Hộ Niệm Sơ Suất Của Người Bệnh – Tọa Đàm 25

Share on facebook
Share on twitter

SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH

(Tọa Đàm 25) 

 

Có nhiều người nói: “Tôi già rồi, đến lúc cần phải vãng sanh”. Miệng thì nói vậy, nhưng thực ra trong tâm sợ chết. Chính vì cái tâm sợ chết này mà có nhiều người tu 20 năm, 30 năm, sau cùng bị bệnh thấy người hộ-niệm đến thì chán ghét, tìm cách muốn đuổi người ta về. Tại sao vậy?… Tại vì tâm họ đang thầm cầu hết bệnh, chứ không dám cầu nguyện vãng sanh. Có người thầm cúng vái Quỷ Thần cầu cho được hết bệnh và nguyện xin tạ ơn bằng heo quay, cặp vịt. Tội lỗi!… Tội lỗi!… Chúng ta ở đây có ai lầm lạc như vậy không?

Nhiều người tu hành mà lý đạo không thông, niềm tin không vững, mỗi lần đọc bài kệ “Nguyện Sanh Tây-Phương Tịnh-Độ Trung…” thì đọc lấy lệ. Cứ nghĩ rằng nguyện cho khóa tu đầy đủ vậy thôi, chứ làm gì có chuyện vãng-sanh, thì coi chừng khi bệnh xuống sẽ bị tình trạng như trên đó. Nghĩa là sao?… Sợ chết!… Tâm hồn hoảng kinh!… Khi bị tình trạng này rồi, xin thưa thật, giả sử A- Di-Đà Phật có ứng hiện trước mặt họ, họ cũng sợ luôn. Họ chắp tay lạy Ngài: “Xin Phật đừng có bắt con về Tây-Phương. Con chưa muốn đi. Con thèm sống thêm!”

Thực sự phải chăng:

  • Có nhiều người niệm Phật mà sợ chết.
  • Có nhiều người tu hành, vừa nghe tiếng A-Di-Đà Phật thì sợ chết.
  • Có nhiều người thường thấy rằng mỗi lần cầu siêu thì người ta đem hình A-Di-Đà Phật tới, đọc kinh A-Di-Đà, nên khi nghe tiếng niệm A-Di-Đà Phật thì sợ chết.

Rõ ràng: Miệng niệm Di-Đà, tâm sợ chết. Tội nghiệp thay!… Như vậy, xin hỏi rằng mấy chục năm nay chư vị tới chùa tu hành như thế nào đây? Học hỏi được cái gì đây? Tu hành chẳng lẽ để cầu cho cái xác thịt này sống mãi không chết à?…

 

Sai lầm!… Thật sai lầm!… Cái gì của vô-thường phải theo định luật vô-thường mà tan hoại chứ. Cái xác thịt này là thứ vô-thường thì làm sao có thể sống mãi được?

Người không hiểu đạo, đến lúc lâm chung mạng sống tính trong từng cơn hô hấp thì thường sợ chết, tâm hồn hãi kinh, đầu óc điên đảo nên phải đành chịu nạn. Vì sợ chết, nên tâm cứ bám chặt vào cái khối thịt hư hại để sau khi chết rồi đến mười mấy giờ sau, cái thân đó vẫn không lạnh được, nó còn ấm ấm mãi. Tại sao vậy?… Tại vì người ta không muốn đi. Linh hồn của họ còn cố bám lại, bám từng khúc xương, bám từng sớ thịt… Thân xác đã ngừng hoạt động, thì linh hồn bắt buộc phải ra đi, nhưng họ ra đi trong nuối tiếc, đau đớn!…

Chính vì thế, thông thường người chết, trong vòng 7-8 tiếng đồng hồ nếu thân xác của họ bị đụng chạm, họ sẽ bị đau đớn vô cùng, họ bị cái cảm giác kinh hãi vô cùng!… Người thế gian không biết sự thật này, vừa chết xong vội vã đem cái thân đi tắm rửa, thay áo quần, sắp xếp tay chân, v.v… Những việc này vô tình chẳng khác gì đang tra tấn người chết!…

Người ra đi đã sợ chết, người thân thì tạo thêm cảnh địa ngục cho họ, làm cho sự sợ hãi tăng lên đến chỗ cực kỳ kinh hoàng!… Chính vì nỗi sợ hãi kinh hoàng này mà sắc tướng của họ trở nên rất khó coi, thường cỡ 1-2 tiếng đồng hồ sau, sắc da tái ngắt, tay chân co rút, thân xác trở nên cứng đơ. Đây là ác tướng hiển hiện, báo hiệu cho những đời kiếp trong tương lai bị khổ nạn!…

Còn những người niệm Phật họ quyết lòng vãng sanh thì sao?… Xin thưa thật với chư vị, họ ra đi để lại thân tướng đẹp vô cùng, đẹp hơn lúc chưa tắt hơi. Có nhiều trường hợp người ta để mười mấy ngày sau mà xác thân vẫn còn mềm mại, tươi hồng. Nếu nơi nào mà luật lệ thế gian cho phép, với một người vãng sanh rồi, cứ để cái xác thân vậy mà niệm Phật, quý vị có thể sẽ thấy được điều bất khả tư nghì này!… Trong thâm tâm của Diệu- Âm cứ nghĩ rằng, phải chăng, đó là nhục thân của Bồ-Tát rồi, chư Thiên-Long Hộ-Pháp đang bảo vệ nó thì đâu có thể nào cứng được. Tâm hồn của họ hoàn toàn không có điều kinh hãi, họ đã an nhiên ra đi vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.

Nên nhớ, một người được hộ-niệm, giả như không được vãng- sanh, nhưng ra đi họ để lại thân tướng mềm mại tươi hồng thì đây là sự biểu hiện tâm hồn của họ được an lành, ít ra họ cũng thoát được ba đường ác hiểm, nhiều khi họ sanh lên tới một cảnh trời trong Dục-Giới Thiên. Phước-báu này thực sự lớn vô cùng, bình thường không dễ gì tìm được đâu.

Người tu Tịnh-độ đừng nên ham thích những triết lý hão huyền, đừng nên chạy theo những sự luận bàn về đạo lý cao siêu. Tu Tịnh thì giữ tâm hồn thanh tịnh mới là điều quan trọng. Lý huyền luận diệu chỉ làm cho tâm hồn thêm loạn động mà mất vãng sanh, kết cuộc thì sanh lên tới một cảnh trời không nổi. Oan uổng hơn, nhiều khi chết xong trở lại cảnh người cũng không được.

Thực sự thoát ly sanh tử luân hồi không phải dễ dàng như lý luận đâu. Chính vì vậy mới thấy pháp hộ-niệm quý hóa vô cùng, chúng ta phải trân quý, phải gìn giữ, phải quảng bá ra.

Tu hành chúng ta cần nhìn cho thấu cái kiếp đời này vô thường tạm bợ, đầy phiền não, khổ đau. Nếu mình không nhìn thấu cảnh này, tiếp tục tham chấp vào đó mà cho kiếp sống này là nhất, thì khi chết đi đành phải chịu một cảnh sống khổ nạn hơn, tối tăm hơn, đau thương hơn!…

Có nhiều người không tin đạo lý luân hồi, cứ nói chết là hết chứ có gì đâu mà lo. Họ nói không lo, nhưng thực sự đến lúc sắp chết thì họ lo âu dữ lắm. Họ sợ chết dữ lắm!… Họ đau khổ dữ lắm!… Vì tham chấp cái thân nên thường lang thang trong cảnh trung ấm rồi về báo đời gia đình, khóc than với con cháu, tạo nên đủ thứ khổ nạn cho người thân.

Chính Diệu-Âm được nghe kể lại những mẫu chuyện về người âm. Một người mẹ khi chết đi, linh hồn chạy tìm việc làm cho đứa con. Vì lo lắng cho đứa con chưa có công ăn việc làm nên sắp chết mà không chịu tu, không lo niệm Phật. Khi chết xong còn tiếp tục tìm việc làm cho đứa con, về điềm chỉ cho đứa con đi nhận việc làm. Sau đó bị nạn, chiều chiều thường hiện về trước đầu hè ngồi khóc. Có một người khác, mới 28 tuổi, đem hết tất cả tài sản mua một vườn điều, mua vừa xong chưa được hưởng một mùa nào thì chết. Sau đó linh hồn cô ta cứ giữ mãi cái vườn điều đó, làm cho khu vườn đó bây giờ không ai dám bước chân vô. Mỗi khi có người bước vô trong vườn điều, thì cô ta bẻ nhánh cây liệng tới… Một chuyện khác, có một người mẹ của anh kia, khi chết rồi cứ bám lấy căn nhà, căn nhà đó trở thành căn nhà ma. Ở bên thành phố  Perth, tây Úc, có một căn nhà trị giá ít ra cũng gần một triệu đô-la, mà bây giờ người ta kêu bán chỉ có 30 ngàn đô-la mà không ai dám mua. Lý do là trong nhà đó có một ông chủ chết đi, sau đó ai tới ở căn nhà đó ông ta quậy phá chịu không nổi. Người ta hỏi tôi có nên mua không?…

Một chuyện nữa vừa mới xảy ra đây. Trước khi tôi về lại đây,  có một vị ở bên Pháp email cho tôi nhờ tôi giúp hóa giải giùm một việc. Vấn đề là, cô ta đã lỡ mua căn nhà “Ma”… Trong nhà soong chảo thường khua lổn cổn… Người chồng cô ta sơn sửa nhà mới, anh đang leo lên cái thang sơn nhà, thì có cái cọ khác trong thùng sơn cứ tự động quệt sơn lên mông của anh. Khi phát hiện ra thì quần của anh dính đầy cả sơn… Anh thì lo sơn sửa nhà mới mua, ông chủ cũ (tức là người đã chết) thì cứ lấy cọ quệt sơn vào mông ông chủ mới. Nhiều khi sáng sớm, chị thức dậy pha sữa cho con, thì ông chủ hiện thân ra làm cho hai mẹ con sợ hết hồn luôn. Cách đây mấy hôm, tôi có đưa tin này trong Nhóm-Hộ-Niệm-Chung. Nếu vị nào ở trong Nhóm-Hộ-Niệm đó thì đã nhận được tin này. Trong email đó, tôi có chỉ cho vợ chồng vị đó cách điều giải. Gia đình vị đó có làm một buổi lễ để điều giải, và liên lạc nhờ tôi trực tiếp khuyên giải giùm. Nhưng đáng tiếc, ngày đó tôi phải bay tới Hải- Sơn, Niệm Phật Đường Tịnh-Nghiêm nói chuyện về hộ-niệm nên không thể giúp được. Nếu thuận lợi thì tôi cũng đồng ý thành tâm khuyên giải hộ vậy thôi, chứ tôi thật ra không có năng lực gì đâu để bảo đảm có kết quả tốt đẹp. Tôi khuyên vợ chồng vị đó cứ như vậy… như vậy… mà làm đi, nghĩa là hãy thành tâm điều giải là tốt, còn thời giờ giữa Úc và Pháp khác nhau, tôi lại đang bận trong khóa lễ ở Úc thì làm sao có thể trực tiếp nói chuyện qua bên Pháp được…

Kể lại những mẫu chuyện này là để nhắc nhở cho chúng ta biết rằng đừng bao giờ nghĩ rằng chết là hết. Không hết đâu. Mà sơ ý không biết đường thoát nạn thì khổ đau bất tận đấy. Biết được chuyện này rồi, phải tập buông xả đi chư vị ơi!… Đời này không phải thiên trường vĩnh cửu gì đâu. Một sớm một chiều phải có ngày tan hoại. Cái thân này nó trở về với cát bụi, như đôi dép rách nó phải theo đống rác, cái áo rách nó cũng theo đống rác. Có nhiều người sợ người chết, khi một người chết đi, nhiều khi áo quần của họ còn đẹp lắm, nhưng vì sợ người chết nên người ta cũng đem nó liệng vào thùng rác hoặc là đốt thành tro bụi hết… Cái thân này cũng vậy mà thôi, khi chết xong phải đốt nó thành tro khói, hoặc chôn xuống đất để tan rã theo cát bụi. Nhưng nên nhớ, bên cạnh đó có một cái không chết, không tan, đó là chính mình vẫn còn sống.

Hiểu được đạo lý này, thì việc thế gian này không phải là cái gì quá lớn để cho chúng ta lo lắng lắm đâu! Cái thân này chỉ là thứ phương tiện mình dùng để trả nợ nghiệp. Người hiểu đạo thì lợi dụng nó để tu hành. Chẳng khác gì ta đang lợi dụng chiếc áo để che thân, lành một chút cũng tốt, rách một chút cũng được thôi. Người nghèo áo rách mà biết niệm Phật thì ví như lấy mảnh vải rách mà gói viên ngọc Như-Ý. Vải rách đi thì viên ngọc Như-Ý dễ lộ ra để phát quang. Vậy thì xin đừng quá buồn phiền vì cảnh đời nghèo khó.

Có người hỏi ngài Pháp-Nhiên rằng, một người Phật tử niệm Phật với một vị Tăng tu hành nhiều năm niệm Phật, thì câu Phật hiệu nào mạnh hơn? Ngài trả lời rằng giống nhau.

Chư vị tự nghĩ thử có đúng không?… Đã niệm Phật thì câu Phật hiệu nào cũng giống nhau phải không? Chỉ khác nhau là có lòng Chí-Thành Chí-Kính hay không. Người nào chí thành người đó được cảm ứng. Người nào chí kính người đó được vãng-sanh. Đối với pháp niệm Phật thì điều quan trọng là ở lòng Chí-Thành Chí- Kính, chứ không phải ở hình tướng là Tăng hay Tục. Trong kinh

 

Phật có câu: “Phàm Thánh tề thâu, tam căn phổ bị”. “Thánh” có thể ví cho vị Tăng; “Phàm” có thể ví cho người “Phật Tử”; “Tề Thâu” là đều được bình đẳng gia trì trong quang minh của Phật.

  • Người Phật tử thành tâm niệm A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh, người Phật tử vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc.
  • Người Phật tử không thành tâm niệm A-Di-Đà Phật thì phải theo nghiệp để thọ báo.
  • Một vị Tăng tu hành lâu năm thành tâm niệm A-Di-Đà Phật thì Ngài có thể vãng sanh Thượng-Phẩm.
  • Người tu hành xuất gia mà không niệm A-Di-Đà Phật cầu vãng sanh thì không được vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc, nếu phá không được nghiệp-chướng để thoát vòng sanh tử thì cũng đành phải tùng nghiệp thọ báo mà thôi.

Chính vì thế chúng ta không được quyền phân biệt hình tướng một cách quá đáng. Về nghiệp chướng, chúng ta cũng không nên bi quan yếm thế quá. Ngài Pháp-Nhiên nói như thế này nhé: “Đại nguyện của Đức A-Di-Đà Phật nhằm để cứu những người phàm phu tục tử tội chướng sâu nặng này, chứ Ngài không phải nhằm cứu những người thượng căn thượng trí, những vị đại Bồ-Tát”. Quý vị nghĩ thử có đúng không? A-Di-Đà Phật nói,  bất cứ một chúng sanh nào trong mười phương pháp giới khi nghe danh hiệu của Ngài, mà phát tâm tin tưởng, đem tất cả căn lành hồi hướng về Tây-Phương Cực-Lạc, rồi nguyện vãng-sanh về nước của Ngài, dẫu cho mười niệm mà không được vãng-sanh Ngài thề không thành Phật. Đây là một đại nguyện để chúng sanh được chứng đắc. 48 lời đại nguyện bao gồm trong một nguyện này. Quý vị nghĩ thử coi, nguyện này chủ yếu để cứu độ phàm phu hạ căn như chúng ta hay cứu độ chư vị Đại Bồ-Tát? Giả sử bây giờ các vị Đại Bồ-Tát không cần lên Tây-Phương thì các Ngài vẫn là Đại Bồ- Tát rồi, các Ngài cũng là vô sanh vô tử rồi, các Ngài cũng là đại thánh nhân rồi, thị hiện xuống thế gian các Ngài có thể chủ động được sự sống chết rồi… Phải không?…

Sợ nhất là những người phàm phu tục tử như chúng ta đây, cơ hội đã đến trong tay rồi mà bỏ rơi thì vô lượng kiếp về sau chưa chắc gì sẽ gặp được cơ may niệm câu A-Di-Đà Phật vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc. Nên nhớ, vô lượng kiếp sau sống trong cảnh ác thế, chưa chắc gì ta còn giữ được thân người. Nhiều khi biến thành con kiến, con gián, các loài súc vật, hay hàng ngạ quỷ hoặc chui đầu vào trong địa ngục. Thua rồi!… Đại nạn rồi!… Làm sao đây?!…

Hiểu được như vậy mong chư vị mạnh dạn tập buông xả để lo niệm Phật. Xin nhắc lại, buông xả là tâm của mình thoải mái. Diệu- Âm không biết lý luận cao xa đâu, chỉ biết nói những gì gần gũi, dễ thực hành. Buông xả là hãy tập giữ cái tâm của mình hiền lành, vui vẻ, bớt chấp là được. Ví dụ:

  • Người ta nói xấu kệ người ta, mình không bắt chước nói xấu theo, tức là tâm mình buông xả.
  • Người ta chê bai cái này bài xích cái kia kệ người ta, mình không bài xích chê bai gì cả, tức là cái tâm mình buông xả.
  • Tới đạo tràng tốt mình tu tốt. Tới một đạo tràng không trang nghiêm, mình hãy tìm cách yểm trợ cho người ta chứ đừng chê bai, tức là cái tâm mình buông xả.
  • Gặp một chuyện gì khó khăn mình hãy nở nụ cười đi, hãy coi đây là cái cơ hội giúp cho mình giải được một số nghiệp…

Tập chuyển nghiệp, chuyển từng chút từng chút như vậy, tức là chúng ta buông xả. Chứ buông xả không phải bỏ công ăn việc làm, bỏ vợ, bỏ con, bỏ nhà, bỏ cửa… Buông bỏ không đúng chỗ sẽ làm hư hại xã hội, không tốt. Xúi người làm bậy như vậy mình mang tội sao?…

Làm tròn công việc hàng ngày gọi là tận-phận. Chúng ta phải làm công việc của một người đàng hoàng trong xã hội, nhưng tâm hồn của ta tập thoải mái, nhẹ nhàng. Ví dụ, ngày hôm qua ông chồng cự ta, ta cự lại. Gây cãi vã, không tốt!… Bây giờ ông cự mình, mình coi như ông đang gỡ nợ cho mình. Mình sướng, ông khổ. (Hì-hì!…). Khó chịu làm chi? Nếu ông đừng cự cãi thì ổng ít nợ. Nếu cự cãi nhiều thì nghiệp càng lớn, ráng chịu vậy. Muốn giải quyết tệ trạng này, thì mình hãy buông xả trước đi, tập cười hè hè đi, thì tự nhiên một ngày nào đó ông sẽ vui lại với mình. Mình buông xả thì tự nhiên người bên cạnh sẽ có cái môi trường để buông xả vậy.

Tập được như vậy thì tự nhiên khi nằm xuống chư vị sẽ cảm thấy thoải mái vô cùng. Nhất định…

Những người không chịu buông xả thì thường thường khi nằm xuống bị nạn oan gia trái chủ trùng trùng. Chư vị ơi! Sợ nhất là cái nạn oan gia trái chủ đó. Oan gia trái chủ vô hình cũng có, oan gia trái chủ hữu hình coi chừng còn nhiều hơn vô hình nữa. Nếu những người không chịu buông xả, thì đầu tiên tự mình bị oan gia trái chủ hữu hình phá hoại. Ví dụ, như trước đây có những người nói với tôi một câu hơi mắc cười như thế này: “Ai tôi cũng thích hết, nhưng tôi ghét nhất là ông chồng của tôi. Khi tôi chết, người nào cũng tới hộ-niệm cho tôi được hết, nhưng đừng để ông tới hộ-niệm cho tôi”. Mà một sự thật là, khi mình bị bệnh sơ sơ thôi thì ông đã ở sát bên mình rồi. Cái vấn nạn chính ở chỗ mình chấp, mình ghét, mình tức… Vì ông không chịu tu hành nên mình cứ sợ rằng ông sẽ làm cho mình xuống địa ngục, vô tình tự biến người chồng thành oan gia trái chủ, chực chờ bên cạnh mình. Như vậy, tốt nhất đừng trách người chồng nữa, hãy trách ngay cái tâm chấp của mình đi… Buông ra đi.

Phật dạy chúng ta nhất định đừng chấp. Tuy nhiên Phật dạy cho mình chỉ chấp một cái thôi. Biết chấp cái gì không?… Chấp cái gì?…

  • Chấp trì danh hiệu A-Di-Đà Phật. Chấp trì danh hiệu A-Di-Đà Phật thì phải chấp.

Còn chấp gì nữa?…

  • Chấp phải về Tây-Phương Cực-Lạc, đừng có chấp cái khác. Chấp gì nữa?…
  • Chấp niềm tin cho vững, đừng có chấp cái khác.

Nói chung những cái gì cần để được vãng-sanh là mình phải chấp cho vững, ngoài ra đừng có chấp cái gì khác. Tất cả không chấp thì tự nhiên mình giải không biết bao nhiêu oán nạn cho mình. Xin thưa thật nếu mà mình vững vàng như vậy, thì khi mình nằm xuống chỉ cần một người ở bên cạnh, mà nhiều khi người đó không biết hộ-niệm cũng có thể giúp cho mình. Mình dặn người đó là, cứ niệm: “A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật…” giùm tôi là được rồi. Được như vậy thôi, ta cũng về được Tây-Phương Cực-Lạc.

Trở lại vấn đề hộ-niệm, sự sơ suất chủ yếu nhất thường thuộc về chính bản thân người bệnh. Đúng vậy. Chủ yếu chính là trách nhiệm của người bệnh chứ không phải ở người hộ-niệm. Người bệnh chính là chúng ta đây. Chúng ta chắc chắn không trước thì sau cũng phải bệnh. Như vậy bắt đầu từ đây xin chư vị lo tròn trách nhiệm của người bệnh đi. Xin nhắc lại lời nói hồi sáng:

–     Một là tự mình phải nghiên cứu phương pháp hộ-niệm để chính mình không được vướng mắc.

Đã nghiên cứu tốt về hộ-niệm, thì khi đứng trước người bệnh để hộ-niệm, mình có những lời khai giải đúng, có những tư thế đúng, có những tư tưởng đúng… Mình giúp họ được thuận buồm xuôi gió vãng sanh.

–    Thứ hai là chính mình khi nằm xuống, mình phải thực hiện cho đúng quy tắc hộ-niệm vãng-sanh.

Ví dụ, nhất định không được chấp trước. Nếu trong đời này mình ghét một người nào, thì bắt đầu từ đây xin thề không được ghét người đó nữa. Trong pháp hộ-niệm có cái quy luật là nếu một người nào bị người bệnh đó ghét, ghét cay ghét đắng, thì nhắc nhở người bị ghét đó đừng nên đến hộ-niệm cho người bệnh. Nhắc nhở như vậy chẳng qua là nói về sự tướng mà thôi, chứ thật ra đã ghét ai thì trong tâm đã vướng rồi. Ban-hộ-niệm có thể khuyên người đó không đến, nhưng về oan gia trá hình thì làm sao mà mình ngờ được?… Oan gia trái chủ có thể biết rõ từ trong tâm của mình, họ lợi dụng cơ hội này mà ứng hiện ra phá hoại, thì làm sao có thể an nhiên niệm A-Di-Đà Phật đi về Tây-Phương?… Còn nếu mình buông hết rồi, người ta tới phá rối nhưng mình không phiền não, mình còn nghĩ rằng họ tới để giúp mình tiêu bớt nghiệp chướng để dễ về Tây-Phương, thì thôi người ta cũng chịu thua.

Hiểu được cách tu thì đường về Tây-Phương Cực-Lạc dễ chứ không khó. Quá sức dễ, dễ đến nỗi mà dẫu cho một người chưa biết pháp môn niệm Phật là gì, nhưng trước những giờ phút lâm chung gặp được người khuyên niệm Phật, họ làm được như vậy 3 ngày 4 ngày mà họ vãng sanh, để lại thân tướng bất khả tư nghì. Trong lịch sử hộ-niệm ở Việt-Nam có những người mới niệm Phật từ sáng tới chiều, chỉ cần mấy tiếng đồng hồ thôi mà khi ra đi thân tướng cũng bất khả tư nghì…

Ấy thế mà cũng có người niệm Phật, niệm mấy chục năm trường rồi, sau cùng mất phần vãng-sanh, thân tướng không tốt. Số này ít chứ không nhiều, nhưng thật sự có. Một trong những lý do là vì tình chấp không buông.

Hôm nay Diệu-Âm xin nhắc nhở đến chư vị rằng tình chấp là điều phải xả, phải bỏ. Nhất định phải bỏ. Nhất định thương mến mọi người, đừng ghét bỏ một người nào hết. Hòa hợp hết mọi người, đừng kình chống với một người nào hết. Sống hiền hòa niệm Phật cầu vãng sanh. Ta sẽ là người đi về Tây-Phương Cực- Lạc, hội nhập với chư Thượng-Thiện-Nhân trên cõi Tây-Phương, thành đạo Vô-Thượng. Diệu-Âm mong cho tất cả chư vị ở đây ai ai cũng sớm thành tựu đạo quả…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

 

HỘ NIỆM NHỮNG SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH (2012)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –