• Trang Chủ
  • KHAI THỊ
  • Người Không Tin Có Sự Vãng Sanh TPCL, Thì Dù Tu Hành Rất Giỏi Cũng Không Được Vãng Sanh.

Người Không Tin Có Sự Vãng Sanh TPCL, Thì Dù Tu Hành Rất Giỏi Cũng Không Được Vãng Sanh.

Share on facebook
Share on twitter

Người Không Tin Có Sự Vãng Sanh TPCL, Thì Dù Tu Hành Rất Giỏi Cũng Không Được Vãng Sanh

Đây là những điểm căn bản của tông chỉ Tịnh-Độ, trong đó niềm tin quan trọng vô cùng. Một người tu giỏi mà không tin vãng sanh Tịnh-Độ thì nhất định không được vãng sanh Tịnh-Độ.

Những vị tự lực tu hành, nếu nghiệp sạch tình không, có thể vượt qua sáu đường luân hồi, chứng Thánh quả A-La-Hán, hoặc cao hơn nữa chứng thành Pháp-Thân Đại-Sĩ Bồ-Tát, thuộc về Phần-Chứng-Tức Phật ở cảnh giới Hoa-Nghiêm, các Ngài cũng phải lấy niềm tin niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ. Lý thuyết như vậy, chứ thực tế không dễ gì có người làm được. Nhưng đến cảnh giới đó rồi, chư vị Bồ-Tát cũng niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ, A-La-Hán cũng niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ mới viên mãn Vô Thượng Chánh-Đẳng Chánh-Giác. Phàm phu hạ căn như chúng ta niệm Phật cầu vãng sanh Tịnh-Độ cũng được vãng sanh một đời viên mãn ba bậc bất thoái, chứng đạo Vô-Thượng. Cho nên, đây là pháp môn độ khắp ba căn, phàm thánh đều được bình đẳng vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc một đời viên mãn thành Phật. Phật dạy, đây là pháp vi diệu tối thắng vô cực. Một người chưa đủ thiện căn phước đức thì dù có gặp được chánh pháp này nhất định cũng không thể tin nổi.

Pháp môn niệm Phật đưa một hành giả từ bất cứ một cảnh giới nào đều có thể đi thẳng về Tây-Phương Cực-Lạc một đời thành Phật. Thật là một pháp rất khó tin, được tôn xưng là “Môn dư đại đạo”. Trong kinh Phật dạy, chỉ có chư Phật mới hiểu được rốt ráo đạo lý của danh hiệu Phật. Đẳng Giác Bồ-Tát cũng chưa thấu triệt, giống như nhìn trăng qua lớp màn che, (lời Ngài Tịnh-Không). Thật vi diệu bất khả tư nghì.

Thế thì chúng ta là phàm phu mà tin được Pháp Niệm Phật, là do căn lành phước đức rất lớn tu được từ trong tiền kiếp. Đời này muốn thoát khỏi những cảnh sanh tử khổ nạn, thì phải củng cố niềm tin cho vững vào Pháp Niệm Phật để vãng sanh thành đạo. Nếu đã tin mà tin chập chờn, định lực không vững, thì dù cho tu hành khổ cực như thế nào đi nữa, coi chừng sẽ chỉ lập lại tấn tuồng thất bại như trong quá khứ mà thôi.

Vãng sanh về Tây-Phương Cực-Lạc thì một đời thành Phật. Còn ở trong những cảnh giới khác thì phàm phu này phải tinh tấn tu hành trải qua hàng vô lượng a-tăng-kỳ kiếp. Chúng ta thường nghe nói đến 3 đại a-tăng-kỳ kiếp tu hành để thành Phật, nhưng theo lời giảng của Hòa Thượng Tịnh-Không thì 3 đại a-tăng-kỳ kiếp tu hành để thành Phật không phải dành cho hàng phàm phu chúng ta, mà dành cho các vị Pháp-Thân-Đại Sĩ. Một đại a-tăng-kỳ kiếp đầu phá 30 phẩm Sanh-Tướng Vô-Minh. Đại a-tăng-kỳ kiếp thứ hai phá thêm 7 phẩm. Đại a-tăng-kỳ kiếp thứ ba phá thêm 3 phẩm nữa để chứng thành Đẳng-Giác Bồ-Tát. Còn 1 phẩm Sanh-Tướng Vô-Minh cuối cùng các vị Đẳng-Giác phải mất 1 đại a-tăng-kỳ kiếp mới phá nổi để chứng bậc Diệu-Giác, tức là viên mãn Vô-Thượng Chánh-Đẳng Chánh-Giác.

Chính vì thế mà Ngài Phổ-Hiền Bồ-Tát, là bậc Đẳng-Giác trên cõi Hoa-Nghiêm phải lập 10 đại nguyện vương, hướng dẫn 41 đẳng cấp Đại-Sĩ trên cõi Hoa-Nghiêm niệm Phật cầu sanh Tây-Phương Cực-Lạc.

Nghe được những lời pháp này, chúng ta mới thấy vãng sanh quý vô cùng, bất khả tư nghì. Tất cả sự thành tựu đều ở tại niềm tin. Chư đại Bồ-Tát cũng phải lấy niềm tin mà đi vãng sanh. Chúng ta là phàm phu mà không chịu tin, thì làm sao có thể mơ ngày thoát vòng sanh tử, vãng sanh thành Phật.

Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ-Niệm

(Tọa đàm 160)

Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh-Trị giảng lần thứ 2

Tại Niệm Phật Đường A-Di-Đà Brisbane Úc Châu (2017-2018)

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –