69. Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát Có Được Vãng Sanh Không ?

Share on facebook
Share on twitter

Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát có được Vãng Sanh Không ?

 Hỏi:

Có những người họ không có duyên với việc niệm A-di-đà Phật, họ chỉ niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, vậy những người niệm Quán Thế Âm trong lúc lâm chung giữ vững một lòng niệm Quán Thế Âm có được Vãng Sanh không chú? Tại vì trong Thập-Nhị-Nguyện rằng:

” NAM-MÔ TIỀN TRÀNG-PHANG, HẬU BẢO-CÁI QUÁN-ÂM NHƯ-LAI TIẾP DẪN TÂY-PHƯƠNG NGUYỆN”

Trả lời:

Trước hết, nói về chữ duyên. Trong câu hỏi này, Diệu Âm thấy, hình như, đây chưa hẳn là duyên thực sự của họ đâu.

Người không muốn niệm A-Di-Đà Phật, thường khi họ có cái nhìn sai lệch. Họ tưởng niệm A-Di-Đà Phật thì bị chết. Họ đang muốn sống thọ, họ không muốn bỏ thế giới này, họ không muốn A-Di-Đà Phật tiếp dẫn sớm, nên tránh niệm câu Phật hiệu đó thôi.

Người có tâm niệm không muốn về Tây phương, làm sao được vãng sanh Tây-phương?

Một người không muốn niệm A-Di-Đà Phật có thể vì sợ chết. Đây là là ý niệm mê mờ, chưa hiểu đạo! Chứ đúng ra, người càng sợ chết càng phải khẩn thiết niệm A-Di-Đà Phật, được vậy mới khỏi chết.

Người sợ mất cái thân này, sợ bỏ con bỏ cháu, cho nên trong tâm họ thường cầu cho sống thọ, sống lâu để gần gũi với con cháu. Thì gia đình, con cháu là mục tiêu tối hậu của họ. Họ không nỡ bỏ thế gian này về Tây phương đâu!

Một người sợ chết, thì tâm của họ đang bám chặt vào cõi Ta-bà này. Nhất thiết duy tâm tạo. Người muốn ở đây, thì làm sao có thể rời được cõi này để về Tây Phương?

Người không niệm A-Di-Đà Phật, thông thường họ không có ý niệm vãng sanh Tây phương, giả sử nếu có, thì tâm nguyện này cũng quá bạc nhược. Điều này đã tự thố lộ trong chính cách hành trì của họ. Trong kinh điển của Phật, Phật dạy chúng sanh niệm A-Di-Đà Phật để được vãng sanh, mà người này không chịu niệm A-Di-Đà Phật, lại niệm một vị Đẵng Giác Bồ-tát bên cạnh đức Phật. Dù có giải thích cách nào cũng phủ khó phủ lấp điểm này.

Đại nguyện chính của Quán Thế Âm Bồ tát là tầm thanh cứu nạn. Người niệm Nam Mô Quán Thế Âm Bồ Tát điểm chính là để cầu xin Ngài cứu khổ, cứu nạn, cứu nghèo, cứu đói, cứu tật bệnh, cứu tai ương, còn chuyện vãng sanh là chuyện phụ.

Cầu Ngài Quán Thế Âm cứu nạn, nếu thành tâm thì có thể được tiêu tai giải nạn, nghiệp chướng tiêu trừ. Đây là điều tốt.

Trước mắt, họ thấy đời này sao khổ quá, làm cái gì thất bại cái đó, lại thường bị đau bệnh hoài. Người niệm Quán Thế Âm Bồ tát để cầu hóa giải những thứ đó. Nhưng nên nhớ, nghiệp do tâm tạo. Tiêu được nhiều nghiệp, không có nghĩa là nghiệp sạch tình không. Tu đường tiêu nghiệp mà tâm cứ chấp vào đó, thì sanh ra nghiệp khác, nghiệp muốn ở lại trong lục đạo luân hồi.  Nếu tâm họ chấp quá chặt vào thế gian thì làm sao được vãng sanh!

Hơn nữa, nhiều người nghĩ rằng, lâu nay mình niệm Bồ-tát, bây giờ nếu mình niệm Phật thì giống như kẻ phản bội Bồ tát, e rằng Bồ-tát buồn mà quở trách, phạt tội. Họ đang coi Bồ-tát giống như người phàm phu. Đây là ý niệm tội lỗi! Họ có biết đâu, chính Bồ-tát Quán Thế Âm vẫn luôn luôn niệm A-Di-Đà Phật. (Xem trên mão của Ngài có tượng A-Di-Đà Phật, tượng trưng tâm Ngài niệm Phật).

Tất cả đều do duyên. Mình gọi là người có duyên với Bồ -tát. Nhưng thực ra, vì chưa rõ ràng đường đạo nên hình như họ có duyên với cõi Ta-bà này nhiều hơn vậy!

Trong kinh Phổ Môn, Bồ-tát cho chúng ta thấy rất rõ đại nguyện của Ngài. Nương theo đại nguyện của Bồ tát mà chúng sanh niệm Bồ tát. Hỏi rằng người đang niệm Bồ tát đó có tâm vãng sanh là chính hay tâm cầu giải nạn là chính?

Nói rõ ràng hơn, đại nguyện của Bồ tát Quán Thế Âm chính là cứu khổ cứ nạn, cứu tai ách cho chúng sanh. Chúng sanh niệm Ngài, nếu tâm nguyện khẩn cầu Ngài cứu tai ách thì rất mạnh, rất hợp. Thế giới tai nạn quá nhiều, Ngoài giờ niệm Phật, chúng ta cần thành tâm niệm thêm Nam Mô Quá Thế Âm Bồ-tát, khẩn cầu Ngài cứu độ tai ương là điều đáng khuyến khích.

Ngài Ấn Quang thường khuyên đồng tu Phật tử, nhất là người đang bị nhiều bệnh khổ bức bách, nên niệm danh hiệu Quán Thế Âm như một trợ hạnh để cầu thế giới hoà bình, tiêu tai giải nạn. Rất tốt.

Còn một nguyện tiếp dẫn vãng sanh Tây phương vì Ngài đang ở cõi Tây phương, đức hóa chủ A-Di-Đà Phật phát đại nguyện cứu độ tất cả chúng sanh, thì vị Bồ tát nào trên cõi Cực lạc mà không hoan hỉ tùng theo đại nguyện của Phật.

Hơn nữa, không những chỉ có Bồ Tát Quán Thế Âm phát tâm nguyện này, ngay cả chư Phật trên mười phương pháp giới đều có phát nguyện này, đều muốn tiến dẫn chúng sanh về cõi Tây phương Cực-lạc của đức A-Di-đà. Kinh A-Di-Đà nói: “Nhất thiết chư Phật sở hộ niệm“, chính là ý nghĩa này. Tiến dẫn là giới thiệu, hộ trợ, hộ niệm, tìm mọi cách để quy tụ chúng sanh về đó để dễ thành tựu đạo quả.

Một người, vừa mới nghe rằng chư Phật đều phát tâm muốn đưa chúng sanh về Tây phương, thành ra niệm khắp chư Phật, tưởng vậy là chính xác. Nhưng không ngờ, họ đã đi theo một lộ trình quá dài trước khi về tới đích. Niệm khắp chư Phật thì sau cùng, lúc lâm chung, còn nhớ vị nào, chọn vị nào để niệm đây?

Nếu tất cả chư Phật đều muốn quy tụ chúng sanh về Tây Phương với A-Di-Đà Phật, các Ngài giới thiệu A-Di-Đà Phật cho chúng sanh thì sao chúng sanh không niệm thẳng A-Di-Đà Phật, để về thẳng Tây phương gặp đức A-Di-Đà, mà niệm các Ngài. Niệm Các Ngài, đến khi gặp được các Ngài, thì bận bịu thêm cho các Ngài, vì các Ngài lại phải hướng dẫn thêm một lần nữa. Hơn nữa, danh hiệu chư Phật vô lượng vô biên, lúc lâm chung làm sao niệm nổi? Niệm không nổi thì ngã quỵ! Nếu không ngã quỵ thì tâm phân vân, đường đi mù mịt. Ngài Vĩnh Minh nói: “nếu ấm cảnh hiện ra, theo đó mà đi (thọ nạn)”, thì cơ hội nào nữa để thành đạo!

Đức Quán-Thế-Âm là vị Đẳng Giác trên cõi Tây Phương Cực Lạc. Đức Phật A-Di-Đà phát 48 lời đại thệ cứu độ tất cả chúng sanh vãng sanh về Cực-lạc, thì Bồ Tát Quán-Thế-Âm chắc chắn cũng phát tâm tiếp dẫn chúng sanh. Khi Đức A-Di-Đà (thường là Hoá Thân) đến tiếp dẫn chúng sanh về Tây-phương thì Đức Quán-Thế-Âm chắc chắn là hoan hỉ, Ngài (Hoá thân) cũng sẽ tùng theo A-Di-Đà Phật đến tiến dẫn chúng ta.

Như vậy niệm Ngài rất tốt, nhưng làm sao mạnh bằng niệm chính danh hiệu đức A-Di-Đà Phật.

Như vậy, muốn vãng sanh thì niệm A-Di-Đà Phật là con đường thẳng nhất, dễ nhất, gần nhất, an ổn nhất, đúng pháp nhất. Trong kinh Vô Lượng Thọ, đức Thích-ca Mâu-ni Phật dạy rất nhiều lần câu: “Nhất hướng chuyện niệm A-Di-Đà Phật cầu sanh Cục-lạc quốc“. Trong kinh A-Di-Đà Phật dạy, “Chấp trì danh hiệu A-Di-Đà Phật” để vãng sanh.

Học Phật cần phải y giáo phụng hành, nhất mực nghe theo lời Phật dạy, chớ nên thêm bớt. Người thật sự muốn vãng sanh Cực-lạc, thì không có cách nào hay hơn là trì giữ câu A-Di-Đà Phật niệm cho đến trọn đời vậy.

Hỏi:

Đại Sư Ấn Quang trước lúc niệm Phật, ngài thường bỏ ra 15 phút niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, rồi sau đó niệm Phật suốt luôn… Vì sao vậy Chú?

Theo con nghĩ: Niệm Quán Thế Âm Bồ Tát để trợ giúp cho mình trong công việc mình làm hằng ngày, làm cho mình thấy an tâm hơn, vì Ngài có hạnh nguyện là cứu độ chúng sanh trong lúc khó khăn nguy hiểm, luôn che chở cho chúng sanh. Còn Phật A-di-đà thì chỉ giúp cho mình Vãng Sanh Tây Phương trong lúc lâm chung thôi phải không chú?

A-di-đà Phật xin chú chỉ giáo giùm con nha… A-di-đà Phật

Minh Hoàng

Trả lời:

Đại sư Ấn Quang khuyên kiêm niệm đức Quán Thế Âm chính là để giải ách nạn cho thế giới. Người nhiều ma chướng nên kiêm niệm Bố tát Quán Thế Âm, rất tốt.

Còn danh hiệu A-Di-Đà Phật là vạn đức hồng danh, công đức bao trùm pháp giới chứ không phải, “…chỉ giúp cho mình vãng sanh Tây Phương trong lúc lâm chung thôi”, như đạo hữu nói đâu. Xin xem thêm các câu trả lời khác trong mục Hộ niệm vấn đáp của www.tinhtong.com, hoặc www.tinhthuquan.com để rõ hơn vậy.

Diệu Âm

(24/05/09)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –