Tại Sao Phải áp Dụng Phương Pháp Hộ Niệm?

Share on facebook
Share on twitter

Tại sao phải áp dụng phương pháp hộ niệm? Vì ta niệm Phật không có khả năng được Nhất Tâm Bất Loạn! Muốn được nhất tâm bất loạn trong thời này, thì nói thẳng rằng, phải là hàng thượng căn, thượng trí, đại Bồ-Tát mới làm nổi. Ta không phải là đại Bồ-Tát, cũng không phải là tiểu Bồ-Tát, mà lại là phàm phu chính hiệu nữa, thì chờ đến ngày đượcnhất tâm bất loạn, chẳng khác gì chờ thấy hoa đốm giữa hư không! Trên hư không làm gì có hoa trên đó? Chẳng qua là những đám mây lúc tan lúc hợp đổi thay vô thường!…

Ấy thế, mà ngài Tịnh-Không nói, chúng ta không phải Bồ-Tát. Chúng ta chỉ là Bồ-Tát giả, nhưng biết thành tâm quyết lòng niệm Phật, thì Bồ-Tát giả này được A-Di-Đà Phật tiếp độ về Tây Phương, Bồ-Tát giả này thành Bồ-Tát thật. Mà Bồ-Tát thật ở trên cõi Tây Phương thì khi nhìn lên bầu trời trên cõi Tây Phương có những lộng hoa đẹp lắm! Hằng ngày có những lộng hoa rất to, rất đẹp, lơ lửng lơ lửng trên không. Mà lạ thay, lộng hoa đó cuống thì ở trên còn mặt hoa thì ở dưới, nhờ thế ở dưới mình nhìn lên mới thấy hoa. Rồi hoa đó cứ từng đốm, từng đốm, từng đốm rơi… rơi… rơi xuống dưới đất. Khi Mình đi khi đạp lên thì nó lún xuống, khi mình giở chân lên thì tự nhiên cái hoa nó trở lại như cũ. Nó có sự đàn hồi. Đẹp vô cùng!…

Cho nên, ở đây mà nói hoa đốm giữa hư không thì phiêu phỏng hão huyền! Về trên Tây Phương mình thấy rõ rệt cóhoa đốm giữa hư không, được chư Bồ-Tát cúng dường, A-Di-Đà Phật dùng thần lực của Ngài hóa hiện để cúng dườngcho tất cả chúng sanh ở trên đó. Đẹp vô cùng.

Chính vì vậy, vấn đề khế cơ, tức là hợp với căn cơ rất quan trọng. Trong đó pháp hộ niệm là đại hợp căn cơ cho người tu học trong thời mạt pháp này. Vì sao vậy? Vì những người hạ căn hạ cơ như chúng ta, nếu không nhờphương pháp hộ niệm này, nhất định một ngàn người tu, một vạn người tu, tìm không ra một người chứng đắc! Đây làlời Phật dạy.

Chính vì thế, xin chư vị khi bắt đầu niệm Phật, hãy khởi cái tâm ra, hãy phát cái tâm thật vững vàng, quyết định một đời này về tới Tây Phương Cực Lạc. Nhất định đừng nghĩ rằng:

– Mình tu, để kiếm chút phước. Nhất định những câu nói này sai lầm!

– Đi tu, để tìm chút vui vẻ. Nhất định những câu nói này sai lầm!

– Đi tu, tới chùa người ta tu sao mình tu vậy. Nhất định những câu nói này sai lầm!

Vì toàn bộ những lời nói này không ứng hợp lý đạo, không ứng hợp căn cơ. Lý đạo không hợp, vì đức Bổn Sư Thích-Ca-Mâu-Ni Phật dạy chúng ta niệm Phật để vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc. Nếu ta phát tâm vững mạnh nhất địnhđời này ta phải đi về Tây Phương Cực Lạc thì ta ứng hợp lý đạo, đúng theo lời dạy của đức Bổn Sư Thích-Ca-Mâu-Ni Phật. Ta quyết lòng đi về Tây Phương Cực Lạc là hợp với đại nguyện của đức A-Di-Đà Phật, ta mới về được Tây Phương Cực Lạc để thành đạo Vô-Thượng.

Nếu hàng vạn người bên ngoài nói rằng, tu cho vui, mình cũng tu cho vui, thì nhất định không hợp lý đạo. Người ta nói bữa nay tu cái này cho lạ một chút, ngày mai tu cái kia cho lạ một chút, thì nhất định đã sai với căn cơ. Tại vì, đi không có đường, về không có hướng! Nhất định sau cùng khi nằm xuống, tức là lúc trước khi chết, sẽ phân vân vô cùng, mơ hồ vô cùng! Không biết đường nào đi? Chắc chắn ta phải tùng nghiệp thọ báo. Oan gia trái chủ nhất định sẽ cản ngăn tất cả những con đường giải thoát, bắt buộc ta phải chịu nạn! Xin chư vị chú ý điểm này.

– Hợp Lý là Khế Lý.

– Hợp Cơ là Khế Cơ.

Có nhiều người vì không để ý chuyện này, thường chỉ nêu lên vấn đề “Khế Lý”, đem những lý đạo cao siêu giảng cho hàng chúng sanh mê muội như chúng ta. Ngài Ấn-Quang nói:

– Giảng kinh thuyết đạo mà không hợp với căn cơ, không những không đem ích lợi gì cho chúng sanh, mà còn làm cho họ vọng tưởng.

Vì khi giảng về lý đạo thì nghe hay lắm! Vì hay quá nên dễ đam mê! Mê vào trong đó mà thực sự thì làm không được! Làm không được thì cũng giống như ở cõi Ta-Bà này cứ cố hướng mắt nhìn lên trên mây để tìm hoa đốm. Trên đó hoa đốm đâu có mà tìm? Chỉ thấy những đám mây kết lại, thành những hình ảnh vô thực hão huyền, lúc tan lúc hợp, huyễn mộng vô thường! Không thể nào thành tựu được!

Khế Lý – Khế Cơ (Tọa Đàm 16)

 

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –