Hộ Niệm Sơ Suất Của Người Bệnh – Tọa Đàm 24

Share on facebook
Share on twitter

SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH

(Tọa Đàm 24)

 

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Pháp hộ-niệm vãng-sanh rõ ràng đã ứng dụng từng điểm từng điểm trong kinh một cách cụ thể, giúp cho người hữu duyên thực hiện vững vàng để được vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Ở tại nước Đức này, Diệu-Âm vẫn giữ một ấn tượng rất cao với anh Trịnh-Văn-Hải. Ngày đó, tôi đi qua Đức hộ-niệm cho một người khác, nhưng vô tình lại gặp anh Trịnh-Văn-Hải. Chính mắt tôi không thấy anh ta vãng-sanh. Tôi chỉ nghe người hộ-niệm nói lại hiện tượng sau khi tắt hơi hơn 7 tiếng đồng hồ. Trước những ngày ra đi tôi có gặp anh đó. Tôi còn nhớ rất rõ cái kỷ niệm tôi bắt tay và xin làm anh em với anh. Anh sắp chết, tôi xin làm anh em với người sắp chết, để hy vọng anh có về Tây-Phương thì nhớ đến thằng em này… (Hì-hì!…). Tôi khôn quá!

Bên cạnh anh, có một quyển sách “Khuyên người niệm Phật” số 1 để trên bàn và một quyển kinh A-Di-Đà. Anh nói:

  • Trong những ngày sắp chết này, tôi mong sao gặp được cư sĩ Diệu-Âm.

Tôi nói:

  • Tôi đây chứ ai. (Hì-hì!…). Tôi là cư sĩ Diệu-Âm nè. Anh muốn gặp tôi, thì hôm nay gặp nhau tôi khuyên anh không nên đọc quyển sách “Khuyên người niệm Phật” này nữa.
  • Tại sao vậy?… Quyển sách này hay lắm mà.
  • Hay kệ nó! Không được đọc nữa. Tại vì quyển sách này chính là tôi viết cho cha mẹ tôi và những người có duyên để niệm Phật. Bây giờ anh sắp chết rồi, anh phải lo niệm Phật đi, còn đọc quyển sách này làm chi nữa?…

 

Anh nói:

  • Tôi đọc quyển sách này hay quá, cảm động nhiều khi tôi phải khóc.
  • Anh khóc đi!… Anh khóc cho nước mắt tuôn tràn cả biển Nam- Hải thì cũng chưa chắc gì anh được về Tây-Phương đâu. Đúng không?… Phải niệm Phật mới về Tây Phương được chứ.

Rồi tôi cầm quyển kinh A-Di-Đà lên nói:

  • Còn kinh này thì sao? Anh có tụng không?
  • Có.

Tôi nói:

  • Bây giờ anh tụng kinh này cũng không còn hiệu quả nữa rồi. Anh hãy để kinh này xuống, ngày đêm lo niệm Phật đi!

Anh nói:

  • Tại sao vậy?…
  • Tại vì kinh này là do đức Bổn Sư Thích-Ca-Mâu-Ni Phật dạy cho anh niệm Phật để vãng-sanh Tây-Phương. Anh niệm câu A-Di- Đà Phật tức là anh tụng cả bộ kinh này rồi. Anh đã sắp chết rồi mà còn tụng, thì lúc chết làm sao anh tụng được?… Làm sao anh cầm nổi được cuốn kinh lên mà tụng?… Để xuống đi. Quyết lòng niệm Phật cầu về Tây-Phương đi. Vững vàng mà đi. Anh hứa hay không?…

– Hứa!…

  • Tốt!… Hứa được vậy thì tôi xin bắt tay để kết làm anh em với anh.

Khoảng một tuần sau thì anh ra đi. Ngày ra đi, anh yêu cầu những cô y tá rút hết tất cả những ống ra… Hay vô cùng, không ai dạy anh mà anh làm được chuyện đó. Đây là một điều hay. Anh nhờ rút hết các ống ra trước khi anh đi. Anh đi xong rồi, các vị y tá nghe lời dặn, để im thân xác anh như vậy, đắp mền lại rồi kêu những vị hộ-niệm cách đó mấy trăm cây số, khoảng hơn 2 tiếng đồng hồ sau mới tới hộ-niệm cho anh. Mấy người đó hộ-niệm như thế nào tôi không biết. Khi anh ra đi, 7 tiếng đồng hồ sau, thân tướng vẫn đẹp, vẫn mềm, không cứng. Không biết có ai thăm hơi nóng gì không?… Tôi không biết, chỉ nghe nói lại, các người y tá nói rằng:

  • Trời ơi!… Mấy vị cầu nguyện sao mà hay vậy?… Thường thường 4 tiếng là thân xác cứng ngắc rồi.

Sau 7 tiếng mà thân tướng đẹp, mềm mại. Bất khả tư nghì!… Tại vì sao?… Tại vì anh đó đã tin tưởng quá mạnh. Lòng tin của anh mạnh lắm, anh rất tha thiết được vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Anh là người đi đúng đường. Một câu A-Di-Đà Phật anh đã đi thẳng.

Chư vị thấy không? Một pháp tu vô cùng đơn giản. Một phần thưởng vô cùng quý giá cho những người nào:

  • Biết “Tin” cho vững.
  • Biết tha thiết “Nguyện” vãng-sanh.

-Và biết “Chấp Trì” câu A-Di-Đà Phật cầu về Tây-Phương Cực- Lạc.

  • Chứ không phải là phần thưởng cho những người nghi ngờ…
  • Không phải là phần thưởng cho những người không ..
  • Không phải là phần thưởng cho những người sợ chết…
  • Không phải là phần thưởng cho những người có tu nhiều mà không biết đường nào là ngắn, đường nào là dài, đường nào là khó, đường nào là dễ. Nghĩa là còn mập mờ trên con đường tử-tử sanh-sanh…

Xin thưa với chư vị, khi mình nói đến hộ-niệm vãng-sanh, thì chữ “Hộ-Niệm” này là nhắc nhở cho biết rằng chúng ta là sanh tử phàm phu, tội chướng sâu nặng. Sự thực này phải xác định ngay từ bây giờ đi. Nếu chư vị nào còn nghĩ rằng: “À!… Ông đó là hàng phàm phu, còn ta thì ngon hơn…”. Nếu chư vị tự cho là ngon, thì nhiều lắm cái “Ngon” này là ngon đối với phàm phu, chứ không ngon được gì với những vị đã vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc đâu. Thì thôi, mình đã lỡ cho là ngon lành cũng được, bây giờ hãy cố gắng để được vãng-sanh cho ngon lành nữa đi, đứng cò cò một chân mà đi nhé… Muốn đứng cò cò một chân để vãng-sanh thì phải nhớ câu này trong kinh Vô-Lượng-Thọ: Phát Bồ-Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm A-Di-Đà Phật cầu sanh bỉ quốc.

 

Những người thượng căn thượng tánh họ đứng một chân để mà đi

… Còn mình nếu đứng một chân sợ té, thì đứng hai chân cũng được, tốt hơn, khỏi té đúng không?… (Hì-hì!…). Đã nói ngon thì phải biểu diễn như vậy mới được.

Chứ nếu miệng nói ngon mà không biết đường tu, không chịu nương vào câu A-Di-Đà Phật thì nhất định cái ngon đó chỉ là ngon trong lục đạo luân hồi!… Cái ngon đó chỉ vì một số phước-báu nào đó của đời trước lưu lại mà hưởng đó thôi, chứ sau đó thì trụi lủi!… Ví dụ, anh có chiếc xe Mercedes, anh có chiếc xe Audi, anh có chiếc xe Porsch… thì chắc chắn anh ngon hơn những người không có xe. Nhưng khi nằm xuống rồi, anh không đem cái xe hơi đó theo được đâu. Anh không đem khối tài sản theo được đâu. Mà anh được đem cái gì nào?… Đem theo cái khối nghiệp nặng nề qua đời khác để chịu nạn! Vì đời này anh không biết tu nên nghiệp anh khá nặng! Trong khi những người mình chê họ dở, họ cũng có một khối nghiệp đó, nhưng mà họ khôn ngoan, họ biết niệm Phật, họ biết cách đem cái khối nghiệp đó để trên con thuyền Bát-Nhã của A-Di- Đà Phật, Ngài đưa lên bờ giác, một đời thành đạo.

Xin thưa với chư vị, bây giờ làm sao để tránh cho được những ách nạn khi lâm chung đây?… Hồi sáng chúng ta đã nhắc những chữ của Hòa Thượng Tịnh-Không ghi lên câu liễng kia. Mấy chữ này hay lắm. Đầu tiên là Khán phá. “Khán phá’’ là gì?… Là “Nhìn Thấu”. Phải nhìn thấu chỗ này:

  • “Nhìn Thấu” thứ nhất là mình đang ngồi đây nhưng một ngày nào đó mình phải chết…
  • “Nhìn Thấu” thứ hai là khi chết, đó là cái thân ta chết chứ mà chính ta không chết.
  • “Nhìn Thấu” thứ ba là sau khi chết, ta còn có đời
  • “Nhìn Thấu” thứ tư là ta có đời này, ta có đời sau, thì ta cũng có đời trước… Đây là vấn đề sanh tử luân hồi!

Những người tu mà muốn tìm cầu sự chứng đắc, thường thường họ cũng có chứng đắc được đó… Ví dụ nhiều người biết được đời trước của mình. Họ nói, tôi biết được đời trước của anh là như thế này, như thế nọ… Có người gặp tôi nói rằng, tôi biết đời trước của anh là ai đó… Bây giờ tôi hướng dẫn cho anh cái pháp tu này hay lắm, anh tu thì chứng liền…

Đâu có chuyện chứng đắc gì mà dễ vậy!… Mà chứng đắc cái đó để làm chi?… Tổ Thiện-Đạo nói: Dẫu cho chư Phật trên mười phương, chư đại Bồ-Tát phóng đại quang minh bao trùm vũ trụ, mà bảo ta bỏ câu A-Di-Đà Phật, ta nhất định không bỏ”. Thì dễ gì tôi lại đi tin một người đang ở trong cảnh sanh-sanh tử-tử này mới nói một câu mà tôi lại bỏ câu A-Di-Đà Phật!… Đúng không chư vị?… Bạn nhìn thấu được kiếp trước của tôi thì chắc bạn cũng nhìn thấu được kiếp trước của bạn chứ? Bạn thấy được gì trong đó? Đúng hay sai? Dù có đúng đi nữa, thì biết được một đời phù du trong vô lượng kiếp có gì là hay mà khoe rằng chứng đắc!… Còn tương lai thì sao?… Nếu bạn không nhìn thấu được kiếp sau của bạn là gì thì thua rồi!… Chết rồi!… Còn chúng ta bây giờ không cần biết kiếp trước là gì cả, nhưng chúng ta đang đi con đường niệm Phật để vững vàng vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Chúng ta biết đời sau chúng ta sẽ ở trên cõi Tây-Phương Cực-Lạc, chúng ta thành đạo, chúng ta sẽ biết được vô lượng kiếp về trước, chúng ta biết được vô lượng kiếp về sau… Chúng ta ngon hơn nhiều. (Hì- hì!…). Chư vị nghĩ thử có đúng không?…

Cho nên xin chư vị, chúng ta phải giữ vững niềm tin, đừng nghe những lời nói lòe loẹt bên ngoài mà đi theo con đường trồi lên trụt xuống, hụp lặn trong cảnh tử-tử sanh-sanh, coi chừng lạc mất con đường thành đạo, oan uổng vô cùng!…

Rõ ràng cơ hội vãng-sanh có trước mặt tất cả chư vị, ai cũng có hết. Một người mình đến hộ-niệm cho họ một vài ba ngày, chỉ cần khuyên nhắc, hướng dẫn mà họ vẫn có thể vãng-sanh Tây- Phương được, huống chi là chúng ta. Chúng ta chủ động khuyên người ta, tại sao không chủ động khuyên lấy mình?… Khuyên gì đây?… Niềm Tin!… Niềm tin nhất định không được chao đảo. Không bao giờ có chuyện mười phương chư Phật phóng đại quang minh nói những lời sai lầm bảo mình phải bỏ câu A-Di-Đà Phật đâu. Chỉ có những hàng phàm phu chúng ta không hiểu đạo, cứ chạy tìm những thứ vô thường, hão huyền của thế gian, rồi chấp vào sự sai lầm đó mà tưởng là ngon nên đành bỏ mất con đường giải thoát đó thôi!…

Khi tâm chúng ta vững vàng như vậy, thì tự nhiên tất cả những nguồn tin từ bên ngoài đưa vào chúng ta sẽ coi nhẹ vô cùng, nhẹ như gió thoảng qua tai, tâm chúng ta không còn chao đảo nữa. Phải giữ cái tâm không chao đảo này từ bây giờ cho đến ngày xả bỏ báo thân nghe chư vị. Đó là điểm đầu tiên xin nhắc nhở, hy vọng chư vị có thể tránh được nhiều ách nạn trong cuộc đời tu hành, cầu mong cho chúng ta đều được thuận buồm xuôi gió đi về Tây-Phương gặp A-Di-Đà Phật.

Cái điểm thứ hai là từ chỗ “Nhìn Thấu” đó, Phật lại dạy chúng ta: Tất cả đều do tâm tạo. Tâm ở đâu?… Có ai biết tâm ở đâu không?… Thôi!… Hỏi làm chi để phải suy nghĩ cho mệt óc, nhức đầu! Hãy đơn giản lại. Cái ý niệm của mình là như thế nào?… Cái ước muốn của mình là gì?… Cái cầu mong của mình là sao?… Những điều này là đại diện cho cái “Tâm” của mình đó. Dễ hiểu không?… Có nhiều người thích diễn tả tâm này tâm nọ… chi mà mệt quá đi!… Làm rối tung lên hết!… Ý muốn của mình là gì?… Ý muốn của chư vị là muốn vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, thì ngồi đây niệm Phật, nhưng cái tâm của chư vị đã gởi lên đài sen trên cảnh Tây-Phương Cực-lạc rồi. Nếu ý niệm này nhất định không thay đổi, niềm tin vững, ý nguyện vãng-sanh tha thiết, là đủ cho chư vị vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc rồi đó. Không khó đâu. Chỉ khó là ở những người không tin. Chỉ khó là ở những người không nguyện vãng-sanh.

Có người nói:

Trời ơi!… Con kiến còn sợ chết, mình làm người mà cứ đòi chết!… Đòi chết hoài!….

Nói câu này thật đúng là lầm lẫn! Đây là con đường vô tử vô sanh. Vô tử mà lại cho là chết sao? Sai lầm!… Vì không hiểu được đạo lý vãng-sanh nên nhiều người đã học Phật mà không dám nguyện vãng-sanh!

  • Không nguyện vãng-sanh thì dù có nói tin tưởng cho mấy đi nữa, sau cùng cũng không được vãng-sanh.

 

  • Có nguyện vãng-sanh mà không có lòng tin, thì nguyện cho long hầu bể họng đi nữa cũng là nguyện dối!…

Chữ “Nguyện” nó bao chữ “Tín”. Chữ “Tín” nó gồm chữ “Nguyện”. Đã tin một thì phải tin tất cả. Những người ngày nào cũng đọc câu: “Nguyện sanh Tây-Phương Tịnh-Độ trung… ’’, nhưng vừa ngã bịnh xuống thì sợ chết, thì lời nguyện vãng-sanh này là nguyện dối rồi đó!

  • Chị nguyện dối rồi!…

Nghe pháp này, pháp nọ… Niệm A-Di-Đà Phật còn hơn người ta nữa… Nhưng vừa ngã bệnh xuống thì tâm hồn chới với! Thần sắc nhìn thấy bất an! Đang sống giữa thực mà tâm mơ hồ như đang ở trong mơ, bàng hoàng như đang trong cơn ác mộng. Bạn không còn thần khí nữa, nhìn thấy biết liền.

Như vậy, bạn tu hành trong mấy chục năm qua là tu thử, là tu giỡn, là tu dối… Thấy người ta tu mình cũng tu, nhưng tu mà không biết đường đi rõ rệt. Vì thế, tu đúng đường hay không đúng không phải ở tại hình thức, không phải mặc áo tràng này đi vào đạo tràng là đúng đâu. Mà đúng đường là tự mình phải biết rõ đường đi hướng về. Ví dụ Niệm Phật thì điểm đầu tiên là niềm tin, tự mình phải trả lời câu này: Niềm tin có vững chưa?… Nếu niềm tin đã vững thì tại sao lại hỏi:

  • Ở chỗ kia người ta nói rằng tu theo cách này hay quá. Ở chỗ nọ tu theo pháp kia hay quá. Như vậy mình có cần thêm vào hay không?… Mình có cần tu theo pháp đó cho được lợi ích rồi mới niệm Phật vậy.

Chỉ cần hé mở một ý tưởng này, thì cũng biết rõ tâm mình đã bị chao đảo rồi. Niềm tin đã bị thối chuyển rồi. Sự thối chuyển này đã âm thầm nhen nhúm trong tâm, trưởng dưỡng dần, chờ đến khi gặp nạn thì lập tức ứng hiện. Ngã một cơn bệnh nặng thì biết liền lập tức. Khi đối diện với cảnh lâm chung, người ta tới hộ-niệm, thì mình:

  • Nhức đầu quá chư vị ơi !… Thôi đi về đi cho rồi!…

Tại sao vậy?… Vì khi hộ-niệm người ta khai thị như vầy:

  • Bác ơi !… Quyết lòng đi về Tây-Phương nhé…

 

Mà vừa nghe đến tiếng “Đi về Tây-Phương”, thì sợ muốn chết luôn!…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

HỘ NIỆM NHỮNG SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH (2012)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –