68. Tâm Của Chúng Ta Có Từ Đâu?

Share on facebook
Share on twitter

Tâm có từ đâu?

Hỏi:

A Di Đà Phật, em có câu hỏi này không biết có nên hỏi hay không, em bị vô minh che lấp và phiền não thì vô tận… không biết tại sao em có cái nghĩ vẫn là cái TÂM của chúng ta từ đâu?

Trả lời:

Đạo ở chỗ bình thường nhất, chứ đâu phải là chuyện xa vời! Đói thì ăn, khát thì uống, nóng thì quạt, lạnh thì sửi… cứ làm vậy đi thì thoải mái hơn.

Những điều vui vẻ nhất đang ở sát bên mình mà không chịu hưởng, lại cứ chạy lung tung tìm những điều xa vời làm chi cho sanh phiền não vậy?

Đạo ở ngay chỗ tâm tạo. Muốn ở lại trong lục đạo này chịu khổ thì cứ bám vào thế tục này mà tranh chấp với nhau, muốn vãng sanh thành đạo thì thành tâm niệm Phật cầu sanh Tịnh-độ. Như vậy lo niệm Phật không hay hơn sao?

Muốn được quả báo tốt lành thì lo làm thiện lành, đừng làm ác. “Nhân duyên quả báo tơ hào không sai”, hãy lo làm việc thiện lành thì lo gì sẽ không có quả báo thiện lành. Chứ còn cứ lo tìm quả báo thiện lành thì đã làm điều ngược ngạo, giống như trồng cây ngược mà trông cho có quả tốt được sao?

Phiền não nhiều là do nghiệp nhân nặng. Biết nghiệp nhân thì hãy lo tạo phước, đừng nên nương vào nghiệp nữa, thì cuộc đời này mới có cơ hội thoát khổ được vui!

Ngài Liên Trì đại sư có dạy đại ý như vầy, người mà cứ nghĩ đến nghiệp chướng quá khứ, thì tâm này đang duyên với nghiệp. Nghiệp này, nghiệp nọ, vô lượng vô biên nghiệp sẽ thay phiên nhau hiện ra, trùng trùng duyên khởi, thì tâm sẽ bị trói buộc vào đó, rất khó có cơ hội giải thoát!

Phải biết buông nghiệp ra mà lo trói mình với câu A-Di-Đà Phật hiệu. Phải biết buông lục đạo ra mà bám vào cõi Tây phương. Đó mới là an toàn.

Như vậy phiền não từ đâu có vậy? Từ chỗ không chịu biết đủ. Không chịu biết đủ thì lúc nào cũng cảm thấy thiếu thốn, bị thiếu thốn thì tâm không bao giờ được an lạc. Không được an lạc thì thường xuyên mong cầu có được cái này cái khác. Mong cầu mãi thì có năng lực nào cung ứng đủ cho mình… Từ đó sanh ra phiền não!

Như vậy phiền não này thực ra chỉ là giả! Là giả mà mình cứ chấp vào giả nên nó thành ra thực. Đã thực rồi thì nó quần mình đến điên đảo, đến chóng mặt, đến tối mù! Tự mình làm khổ cho mình đó thôi!

Đời mạt pháp này có ai là hàng thượng căn, thượng trí? Đã là hạng hạ ngu rồi thì ai tránh khỏi bị vô minh che lấp? Vây thì chuyện vô minh che lấp là việc đương nhiên, ai cũng bị vướng cả.  Xin đạo hữu chớ nên buồn phiền hay tự trách về chuyện này làm chi.

Có điều đáng nên phân giải là, cùng một môi trường mà có người vui, người buồn, có người sướng, có người khổ, có người an lạc, có người phiền não… Tại sao vậy?

Tất cả đều do chính mình tạo ra, nó từ trong lòng của mình hiện ra đó.

Như vậy, hãy tập buông bỏ nhiều một chút thì từ từ những phiền não sẽ hết dần đi.

Những chuyện hôm qua thì đã qua rồi, xin để nó qua luôn đi. Chuyện ngày mai chưa tới, chớ nghĩ tới nữa. Hiện tại đây, hãy vui vẻ sống, tập buông xả nhiều một chút. Nếu có lúc suy nghĩ vẫn vơ, hãy cố gắng đề khởi câu “A-Di-Đà Phật”. Nếu có thể hãy niệm ra tiếng thì tốt hơn niệm thầm. Cứ niệm Phật, niệm tới đi, đừng nêu lên vấn đề gì cả, thì tự nhiên mọi trở ngại sẽ được giải quyết.

Buông xả mới có sự tu hành tốt. Những cái gì cao xa xin chớ cần bận tâm quá, hãy thực tâm niệm Phật, bớt những thứ mong cầu của thế gian, thì tâm sẽ được thanh tịnh.

Ví dụ, như câu hỏi Tâm từ đâu có? Những câu hỏi này khó trả lời lắm! Xin nói gọn để an được cái tâm phần nào mà thôi, chứ không thể viên mãn!

Một là “Chơn-Tâm” hay là “Linh-Tri-Tâm“. Đây là Chơn-Tâm tự tánh của chính mình. Cái Chơn-Tâm này ở khắp mọi nơi, chỗ nào cũng có. Vì chỗ nào cũng có nên nó không ở một chỗ nào cả. Muốn biết Chơn Tâm ở đâu, chỉ khi nào thành Phật rồi mới thấy. Ta chưa thành Phật thì chưa thấy Chơn Tâm đâu.

Như vậy câu hỏi này đưa chính mình vào sự bế tắt! Tự mình dẫn mình vào sự bế tắt là tự tạo ra phiền não cho chính mình vậy. Không tốt!

Hai là, thấp hơn một bực, gọi là “Duyên-Lự-Tâm“. Tâm này thì dễ thấy, dễ cảm nhận hơn. Hễ có suy nghĩ, có buồn khổ, có ghét thương, có tính toán, có giận hờn, có phiền não, v.v… là biết có tâm. Chính cái “Duyên-Lự-Tâm” nó điều khiển những sinh hoạt này. Đây là cái tâm tạo nghiệp lục đạo. Ví dụ cụ thể, như đạo hữu nói, đang bị nhiều phiền não, thì đây chính là đang bị cái Duyên-Lự-Tâm nó quậy phá đó. Liệng nó đi thì hết phiền não thôi.

Ba là, còn một cái tâm nữa, dễ thấy, có thể chụp hình được, gọi là “Nhục-Đoàn-Tâm“, tức là cái cục thịt cân nặng cỡ 1/2 kg, nó ở giữa lồng ngực phía bên trái. Thế gian gọi là “Trái Tim“. Trái tim của con người nó gần giống như trái tim con heo, cỡ đó. Hỏi bác sĩ họ sẽ nói rõ hơn.

Tâm, Phật, Chúng-sanh tuy ba mà một. Tâm này là Chơn-Tâm, chứ không phải là cái tâm đang suy nghĩ đử thứ, cũng không phải là cục thịt 1/2 kg. Chúng sanh nào cũng có Chơn-Tâm này. Chơn-Tâm này chính là Phật. Cho nên, mới nói, tuy ba mà một là vậy. Khi ta thành Phật rồi thì sẽ thấy được Chơn-Tâm.

Bây giờ chúng ta còn là phàm phu, cái Chơn-Tâm này đã bị che lấp rồi, tìm không ra đâu. Hãy thành tâm niệm Phật thì tự nhiên một ngày nào đó Chơn-Tâm sẽ tự hiển lộ.

Chúc an  nhiên niệm Phật.

A-Di-Đà Phật.

Diệu Âm

(19/05/09)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –