• Trang Chủ
  • KHAI THỊ
  • Nên Niệm “A Di Đà Phật” Hay “Nam Mô A Di Đà Phật”? Niệm 4 Chữ A Di Đà Phật Có Mang Tội Bất Kính Với Đức Phật Không?

Nên Niệm “A Di Đà Phật” Hay “Nam Mô A Di Đà Phật”? Niệm 4 Chữ A Di Đà Phật Có Mang Tội Bất Kính Với Đức Phật Không?

Share on facebook
Share on twitter
…Niệm “A-Di-Đà Phật” là cách niệm chuẩn, rất tốt trong Pháp Hộ-Niệm. Có người cho rằng niệm “A-Di-Đà Phật” là không được tôn kính. Xin thưa, nếu người nào thường niệm “Nam Mô A-Di-Đà Phật” quen rồi, thì chúng ta niệm “Nam Mô A-Di-Đà Phật” để hộ niệm cho họ cũng được. Còn người nào quen niệm 4 chữ “A-Di-Đà Phật” thì không phải là mất sự tôn kính, mà đây chính là niệm thẳng danh hiệu của Đức Phật A-Di-Đà, theo đúng như trong kinh Vô-Lượng-Thọ dạy. Chư vị nên nhớ cho, chữ “Nam Mô” không phải là danh hiệu của Đức Phật, mà chỉ là tiếng xưng hô chung, gọi là đảnh lễ, tôn kính, quy mạng… Nói chung chữ “Nam Mô” là tiếng tán thán chứ không phải là danh hiệu. Thì theo như Tổ Liên-Trì, các vị đồng tu, phật tử hỏi Ngài nên niệm như thế nào? Ngài dạy:
– Niệm Nam Mô A-Di-Đà Phật.
Rồi có người hỏi lại, còn Ngài niệm như thế nào? Ngài trả lời:
– Ta niệm A-Di-Đà Phật.
– Tại sao vậy?
– Tại vì chư vị thích lễ mễ quá, còn ta thì không lễ mễ nữa. Ta niệm thẳng Chơn Tâm để vãng sanh thành Phật luôn, chứ không muốn lưu lại trong sáu đường luân hồi nữa.
Thực ra, nói về lý thì câu A-Di-Đà Phật là danh hiệu chung của mười phương ba đời tất cả chư Phật trên pháp giới. Mười phương ba đời tất cả chư Phật thì có cả Chơn-Tâm Tự-Tánh của chính ta trong đó. Nếu một ngày nào đó chư vị thành Phật, thì chư vị trở về Chơn Tâm của mình, Chân Tâm đó so với A-Di-Đà Phật không hơn không kém. “A” là Vô, “Di-Đà” là Lượng, “Phật” là Giác. “A-Di-Đà Phật” là Vô-Lượng-Giác. Ý nghĩa Vô-Lượng-Giác chính là Chân-Tâm Tự-Tánh của mỗi chúng ta. Hiểu được vậy thì khi thành tâm niệm A-Di-Đà Phật đã có đầy đủ sự cung kính, mà đã niệm thấu suốt cả Lý lẫn Sự rồi vậy. Còn người không có tâm thành kính, thì dù có niệm thêm chữ Nam Mô cũng không hẳn là thành kính đâu.
Chính vì thế, muốn niệm cho đầy đủ tất cả 3 đời 10 phương chư Phật trên pháp giới thì không phải niệm 1.000 danh hiệu Phật, 2.000 danh hiệu Phật, hay niệm 20.000 danh hiệu Phật là đủ, tại vì trên 10 phương pháp giới có tới vô lượng vô biên hằng sa chư Phật. Còn niệm câu A-Di-Đà Phật là niệm chung cho chư Phật trên pháp giới. Như vậy, niệm A-Di-Đà Phật trên cõi Tây-Phương Cực-Lạc là niệm cả Đức Bổn Sư Thích-Ca Mâu-Ni Phật, niệm Đức Dược-Sư Lưu-Ly-Quang Phật, v.v… và niệm ngay cả Chơn Tâm Tự Tánh của chính ta. A-Di-Đà Phật trở thành danh hiệu chung.
Như vậy, phải hiểu rằng chính Chơn Tâm của mình là một vị Phật, thì đúng ra mình phải mau mau trở về Tây-Phương Cực-Lạc thành Phật. Chỉ vì mê mờ quên mất Chơn Tâm, cứ tham chấp vào cảnh vô thường, nên đời đời kiếp kiếp vẫn còn kẹt mãi ở đây mà chịu nạn trong những cảnh đọa lạc khổ đau.
Hiểu được như vậy thì mình niệm A-Di-Đà Phật chính là vừa niệm chư Phật 10 phương thế giới vừa niệm ngay Chơn-Tâm của mình, giữa mình và Phật không còn cách biệt nữa. Ngài Liên Trì nói, “Tại vì ta niệm luôn cả Chơn Tâm, chứ không còn năng sở nữa”. Niệm ngay Chân Tâm thì Chân Tâm ứng hiện.
Trong các pháp tu tự lực Thiền Định thường nói câu, “Trực Chỉ Chơn Tâm, Minh Tâm Kiến Tánh”, thì con đường đi thẳng vào Chơn Tâm ngắn nhất, thẳng nhất, chính xác nhất chính là thành tâm niệm A-Di-Đà Phật. Người niệm Phật là niệm thẳng Chơn Tâm luôn, không qua một cái cầu tiếp nối nào, nên Pháp Niệm Phật được gọi là “Môn Dư Đại Đạo”, đốn trong đốn, siêu trong siêu, một đời vãng sanh bất thoái thành Phật.
Một yếu tố khác chúng ta cũng cần nên nhớ, với hàng phàm phu như chúng ta, khi đến giai đoạn lâm chung, thường thường phải đối diện với những cảnh rất khó khăn, không đơn giản như đang ngồi đây niệm Phật đâu. Chính vì thế niệm ngắn có lợi thế hơn, dễ nhiếp tâm hơn. Khi đi hộ niệm cho người sắp sửa xả bỏ báo thân, chư vị mới thấy ưu điểm của cách niệm 4 chữ. Người bệnh quá mệt, nhiều khi niệm 6 chữ “Nam Mô A-Di-Đà Phật” không nổi. Những người quen niệm 6 chữ đến giai đoạn bệnh nặng ở cuối đời, nhiều khi họ cố gắng niệm mà niệm không trọn, chỉ có 6 chữ mà phải chia thành 2-3 đoạn để niệm, nhưng nhiều lúc cũng phải quên lên quên xuống. Như vậy, niệm đủ 6 chữ “Nam Mô A-Di-Đà Phật” thực sự có lúc gây khó khăn cho người bệnh. Niệm khó khăn thì cũng khó nhiếp tâm hơn vậy.
Chính vì thế mà nhiều vị Tổ trong Tịnh-Độ Tông khuyên nên niệm 4 chữ để giúp cho người bệnh trong lúc mệt mỏi nhất có thể cố gắng vùng lên niệm một lần trọn đủ câu Phật hiệu. Niệm được trọn vẹn một câu “A-Di-Đà Phật” thì sức niệm bùng lên, tâm lực theo đó mà vươn lên, ý niệm vãng sanh mạnh lên mà cảm ứng Phật lực gia trì, giúp người bệnh niệm thành những chuỗi câu Phật hiệu liên tục, nhờ vậy mà dễ nhiếp tâm hơn, dễ thành tựu hơn. Thành ra niệm “A-Di-Đà Phật” có nhiều điểm ưu thắng hơn, ứng dụng để hộ niệm tốt hơn. Chứng tỏ, là hầu hết các ban hộ niệm trong nước, cũng như các nơi đều ứng dụng cách niệm 4 chữ này để hộ niệm cho nhau và đã tiễn đưa rất nhiều người vãng sanh bất khả tư nghì.
Như vậy, niệm “A-Di-Đà Phật” có được nhiều điểm lợi. Vì tính ưu thắng của nó nên hộ niệm bằng 4 chữ hồng danh đã đưa đến sự thành tựu rất cao, trở thành thông dụng, cả người hộ niệm và người bệnh đều hoan hỉ, chứ không có gì gọi là bất kính. Nếu thực sự niệm 4 chữ mà phạm tội bất kính, thì các cuộc hộ niệm khắp nơi không thể có sự thành tựu bất khả tư nghì như vậy được, và chư Tổ không thể mạnh dạn xiển dương cách niệm này đâu.
Còn vấn đề thành kính hay không hoàn toàn ở nơi tâm hạnh của người niệm, chứ không phải ở nơi hình thức câu niệm. Xin chư vị tự xét những điểm này, ví dụ: hằng ngày đi ngang qua tượng Phật mình có dừng lại xá Ngài không? Đứng trước Phật mình có kính cẩn không? Cầm kinh của Phật lên mình có trang trọng không? Có đặt đồ vật gì lên kinh Phật không? Niệm Phật có chịu bỏ tập khí cạnh tranh, ganh tị, đấu tranh, cự cãi không? Vào đạo tràng tu tập có thường nói chuyện huyên thuyên không? V.v… Nếu những điều này mà mình thường xuyên mắc phải, không có chút gì e ngại, thì dù có niệm Phật cách nào đi nữa cũng không thể gọi là thành kính được. Vậy thì thành kính hay không nằm ngay trong tâm này, chứ không phải niệm chữ “Nam Mô” thì mới gọi là thành kính.
Còn có nhiều người không niệm trọn đủ danh hiệu Phật, mà lại niệm lệch đi, niệm tắt lại, ví dụ như: “Mô Phật”, “Mô Chi Phật”, v.v… Đây là những cách niệm không đúng. Ngài Tịnh Không thẳng thắn la rầy những cách niệm này. Chư Tổ đều dạy, niệm Phật phải sâu, phải chí thành, tiếng A-Di-Đà Phật phải rõ ràng rành mạch, để kết thành những chủng tử “A-Di-Đà Phật” trong sáng đưa vào tâm. Tại sao không có chủng tử Phật trong sáng đưa vào tâm? Vì niệm không đúng danh hiệu Phật!… Niệm trật, niệm tắt, niệm sai, niệm mà mắc cỡ, v.v… đúng là không thành kính vậy.
Vậy thì xin chư vị hãy niệm trọn vẹn danh hiệu “A-Di-Đà Phật” để khi lâm chung, từng chủng tử “A-Di-Đà Phật” xuất hiện rõ ràng, trong sáng, dễ được cảm ứng với đại nguyện của Đức Từ Phụ, để được tiếp dẫn vãng sanh Tây-Phương Cực-Lạc. Xin đừng sơ ý mà mang tội bất kính, không tốt đâu.
Lại có người niệm “Nam Mô Phật” và giải thích rằng, “Nam Mô” là đảnh lễ, “Phật” là chỉ chung cho tất cả chư Phật. Nghĩa là cách niệm này hàm ý đảnh lễ tất cả 3 đời 10 phương chư Phật trên pháp giới. Không biết có kinh nào Phật dạy điều này không mà có người lại niệm như vậy?
Thực ra, nếu muốn đảnh lễ 3 đời 10 phương tất cả chư Phật thì phải niệm “A-Di-Đà Phật” là đúng nhất, vì danh hiệu A-Di-Đà Phật là “Pháp Giới Tạng Thân”, nghĩa là tất danh hiệu chư Phật trong pháp giới đều hàm chứa trong câu A-Di-Đà Phật. Còn những danh hiệu của các vị Phật khác là chỉ cho từng Tánh Đức của Chơn Tâm. Vì ý nghĩa của câu A-Di-Đà Phật là Vô-Lượng-Giác, là tất cả vô lượng vô biên Tánh-Giác của Chơn Tâm. Khi thành Phật, thì Phật nào cũng có vô lượng vô biên tất cả Tánh-Giác, nghĩa là Vô-Lượng-Giác, hay gọi là “A-Di-Đà Phật” vậy. Cho nên đã thành Phật rồi, thì Phật Phật Đạo Đồng, không có cao thấp, không có lớn nhỏ…
Trích: Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (69)
Tác giả: Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị

Mong tất cả chư vị cùng hiểu thấu vấn đề và nhận thức ra rằng, pháp Niệm-Phật thật sự thù thắng, rất hợp với chúng sanh trong thời mạt pháp này. Còn điểm mạnh của pháp Hộ-Niệm là hướng dẫn chúng ta thực hiện pháp Niệm-Phật một cách đầy đủ, cụ thể, chính xác và kịp thời hóa giải những ách nạn, vượt qua chướng ngại để đi về Tây-Phương Cực-Lạc. Xin chư vị cố gắng giữ thật chặt cơ duyên này để vãng sanh thành tựu đạo quả.

– Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –