• Trang Chủ
  • VẤN ĐÁP
  • 62. Niệm Phật Mà Tâm Không An, Trong Lòng Luôn Chán Nản, Không Muốn Sống, Ngay Cả Công Ăn Việc Làm Và Các Thứ Đều Không Tha Thiết Gì Nữa…?

62. Niệm Phật Mà Tâm Không An, Trong Lòng Luôn Chán Nản, Không Muốn Sống, Ngay Cả Công Ăn Việc Làm Và Các Thứ Đều Không Tha Thiết Gì Nữa…?

Share on facebook
Share on twitter

Hỏi:

Từ lúc con biết niệm Phật A Di Đà để giúp con tai qua nghiệp chướng và mau sớm được vãng sanh về Tây Phương Cực Lạc tới nay là hơn 3 năm, trong lòng của con lúc nào cũng cảm thấy chán nản và không muốn sống nữa, ngay cả công ăn việc làm của con và các thứ con đều không có tha thiết gì nữa hết. Đồng thời con cảm thấy cuộc đời rất là chán nản.

Chú có thể giải thích dùm cho con biết để con học hỏi thêm và hiện tượng này có thường xảy ra trước đó với người nào đã niệm Phật A Di Đà chưa vậy chú?

Lúc trước con còn bịnh động kinh và chưa đi phẩu thuật, con cũng thường có những cảm giác này rồi. Sau khi con phẩu thuật xong và hết bệnh, con vẫn có những cảm giác này.

Trả lời:

Gia Trung,

Diệu Âm xin góp một vài ý kiến sau đây, mong Gia Trung để ý.

Trong câu hỏi thứ nhất của Trung, Diệu Âm có đồ đậm và gạch dưới ba chữ “bịnh động kinh”. Có lẽ những cảm giác bất thường bắt nguồn từ chỗ này chăng?!

Diệu Âm không rành về y học lắm, nên không thể nói rộng rãi về bệnh này. Tuy nhiên, sự “động kinh” chắc chắn có liên hệ rất nhiều đến hệ thần kinh. Liên quan đến hệ thần kinh thì có liên quan đến cảm giác, ý tưởng, đau khổ, buồn bã, vui tươi…

Tất cả những cảm giác đó đều liên quan đến những hoạt động của hệ thần kinh hết. Hệ thần kinh có thể hình dung giống như một hệ thống dây điện, dùng để chuyển tải những cảm xúc của mình. Mình muốn cái gì nó chuyển cái đó. Mình bắt nó chuyển nhiều thì hệ thống sẽ nóng lên, chuyển quá tải thì nó bị trở ngại, hư tổn.

Tâm mình an nhiên, thanh tịnh, vui vẻ, thì hệ thần kinh của mình ổn định, thư giãn. Nếu tâm của mình buồn sầu, lo lắng, chán nản, giận dữ, v.v… thì hệ thần kinh của mình bị căng thẳng, mệt mỏi, mất ổn định.

Nói ngược lại, khi hệ thần kinh ổn định, thư giãn thì tạo ra cảm giác thoải mái, vui tươi. Khi hệ thần kinh bị mệt mỏi, căng thẳng, mất ổn định thì gây ra hậu quả làm cho mình bất an, lo buồn, tạo ra nhiều cảm giác bất thường…

Về vật lý trị liệu, về y học, thì người ta cho rằng hiện tượng trên là tác động của hệ thần kinh. Trong Phật học gọi là tác động của “Tâm-Ý-Thức”. Tâm ý thức là vọng tâm chứ không phải chơn tâm.

Phật dạy, “Nhất thiết duy tâm tạo”, tất cả đều do tâm mình tạo ra, vấn đề của Trung là một ví dụ điển hình.

Những kinh nghiệm khổ đau, những hình ảnh tiêu cực trong lúc còn bị bệnh hoạn đã đi sâu vào tâm hồn của mình quá nhiều. Thành ra khi mình đã hết bệnh rồi, nhưng những hình ảnh đó còn lưu lại trong tâm!…

Đưa thêm những ví dụ tương tự, một người chứng kiến một tai nạn xe cộ gây ra chết người. Sự việc xảy ra trước mắt họ, hoặc họ cũng kẹt trong tai nạn đó làm cho họ kinh hoàng. Những hình ảnh này cứ ám ảnh họ mãi, đến nỗi sau này khi vừa thấy một chiếc xe hơi gần giống như trong cuộc tai nạn chạy tới là họ nghĩ ngay đến cảnh tai nạn trước và đâm ra sợ hãi, kinh hoàng.

Một người bị nước lụt cuốn trôi suýt chết, sau đó hễ họ thấy sông, thấy nước là sợ hãi bỏ chạy. Người thấy cảnh chết cháy khi thấy lửa thì hãi kinh, không kềm được bình tĩnh, v.v…

Tất cả chỉ là ký ức sống lại, sanh ra những cảm giác xấu đó mà thôi. Tất cả đều là giả!

Rất nhiều những ví dụ tương tư để nói lên cảm giác này. Giả sử, cũng là những tai nạn như vậy, nhưng họ chỉ nghe nói đến thôi, biết được qua tin tức, thấy trên TV…. thì chắc rằng không đến nỗi họ bị những cảm giác tệ hại như vậy!

Nói chung, tất cả hoàn toàn chỉ vì ký ức sống dậy mà thôi, chứ không phải là thực. Có lẽ, Trung đang bị ký ức sống dậy.

Như vậy, cái bệnh của Trung là bệnh tâm lý. Đã tâm lý thì không thực. Không thực thì không có. Không có thì có gì mà lo! Không có thì có gì đâu mà chữa. Biết sự thật của nó là không có gì cả, tức là được chữa rồi vậy.

Cho nên, biết chừng đâu khi đọc đến những lời này thì Trung liền hết bệnh chăng?!…. Mau mau ngộ đi nhé.

Giả như khi bắt đầu niệm Phật, Trung tâm sự cho người khác về bệnh tình của mình, và người hướng dẫn Trung niệm Phật biết giải tỏa nỗi buồn âm ỹ trong tâm, đem cái tâm trạng bệnh hoạn của người bệnh liệng ra trước khi bắt đầu niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ, thì Diệu Âm nghĩ rằng Trung đã vui vẻ, thoải mái, an nhiên yêu đời, yêu đạo rồi.

Học đạo có chung, có riêng. Chung thì không đi sâu vào nỗi niềm riêng được. Muốn đi sâu vào nỗi niềm riêng thì cần gặp người bạn tốt, cần gần thiện trí thức để giải tỏa tâm tư của mình. Chính vì thế, hôm nay Trung thố lộ chuyện này cũng là điều hay cho Trung đó.

Bây giờ Diệu Âm đóng vai bạn tốt cho Trung nghen. Trung đã thố lộ ra thì coi như được giải. Giải rồi coi như hết bệnh nhé. Hết liền đi nghen.

Ở Melbourne, khi nói chuyện, Trung có nghe chú Diệu Âm kể lại, có một người hơn mười năm qua, đêm đêm sống trong ác mộng, bị khổ sở, sợ hãi, bất an… đến nỗi sắc mặt tối đen, không còn sanh khí sống. Ấy thế, khi chú nói cho người đó biết rằng, tất cả những gì đã bị trong suốt thời gian dài qua chỉ là giả vọng, không thực. Người đó tin tưởng, vui vẻ, biết cách thẳng thắng đối diện với thực tại, niệm Phật, một ngày sau thì hết bệnh.

Vì sao vậy? Vì như đã nói ở trên, đây chẳng qua là vấn đề tâm lý, hoàn toàn không có thực. Điều không thực mà mình biết nó không thực thì còn gì nữa mà lo, còn gì nữa mà giải. Lấy lại niềm tin tưởng, vui tươi, niệm Phật thì hết.

Chuyện hoàn toàn không thực mà Trung cứ chấp vào đó, tưởng là thực thành ra nó làm cho tâm mình điên đảo, chán nản, sầu bi suốt ba năm trường!

Thôi, chịu khổ vô cớ đã ba năm rồi, nay hãy mau mau buông nó xuống đi.

Giả sử, lúc chưa giải phẩu, bệnh tình vẫn còn hành hạ mình đều đều, thì cũng đành đi. Ở đây, bệnh của Trung đã hết rồi thì thật là điều quá may mắn, đáng lẽ phải vui lên mới đúng, chứ sao lại buồn, sao lại chán?

Trên thế gian này tìm đâu ra người không có bệnh. Bị bệnh là chuyện thường! Bệnh mà chữa khỏi bệnh thật là điều quá sức vui. Còn biết bao nhiêu người bị bệnh giống như mình mà không chữa được, chính họ mới buồn, chính họ mới chán, chính họ mới khổ chứ. Ấy thế, mà họ còn vui sống thay, huống chi mình thật sự đã qua khỏi ách nạn.

Phật dạy, tất cả đều có nhân quả. Nhân xấu thì nghiệp xấu, nghiệp xấu thì bị quả báo xấu. Trước đây mình tạo nhân xấu, dẫn đến quả báo xấu. Quả xấu ấy chính là bệnh kinh phong. Nay mình được chữa khỏi bệnh, chứng tỏ rằng, mình đã trả hết quả báo xấu này rồi.

Hết quả báo xấu là sướng hay khổ? Là vui hay buồn?…

Mình niệm bệnh thì bệnh niệm mình, mình thương bệnh thì bệnh thương mình, mình nhớ bệnh thì bệnh nhớ mình. Thực sự nó đã hết rồi nhưng mình còn nhớ nó thì nó còn nhớ mình, nó nhớ trong tâm, nên trong tâm có nó, có nó thì mình vì nó mà chịu khổ!

Bỏ thì phải bỏ luôn, chứ nhớ làm chi cho nó trở lại.

Tu hành là “Ly khổ đắc lạc”. Phải biết rời cái khổ ra thì mình mới vui đường thành đạo. Phải biết quên cái nghiệp quá khứ để thẳng đường đi tới tương lai trong sáng tươi tốt hơn. Quay đầu nhớ về quá khứ tức là bỏ tương lai, chạy lùi vào bóng tối của tội lội, của nghiệp chướng, của những lúc mình còn mê mờ mà chịu khổ?

Tu học mà tâm không hướng về tương lai, lại cứ nhìn ngược về quá khứ. Tu hành kiểu này là sai lắm vậy!

Phật dạy, Tất cả đều do tâm tạo. Tu hành là bắt đầu từ nay tu cho đến tương lai giải thoát, chứ tu đâu phải quay đầu đi ngược về quá khứ để chịu nạn. Những gì đã qua thì đã qua luôn rồi, qua rồi thì không thể lấy lại được, không lấy lại được thì liệng nó luôn đi, quên nó đi nhé.

Tất cả vạn sự, vạn vật đều là huyễn mộng, thì tội lỗi, lỡ lầm, bệnh tật… trong quá khứ suy cho cùng cũng chỉ là huyễn mộng. Nếu chìm đắm trong huyễn mộng thì bị huyễn mộng nó quay ta như con vụ. Chóng mặt nhứt đầu, điên đảo…. chịu không nổi đâu!

Ngộ ra được điều này, thì con đường ta đi sẽ sáng trưng, tốt đẹp.

Hãy tìm đường trở về với chơn tâm tự tánh, thì những huyễn mộng đó dù lớn tới đâu cũng tan biến hết rồi. Giống như một căn phòng đóng kín, tăm tối ngàn năm, chỉ cần thắp lên một ngọn đuốc thì tất cả bóng tối đã biến mất. Muốn tìm lại bóng tối cũng không còn bóng tối nữa để tìm.

Đường niệm Phật đi về Tây phương là con đường thẳng tắt, ngắn nhất đó.

Người đã hết bệnh là người đứng dậy được. Người đã gặp pháp niệm Phật là người thắp được ngọn đuốc sáng. Sao không chịu theo đường sáng mà đi cho thoải mái, lại muốn nghĩ nhớ đến cảnh âm u, tối tăm, nghiệp chướng cũ xưa làm chi?

Tạo sao lại cứ bắt cái tâm của mình âm thầm chui vào quá khứ để chịu khổ vậy?

Người niệm Phật cầu vãng sanh Cực-lạc, thì đến cái chết họ cũng không sợ, thì sợ chi những cảm giác giả vọng, những cảnh chiêm bao, những lúc mê mờ thấy này thấy nọ.

Trong pháp niệm Phật, có hai chữ: Yểm và Hân.

Yểm: là chán chê; Hân: là vui thích.

Chán chê này là chán những cảm giác vô thường, chán bỏ những sự sợ hãi, chán chê những nỗi lo âu, chán những ý nghĩ tầm thường, chán những cái gây ra khổ tâm khổ trí. Chán bỏ là bỏ luôn những thứ bệnh tật, chán bỏ những lúc bệnh khổ hành hạ, chán luôn những cái người ta chán. Nghĩa là, người ta buồn mình không buồn, người ta lo mình không lo, người ta chán đời mình không chán đời.

Nói chung, tất cả những gì thuộc về thế gian này mình không thèm tới. Vậy thì, thèm chi những thứ cảm giác chán nản?

Người niệm Phật đối với cái chết họ cũng vui vẻ niệm Phật, họ mỉm cười về với đấng Từ phụ. Người biết niệm Phật là biết đường về Tây-phương hưởng sung sướng. Muốn hưởng sung sướng thì tâm mình phải sung sướng. Sung sướng, vui vẻ mới gặp được cảnh sung sướng vui vẻ.

Còn người không niệm Phật họ ra đi trong cảnh hãi hùng, đau khổ. Họ mê mê, mờ mờ, họ sợ hãi, lo âu, họ buồn bã, chán nản… Người có tâm trạng rối bời làm sao gặp được cảnh vui sướng. Tương lai thật là tăm tối!

Vậy thì, mau mau liệng cảnh khổ sở, chán chường trong quá khứ xuống, từ nay niệm Phật an vui để về cảnh an vui. Hân là như vậy đó.

Chỉ vậy thôi sẽ giải quyết tất cả chướng nạn. Ngộ liền đi nghen Trung.

Chúc vui vẻ, niệm Phật. Từ đây câu Phật hiệu niệm ra sẽ chánh pháp, được hiệu quả thù thắng.

Diệu Âm

(17/04/09)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –