mọi việc đều có sự gia trì…
Bây giờ, trở lại vấn đề là làm sao để khi lâm chung, mình được vãng-sanh như những người đó? Những người đó hồi giờ chưa biết tu hành gì, mà còn được vãng-sanh như vậy. Còn ta đã tu với nhau, đã dự Phật-Thất niệm Phật với nhau, đã nghe pháp hộ- niệm… thì nhất định ta phải vãng-sanh. Xin khẳng định lập trường để đi, đừng để sơ suất.
Hộ-niệm là một pháp tu. Tu hành là để thành đạo. Mình hộ- niệm cho người ta thành đạo, rồi mình cũng nhờ đó mà thành đạo. Như vậy hộ-niệm là một pháp tu. Đúng không?… Mà đã là một pháp tu thì tự mình phải chịu trách nhiệm lấy tương lai của mình, không thể đổ thừa cho một người khác được. Giả sử, người khác có làm sai thì mình cũng không được quyền đổ lỗi cho họ.
Tại vì họ làm sai kệ họ. Còn hộ-niệm là một pháp tu thì tự mình phải nghiên cứu cẩn thận, tìm hiểu thấu đáo và phải tu cho đúng. Tu đúng thì làm sao mà sai. Cho nên sơ suất của ban-hộ-niệm chỉ là vấn đề khách quan. Chủ quan vẫn là trách nhiệm của người bệnh.
Sai trái chính yếu là do ở tại mình! Việc chủ động là người bệnh phải làm cho đúng trước đã.
Có một người bệnh điện thoại tới nhờ Diệu-Âm giới thiệu cho một ban-hộ-niệm. Diệu-Âm giới thiệu tới một ban-hộ-niệm thì vị đó hỏi:
- Ban-hộ-niệm đó có nhiều kinh nghiệm hay không?
Tôi nói:
- Ban-hộ-niệm này cũng có khả năng đưa anh vãng-sanh.
- Nhưng mà tôi không tin lắm đâu! Ban-hộ-niệm đó tôi thấy còn yếu lắm! Tôi không tin tưởng đâu. Hãy giới thiệu cho tôi một ban- hộ-niệm khác.
- Nơi đó có ban-hộ-niệm nào khác đâu? Chỉ có một ban đó thôi… Vậy thì dù gì anh cũng phải nương nhờ người ta chứ.
- Biết vậy, nhưng thực sự tôi cũng còn ngại quá.
Xin thưa thật với chư vị, khi nghe người bệnh nói những lời này, làm cho tôi bắt đầu thầm lo lắng cho anh rồi. Thầm lo lắng, nhưng dù sao cũng cố gắng khuyến tấn họ lên, chứ không dám nói lên tiếng “Lo”… Một người bệnh mời một ban-hộ-niệm tới để hộ- niệm cho mình mà chính người bệnh lại nói rằng… “Tôi ngại quá!… Vì ban-hộ-niệm này không mạnh đâu. Những người này không giỏi đâu. Khai thị không chính xác đâu. Còn yếu lắm”, thì ban-hộ-niệm đó dù có giỏi đi nữa cũng không đủ khả năng giúp người bệnh đó vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc được!
Như vậy nếu người bệnh này bị thất bại, thì chủ động chính là vì tâm hồ nghi của họ. Chính vì một người đã đến lúc sắp chết rồi mà vẫn còn chấp trước. Rõ ràng giờ phút này nói thẳng ra, tay đôi vật lộn không lại một đứa trẻ nít, mà còn khởi tâm khinh mạn nghĩ rằng ban-hộ-niệm này yếu, ban-hộ-niệm kia dở… thì còn ai có thể giúp được nữa đây? Thất bại có phải chăng do chính tại lỗi của người bệnh không?…
Một người biết tu hành thì không bao giờ đổ lỗi cho người khác. Nếu biết ban-hộ-niệm đó yếu thì đúng ra tự mình phải cố gắng niệm Phật hơn nữa… “À!… Người ta yếu thì có thể khai thị không rành, nhưng họ có tâm lo lắng cho mình là được, có họ bên cạnh hộ-niệm thì mình cũng được an tâm, vẫn được nhiều lợi lạc”… Phải có tâm tương kính như vậy mới tốt. Nghĩa là, người bệnh phải biết tận dụng tất cả lòng chân thành của mình để đón nhận cái tâm thành của ban-hộ-niệm.
Tâm có thành mới có thể được tương ứng với đại nguyện của đức A-Di-Đà. Lòng Chân Thành – Chí Thành – Chí Kính của người bệnh là điểm chính yếu để cảm ứng với đại nguyện của đức A-Di- Đà. Vấn đề này chính người bệnh phải cần đến, còn ban-hộ-niệm, dù thế nào đi nữa, cũng chẳng qua là trợ duyên, giúp đỡ, nhắc nhở cho mình niệm Phật mà thôi. Nên nhớ, các vị đi hộ-niệm đó chưa phải là người đến lúc phải đi vãng-sanh, thì các vị đó đâu cần gì được cảm ứng hay không cảm ứng! Đúng không?… Tất cả sau cùng đều trả về cho chính người bệnh mà thôi.
Phận sự của người hộ-niệm là phải chuẩn bị những tâm lý tốt để nâng đỡ tinh thần của người bệnh lên…
- Người ta đang khủng hoảng, mình phải làm cho họ không còn khủng hoảng nữa…
- Người ta đang sợ sệt, hãy giúp cho họ không còn sợ sệt nữa…
- Người ta đang sợ chết, giúp họ không sợ chết nữa, mà thèm đi vãng-sanh…
Đó là trách nhiệm của người hộ-niệm. Còn chính người đang nằm xuống đó, muốn cơ hội này được vãng-sanh Cực-Lạc để giải thoát cảnh sanh tử luân hồi, thì những kiến thức này tự mình phải nắm cho vững trước đi. Chúng ta đang nói với nhau đây toàn là nói chuyện với người đang còn khỏe mạnh, chưa phải tới lúc lâm chung. Còn khỏe thì phải lo nói trước đi chứ. Đúng không?… Nếu đợi đến lúc lâm chung rồi, thì nói làm sao cho vô nữa đây?… Lúc đó tai đã ù rồi. Mắt đã mờ rồi. Miệng đã cứng rồi. Hơi thở ra vô đã khó rồi. Tinh thần không còn tỉnh táo nữa thì làm sao nghe được lời nói này đây?!…
Cho nên, rõ ràng chúng ta đang nói chuyện với nhau là nói trong lúc chúng ta còn đang tỉnh táo này. Tất cả những chuyện này chúng ta cần phải dự bị hết. Khi đã dự bị trước, xin thưa thật với chư vị, khi lâm chung chỉ cần một người bên cạnh hộ-niệm cho mình, nhắc nhở mình cũng đủ rồi, cần chi phải mời cả một ban-hộ- niệm nhiều người dữ vậy?…
Xin thưa thực, nếu chư vị thực sự vững lòng vững dạ, thực hiện đúng như lời Phật dạy, thì cơ hội vãng-sanh có ngay trước mắt. Ví dụ như người nào còn sợ chết, nhất định từ nay đừng sợ chết nữa nhé. Hiểu được Phật pháp rồi thì biết rằng mình không có chết. Liệng cái túi thịt hư thì phải liệng, nhưng chết thì không chết. Không chết thì mắc mớ gì phải sợ chết?… Không sợ chết thì khi bệnh xuống, nhất định không được sợ bệnh nữa nhé. Chết mà không sợ thì sợ gì tới bệnh? (Hì-hì!…). Đúng không? Bệnh nhẹ nhẹ thì bình thường quá, có gì mà sợ? Còn bệnh nặng?… Bệnh nặng cũng không thèm sợ luôn… Tại sao vậy?… Bệnh càng nặng thì thời gian mình trở về Tây-Phương càng sớm. Về Tây-Phương sớm thì mình may mắn hơn những người chưa có bệnh. Cái tâm niệm này sẽ giúp cho chư vị sáng suốt, tỉnh táo, không bị khủng hoảng, trong kinh gọi là “Tâm Bất Điên Đảo”, để khi chư vị xả bỏ báo thân này, A-Di-Đà Phật và chư Thánh Chúng sẽ ứng hiện ra trước mặt chư vị và tiếp đón chư vị về Tây-Phương Cực-Lạc. Đây là lời Phật dạy trong kinh A-Di-Đà.
Nam Mô A-Di-Đà Phật.