Tu Hành Không Nên Có Những Ý Niệm Sai Lầm, Có Những Lời Nguyện Sai Lạc!

Share on facebook
Share on twitter

Cô Lệ Tân và quý cô bác ạ, nếu thực sự muốn tu hành, cô bác phải cần có nhiều lần tự phản tỉnh lại cách tu hành để coi có gì sơ suất hoặc sai lầm không hay. Có rất nhiều người tu hành khá lâu năm, nhưng vẫn còn có những ý niệm không chánh pháp, có những lời nguyện sai lạc! Nhiều người vẫn thường nghiên cứu kinh pháp, nhưng những sự lệch lạc này chưa chắc đã nhận ra; Nhiều người hàng ngày có tới chùa tu học, nhưng chưa chắc phát hiện được.

 

Trong năm vừa qua (2004), tôi có tiếp xúc với một vị, suốt một đời hầu như ở chùa tu hành, đã nói với tôi như vầy, “Tôi nguyện rằng, kiếp sau tôi sẽ không bao giờ cúng dường cho chùa lớn, chỉ cúng cho chùa nhỏ mà thôi. Chùa càng nhỏ tôi sẽ cúng dường càng nhiều. Người đời nay bất công quá, chùa lớn đã giàu mà lại cúng nhiều, còn chùa nhỏ nghèo xác xơ thì lại cúng ít, nhiều khi không thèm cúng!”. Tôi hiểu được chút ít tâm trạng của vị đó nên góp ý kiến rằng, thay vì chúng ta nguyện trở lại trong lục đạo này để cúng dường, thì đâu bằng nguyện vãng sanh Tây-phương Cực-lạc để thành Phật cứu độ chúng sanh không hay hơn sao? Vị đó lại nói, “Cái gì cũng phải cần có nhân duyên, có lý có sự chứ! Có lý mà không sự thì đạt lý không được. Có thực mới vực được đạo, không có ăn thì làm sao thành đạo!”.

 

Nghe lời biện bạch đó làm tôi hơi giựt mình! Chẳng lẽ thực sự có nhiều người suốt đời tu hành nhưng lại âm thầm đi theo con đường riêng của họ, chứ không chịu nghe theo lời Phật dạy trong kinh điển hay sao?!… Lời nguyện này có tác dụng như một Dẫn-Nghiệp, có thể đưa đến hậu quả là ta chịu cái Mãn-Nghiệp ở trong lục đạo. Nhất thiết duy tâm tạo. Cảnh giới tương lai ở từ tâm nguyện mà thành. Chúng ta cần cẩn thận, không nên dùng nó như chuyện thế gian thường tình để đối chọi với vài điều bất công riêng lẻ của người đời, hoặc phát lời nguyện lệch ra khỏi quỹ đạo giải thoát mà lạc mất mục đích chính của việc tu hành, đưa đến hậu quả một đời này dù có khổ công tu hành vẫn đành phải chịu luống qua oan uổng!

 

Chính cái nội tâm của con người tạo ra cảnh giới cho họ. Nếu tâm nguyện muốn thành Phật thì họ thành Phật. Cái tâm muốn được có ăn thì họ trở thành người đi kiếm ăn. Một người muốn vãng sanh Cực-lạc để hội kiến đức Di-đà thì tương lai họ sẽ thành vị A-duy-việt-trí Bồ-tát, một người cứ lo nghĩ chuyện thế gian thì không thể nào thoát ly luân hồi sanh tử.  Người ở thế giới Cực-lạc có phước báu vô tận, mà ta ở đây cứ đắm tâm vào vài bó rau muống nhỏ xíu, thì làm sao đủ sức để hưởng được cái đại phước báu bao trùm vũ trụ. Cảnh giới Tây-phương của A-di-đà Phật là nhất chân pháp giới, mọi người đều có thần thông quảng đại, một tích tắc thời gian họ có thể đi tới khắp cùng hư không pháp giới để dạo chơi, còn chúng ta ở đây cứ bám riết vào căn nhà lụp xụp không nỡ rời, cứ nghĩ rằng cái làng nghèo nàn này là quê cha đất tổ, thì tương lai không đói cũng rách, không rách cũng nghèo, không nghèo thì ngày ngày cũng phải kiếm ăn từng bữa đổ mồ hôi, sôi nước mắt… chứ có cách nào được du hí thần thông, được du hành khắp chốn, hưởng vô tận an vui cực lạc ở cảnh Tây-phương!…

 

Một ví dụ khác, cách đây mấy năm, tôi có quen một người, cũng khá thân, anh là chủ một tiệm cắt may gia công. Anh ta có tu hành, tính tình khiêm nhường, thiện lương. Một hôm anh gặp tôi và tâm sự rằng, “Tôi chỉ làm cho đủ sống là được chứ không cầu làm giàu có gì đâu, tôi cũng cố gắng tu hành mong khỏi bị đọa lạc. Tâm nguyện của tôi cho kiếp sau là không cần danh vọng, không cần sự nghiệp, chỉ là một người thất nghiệp nhưng tôi nhất thiết không nhận một đồng tiền trợ cấp. Tôi cầu xin được làm người ăn mày thấp hèn và mong sao trong đời mình giúp được cho một người, giúp một người thôi là cũng đủ mãn nguyện rồi…!”.

 

Nghe nói vậy tôi mắc cười và nói với anh rằng, anh là người khiêm nhường, có lòng từ bi! Nhưng ở nước Úc này không có người nghèo đói làm sao anh đi ăn xin? Tôi nói đùa thêm, nếu anh nguyện như vậy, lỡ chánh phủ Úc nghe được, họ sợ tương lai ở xứ này có người ăn mày mà không cho phép anh định cư ở đây đâu…

 

Anh ta thật sự là một người hiền lành, chân thật, không bao giờ dám nghĩ đến lợi dụng ai. Lời nói của anh thật chân thành, không kiểu cách. Nhưng có lẽ vì quá hiền lành mà thành ra thiếu sáng suốt! Tôi hiểu được tâm ý của anh, tôi cố gắng phân giải với anh vài điều lợi hại trong lời phát nguyện. Tôi nói, đời này dù anh không cứu được nhiều người chứ ít ra cũng giúp được một số công nhân có công ăn việc làm, giúp được vợ con anh không đói khổ. Anh không cần cố gắng lắm nhưng ít ra cũng giúp ích được hơn một người, vậy mà xã hội này vẫn còn nhiều người thất nghiệp, nhiều nơi khác vẫn cần đến sự giúp đỡ của anh. Nếu anh có tâm từ bi, muốn giúp ích người khác bớt khổ, sao anh không nguyện thành người triệu phú, thành tỷ phú, rồi đem khối tài sản đó đi bố thí giúp người thì có hay hơn không? Chứ còn anh muốn trở thành một người ăn mày, là kẻ tận mạt trong xã hội rồi thì giúp ích được ai? Giả như, xã hội còn có những người cần đến một kẻ ăn mày giúp đỡ, thì những người đó cũng là kẻ mạt tận còn tệ hại hơn giới ăn mày nữa, thì xã hội đó có tốt lành gì đâu! Chẳng lẽ đã thành một người ăn mày mà mong cho có người còn tệ hơn kẻ ăn mày để mình có dịp thực hiện cái hạnh bố thí mà tốt lắm sao!… Anh ta có vẻ hiểu thấu và làm thinh!…

TRÍCH: KHUYÊN NGƯỜI NIỆM PHẬT
Tác Giả: Cư sĩ Diệu Âm
Phật lịch năm 2547 / Dương lịch năm 2003

Ý Thức Về Sự Chướng Ngại (Khuyên Người Niệm Phật 67)

 

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –