Hộ Niệm Sơ Suất Của Người Bệnh – Tọa Đàm 26

Share on facebook
Share on twitter

SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH

(Tọa Đàm 26)

 

 

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Chúng ta đang nói về những sơ suất liên quan đến vấn đề hộ- niệm. Trước khi đi qua phòng trọ, Diệu-Âm có coi sơ qua email và nhận thêm vài ý kiến người ta than phiền rằng, có những cuộc hộ- niệm sao kỳ quá!…

Họ nói “Sao kỳ quá!” tức là có sơ suất điều gì đó!

Đầu tiên, xin chư vị chú ý, phương pháp hộ-niệm nên cố gắng nghiên cứu càng sớm càng tốt, đừng để quá trễ. Khi mình thấy một cuộc hộ-niệm ở đâu đó bị sơ suất mà mình không chú ý đến, thì nhiều khi đến lúc chính mình đi hộ-niệm cũng có sơ suất như vậy đó. Nếu không chịu nghiên cứu trước, không để ý đến quy luật hộ- niệm thì dễ dàng đi đến chỗ ân hận, ngậm đắng nuốt cay!…

Có người cứ chần chờ hết tháng này qua tháng khác, cứ hẹn vài tháng nữa rồi tính tới. Cứ đợi làm xong việc này rồi mới lo. Mãi lần lựa như vậy, không ngờ thời gian kéo dài 2-3 năm trôi qua mà vẫn chưa thực sự để tâm tìm hiểu về pháp hộ-niệm. Rồi đùng một cái, người thân của mình bất ngờ ra đi, làm sao đây? Lúng túng!… Rối bời!… Muốn hộ-niệm cho người thân, nhưng lúc đó mình quên đầu quên đuôi, không còn sáng suốt nữa. Ôi!… Coi chừng chính mình có thể bị sơ suất còn nhiều hơn người ta nữa.

Khi thấy một người mất phần vãng sanh, nghĩa là bị chết để lại cái thân tướng quá xấu, người hộ-niệm thường thường tìm ra đủ thứ lý do để đổ vạ. Câu nói thường xuyên nghe đến là: “Tại vì chuyện này!… Tại vì chuyện nọ!…”. Lý do chắc chắn phải có đấy. Nhưng đáng tiếc, trong đó có thể có một cái “Tại vì!…” rất lớn, đó chính là: “Tại vì mình chưa rành về hộ-niệm” mà không chịu nêu ra. Xin thưa thật, trách nhiệm về sự thất bại nhiều khi ở ngay nơi mình mà không hay. Người thế gian thường là như vậy.

Đi đâu Diệu-Âm cũng thường được mời tham gia hộ-niệm. Nhiều lần trên đường đi tới chỗ hộ-niệm, có nghe người ta nói đến tiếng: “Tại vì!… Tại vì!…”. Nghe vậy thì biết vậy thôi, nhiều khi mình cũng đành làm thinh.

Pháp hộ-niệm thật sự quá đơn giản, không phải khó khăn gì mấy, nhưng vì nhiều người tỏ ra khinh thường nên ít để tâm nghiên cứu tới, thành ra đến lúc hữu sự, thì họ nghĩ sao làm vậy. Vì nghĩ sao làm vậy nên đầy cả sơ suất. Có một lần người ta rủ đi hộ-niệm cho một vị đó, trước khi đi, Diệu-Âm hỏi:

  • Ban hộ-niệm đã làm việc với gia đình kỹ chưa?
  • Kỹ rồi!…
  • Gia đình đồng ý hết không?
  • Đồng ý hết!…
  • Người bệnh như thế nào?
  • Cũng rất vui vẻ.

Diệu-Âm nói:

  • Giỏi quá!… Chư vị làm việc như vậy thật quá

Không ngờ khi đến nơi hộ-niệm, mới phát hiện ra rằng ban-hộ- niệm chưa làm việc kỹ với người chủ nhà. Tới nơi, Diệu-Âm nói:

  • Chúng tôi hộ-niệm cho mẹ của chị, thì chị phải cố gắng tận sức niệm Phật với bà cụ, thường xuyên nhắc nhở bà cụ niệm Phật nhé.

Thì người con gái mới nói thế này:

  • Mẹ tôi đến lúc già yếu được chư vị tới niệm Phật như vậy là tôi mừng lắm rồi, nhưng phải ngồi niệm Phật bên mẹ thì tôi không dám hứa.

Tôi nói:

  • Ủa!… Tại sao vậy?!…

Người con gái nói:

  • Tình thật là tôi đang có thời khóa riêng của tôi.
  • Thế thời khóa của chị là gì?

– Dạ, tôi ngồi Thiền.

Tôi nói:

  • Như vậy chúng tôi tới đây hộ-niệm cho mẹ chị 2 tiếng đồng hồ rồi về, sau đó chị không niệm Phật với mẹ của chị à?

Chị đó nói:

 

  • Quý vị đến niệm Phật giúp cho mẹ tôi được an lạc một chút là tốt rồi, chứ còn tôi thì không dám hứa.

Chư vị thấy không? Họ quá khinh thường pháp hộ-niệm. Họ nghĩ một vài phút an lạc nào đó là quan trọng, trong khi lại lơ là  việc cứu người mẹ.

Diệu-Âm rất thẳng thắn để giải quyết những trường hợp này. Khi biết đã lỡ rồi, sau một vài câu nói xã giao, thì nói thẳng với chủ nhà luôn:

  • Nếu chị không lo hộ-niệm cho mẹ chị, chị phó thác huệ mạng mẹ chị cho ban-hộ-niệm, thì tôi cũng xin đại diện cho ban-hộ-niệm thẳng thắn xin rút lui. Chúng tôi không dám hộ-niệm cho mẹ chị nữa. Chúng tôi không có năng lực nào để cứu người mẹ của chị hết. Người mẹ của chị có được vãng-sanh hay không, thì 90% là ở bà cụ có Tín-Nguyện-Hạnh hay không, còn 10% nữa thì 9% là ở sự trợ giúp của chính chị và những người trong gia đình, còn ban- hộ-niệm của chúng tôi chỉ nhận 1% cuối cùng để trợ duyên, hướng dẫn, chỉ vẽ con đường vãng sanh mà thôi. Nếu chị không quyết lòng hộ-niệm cho mẹ của chị thì chúng tôi cũng đành chịu thua, không cách nào có thể hộ-niệm được nữa. Diệu-Âm xin nói lời thẳng thắn rõ ràng để gia đình khỏi mập mờ về chuyện hộ-niệm. Trong cơ duyên này, nếu chị cho phép, chúng tôi xin niệm Phật một tiếng đồng hồ để kết duyên với bà cụ, sau đó chúng tôi không dám đến nữa.

Xin hỏi chư vị, trước giờ các ban-hộ-niệm có bao giờ dám nói lời này với gia đình của bệnh nhân chưa? Nếu chưa nói, thì bắt đầu từ đây, nếu gặp vấn đề tương tự thì hãy mạnh dạn nói đi. Phải đặt điều kiện rất rõ ràng cụ thể thì mình mới có hy vọng cứu được người thân của họ. Nếu gặp những người ưỡm ờ, cứ tưởng rằng mẹ sắp chết, mời ban hộ-niệm đến niệm vài câu A-Di-Đà Phật để kết duyên lành là đủ. Họ nghĩ vậy thì mình chịu thua. Chúng ta không thể chấp nhận cách nghĩ mập mờ này được. Hộ-niệm kiểu này không thể nào cứu được một người vãng sanh đâu.

Hôm trước ở thành phố Brisbane có một bà cụ kia quen biết lắm, mỗi lần đi chùa bà thường thường làm chả lụa chay tới biếu cho Phật tử, đồng tu… và chắc chắn thế nào Diệu-Âm cũng có một phần. Đến lúc bệnh bà cụ tới nói:

  • Chú Diệu-Âm tới hộ-niệm cho tôi nhé.
  • Được!… Hồi giờ bác có niệm Phật không?
  • Có chứ.
  • Một ngày bác niệm bao nhiêu?
  • Bao nhiêu là sao?
  • Bác niệm Phật mấy tiếng đồng hồ mỗi ngày?
  • Làm gì phải niệm mấy tiếng đồng hồ dữ vậy?…
  • Bác ơi! Bây giờ một ngày bác niệm được 1.000 câu niệm Phật không?
  • Trời ơi!… Bắt phải niệm 1.000 câu niệm Phật thì mệt chết sao?!…
  • A Di Đà Phật!!!!…

Một người muốn vãng sanh, mà mới nghe nói đến một ngày niệm 1.000 câu Phật hiệu thì sợ mệt chết! Tôi hỏi tiếp:

  • Như vậy bác kêu con tới hộ-niệm cho bác là hộ-niệm làm sao đây? Hộ-niệm cho bác, thì con tới không phải chỉ niệm 1.000 câu, mà niệm tới 10.000 câu A-Di-Đà Phật một lần đấy. Bây giờ bác đã bệnh rồi, đã yếu rồi… ngày ra đi không còn bao xa nữa… vậy thì bác phải lo niệm Phật chứ. Bác mau mau phải lo niệm Phật đi. Niệm ngày niệm đêm, và tha thiết cầu nguyện vãng-sanh Tây- Phương Cực-Lạc mới được. Tại vì 70 năm qua không có ai nhắc nhở bác niệm câu A-Di-Đà Phật để vãng-sanh Tây-Phương, hôm nay bác tới đây nhờ con hộ-niệm, thì con nhắc nhở bác. Muốn hộ- niệm được, bác phải lo niệm A-Di-Đà Phật cầu vãng-sanh Tây- Phương Cực-Lạc. Bác phải cầu vãng-sanh chứ không được cầu hết bệnh, không được sợ chết nhé…

Bà bác nói:

  • Dễ như vậy sao? Nếu dễ vậy thì tôi niệm…
  • Tốt!… Khởi đầu, một ngày bác cố gắng niệm 5.000 câu A-Di- Đà Phật. Đây, con biếu bác cái máy bấm số, làm sao làm, một ngày từ sáng tới chiều bác cố gắng niệm được 5.000 câu A-Di-Đà Phật.

 

Mới trước đây nói niệm 1.000 câu, thì bà đã than “Mệt chết đi!”, bây giờ tôi tăng lên 5.000 câu làm bà bác đó ngỡ ngàng, trố mắt lên:

  • Trời ơi!… Niệm gì mà nhiều dữ vậy? như vậy tôi niệm không nổi đâu.

Tôi nói:

  • Bác à!… Ở đây một giờ con niệm 6.000 câu Phật hiệu, còn tiêu chuẩn cho bác một ngày 24 giờ chỉ niệm có 5.000 câu Phật hiệu mà than nhiều sao?… Bác chỉ cần bỏ ra một tiếng đồng hồ là xong mà bác không chịu niệm thì ai cứu bác được đây? Bác muốn vãng sanh về Tây-Phương mà cứ lo làm chả lụa, trong khi chỉ có

5.000 câu A-Di-Đà Phật mà than rằng niệm không nổi, thì làm sao con có khả năng hộ-niệm cho bác? Dù quen biết với bác tới đâu nhưng con cũng đành chịu thua rồi.

Chư vị thấy không? Đi hộ-niệm không thể nào đem cảm tình ra mà luận được. Mình muốn cứu người ta mà nhiều khi cứu không nổi. Một người một đời tu hành, thường xuyên đi chùa, mỗi lần đi chùa thì xách theo một xách đựng từng gói, từng gói chả lụa… Quý vị biết chả lụa không? Chả đùm đó, nắn lại từng cục nhỏ như nắm tay, tới biếu cho từng người, từng người quen biết… Làm vậy mà cứ tưởng tu hành tốt. Đến sau cùng bệnh xuống, nghe nhắc đến: “Bác cố gắng niệm 5.000 câu A-Di-Đà Phật nhé”, thì giật mình hoảng kinh: “Trời ơi!Niệm gì mà nhiều dữ vậy? Làm sao mà tôi có thể niệm được?…”, trong khi đó ngồi nhồi bột để làm chả lụa từ ngày này qua ngày khác thì làm được.

Xin thưa với chư vị, làm sao có thể cứu người đó đây?!…

Có một bà cụ khác, người con gái dẫn tới Niệm Phật Đường:

  • Xin anh Diệu-Âm hộ-niệm cho mẹ tôi.
  • Được.

Diệu-Âm đưa bản quy định hộ-niệm cho gia đình, tặng hình Phật, tặng máy bấm số, tặng chuỗi… rồi khuyến khích bà cụ về nhà một ngày niệm Phật 5 xâu chuỗi 108 hạt thôi, tại vì bà cụ hồi giờ chưa biết niệm Phật. Niệm 5 chuỗi tính ra có khoảng 500 câu Phật hiệu thôi chứ mấy. Một tuần sau, Diệu-Âm tới hỏi:

 

  • Trong tuần qua cụ có niệm Phật không?

Bà cụ nói:

  • Thầy tôi dạy rằng, tu hành là mình không lấy trái ớt của người ta, không được lượm trái cà của người ta… Vậy là tu rồi, chứ còn tu gì nữa?

Bà không chịu niệm Phật. Quyết không chịu niệm Phật. Hỡi ơi!… Muốn cứu người ta, mình đành phải năn nỉ hết lời, nhưng bà cụ vẫn cứ cãi lại:

  • Bác sĩ khám phá tôi đã có cái bệnh này 35 năm nay rồi, nhưng tôi vẫn chưa chết. Bây giờ cũng chưa đến nỗi nào chết đâu.

Năm chuỗi thôi, mà không chịu niệm. Chúng sanh mê muội, kiên cường, thật khó phục. Tôi nói với gia đình, cùng với bà bác đó:

  • Thôi được rồi, thứ bảy tuần sau con sẽ trở lại. Trong tuần này bác không niệm thì thôi cho qua. Tuần sau con tới nữa, nếu hỏi ra mà bác không chịu niệm một ngày 5 chuỗi thì coi như duyên giữa bác với chúng con đã hết. Chúng con không còn cách nào có thể giúp bác được nữa.

Thật ra 5 chuỗi là để gợi cho bà bác khởi tâm niệm Phật. Khi bắt đầu niệm rồi, tôi sẽ nói phải niệm đến 50 chuỗi chứ không phải là 5 chuỗi. Tôi tính thầm tình trạng của bà cụ này đã gấp quá rồi, không còn cách nào chần chừ nữa. Nhất định phải bắt bà này tăng công phu niệm Phật lên liền mới được, từ một ngày 5 chuỗi, phải tăng thành 10 chuỗi, thành 20 chuỗi, 25 chuỗi… Phải tăng… Tăng lên… Tăng lên liền lập tức. Trong một tuần lễ phải tăng lên ít ra 30 chuỗi hoặc 50 chuỗi một ngày… thì bắt đầu mới có thể cứu bà cụ được. Ngoài cách này tôi không biết cách nào khác hơn, vì bà cụ cứ cãi leo lẻo, hằng ngày thì thích ra vườn nhổ cỏ, nhổ còn nhanh hơn những người không bệnh, mà niệm Phật thì không chịu niệm.

Chư vị biết không? Thứ bảy tuần sau, tôi dẫn ban-hộ-niệm của Niệm Phật Đường tới, thì hay tin bà cụ đã chết vào ngày thứ năm rồi. Chết mà gia đình cũng không cho hay luôn. Khi chúng tôi tới nơi, thấy tờ chương trình tang lễ… Tôi hỏi:

  • Ủa cái gì đây?
  • Dạ, mẹ tôi đã chết 2 ngày rồi, đang nằm trong nhà quàng.

 

Chưa hộ-niệm tới lần thứ hai mà bà cụ đã ra đi rồi! Nhanh vô cùng.

Thật sự, nhiều khi mình muốn cứu người mà cứu không được. Chính vì vậy, hãy trở về với chính ta, đừng bao giờ nghĩ rằng khi ra đi mình sẽ ngon lành đâu nhé. Phải lo tu hành đi.

Ngài Pháp-Nhiên nói rằng, những người cư sĩ như chúng ta nè, hình tướng giống như miếng vải rách gói lấy cục vàng. Miếng vải rách, thì cục vàng dễ lộ ra… Nhưng đừng sơ ý cứ dìm mãi cục vàng dưới bùn đen… moi lên không được đâu.

Chúng ta phải lo. Chúng ta phải chuẩn bị trước. Trong những thông báo về hộ-niệm ở Niệm Phật Đường, chúng ta luôn luôn treo cái tờ thông báo này rõ lắm. Ai tới cũng có thể thấy liền, đại ý là: Hộ-niệm là giúp cho người bệnh có đầy đủ Tín – Nguyện – Hạnh để họ vãng-sanh. Người bệnh cần biết về phương pháp Hộ-niệm càng sớm càng tốt. Đừng bao giờ để chờ đến lúc mê man bất tỉnh, lúc hấp hối, nằm queo trong bệnh viện rồi mới kêu ban-hộ-niệm tới. Xin thưa, lúc đó đã quá trễ rồi!…

Đây là lời khuyên cho chính những người đồng tu, chứ không phải cho người ngoài. (Người ngoài mình đâu có quyền gì để khuyên). Chúng ta là những người đồng tu, nhất định là người đồng tu bị bệnh. Bảo đảm chắc chắn sẽ bị bệnh. Có người nào dám đưa tay lên nói rằng: “Tôi sẽ không bệnh chăng?”…

Chắc chắn sẽ bị bệnh. Bệnh tới chết luôn. Biết bị bệnh thì phải lo trước. Muốn khi nằm xuống mà được ban-hộ-niệm tới làm việc hữu hiệu bên cái cục thịt sắp tan rã của mình, thì chính cái tinh thần này, chính cái thần thức này, chính cái tâm này phải vững vàng về nguyên tắc hộ-niệm. Người đã vững về hộ-niệm, thì khi ban hộ-niệm tới, họ chưa khai thị, mình đã biết làm những gì đúng hợp với ban hộ-niệm rồi. Cho nên, tôi thường nói, những người đã nghiên cứu kỹ về hộ-niệm, lúc đó khỏi cần khai thị nữa, chỉ cần giúp đỡ thôi, đủ rồi. Tại sao? Tại vì đã thông hiểu với nhau cả rồi.

  • Mình muốn uống nước mà bưng ly nước không nổi, người hộ- niệm biết rồi, họ rót giùm từng muỗng nước nhỏ cho mình.

 

  • Mình muốn niệm Phật, nhưng cái lưỡi của mình đã cứng rồi, đã đớ rồi, niệm không được nữa. Ban-hộ-niệm họ niệm: “A… Di… Đà… Phật…” từng tiếng, từng tiếng rót vào tai của mình để mình nương đó mà niệm
  • Lúc đó nhiều hiện tượng lạ hiện ra chập chùng… Xanh, đỏ, trắng, vàng… dồn dập làm mình hoang mang bất định. Nhờ ban- hộ-niệm họ chỉ điểm cho mình, họ cầm tay, họ thức tỉnh mình mà hóa gỡ cho mình:
  • Bác Tám ơi! Có chúng con đang niệm Phật cho bác đây. Bác yên tâm, tất cả mọi cảnh giới hiện ra cứ kệ nó đi nhé, đừng để ý tới. Hãy nhiếp tâm lại niệm A-Di-Đà Phật

Rồi người ta niệm từng tiếng, từng tiếng Phật hiệu đưa vào tai của mình, nhờ đó mình niệm theo được. Câu Phật hiệu rõ ràng, mình quyết lòng niệm theo từng tiếng “A… Di… Đà… Phật” cầu Phật tiếp độ để vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Nếu chính mình không chuẩn bị điều kiện này, coi chừng một người hộ-niệm tới cầm tay mình, thì mình lại tưởng là oan gia trái chủ tới. Tại sao vậy?… Tại vì trước đó, oan gia trái chủ cũng đã từng dọa nạt mình rồi. Từng cảnh giới này cảnh giới nọ ập tới, lúc thì thấy hình như mình bị liệng dưới sông, lúc thì bay trên mây, lúc thì giống như bị treo chân lên trên, đầu ở dưới… Lung tung!… Thì một người tới cầm tay mình cũng chẳng khác gì là cảnh giới đó hết. Nghĩa là mình không phân biệt được đâu là thật, đâu là giả. Đây đúng là lúc nghiệp chướng đang báo đời đó.

Cho nên khi mình hiểu được pháp hộ-niệm là hiểu luôn cả một đại pháp để vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Mà pháp vãng- sanh về Tây-Phương Cực-Lạc chính là pháp niệm Phật cầu vãng- sanh, chứ có gì khác đâu.

 

Nam Mô A Di Đà Phật.

 

HỘ NIỆM NHỮNG SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH (2012)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –