Con Cái đến Với Ta Là Do Những Duyên Nợ Từ Trước

Share on facebook
Share on twitter

Trở lại chuyện sân-giận, con cũng xin thưa rằng là con đang dựa theo Phật học nói chung về cái nguy hại của chữ “Sân”, rồi ứng dụng vào hoàn cảnh riêng của gia đình chứ con không phải nói riêng. Con biết chắc chắn ai cũng từng vướng phải lỗi này, thì bây giờ đọc thư này nhớ hồi đầu tỉnh ngộ. Hơn nữa, cái mục “Sân-Giận” rất dễ phạm phải trong nền văn hóa Á-Đông. Ở đó, nếu nói rằng cha mẹ nóng giận con cái là sai thì ít ai chấp nhận. Nhưng ở Âu Mỹ, thì đây là luật bị cấm. Các nước Xã-Hội Chủ-Nghĩa cùng một số nước Á châu khác cũng đã áp dụng luật này rồi. Đây cũng là một điều may, vô tình cứu được một số oán nghiệp cho người làm cha mẹ. Vì dù cho luật lệ quốc gia hay phong tục tập quán có cho phép độc tài hay không, thì mọi sự bức bách đều gây nên oán nghiệp. Nghĩa là nó sẽ trở thành mối hận thù truyền kiếp, đời này trả không được nó cũng chiêu cảm ở đời sau.

Ví dụ, như ai đã bức bách một người nào chết dù đúng luật thế gian hay không thì nghiệp sát sanh vẫn có và thần thức người bị hại vẫn ghi tâm trả thù. Chính vì thế mà thành ra oan oan tương báo, ngay cả con cái trong gia đình cũng vậy. Xin cha má nhớ rằng đời này là Cha-Con, Thân-Thuộc… nhưng khi chết rồi, thì thần thức phải qua cuộc cách ấm, tất cả ký ức đều bị xóa sạch. Thần thức nhập thai, trụ thai, xuất thai hoàn toàn mê mờ đi theo dòng nghiệp báo đầu sanh, ở đó chỉ còn nghiệp thức chiêu cảm và sẽ hành động theo “đền ân, báo oán, trả nợ, đòi nợ”, chứ không biết ai là cha, là mẹ, là anh, là em gì nữa cả. Cho nên, khi hiểu đạo thì ngay cả con cái mình cũng phải lấy lễ mà tiếp xử, chứ không thể ỷ quyền làm sai luật nhân quả mà gây thêm nghiệp báo.

Nói gọn lại, giận la rầy con cái nếu là vì lòng thương giáo dục thì không kết báo oán, còn vì tánh nóng nảy của mình, thì vẫn tạo nên nghiệp báo, thù hận, không tốt cho hậu kiếp!

Phật dạy rằng, con cái đến với ta là do những duyên nợ từ trước, có rất nhiều duyên nghiệp nhưng tựu trung có bốn diện, (1) “Báo-Ân”; (2) “Báo-Oán”; (3) “Đòi-Nợ”; (4) “Trả-Nợ”.

“Báo-Ân” là người trong đời trước đã thọ ân của ta, chiêu cảm đến đời này nó đến để trả ơn. Đây là những đứa con có hiếu có tình, biết thương cha kính mẹ, dù cho có bị đối xử tệ bạc như thế nào nó cũng thương cha mẹ, không thay đổi.

“Báo-Oán” là những đứa con trong những kiếp về trước đã bị ta la mắng, chửi bới, hành hạ, cưỡng bức, sát tử… bây giờ họ tới nhằm trả mối nợ này. Đây là những đứa con bất hiếu, vô lễ, vô nghĩa, vô đạo…! Nó sẽ tìm cách phá tan gia phong uy tín của dòng tộc, làm cho cha mẹ phải chịu nhục nhã, bị tù đày, thậm chí còn có thể sát cha hại mẹ nữa là khác.

“Đòi-nợ” là những đứa con phá sản, bao nhiêu sự nghiệp của cha mẹ nó đem phá hết, cờ bạc, rượu chè, đau bệnh… bằng mọi cách làm cho gia tài của cha mẹ phải tiêu tan. Đây là vì trong tiền kiếp, chính mình đã đoạt chiếm tài sản của nó, ăn cướp, ăn trộm, dùng quyền cưỡng chiếm… nên mới tạo ra đứa con như vậy. Nếu vừa cả “báo oán” và “đòi nợ” thì sự việc xấu ác sẽ xảy ra ngoài sức tưởng tượng của nhân luân, kinh khủng lắm! Riêng cha má không có những người con thuộc dạng xấu này, đây cũng là sự may mắn do bởi cái nhân ăn ở hiền lành từ trong đời kiếp trước của cha má, chứ giả sử nếu có, thì cha má cũng đành nuốt hận chịu thua chứ không cách nào cứu vãn được đâu!

“Trả-Nợ” thì ngược lại là nó nợ mình, đời này thường thấy những người con thường gửi tiền bạc cung dưỡng cha mẹ. Nếu chỉ để “trả nợ” thôi thì nó chỉ ý thức trách nhiệm hoặc sợ xấu mặt với bạn bè, bà con, mà giúp chứ chưa chắc đã thương cha mẹ. Nếu có cả “trả nợ” lẫn “đền ơn” thì trở thành đứa con đại hiếu, đại hiền, đại nghĩa, đại từ, đối với cha mẹ, vừa lo chu toàn cả vật chất lẫn tinh thần và chí thành thương tưởng, trung thành với song thân.

Nuôi dưỡng ăn uống là trả tiểu hiếu nhân sinh. Cứu độ cha mẹ vãng sanh Tây-phương là trả Đại hiếu xuất thế. Như con đây đang tận lực làm tròn đại hiếu đó, con đã làm hết bổn phận thì dù cha má có đi hay không con cũng đã trả trọn vẹn. Nếu cha má sơ ý lọt lại trong tam đồ lục đạo, thì đó là duyên phần của cha má chứ con không biết làm cách nào khác hơn…

Hiểu được điều này, thì trong đời bất cứ chuyện gì xảy ra, xin cha má cũng nên an nhiên tự tại. Tất cả đều do nhân quả nghiệp báo từ nhiều đời nhiều kiếp kết tụ về để thanh toán ơn nghĩa nợ nần cũ mà thôi. Hễ có nhân thì có quả, có nghiệp thì có chướng. Người khéo tu hành hiểu đạo thì phải tìm cách chặt đứt nguồn nhân quả nghiệp báo này để thoát ly dòng sinh tử. Muốn chấm dứt thì bây giờ ta sẵn sàng trả nợ và đừng gieo nghiệp mới nữa. Thế thôi! Chuyện này phải cố gắng làm thì mới được. Nhiều người tu hành suốt bảy tám mươi năm nghiệp chướng vẫn còn tràn trề và cơ hội giải thoát vẫn còn mù mịt. Do đó, giải thoát được không hẳn tu lâu hay mau mà là biết cách tu. Có câu nói, “Tu trọn kiếp, ngộ nhứt thời”, tu một kiếp có cả triệu đời nhưng chưa chắc đã ngộ, nhưng khi ngộ đạo chỉ cần một tích tắc thời gian thôi. Cho nên tu có đúng cách, chọn đúng pháp môn, hợp căn cơ, hợp lý đạo, người đó sẽ thành công. Tu không hợp lý hợp cơ dù tu trọn đời trọn kiếp cũng khó có phần giải thoát.

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –