Hộ Niệm Sơ Suất Của Người Bệnh – Tọa Đàm 22

Share on facebook
Share on twitter

SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH

(Tọa Đàm 22)

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

Đừng làm việc sai lầm!… Có những người hộ-niệm mà làm việc sai lầm, ví dụ thấy người bệnh này sao mà sống dai dẳng quá mới khuyên họ bớt ăn bớt uống lại. Nhịn ăn để chết sớm. (Hì-hì!…). Sai lầm!…

Phải cho người bệnh ăn uống cẩn thận, đến khi người bệnh không ăn được nữa thì mới thôi. Ăn những gì dễ tiêu thì tốt. Còn nước thì chú ý cho uống thường xuyên. Có nước giúp người bệnh tỉnh táo, thoải mái, để ngày giờ ra đi người ta tỉnh táo theo A-Di-Đà Phật. Đừng để phải khát nước mà hôn mê bất tỉnh đi theo oan gia trái chủ, thì bị nạn đấy.

Tu hành chúng ta cần xác lập ý chí vững vàng. Sống chết là lẽ tự nhiên, nhưng khi ta đã biết đường vãng-sanh thì phải tự mình làm cuộc cách mạng tư tưởng cho vững vàng. Thế gian này tìm đâu ra người biết được đạo lý này?… Muốn tâm hồn thanh tịnh thì nhất định phải coi nhẹ mọi sự, sống thoải mái, đừng nên quá lo âu.

Trong những ngày qua có một cháu tới than với tôi:

  • Bác ơi!… Sao nghiệp chướng của con nhiều quá à!…

Tôi nói:

  • Con lo như vậy để làm chi? Thôi đừng nói chuyện này với Bác nữa nhé. Nếu con nói làm cho Bác lo nghĩ đến nghiệp chướng của Bác nữa thì Bác chết luôn, tại vì nghiệp của Bác có thể lớn hơn nghiệp của con!…

Phàm phu thì ai mà không có nghiệp chướng, đó là cái nạn chung của chúng ta mà. Thôi, không sợ nữa nghe chư vị. Nhất định không lo sợ nữa, vì pháp môn niệm Phật tự nó đã có cách đối trị với nghiệp chướng của ta rồi. Đối trị bằng cách nào?… Thay vì mình than thở, lo sợ tới nghiệp… thì giờ đây hãy lo niệm câu A-Di- Đà Phật đi.

Hồi sáng này, có người nói:

 

  • Con hay nóng giận lắm!… Con lo sợ bị mất hết phước-đức rồi!…

Biết vậy là khá lắm đó. Thôi cố gắng tập tánh nhẫn nhường đi. Nếu lỡ giận thì giận một chút thôi nhé, rồi ngay lập tức phải ngừng đi, mau mau sám hối liền… Mình là phàm phu thì làm sao tránh khỏi sơ suất, đúng không?… Nhiều lúc mình muốn bỏ mà bỏ không được thì làm sao đây?… Sân giận phá mất công đức. Công đức đã bị phá rồi, mà còn lo buồn nữa thì càng mất thêm công đức chứ có ích lợi gì. Thôi!… Không lo nữa mà hãy tập niệm câu A-Di-Đà Phật, lấy câu A-Di-Đà Phật này mà xử lý cơn giận đi. Xử lý từ bây giờ, xử lý luôn cho đến ngày lâm chung. Đó là cách trị cơn giận, chứ không phải lo lắng là mình hết giận…

Ba thứ chất độc Tham, Sân, Si nếu không biết cách xử lý, nhiều khi nó theo mình cho đến ngày mình lâm chung đó, chứ không phải thường đâu. Nhưng với phương pháp niệm Phật ta có cách sám hối đặc biệt hay ho vô cùng. Đó là, một tập khí nổi lên hãy mau mau niệm Phật liền. Hãy tập như vậy, thì bất cứ lúc nào ta cũng có thể đối trị được.

Ví dụ, mình tức giận một người nào, biết rằng mình sai, nếu nghĩ rằng để về tới đạo tràng rồi sẽ sám hối thì tiêu rồi!… Mình tiêu rồi!… Tiêu rồi!… Không thể áp dụng phương pháp này được. Từ lúc giận, giận cho đã cơn sân giận, giận cho về tới đạo tràng, thì còn gì nữa mà sám hối?!… Công đức đã đốt trụi lủi rồi, thì sám hối cũng khỏi cần luôn… Đúng không?… Muốn sám hối thì tập ngay lúc đó phải niệm Phật liền. Đang đi xe đạp giữa đường cũng niệm Phật liền đi. Đang lái xe hơi cũng niệm Phật liền đi. Niệm Phật mà cơn giận vẫn còn thì sao?… Kệ nó!… Nó giận cứ để nó giận, phận mình cứ lo niệm Phật, đừng nghĩ tới nó làm chi… Tiếng Phật hiệu sẽ mau chóng đè cơn giận xuống, tiêu cơn giận đi. Đơn giản!… Đã là phàm phu thì chấp nhận nghiệp chướng nó đeo sát bên mình. Nó đeo mãi, đeo từng sát-na một, nó không để cho mình yên một giây đâu, thì ta phải tập niệm Phật, niệm mãi đừng để gián đoạn quá lâu.

 

  • Có người nói tôi không tham, nhưng thật sự vừa mới nói hết câu, thì tâm tham liền khởi lên rồi!…
  • Có người nói tôi không ghét ai, nhưng vừa thấy người kia đứng trong hàng nghiêng nghiêng xẹo xẹo một chút là thấy ghét rồi!…
  • Người ta vừa mới răn nhắc đó, nhưng sau một giây đồng hồ thì mình lại tái phạm nữa rồi!…

Như vậy thì bây giờ làm sao đây?… Thực tế hiện tượng này rất thường xảy ra đối với một người phàm phu tục tử. Chúng ta là phàm phu thì phải chấp nhận rằng mình thường phạm phải lỗi lầm. Biết vậy rồi thì cứ lo niệm Phật cho nhiều đi… Bây giờ mình còn tỉnh táo, mình niệm Phật nhiều mong cho công đức dư thừa ra, để dự trữ dùng cho lúc thiếu hụt… Lúc nổi giận là lúc thiếu hụt đó. Hãy tập niệm Phật cho nhiều để bù qua sớt lại những lúc thiếu hụt đó. Công đức và lỗi lầm có luật bù trừ, thật sự là một sự bù trừ lẫn nhau. Câu A-Di-Đà Phật đưa vào trong tâm của mình càng nhiều thì càng đuổi lần… đuổi lần… nghiệp chướng ra. Nghiệp chướng không dễ gì đuổi nó một ngày mà hết đâu. Đừng nên gấp quá không tốt. Hãy tập đuổi hằng ngày, từ bây giờ cho đến lúc lâm chung…

Chính ví vậy khi tu hành, điểm thứ nhất là đừng bao giờ nghĩ về quá khứ sai lầm của mình. Quá khứ đã qua rồi, không quay trở lại được. Bắn chim nè, suốt cá nè, giết hại sinh vật đủ thứ… bây giờ đừng nghĩ tới nữa… Nghĩ tới thì bị vướng vào đó, những nghiệp nhân này nếu gặp duyên mà khởi lên, nó kéo mình vào trong ác đạo. Thế là tiêu rồi!… Tiêu rồi!… Tiêu rồi!… Vậy thì chúng ta phải nghĩ gì đây?… Tu hành là bắt đầu từ đây hướng về tương lai. Tập ăn ở hiền lành, hãy dùng cách nói của ngài Ấn-Quang đại sư là “Tận Phận” mà tu, chứ không nên tu theo đường đoạn nghiệp. Đoạn nghiệp chúng ta làm không được. Làm không được thì mắc mớ gì mà ráng làm để cho nhức đầu dữ vậy.

Tận phận là sao?… Làm vợ thì tròn bổn phận của người vợ. Chứ tận phận không phải là khi biết chút đạo rồi cứ lo niệm Phật, ông chồng leo lên giường thì mình đạp ổng xuống. Đạp ổng thì ổng đạp lại chứ đâu có thua gì. Tận phận kiểu này thì tạo phiền não rồi. Thật sự, có người khi biết tu chút ít rồi, tưởng mình ngon lành cứ lo việc đi chùa, đi chùa riết cả tháng, không thèm về nhà chăm sóc con cái. Ngộ đạo cao quá nên xem thường chuyện thế gian, bỏ bê chuyện gia đình… Vợ chồng sanh ra đánh lộn nhau… Tu hành gì mà kỳ vậy?!… Đó gọi là không tận phận.

Tự đoạn diệt nghiệp chướng thì hàng phàm phu chúng ta làm không được, nên ngài Ấn-Quang mới dạy cho chúng ta cái phương pháp tận phận. Tận phận là phận của ông chồng cứ lo việc của ông chồng, phận của người vợ cứ lo việc của người vợ, phận của người đi làm cứ lo người đi làm… Làm xong phận sự của mình thì dành thời giờ niệm Phật. Đơn giản, dễ dàng!… Rồi sao nữa?… Những gì chúng ta đã làm sai lầm trong quá khứ thì lo sám hối, như hồi sáng này mình lạy Phật tức là sám hối đó. Sám hối bằng câu A-Di-Đà Phật.

Có nhiều người tới Đạo-Tràng thì niệm Phật, về nhà thì tụng Lương-Hoàng-Sám để sám hối. Hỏi rằng được không?… Tôi nói, tốt quá chứ sao không được. Nhưng vãng-sanh thì khó đấy. Sám hối cách đó chỉ nhắm đến “Tiêu Nghiệp”. Tiêu được chút nào thì có thể hưởng phước chút đó, chứ không nhắm đến “Đới-Nghiệp” vãng-sanh. Trong khi sám hối bằng câu A-Di-Đà Phật được không?… Được chứ. Nhưng niệm Phật còn hàm ý đới nghiệp vãng-sanh. Nghiệp thì cũng có thể tiêu, tiêu được bao nhiêu thì tiêu, còn lại bao nhiêu thì nhờ câu Phật hiệu bao lại, phủ lại, phục lại, để mình vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ: “Nam Mô A-Di-Đà Phật, xin Phật cho con về Tây- Phương Cực-Lạc”. Chí thành chí kính mà nguyện thì Phật cho đem cái khối nghiệp đó về Tây-Phương. Thật ra đâu phải chúng ta đem cái khối nghiệp đó về Tây-Phương, mà đem cái khối nghiệp đó chôn dưới nấm mồ theo xác thân của mình, còn chính mình thì về Tây-Phương bằng cái Chân-Tâm Tự-Tánh. Về Tây-Phương Cực- Lạc rồi mới quán chiếu trong mười phương pháp giới chúng sanh, vô lượng kiếp mình làm điều gì sai, bắt đầu đi cứu độ chúng sanh mà trả nghiệp. Tuyệt vời vô cùng!… Vậy mà sao không chịu đi?…

 

Đến bây giờ vẫn còn nhiều người mơ tưởng tới chuyện tiêu trừ hết nghiệp chướng. Thật là vọng tưởng!… Một vị A-La-Hán chỉ có phá được Kiến-Tư-Hoặc, còn Trần-Sa-Hoặc, Vô-Minh-Hoặc chưa phá nổi. Các Ngài phải truân chuyên trải qua vô lượng kiếp nữa chưa chắc gì phá được. Mình là phàm phu tục tử mà cứ đòi phá hết nghiệp, thì làm sao phá nổi? Thật là vọng tưởng!…

Cho nên tu hành cần phải biết khế-lý khế-cơ mới được. Làm lành thì phải làm, đừng tạo thêm nghiệp ác nữa, mà lỡ có tạo thêm nữa thì cũng đừng quá đau khổ, tại vì mình là phàm phu mà, tránh sao cho được sai lầm. Thôi thì, bây giờ một lần làm sai thì tự phạt mình niệm: “A-Di-Đà Phật… A-Di-Đà Phật…” 10.000 câu. Niệm

10.000 câu A-Di-Đà Phật thì coi như ta đã sám hối rồi đó. Câu Phật hiệu có năng lực phá tan nghiệp chướng. Thành tâm niệm một câu Phật hiệu như vậy phá được 80 ức kiếp nghiệp chướng sanh tử trọng tội. Chỉ vì mình không chí thành niệm Phật, nên nghiệp chướng tràn trề, mình đi về Tây-Phương cũng khó khăn vô cùng.

Thời gian thấy vậy mà nhanh quá, sắp hết giờ rồi.

Xin chư vị hãy nhớ cho, đường đi về Tây-Phương đơn giản vô cùng, tự mình đừng có loại khả năng vãng-sanh của chính mình nhé. Đừng bao giờ khởi một niệm nghi ngờ. Chỉ cần một cái niệm nghi ngờ khởi ra, nó có thể duyên tới rất nhiều mối nghi ngờ khác, làm cho khối nghiệp chướng trong quá khứ tràn lên ngăn chận mất con đường vãng-sanh của chính mình.

Niệm Phật nên cần chuyên nhất, nhất định đừng nên xen tạp, đừng vay mượn nhiều quá. Người nào vay mượn càng nhiều, càng tu xen tạp, sau cùng càng khó vãng-sanh.

Kinh nghiệm trong khi hộ-niệm cho thấy, một người bệnh tự khoe rằng đã đọc đủ thứ kinh, thì người đó rất khó vãng-sanh. Ngày hôm qua có người đến nói:

Tôi bây giờ kinh kệ quên rồi, đọc tụng không được nữa. Tôi niệm Phật có được vãng-sanh không chú?

Tôi xin thành tâm chúc mừng. Buông xuống tất cả, bây giờ gặp câu A-Di-Đà Phật hãy đi thẳng một mạch, nhiều khi có thể đứng mà vãng-sanh. Ông Cô-Lô-Giang là một người vá chảo, không biết chữ nghĩa gì hết, gặp một người bạn cũ của mình là Hòa Thượng Đế- Nhàn quê ở cùng một làng. Hai người là bạn với nhau từ tấm bé, bây giờ một vị làm Hòa-Thượng, một người đi vá chảo, dốt đến nỗi một chữ cũng không biết, thế mà đòi xuất gia. Ngài Đế-Nhàn cạo tóc cho ông, nhưng không cho thọ giới, rồi dạy ông tới cái miếu đó an cư niệm Phật. Ngài bảo ông cứ niệm “Nam Mô A-Di-Đà Phật” là đủ rồi. Niệm Phật 3 năm ông đứng vãng-sanh. Niệm Phật cầu vãng- sanh mới vãng-sanh, chứ không phải nghiên cứu nhiều mà được vãng-sanh.

Chính vì thế, niệm Phật cần phải chuyên nhất. Hồi giờ mình tu tạp nhiều quá chỉ vì mình chưa biết đường về Tây-Phương. Bây giờ biết đường đi về Tây-Phương rồi, thì hãy lái chiếc xe thẳng theo con đường về Tây-Phương đi, đừng lái lòng vòng đường Đông-Phương, Nam-Phương, Bắc-Phương nữa. Cứ thẳng một đường mà đi, thì chiếc xe của mình sẽ tới đích nhanh lắm. Còn chạy lòng vòng, muốn tham quan khắp nơi thì lâu tới lắm. Hơn nữa, coi chừng hết xăng giữa đường thì chết. Xin nói thật với chư vị đấy.

Còn một điểm cần nhắc nữa là không gián đoạn. Xin thưa thật, niệm Phật gián đoạn cũng dễ chết lắm đó. Gián đoạn chính là do niềm tin yếu. Đa tạp cũng chính vì niềm tin yếu. Tất cả đều đổ dồn cho cái tội niềm tin yếu ớt mà ra. Nếu đã phát niềm tin vững mạnh, thì một câu A-Di-Đà Phật là đầy đủ rồi, khỏi cần nghiên cứu đến tam tạng kinh điển nữa. Vì sao vậy? Vì tam tạng kinh điển của Phật nói ra để cho chúng sanh tu tập giải thoát thành đạo, thì niệm một câu A-Di-Đà Phật là đường ngắn nhất để thoát ly sanh tử luân hồi, vãng- sanh về Tây-Phương thành đạo. Muốn “Trực chỉ nhân tâm, minh tâm kiến tánh, kiến tánh thành Phật” thì niệm một câu A-Di-Đà Phật là con đường ngắn nhất đi thẳng vào Chân-Tâm Tự-Tánh, một đời thành đạo. Vậy thì còn tìm đường nào khác nữa làm chi?…

Cho nên, vạn kiếp tu hành rồi nhờ cái phước-báu đó đến ngày hôm nay chúng ta mới gặp được cơ hội này. Xin thẳng thắn nói rằng, nếu cơ hội này mà chúng ta bỏ qua nữa, một khi bị nạn rồi thì chư Phật mười phương cũng đành chịu thua. Thời mạt pháp rồi, không còn có cơ hội nào khác có thể cứu chúng ta được. Xin nhớ như vậy.

Chư vị biết không trong 10 kiếp qua, ở cõi Tây-Phương chúng sanh từ trong 10 phương pháp giới vãng-sanh về đó nhiều đến nỗi bây giờ không còn cách nào đếm được nữa. Chư vị nghe cho kỹ đi, không có quốc độ nào mà lạ lùng như quốc độ Tây-Phương Cực- Lạc của A-Di-Đà Phật, chỉ có 10 kiếp thôi, từ khi Ngài thành đạo, mà bây giờ đây nếu mà có một người nào biết được số lượng của những vị phàm phu khắp nơi trở về trên Tây-Phương thành Bồ-Tát bất thối, thì A-Di-Đà Phật thề không thành Phật. Để chư vị nắm cho vững, trong kinh Vô-Lượng-Thọ Phật nói rõ ràng, không phải chỉ một người đếm đâu nghe, mà dẫu chúng sanh trong tam thiên đại thiên thế giới, nghĩa là tất cả chúng sanh trong cõi Ta-bà này nè cùng nhau đếm, nếu đếm được thì A-Di-Đà Phật thề không thành Phật.

Quý vị có biết trong tam thiên đại thiên thế giới là bao lớn không?… Vị nào biết được xin nói đi… Chỉ riêng quả địa cầu này thôi, chư vị có biết chúng sanh là bao nhiêu chưa?… Nếu chỉ đếm người thì có thể được, chứ còn con rắn sao không đếm vô, còn chuột, muỗi, thằn lằn, cá, v.v.. tất cả đều là chúng sanh hết. Nhiều vô lượng vô biên. Chỉ trong một quả địa cầu này thôi mà mình đếm không hết rồi, huống chi nói là trong tam thiên đại thiên thế giới. Một thế giới của Phật là cả một dãy ngân hà. Trong kinh Vô-Lượng-Thọ Phật nói, giả sử tất cả những chúng sanh trong tam thiên đại thiên thế giới đều trở thành bậc Duyên-Giác hết, có thần thông đạo lực như Đại-Mục-Kiền-Liên cùng nhau tính đếm nhân số chúng sanh đã vãng-sanh về Tây-Phương thành đạo, dù cho đếm trong vô lượng kiếp, mà đếm ra được, thì A-Di-Đà Phật thề không thành Phật.

Chư vị nghĩ thử coi tại sao nhân số nhiều như vậy? Tại vì cái năng lực độ sanh của A-Di-Đà Phật quá vĩ đại. Ngài đã chuẩn bị tất cả năng lực của Ngài để cứu độ chúng sanh. Người vãng-sanh về Tây-Phương quá dễ. Vì quá dễ như vậy, cho nên người nào tin vững là được đi. Vững tin là đi được. Tin thì quá dễ phải không? Đâu có tốn đồng Euro nào. Tin Phật không tốn một Euro mà mà được giải thoát lại không chịu tin, mà cứ tin những gì bậy bạ tốn quá nhiều tiền, chi phí cả ngàn Euro mà cũng nhào vô tin!… Tin xong rồi, sau đó kiểm lại thì trật lất.

Mong sao từ đây chư vị bắt đầu hạ thủ công phu, tin liền. Khi chư vị tin vững rồi, thì bất cứ một người nào tới hộ-niệm cho chư vị, chư vị cũng được vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Việc này được chứng minh, cách đây khoảng một năm rồi, một vị theo Thiên- Chúa Giáo, 57 tuổi, bị chứng bệnh ung thư, sợ ơi là sợ!… Nhà thờ thì không giải quyết được gì, cứ chờ chết rồi đến cầu nguyện. Tới các chùa, thì chùa cũng nói khi nào chết rồi mời Thầy tới cầu siêu. Gặp ban-hộ-niệm của đạo tràng Liên-Hoa, người ta chỉ cho phương pháp Niệm-Phật vãng-sanh. Nhân dịp Diệu-Âm tới đó nói chuyện hộ-niệm, chính người chồng dẫn người vợ tới nghe, khung cảnh nói chuyện cũng tương tự như thế này. Khi thấy ông chồng dẫn bà vợ vô, thì Diệu-Âm nói thẳng tới hoàn cảnh của họ liền. Tôi nói chư vị theo Thiên-Chúa-Giáo cũng được, theo đạo Bà-la-môn cũng được, xin quý vị hãy tin đi, niệm câu A-Di-Đà Phật liền đi, quý vị sẽ có cơ hội thấy được điều vi diệu bất khả tư nghì. Diệu-Âm nói thẳng tới hoàn cảnh của họ. Bà vợ quyết tâm tin tưởng, người chồng cũng hỗ trợ. Họ mời tôi tới nói chuyện. Tôi hỏi:

– Chị tin không?

Bà nói:

Tôi tin!…

– Quyết định đi vãng-sanh phải không?

  • Quyết định đi.
  • Không còn sợ chết nữa phải không?
  • Không sợ chết nữa.
  • Tốt lắm rồi!…

Tôi hướng dẫn chị niệm Phật cầu vãng-sanh. Tôi nói:

  • Chị cứ làm y hệt như vậy nghe, nhất định không thay đổi.

Rồi tôi dặn những người trong ban-hộ-niệm cứ theo đó mà hộ- niệm, không còn cái gì khác nữa. Tôi thấy bà đó phát tâm mạnh mẽ quá. Tôi nói thẳng liền, hy vọng 95% được vãng-sanh. Tôi không cần hỏi thêm về quá khứ của bà đã làm những gì…

 

Trở lại vấn đề muốn chắc chắn được vãng-sanh, thì khi chư vị gần tới kỳ nằm xuống, hãy mời anh Tâm-Nhật-Thuyết tới. Hãy nói với anh rằng:

Tôi vững vàng lắm rồi. Tôi quyết định đi về Tây-Phương. Nhưng tôi tha thiết muốn anh tới trợ duyên cho tôi. Lỡ như có điều gì sơ suất, xin anh nhắc nhở cho tôi nhé.

Hãy chân thành làm như vậy. Hãy thành tâm khẩn nguyện, phục nguyện như vậy. Phục là quỳ xuống; Nguyện là nguyện cầu. Thành khẩn cầu mong anh Tâm-Nhật-Thuyết tới hộ-niệm, thì chư vị sẽ vãng-sanh. Còn lúc đó mà nói: “Tôi cần anh làm cái này, làm cái kia. Anh phải nói lời này, nói lời kia…”. Đã sắp chết mà còn dạy khéo anh Tâm-Nhật-Thuyết nữa thì trật rồi!… Sai rồi!… Chư vị đã đi theo con đường lòng vòng rồi!… Bị hết xăng giữa đường rồi!… Chịu chết rồi!… Không cách nào vãng-sanh được.

Mong chư vị nghe những lời nói đơn giản này, không có gì xa lạ cả, hãy khởi phát niềm tin vững vàng lên thì nhất định vãng-sanh. Tất cả nghiệp chướng của chúng ta tạo ra trùng trùng trong vô lượng kiếp xin đừng quá lo sợ tới nữa. Cứ một lòng niệm Phật đi, câu A-Di-Đà Phật sẽ thay thế cho trùng trùng nghiệp chướng đó và giúp chúng ta đi về Tây-Phương. Chúng ta về được Tây-Phương Cực-Lạc là vì niệm câu A-Di-Đà Phật, chứ không phải đi được vì đánh lộn với khối nghiệp chướng đã có tràn trề trong quá khứ. Hai đường đi khác nhau.

Mong chư vị phát tâm dũng mãnh, niệm A-Di-Đà Phật cầu về Tây-Phương. Nhất định chư vị sẽ thành đạo…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

 

HỘ NIỆM NHỮNG SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH (2012)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –