Có nhiều người thường nói, để từ từ rồi tôi mới lập hạnh?!

Share on facebook
Share on twitter

 

Chư Tổ nói, niệm Phật không cầu nhất tâm bất loạn thì mới có thể nhất tâm bất loạn. Người cầu nhất tâm bất loạn, thì nhất định vọng tâm nó sẽ nổi lên, không bao giờ nhất tâm bất loạn được!

– “Nguyện” là nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc, chứ không phải nguyện cho con hết vọng tưởng để con niệm Phật được nhất tâm, để vọng tưởng đừng xảy ra.

Vọng tưởng nó đến sao đến kệ nó, mình niệm cứ niệm, chứ không phải khi vọng tưởng nổi lên thì đối trước bàn Phật: “Nam Mô A-Di-Đà Phật, xin cho con hết vọng tưởng”.

Như vậy, Diệu Âm đã nhắc lên nhắc xuống không biết bao nhiêu lần câu: “Nguyện vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc”. Tất cả mọi vấn đề khác xin buông hết.

Vọng tưởng đến? Vọng tưởng càng đến càng biết rằng mình là hạng phàm phu tục tử. Đã biết rằng mình là phàm phutục tử thì bắt buộc phải có vọng tưởng. Có vọng tưởng rồi thì nhất định hãy nhờ cái vọng tưởng này mà nhắc nhở để làm tăng thượng duyên cho mình niệm Phật. Còn những người cứ cố gắng đối trị với vọng tưởng, tức là cứ làm sao diệt cho hết vọng tưởng, thì vô tình càng niệm Phật càng bị nhức đầu!…

Cho nên ngài Hạ-Liên-Cư mới nói: “Niệm Phật không cầu hết vọng tưởng. Niệm Phật không cầu cho nhất tâm bất loạn. Niệm Phật chỉ để cầu vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc”. Vì mình biết mình là hàng phàm phu tục tử, cho nên càng niệm càng loạn. Càng loạn thì càng biết mình là phàm phu. Biết là phàm phu rồi thì lo mà mua cái máy bấm. Cái máy bấm tức là cái máy công cứ. Bây giờ đây chùa nào cũng có cái máy bấm hết. Bấm, bấm, bấm… Thay vì mình đếm thì nó bấm giùm cho mình. Cứ niệm, cái tay cứ bấm, bấm, bấm, bấm… Đó là máy công cứ.

Tôi xin kể ra đây một câu chuyện, câu chuyện này có thật. Có nhiều người thường nói, để từ từ rồi tôi mới lập hạnh?!… Có một ông Cụ đó 77 tuổi, đúng rồi, 77 tuổi. Cụ đã tu và ăn chay trường ba mươi mấy năm. Cụ từng tu qua hình như là mười lăm, mười sáu chùa. Trong vùng Sài Gòn ít có chùa nào mà cụ không đến. Tất cả những khóa thọBát Quan Trai, Cụ tham dự đầy đủ, những khóa Phật Thất cũng đều dự đầy đủ. Nhưng về nhà, khi có những người biết được phương pháp hộ niệm, đến khuyên Cụ niệm Phật thì Cụ không niệm. Cụ nói:

– Ta tu như vậy đã tốt quá rồi, đâu cần phải niệm sớm như vậy. Ta chưa chết mà, để từ từ sẽ tính…

Cỡ chừng sáu tháng sau, có một lúc Cụ đang đứng trước cửa nhà thì Cụ thấy có một cái bao gạo đổ ra, rồi có một đàn gà tới ăn cái bao gạo đó. Cụ ở trong nhà chạy ra đuổi mấy con gà, thì Cụ vấp phải cái ngạch cửa và té xuống, rồi bị chấn thương mê man bất tỉnh. Khi Cụ tỉnh lại, Cụ mới nói tại sao gà ở đâu mà tới nhà mình nhiều dữ vậy? Nhưng thật ra hoàn toàn không có gạo gì hết, cũng không có gà gì hết! Cụ vô nằm trong bệnh viện khoảng một tháng gì đó… có lúc tỉnh lúc mê. Bệnh viện chịu thua mới đem về nhà, và chính tôi là người có đi tới hộ niệm cho ông Cụ đó. Tôi không phải là người chính thức hộ niệm. Chương trình của tôi không có ở nơi đó lâu được. Ông Cụ mê man bất tỉnh, cứ tỉnh tỉnh mê mê, tỉnh tỉnh mê mê như vậy cho đến lúc chết không được vãng sanh.

Khi tôi tới hộ niệm cho ông Cụ, tôi hộ niệm cũng được hơn một tuần, tận sức để khai thị mà ông Cụ không tỉnh lại. Tôi mới kêu gia đình ra hỏi, hỏi cặn kẽ từ đầu tới đuôi, thì mới phát hiện được ra những chuyện này. Là trước những ngày mà ông ta mất, ông thường đứng trước cửa nhà cầm cái tay lái xe Honda nói chuyện rầm rì rẩm rỉ, rầm rì rẩm rỉ gì đó? Sau cùng thì ông ta thấy một đàn gà… Nhưng mà thật ra không có đàn gà đó?…

Quý vị coi, hôm trước mình nói rằng là người hạ căn phàm phu tục tử thì oan gia trái chủ đi kèm sát bên mình. Cho nên khi muốn phát tâm mình phải phát tâm liền, mình phải làm liền. Mình niệm năm ngàn không được thì niệm hai ngàn. Hai ngàn không được thì lúc “Cờ tướng” hay “Nói chuyện”… bắt đầu niệm Phật. Nếu mà có cái máy bấm, lúc mình đang đứng giữa ba, bốn người, họ đang nói chuyện, mình không biết trốn đâu, thì hãy đút tay trong túi, cứ để tay vô túi mà bấm bấm trong đó: “A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật”. Thật ra mình giả đò cười cười với họ, nhưng mà cái tâm của mình là chìm trong câu A-Di-Đà Phật. Nhờ cái máy bấm đó nó giúp cho mình niệm. Đó gọi là công cứ. Cái máy bấm đó gọi là máy công cứ chứ không có gì khác. Nhờ như vậy mà chiều lại ta có chút công đức. Đem công đức nàyhồi hướng liền cho oan gia trái chủ. Xin đừng chờ!…

Hôm trước, có vị nào đó nói rằng, để tôi làm ăn cho ngon lành, sắp sửa chuẩn bị cho ngon lành xong rồi tôi mới niệm Phật? Không được. Đã phát tâm thì nên phát tâm liền. Người ta phát tâm lớn thì có khả năng lớn. Mình không có khả năng thì phát tâm nhỏ. Để chi? Để tạo công đức liền lập tức, để hồi hướng cho oan gia trái chủ liền đi. Tại vì nếu không, thì họ sẽ xúi mình hãy chờ sáu tháng nữa, ba tháng nữa mới làm công cứ… Nhưng thực ra, họ đã biết cái vận mạng của mình sẽ tới lúc nào rồi!… Quý vị ơi! Có những cái thế nó cài lạ lùng lắm!

Cho nên, khi biết được như vậy rồi, đã tu thì phải phát tâm tu liền đi chư vị ạ. Vì huệ mạng của mình mà tu, chứ không phải vì một người nào khác. Không phải vì một đứa con, vì một đứa cháu, một người vợ hay một cái đạo tràng, mà chính vì mình. Mình không biết ngày nào ra đi. Hơi thở, thở ra không hít vào là xong liền. Chính vì vậy mà hộ niệm là nhắc nhở cho chúng ta phải lo tu hành liền, để rồi khi mình nằm xuống, thì tất cả những kiến thức này mình biết hết, biết hết thì hộ niệm dễ lắm. Chỉ ngồi bên cạnh: À bác Sáu ơi! Niệm Phật đi nha. Ừa!… Có gì nói với tôi nghen. Ừa!… Biết hết trơn rồi. Lúc đó tất cả mọi người ngồi chung quanh niệm “A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật”. Ta nằm đó ta cũng niệm “A-Di-Đà Phật, A-Di-Đà Phật”. Nhất định sẽ cảm ứng, nhất định sẽ tương ưng với đại nguyện A-Di-Đà Phật. Ta về Tây Phương dễ dàng!…

Nam Mô A-Di-Đà Phật!

KHẾ LÝ – KHẾ CƠ

(Tọa Đàm 24)

 

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –