Vấn đề điều giải oan gia trái chủ

Share on facebook
Share on twitter

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Khi nói về vấn đề “Hướng Dẫn – Khai Thị – Hộ niệm” thì Diệu Âm có hứa là sẽ nhấn mạnh đến vấn đề điều giải oan gia trái chủ, thì đến hôm nay còn đúng mười đêm nữa là hết chương trình tọa đàm này. Diệu Âm xin dành mười đêm này để nói thẳng về vấn đề điều giải oan gia trái chủ.

Xin thưa thật là nói điều giải oan gia trái chủ, chứ chúng ta nên nói là điều giải mối liên hệ giữa ta, giữa người bệnh với chư vị trong pháp giới thì đúng hơn, chứ chưa chắc gì các vị đó là oan gia trái chủ. Diệu Âm không phải là người cókinh nghiệm trong chuyện này, nhưng mà vô tình khi biết được phương pháp hộ niệm, rồi khi đi hộ niệm cho người ta mới thấy rằng chúng ta có thể áp dụng cái phương thức hộ niệm lâm chung, dùng cách điều giải trong phương pháp hộ niệm để tháo gỡ một số chướng nạn có liên quan đến các vị trong pháp giới.

Diệu Âm sẽ cố gắng kể lại những chuyện chính mình có tham gia vào. Có nhiều chuyện thành công bất khả tư nghì, cũng có nhiều chuyện chưa giải quyết được và cũng có một vài chuyện thất bại, trong đó thành công chiếm xác suất cao hơn. Diệu Âm chỉ lấy kinh nghiệm này để mà gợi ra đây một vài ý kiến để chư vị tham khảo, chứ không dám cho đây là chắc chắn. Tại vì pháp giới mông huân, có nhiều chuyện rắc rối lắm, mà cái kinh nghiệm của mình còn non nớt chưa chắc gì đã đầy đủ.

Đầu tiên khi trải qua một số lần như vậy, Diệu Âm thấy rằng chư vị trong pháp giới, tức là nói về các vị vô hình, họ cũng có tất cả những tình cảm, lý trí, suy nghĩ, cũng có đau buồn, cũng có vui tươi giống y hệt như là người thường của mình, và theo như Diệu Âm hiểu, tình thật phải nói là hình như là cái tâm tình của họ nhiều khi cởi mở hơn người còn sống, người ta hiền hơn người còn sống, chứ không phải họ dữ lắm đâu. Thành thật như vậy. Nếu so sánh giữa cái gọi là tâm ác, thì người sống chúng ta ác hơn những vị đó, mặc dù so sánh ra giữa cảnh giới sống thì họ khổ hơn ta, họ đau khổ hơn ta nhiều lắm, nhưng về tinh thần thì hình như họ hiền hơn.

Cách đây cũng không lâu, ở bên Na-Uy có một vị tự nhiên đem bom đặt trong căn nhà của chính phủ, rồi sau đó tự anh ta vác súng bơi thuyền qua một cái đảo, trong khi ở đảo đó đang có một cuộc trại của thanh niên. Anh ta đến tự xưng là cảnh sát, kêu gọi tất cả mọi người thanh niên trong cuộc trại đó đến để điều tra. Khi mọi người thanh niên đó tới chung quanh xong, anh liền rút súng ra bắn bảy mươi bảy người chết.

Mình thấy rõ rệt là các vị mà mình gọi là oan gia trái chủ hay là nhiều khi mình đánh giá họ là Ma, là Quỷ, thật ra họ chưa làm những việc dữ dằn như người sống đâu! Mà thường thường họ đến với người bệnh là để họ đòi lại một sự công bằng cho chính họ, vì chính người bệnh đã tạo ra những cái nhân chẳng thiện, bất lành với họ trước. Từ việc làmcủa người bệnh hay là chính chúng ta đã làm cho họ phải sống qua những cảnh giới rất là đau khổ! Ấy thế mà trong suốt một cuộc đời mình sống, họ không làm gì mình được hết, họ chỉ chờ cho đến lúc mình sắp sửa lìa đời, tức là thân thể mình suy kiệt, tinh thần mình yếu đuối, họ mới lợi dụng cơ hội đó để mà tới trả thù, đòi nợ.

Như vậy, họ chỉ là những người muốn đòi lại những cái công bằng cho chính họ mà thôi. Trong khi đó để hóa giải oán thù này, những người hộ niệm, chỉ thành tâm chắp tay điều giải, năn nỉ, rồi bảo người bệnh thành tâm sám hối… Ấy thế mà có rất nhiều trường hợp chư vị oan gia trái chủ đó sẵn sàng tha thứ. Như vậy mình thấy rằng tâm lượng của họrộng rãi hơn người bình thường chúng ta nhiều lần, nhiều lần lắm.

Mình cứ thử nghĩ coi, mình đang sống đây, có nhiều người chỉ cần chọc mình giận một chút, họ có một sơ suất nào nho nhỏ đối với mình thôi, mà thật ra là nhiều khi chính mình làm sai trước, ấy thế mà ta giận hờn, ganh ghét, căm thùhọ nhiều khi hai ba chục năm không chịu tha thứ! Một sự thật là người làm sai với chúng ta đó dù sao cũng chưa giết ta, chưa đụng tới móng tay của ta nữa, ấy thế mà ta còn có cái tâm thù ghét họ như vậy. Nếu giả sử như trả mình vềhoàn cảnh của những vị mà mình gọi là oan gia trái chủ thì sao? Người ta cắt cổ mình, người ta lột da mình, người ta mổ bụng mình… thì lúc đó mình căm thù còn đến một mức nào nữa!…

Chính vì thế mà xin thưa, đây là một bài học hết sức là thích đáng. Hôm trước đi lên trên Perth, có một vị kia bị bệnh sắp chết. Diệu Âm lên đó khuyên. Vị đó cái gì cũng bỏ hết mà có một chuyện này không chịu bỏ. Đó là một người bà con phía bên chồng, không biết vì lý do nào đó đã gây mích lòng, ấy thế mà quyết lòng không bỏ. Nhưng khi điều trathật kỹ ra, thì chính người sắp chết đó đã làm lỗi trước. Ấy thế mà không bỏ!

Diệu Âm mới nói:

– Chị thử nghĩ coi, về Tây Phương là thành Bồ-Tát, thành Phật. Phật Bồ-Tát không bao giờ ghét một người nào hết. Đức Thích-Ca-Mâu-Ni Phật lúc tiền thời, Ca-Lợi Vương bắt xẻo thịt Ngài từng miếng từng miếng trong khi Ngài không có lỗi lầm gì hết. Xẻo thịt gọi là lăng trì. Ấy thế mà đức Phật còn nói khi mà ta thành Phật ta quyết lòng sẽ độ ông trước. Cái tâm của Ngài rộng như vậy Ngài mới thành Phật được. Bây giờ chị muốn về Tây Phương, muốn gia nhậpchư Đại Thánh Chúng trên cõi Tây Phương mà chị còn hẹp hòi như vậy, chị còn căm thù người này, căm thù người kia thì làm sao chị có khả năng hội tụ với các Ngài?

Tôi nói tiếp:

– Phải bỏ! Nếu không bỏ, thì nhất định chị không được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc.

Tôi nói rất mạnh! Khi tôi nói vậy, chị mới giật mình. Tôi hỏi:

– Bây giờ chịu bỏ chưa?

– Bỏ.

– Chắc không?…

– Chắc.

Chị đưa tay lên bắt tay. Chấp nhận bỏ. Chấp nhận bỏ như vậy mới được vãng sanh.

Cho nên, xin thưa với chư vị, mình nói là điều giải oan gia trái chủ, thì hôm nay xin khởi đầu bằng cách ta phải điều giải chính cái tâm của mình trước. Nếu tu hành mà mình khởi một tâm cống cao ngã mạn lên thì gọi là “Ma Nhập”. Hôm trước mấy người bạn đi thăm một vị bị chướng nạn. những người bạn này nói, anh đó chỉ cống cao ngã mạn thôi chứ có gì đâu mà gọi là bị ma nhập?… Nhưng thật ra chính vì cống cao ngã mạn như vậy nên mới bị ma nhập.

Mình tu hành như thế này, nếu mà còn để tâm ganh ghét một người nào… nhất định không trốn được nạn oan gia trái chủ lúc mình xả bỏ báo thân. Nếu trong quá khứ có những người nào sai lầm với mình, bây giờ mình không tha thứhọ, thì tôi nói thẳng thắn, nhất định khi nằm xuống bắt buộc mình phải chịu ách nạn, gọi là oán thân trái chủ.

Vì sao?… Tại vì tất cả đều từ cái tâm này ra hết. Một người hiền lành, tự nhiên bao nhiêu oan gia trái chủ thông cảmhết, tha thứ hết. Một người cố chấp, bây giờ có một cái ban hộ niệm giỏi cho mấy đi nữa tới điều giải, thì điều giải cũng không được.

Sắp sửa đây trong vòng mười đêm liên tục, Diệu Âm sẽ kể lại những chuyện đó cho chư vị nghe. Tại sao một vị cũng bị nạn như vậy mà điều giải chỉ cần một đêm là hết. Cũng là một trường hợp tương tự, một người bị nạn qua mười mấy năm trường, ba ngày điều giải là hết. Ấy thế mà cũng có người cũng giống hệt như vậy, nhưng mà điều giải năm này qua năm khác cũng không xong. Suy cho cùng ra, xin thưa thật là tại vì chính đương sự không chịu buông xả chứ không có gì hết. Lạ lắm chư vị ơi!…

Cho nên khi mình nói rằng là điều giải oan gia trái chủ, thật ra không có một cái phép mầu nào trong đó đâu. Hòa Thượng Tịnh-Không đã đưa ra cái mẫu rất là tuyệt vời! Có một tấm hình Ngài chắp tay lại như thế này nè! Ngài cúi xuống, rồi người ta chụp tấm hình đó, và lấy tựa đề: “Chí Thành cảm thông”.

Mình đem cái lòng chí thành để điều giải, dễ được cảm thông. Vì thời gian đã hết, thì ngày mai mình sẽ tiếp tục, liên tục trong vòng mười đêm xin kể lại một số chuyện mà chính Diệu Âm đã tham gia, có những chuyện thật sự là lạ lùng!

– Đừng bao giờ nghĩ họ là Ma, đừng bao giờ nghĩ họ là Quỷ, mà ma quỷ chính là cái tâm của mình.

– Nếu tâm mình hiền lành, mở rộng, mình chính là Phật.

– Nếu tâm mình đóng lại, cái tâm mình eo xèo, cái tâm mình ganh ghét, cái tâm mình mà đố kỵ, cái tâm mình cống caongã mạn… thì chính cái tâm mình là Ma.

Ma thì gặp Ma! Phật thì theo Phật đi về Tây Phương. Tất cả đều ở tại Tâm này mà thôi chứ không phải ở ngoài.

Mong cho chư vị cố gắng, mỗi ngày mỗi ăn ở hiền lành, mỗi ngày mỗi niệm Phật. Tập tính khiêm nhường, thương người, từ bi,… Có tất cả những đức thiện lành đó thì tự nhiên đường chúng ta tu sẽ đi về Tây Phương phẳng lặng. Nếu ngược lại, chúng ta tu như vầy mà không chịu buông xả, như Hòa Thượng Tịnh-Không nói, đây là người không bỏphân biệt chấp trước. Có tính tình này, nhất định chính ta là một oan gia trái chủ cho chúng sanh, thì chúng sanh sẽ trở thành oan gia trái chủ cho chính ta vậy!…

Nam Mô A-Di-Đà Phật.

Hộ Niệm – Hướng Dẫn Khai Thị (Tọa đàm 39)

 

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –