• Trang Chủ
  • chưa phân loại
  • Khi Lâm Chung Nghiệp Khổ Bức Bách. Tuy Miệng Niệm Phật Nhưng Trong Tâm Không Có Phật Thì Có Được Vãng Sanh Không?

Khi Lâm Chung Nghiệp Khổ Bức Bách. Tuy Miệng Niệm Phật Nhưng Trong Tâm Không Có Phật Thì Có Được Vãng Sanh Không?

Share on facebook
Share on twitter

 

Câu hỏi: Nam Mô A Di Đà Phật. Dạ Kính thưa Lão Cư Sĩ Diệu Âm cho chúng con hỏi. Hoà Thượng Tịnh Không có dạy: “Niệm Phật trong tâm có Phật mới vãng sanh”. Vậy thì khi lâm chung, người bệnh chịu nhiều bức bách đau đớn do nghiệp lực hiện hành, nhưng miệng vẫn niệm theo từng chữ A Di Đà Phật với Ban Hộ Niệm. Nếu như lúc này trong tâm người bệnh không có Phật thì có cơ hội vãng sanh hay không? Chúng con thành tâm cảm niệm công đức của Lão Cư Sĩ Diệu Âm ạ. Nam Mô A Di Đà Phật.

 

Trả lời: A Di Đà Phật. Không biết là cô Mai Trâm là ai mà hỏi câu hỏi gì hay dữ vậy!…

Niệm Phật, tâm niệm chứ không phải miệng niệm, miệng niệm là niệm láo. Nhưng mà xin thưa với chư vị câu hỏi này hay quá. Trong lúc bệnh hoạn, trong lúc sắp sửa lâm chung, bệnh khổ hành hạ đau đớn quá chừng. Tâm ý thì rối bời, vướng bận đủ thứ, trong tâm không có Phật làm sao vãng sanh?

Chính vì thế mình mới thấy Ban Hộ Niệm nó tối cần cho những người này. Chư vị ơi! Lúc bình thường thì mình thấy trong tâm có Phật, nhưng nếu thực sự mình là một đại căn, một vị thánh nhân, một vị Bồ Tát thì là các Ngài luôn luôn tâm trụ trong câu A Di Đà Phật, các Ngài đâu cần ai tới hộ niệm.

Còn chúng ta thì lúc bình thường tưởng mình là tâm trụ trong câu A Di Đà Phật. Nhưng mà thực ra chỉ trụ trong cái lúc mà niệm Phật với đại chúng, khi ra ngoài xong là cãi lộn ào ào, tâm nó cũng chạy luôn ra ngoài rồi mà mình không biết đó thôi.

Chính vì thế mà xin thưa với chư vị, là phàm phu mà thiếu phần hộ niệm rồi thì sao đây? Diệu Âm trực nhớ ra một câu trong kinh Hoa Nghiêm, Đức Thế Tôn cảnh cáo cho những vị Bồ Tát. Ngài nói:

– “Thị nhơn chung thời, chư căn tán loạn, chư căn tán hoại“.

Ngài còn mạnh dạn cảnh cáo những vị Đại Bồ Tát: “Bây giờ các ông còn khỏe lắm, còn tốt lắm. Các ông có thể nói thượng nói hạ. Nhưng khi đối diện với cảnh tử sanh rồi, nghiệp chướng ứng hiện rồi. Coi chừng các căn tán hoại rồi thì làm sao mà tâm có Phật đây?”. Chư vị hiểu không?

Những vị Đại Bồ tát mà các Ngài còn làm gương, chư Phật còn răn dạy cần phải cẩn thận. Cho nên, lúc nào cũng lấy tâm thành, tâm kính để Phật lực gia trì. Huống chi chúng ta là hàng phàm phu. Lúc đó thực sự tâm chúng ta không còn có Phật nữa mà tâm chúng ta có đau, có bệnh, có buồn, có phiền, có sợ sệt vì bao nhiêu cảnh giới ào ào ập tới. Làm sao tâm ta giữ được tâm Phật đây chư vị?

Câu trả lời chính là gì? Chính là nhờ Ban Hộ Niệm ở bên cạnh điều giải. Ban Hộ Niệm bên cạnh khuyến tấn. Ban Hộ Niệm bên cạnh an ủi vỗ về. Ban Hộ Niệm bên cạnh niệm Phật để hộ trì cho mình. Ban Hộ Niệm khuyên mình hãy chí thành chí kính đi. Có phải tất cả từ trước tới nay Diệu Âm khai thị cũng quần quần mấy điểm này?! Luôn luôn khuyến tấn tất cả mọi người phải đem cái tâm thành, tâm kính, tâm khiêm, tâm cung mà được Phật gia trì. Mình mới niệm được câu A Di Đà Phật cuối cùng mà ra đi phải không chư vị?

Tất cả đều như vậy. Cho nên thực sự câu này hỏi hay vô cùng. Trong lúc mình bệnh hoạn, trong lúc mình sắp sửa ra đi thân thể mình đau buốt, mình không còn giữ được tâm Phật nữa thì làm sao vãng sanh đây? Nếu mình tự nghĩ rằng là mình ngon thì lúc đó mình âm thầm chịu lấy cảnh, cảnh gì đây? Cảnh khổ nạn! Mình ân hận thì cũng quá thừa. Vì sao, mình tự mình tách ra với đại chúng.

Một ý niệm này đã khởi trong tâm mình sự thượng mạn. Chư vị nghĩ coi trên thế gian này, một người thượng mạn thì một người bị nạn phải không? Mười người thượng mạn thì mười người bị nạn, một vạn người thượng mạn thì có một người nào thoát khỏi vòng sanh tử luôn hồi đâu phải không chư vị?

Như vậy thì mau mau trở về với lời dạy của ngài Ấn Tổ đi. Chí thành chí kính khiêm cung mà tu thì người nào cũng được vãng sanh Tây Phương Cực Lạc hết. Là Ngài dạy cho nhất định phải nương dựa vào nhau. Diệu Âm luôn luôn khuyên là phải nghe lời, y giáo phụng hành Ban Hộ Niệm. Tại vì chính mình không thấy điều sơ suất, nhưng mà thực sự người ngoài nhìn vô thấy sơ suất tràn trề. Chính người ta thấy mình sơ suất người ta mới giải được, mới cứu mình được đấy nhé chư vị.
A Di Đà Phật!

HOAN NGHÊNH CHIA SẺ. RỘNG KẾT PHÁP DUYÊN. CÔNG ĐỨC VÔ LƯỢNG!
cusidieuam.com

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –