SƠ SUẤT CỦA NGƯỜI BỆNH
(Tọa Đàm 27)
Trong pháp niệm Phật có ba điểm Tín-Nguyện-Hạnh để vãng- sanh. Thì pháp Hộ-niệm người ta giảng giải từng điểm, từng điểm thật chi tiết:
- “Tín” là tin như thế nào?…
- “Nguyện” là nguyện làm sao?…
- Và “Hạnh” là niệm gì đây?…
Đã “Tin” thì tin cho vững, đừng chao đảo. Người hộ-niệm thấy tâm mình vừa chao đảo thì họ tìm cách ngăn chặn liền, hướng dẫn cho đi đúng đường liền. Có nhiều người đi niệm Phật nhiều năm, sau cùng vừa mới bệnh xuống thì hoảng kinh, lo chạy tứ tung hết. Phật dạy thì không nghe, kinh Phật thì không chịu theo, mà lại theo một người phàm phu nào đó nói rằng biết được kiếp trước của mình là ai, từng tạo nghiệp gì, nên bây giờ phải làm như thế này thế nọ? Thế là tâm không còn tự tại rồi. Tâm bị điên đảo rồi.
Tu phải đi cho đúng đường, đừng đi lệch. Có nhiều người đi lệch đường quá. Ngài Ấn-Quang có đưa ra những dạng người hai mươi mấy năm tu hành niệm Phật, sau cùng lúc sắp chết thấy người ta tới hộ-niệm thì chán ghét, người ta niệm câu A-Di-Đà Phật thì mình nhức đầu, đuổi người ta về… Khi người ta về xong thì tắt hơi ra đi, nằm queo quẻo!… Ngài Tịnh-Không cũng đưa ra cái tình trạng đó. Ngài cũng cảnh cáo rằng có người làm Duy-na, tán tụng ngon lắm, hai mươi mấy năm trường, nhưng đến khi sắp chết, người ta tới hộ-niệm thì nhức đầu.
Chính Diệu-Âm này cũng đã gặp những người khoe rằng từng tu qua rất nhiều Phật-Thất, chùa thì tính ra cũng 15 nơi. Nhưng đến sau cùng, ngày ra đi thì bị mê man bất tỉnh, không cứu được. Lúc tắt hơi hoàn toàn không lóe ra một chút xíu hiện tượng tốt nào để mình hy vọng họ đi vào cảnh lành.
Mong chư vị phải hiểu cho rõ vấn đề bên trong, để tự mình phải giải quyết hết tất cả.
– Tu phải tu đường Chánh-Đạo.
– Tu phải “Y Kinh, Y Giáo”.
– Tu còn phải “Y Theo Pháp Môn” nữa mới được.
Diệu-Âm còn nhớ có viết trong một cuốn sách nào đó, có một vị đã hỏi một câu như thế này:
– Có một cô Phật tử kia trong suốt 17 năm qua phát tâm nguyện cúng dường tứ sự cho chư Tăng-Ni, nhưng khi chết thì chính một vị mà thường khi được cúng dường đến hộ-niệm cho cô, mà đến hơi trễ, một tiếng đồng hồ sau khi chết rồi mới đến, đã nói với các đệ tử rằng: “Cô Phật tử này đã bị đọa địa ngục rồi các con ơi!…”.
Chắc quý vị cũng có nghe qua câu chuyện này phải không? Đây là chuyện có thực, không phải là chuyện cổ tích… Rồi người đó hỏi:
- Nghe trong kinh nói cúng dường chư Tăng-Ni là có phước-đức lớn lắm. Tại sao cô này cúng dường lại bị đọa địa ngục?…
Diệu-Âm có thưa rằng:
- Cúng dường là tu phước. Tu phước thì được phước, không bao giờ vì tu phước mà lại xuống địa ngục cả. Sự tu phước này là cô đó đang tu cái phước-báu thế gian. Nhưng có lẽ vì cô ta chưa từng nghe qua một bài pháp nói về giải thoát, chưa bao giờ được nghe qua một lời hướng dẫn vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, nên cô cứ tưởng tu phước như vậy là toàn vẹn, là đầy đủ. Trong khi làm phước đó, biết chừng đâu đã để tâm ngã mạn nổi lên. Khi tâm ngã mạn nổi lên thì đường tu hành đã sai rồi! Vì cái tâm ngã mạn đó mà sanh ra lòng khinh thị đủ thứ… Chính những sơ suất này nó phá tan hết cái phước-đức đã tu trong 17 năm qua, để sau cùng bị quả báo rơi tuốt vào đường ác!…
Chính vì thế, mà mấy ngày nay chúng ta nói rằng chúng ta đang tu đây là theo cái pháp của người hạ căn phàm phu, tội chướng sâu nặng. Một người phàm phu tội chướng sâu nặng thì ta không nên mơ cầu đến cảnh giới chứng đắc, tại vì khả năng của chúng ta không có cách nào chứng đắc được. Ngài Ấn-Quang đại sư nói, tu theo những pháp tự lực tu chứng, nếu mà tình thức chưa không, nếu mà nghiệp hoặc chưa tận, nghĩa là tình chưa sạch, nghiệp chưa không, thì dẫu cho chỉ còn một mảy may nghiệp chướng mình cũng phải tùng nghiệp thọ báo, nghĩa là đi theo nghiệp mà thọ nạn. Ngài nói như vậy đó.
Còn người niệm Phật đi về Tây-Phương là họ dùng cái tâm Chí Thành – Chí Kính, niệm câu A-Di-Đà Phật, cảm thông được với đại nguyện của A-Di-Đà Phật, cảm ứng được 48 đại nguyện của Ngài mà được tiếp độ về Tây-Phương. Hai cách tu hoàn toàn khác nhau.
Một người đại tu, nghĩa là không còn làm ác, làm toàn việc thiện, phước thiện quá lớn. Dù cho phước thiện lớn bao trùm pháp giới thì phước thiện này thuộc về nghiệp nhân trong 3 đường thiện, chứ không phải là chánh nghiệp vãng-sanh về miền Cực-Lạc. Hai đường khác nhau. Rất nhiều người tu hành lâu năm mà còn lầm lẫn chỗ này. Cứ nghĩ rằng tu hành là làm thiện, không làm ác là đủ. Không đúng lắm đâu. Cách tu này chỉ thuộc về đường phước-báu Nhân-Thiên của thế gian, chứ không phải là tu đường giải thoát sanh tử. Hai cách tu hoàn toàn khác nhau. Người tu hành trong thời nay, có thể tới 90% hoặc hơn nữa, bị vướng vào sự lầm lạc này. Nhiều lắm.
Nên nhớ, đạo Phật là đạo cứu ách nạn sanh tử luân hồi cho chúng sanh, đó là giá chót. “Đạo Phật không phải chỉ là đạo làm thiện”. Làm chuyện phước-thiện của thế gian chẳng qua là mức căn bản nhất phải làm của người tu hành để tạo phước, dùng cái phước đó để hỗ trợ cho đường thoát vòng sanh tử luân hồi. Nhiều người đã sơ ý, chuyên chú dẫn dắt chúng sanh đi trong con đường phước-báu, hoàn toàn quên mất con đường giải thoát… Tu học Phật mà không hiểu rõ điều này thật là oan uổng lắm vậy.
Chúng ta đi hộ-niệm đôi khi cũng gặp những người có học Phật, mà lại nói như thế này:
- Cái pháp tu gì mà cứ trông cho người ta chết!…
- Cái pháp tu gì mà cứ mong cho người ta queo râu!… (Hì- hì!…).
Người ta có những sự suy nghĩ hoàn toàn sai lầm về pháp Niệm-Phật Vãng-Sanh. Có một gia đình kia, thường ngày tới chùa niệm Phật cầu vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc, thì bị chính một vị ở trong chùa phê phán như vầy:
– Chư vị nguyện như vậy là cống cao ngã mạn quá đi! Mình là hàng phàm phu tục tử, cần phải tu phước, kiếm chút phước rồi đời sau tu tiếp mới đúng. Chứ đã là phàm phu mà cầu vãng-sanh thành Phật, đâu dễ dàng vậy?… Thái quá bất cập đó nhé.
A Di Đà Phật… Nghe câu nói này, chư vị nghĩ sao đây?… Câu chuyện này Diệu-Âm có trả lời trong quyển sách: Niệm-Phật – Hộ- Niệm – Vãng-Sanh – Vấn-Đáp. Câu hỏi đó dài lắm, mà khi ấn tống không biết sao lại mất đi một đoạn khá dài, câu hỏi trong sách chỉ còn: “Tôi hàng ngày tới chùa niệm Phật…, (rồi chấm chấm chấm chấm…), có người nói làm như vậy là thái quá bất cập”. Còn đoạn chính là “Cầu vãng-sanh Tây-Phương thành đạo” thì bị xóa mất. Khi trả lời, tôi đưa gần như tất cả lời của các vị Tổ ra, tôi đưa nhiều kinh điển Phật dạy “Niệm Phật cầu vãng-sanh” để dẫn chứng rằng lời phê phán trên là quá sai lầm.
Đời mạt pháp này, Phật đã đưa cho chúng ta bốn cái y cứ cần phải theo. Y cứ đầu tiên là : “Y pháp bất y nhân”. Hôm nay xin nhắc nhở về: “Y pháp bất y nhân”. Bất cứ một người nào nói ra mà không đúng với kinh Phật nhất định đừng theo, thì chúng ta mới tránh được ma nạn, tránh được ma chướng trong đời mạt pháp này. Ngay cả việc ta làm theo ý nghĩ của chính mình cũng sai luôn! Có nhiều người thường tới nói với Diệu-Âm rằng, “Tôi nghĩ như thế này… Tôi nghĩ như thế nọ”… Tôi nói: “Cảm ơn!”… Rồi niệm “A-Di- Đà Phật” và lặng lẽ ra đi…
Anh nghĩ sao thì nghĩ kệ anh, đúng hay sai tự anh chịu. Tôi đâu có quyền gì cãi lại anh được? Nhưng tốt nhất thì anh hãy bỏ những ý nghĩ của cá nhân đi, phải theo đúng kinh của Phật mà tu thì anh mới có cơ hội thành đạo. Tới một đạo tràng, người ta tu theo một pháp nào đó ta không nên chấp trước, nhưng ta phải để ý đến những lời pháp hướng dẫn của họ. Lời pháp mà đúng với kinh Phật dạy, nhất định ta phải giữ chặt trong tâm, phải tiếp trợ, phải tu hành. Nếu lời pháp mà sai với kinh Phật, thì ta không được quyền chống, ta phải tôn trọng tự do của họ, nhưng tu hành mà không cẩn thận, quý vị tu theo cảm tình, thì cái huệ mạng của mình quyết không ai chịu trách nhiệm cho mình đâu nhé.
Cho nên, chúng ta phải có trách nhiệm với chính mình. Tôi tu là để giải thoát. Đức A-Di-Đà Phật phát thệ như vậy, tôi nhất định tin như vậy. Đức Bổn-sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật dạy rằng đời mạt pháp phải niệm Phật cầu vãng-sanh mới thành tựu. Đây là điều ta phải y cứ, nhất định phải y giáo phụng hành…
Trong vấn đề tu hành, người nào muốn theo thì chúng ta nên rủ nhau cùng đi. Người nào không theo, thì nhất định phải tôn trọng vấn đề tự do của họ. Nhưng nếu ta không có chủ định vững, tu theo cảm tình, nhất định bá thiên vạn kiếp sau này không dễ gì ta có cơ hội gặp lại câu A-Di-Đà Phật để niệm mà cầu vãng-sanh Tây-Phương Cực-Lạc đâu. Mấy ngày nay chúng ta quây quần bên nhau đây từ sáng đến chiều, từ chiều đến sáng, vẫn niệm một câu A-Di-Đà Phật. Ai nói gì nói, chúng ta vẫn phải giữ câu A-Di-Đà Phật để vãng-sanh về Tây-Phương Cực-Lạc mới được.
Chính vì thế, khi Diệu-Âm biết được chuyện này, đi tới bất cứ chỗ nào, nói bất cứ một đề tài nào, lòng vòng để có chuyện mà nói cho vui, chứ sau cùng rồi cũng trở về với câu Phật hiệu cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc hết.
Có nhiều người lại nói:
- Những vị Phật tử kia họ chưa có duyên về niệm Phật, chưa đủ phước-đức vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc, thì tại sao cứ nói vãng-sanh với họ làm chi? Tại sao không mở cửa phương tiện khác cho họ, nhằm gieo duyên cho họ để trong đời kiếp sau rồi sẽ tính.
Diệu-Âm nói, quý vị muốn làm như vậy thì cứ việc làm đi, Diệu- Âm không dám cản, chứ còn Diệu-Âm thì nói rằng:
- Chưa chắc gì một người mà mình cho rằng họ không đủ duyên về Tây-Phương là họ không được vãng-sanh. Coi chừng họ có dư phần vãng-sanh trong đó mà mình không
- Chưa chắc gì một người nào đó ít tu, mà mình lại đánh giá rằng họ không đủ phước báu một đời này vãng-sanh. Nhiều khi họ đã dư phần vãng-sanh trong đó mà mình không biết.
- Ta chưa có thần thông đạo nhãn gì, thì làm sao biết được thiện-căn phước-đức của người đó đã tu trong vô lượng kiếp như thế nào? Vậy thì sao dám đánh giá họ chắc chắn không được vãng-sanh. Căn cứ vào đâu mà quyết đoán vậy?…
Có nhiều người lý luận rằng:
- Muốn tu thành đạo phải tu trong vô lượng kiếp. Làm gì đi niệm Phật mấy bữa mà được vãng-sanh?… Như vậy Phật nói sai chăng?…
Diệu-Âm nói:
- Coi chừng mình nói sai đó, chớ không phải Phật nói sai đâu. Nhân-Quả thông 3 đời. Đời quá khứ, tức là vô lượng kiếp trong quá khứ người ta đã tu rồi, mình không hay. Đâu phải các vị phát tâm tu 30 năm nay là hơn người mới tu đâu. 30 năm tu hành trong đời này đâu có thể đại diện vô lượng kiếp được. Coi chừng 30 năm mình tu, kèm theo cái cống cao ngã mạn, 30 năm mình tu kèm theo sự giảng pháp sai kinh Phật, giải sai lời Phật, dẫn người ta đi lạc đường… Tội này ai mang đây?… Công đức nào mà ứng hiện ra trong những lời giải sai đó?…
Xin thưa với chư vị, khi nói về đường tu, chúng ta phải nói cho tới đích. Hướng dẫn người tu phải hướng dẫn cho tới cùng. Còn anh chịu đi hay không, là duyên phận của anh. Còn chị có phước phần hay không, tự chị phải lo liệu lấy. Chứ người lãnh trách nhiệm hướng đạo mà không chịu chỉ dẫn thẳng đường giải thoát cho người ta, vô tình hay cố ý đóng kín con đường giải thoát lại, vạch ra con đường lòng vòng nào khác, dùng lý luận hay ho ru ngủ người ta đi vào hướng đó để họ quên mất con đường giải thoát, thì tội này nặng lắm. Ngài Tịnh-Không nói tội này nặng lắm, không phải đơn giản đâu.
Chính vì thế mà khi chúng ta đi hộ-niệm, ta thấy được những người thực sự là hàng phàm phu mà họ ra đi với một thân tướng quá tốt đẹp, quá bất khả tư nghì… Xin thưa với chư vị, người ra đi có thoại tướng như vậy, nghĩa là toàn thân lạnh hết, mềm mại tươi hồng, mà đỉnh đầu ấm ấm, thì giá chót người ta cũng lên được tới một cảnh trời, đó là chưa điều tra kỹ về công hạnh người ta tu như thế nào… Nếu thực sự người ta đủ Tín-Nguyện-Hạnh nữa thì mình tăng lên đến trên 90% đã vãng-sanh Tây-Phương rồi đó. Còn khi ra đi mà người ta báo được: “Con ơi!… A-Di-Đà Phật đã tới rồi, ở trên mây, đẹp quá. Thôi bây giờ mẹ đi đây”. Có nhiều người nói ngon lành như vậy đó, thì chắc chắn rồi chư vị ơi!… Một phàm phu đã vãng-sanh trở thành một vị bất thối Bồ-Tát trên cõi Tây-Phương rồi. Chính vì thế, ngài Ấn-Quang nói: “Khuyên người niệm Phật cầu về Tây-Phương là giúp cho một phàm phu thành bậc Chánh-Giác. Nếu đem công đức đó hồi hướng về Tây-Phương Cực-Lạc thì đạo nghiệp của chư vị tự nhiên thành”. Chánh giác tức là Vô-Thượng Chánh-Đẳng Chánh-Giác đó. Công đức này vô lượng vô biên… Nghe tới câu nói của Ngài mà ta giựt mình đến sững sờ.
Hộ-Niệm cứu người phàm phu vãng-sanh Tây-Phương Cực- Lạc thành Phật. Tại sao có người lại dám khinh thường pháp hộ- niệm vậy?…
Nam Mô A-Di-Đà Phật.