NIỆM PHẬT SẼ GIẢI QUYẾT TẤT CẢ
A-Di-Đà Phật.
Câu hỏi: Thân chào anh Diệu Âm!
Em là Tịnh Ngọc ở gần nhà của anh Minh An em của anh Diệu Âm ở Việt Nam đây.
Anh ơi hãy cứu em với! Em đã có gia đình, em học Phật được khoảng 2 năm rưỡi và tu theo pháp môn niệm Phật được khoảng 1,5 năm, hiện tại em đã quy y thọ trì 5 giới được gần 3 năm và em ăn chay trường được 1,5 năm. Vài tháng trở lại đây em không biết tại sao trong tâm em phát khởi lòng ái dục về nam nữ mạnh mẽ, trước đây từ khi học Phật thân tâm em cảm thấy rất an lạc, đối với ái dục xả bỏ rất nhẹ nhàng không chướng ngại. Nhưng hiện giờ em bị chi phối thân tâm về ái dục, niệm Phật không được nhất tâm như lúc trước. Em đang cố gắng tu tập nhưng vẫn không giảm. Mong anh thương xót mà chỉ bày cho em phải làm gì lúc này để thân tâm được an lạc và xả bỏ được những chướng duyên trên con đường tu tập để giải thoát.
Em biết anh là người tu theo pháp môn niệm Phật rất lâu và có rất nhiều kinh nghiệm để hóa giải các chướng duyên nghịch cảnh, nên mong anh từ bi chỉ dạy cho em vượt qua hiểm nạn này. Anh có biết tại sao em viết thư cho anh không? Vì mấy ngày trước trong lúc ngủ em nằm mơ thấy, em đang leo lên cao thì có một con rắn hổ rất dữ, nó phùng mang và phun nọc đọc ra, em sợ quá tuột xuống, kế đó là em thấy em đang leo trèo trên nóc bên trong chuồng cọp, ở dưới có nhiều cọp rất dữ, chúng sẵn sàng bay lên để bắt em và em cứ liên tục né, trèo qua trèo lại, em đang hoảng sợ thì bỗng nhiên em thấy mình đang ở một nơi an toàn yên tĩnh và người đứng kế bên em chính là anh Diệu Âm, anh nói không sao đâu. Chính vì giấc mơ này nên em nghĩ chắc là em có duyên với anh và anh sẽ hóa độ cho em nên em lập tức viết thư này cầu cứu với anh. Em mong anh thông cảm với nỗi khổ của em và chỉ dẫn cho em phương pháp thoát khổ, em hứa sẽ cố gắng hết mình làm theo sự chì dẫn của anh. Em xin chân thành tri ân anh thật nhiều.
Cuối thư em xin chúc anh có nhiều sức khỏe và thân tâm an lạc.
Kính thư!
Tịnh Ngọc
Trả lời: Trước hết Diệu-Âm thấy vấn đề của Tịnh-Ngọc không có gì phải quan ngại, tất cả chỉ là sự thường tình của một người bình thường như bao nhiêu người đang sống. Chỉ vì em đặt hơi lệch tiêu chuẩn tu hành nên thấy chướng ngại đó thôi.
Chuyện thứ nhất về ái dục, em cho đây là chướng ngại. Em muốn xả bỏ hẳn. Em xả được chưa? Nếu xả được thì tốt đấy. Nếu xả không được, thì có thể bị phiền não dài dài. Phàm phu như chúng ta, phiền não cũ có quá nhiều, bây giờ lại thêm phiền não mới!
Nếu là người đã xuất gia tu hành thì đây là điều cần phải làm. Nếu em là người độc thân, thì chuyện này tự em quyết định lấy, không có ảnh hưởng gì hơn. Còn ở đây, em là người còn trẻ, và đã có gia đình, thì việc vợ chồng đâu phải là chuyện tội lỗi, thế thì vấn đề này do chính em đưa lên thành chướng ngại, chứ thật ra đâu có chướng ngại gì?
Giới cấm của Phật là “Tà dâm”, còn chuyện vợ chồng đâu có phạm vào giới cấm này. Người tu Thiền định, cần phải có mức định cao mới có khả năng thành tựu, việc ân ái vợ chồng rất trở ngại đối với định công của họ. Còn người Niệm Phật cầu Vãng-Sanh đều do Tín-Nguyện-Hạnh. Ngài Ấn-Quang dạy, “Đôn luân, tận phận, nhàn tà, tồn thành, lão thật niệm Phật cầu sanh Tịnh-Độ” là được Vãng-Sanh. Trong đó, “Đôn Luân” là theo đúng luân thường đạo đức, “Nhàn Tà” là ngăn tâm tà vạy, “Tồn Thành” là giúp người để họ hoàn thành việc tốt. Tất cả những điều này, thì cuộc sống ân ái vợ chồng không phải là chướng ngại. Nếu vợ chồng biết tu hành, chồng hỗ trợ cho vợ, vợ hỗ trợ cho chồng, khi bệnh hoạn họ khuyên bảo nhau niệm Phật, khi lâm chung họ Hộ-Niệm cho nhau được Vãng-Sanh quá nhiều. Xưa nay những gia đình vợ chồng cùng niệm Phật cùng được Vãng-Sanh nhiều vô cùng.
Vãng-Sanh Tịnh-Độ là do Tín-Nguyện-Hạnh. Tin tưởng pháp môn, phát nguyện Vãng-Sanh, Niệm câu Phật hiệu để được Vãng-Sanh. Đây là pháp tu hành tối thắng mà tất cả mọi người đều có thể thực hiện để giải thoát. Phật không cấm người thế tục có gia đình như Tịnh-Ngọc Niệm Phật Vãng-Sanh. Chỉ vì Tịnh-Ngọc đã đặt vấn đề hơi lệch tiêu chuẩn, đã mập mờ giữa Tự-Lực và Nhị-Lực, thành ra vấn đề của em không lớn mà thành ra lớn, chướng ngại không có mà thành ra có.
Đạo không lìa đời. Hãy tùy thuận hoàn cảnh mà tu hành mới tốt. Nếu em không khéo điều chỉnh ý tưởng cho hợp lý, thì gia đình có thể sinh ra điều khó khăn!
Nói cách khác, người xuất gia thì phải ly thân cắt ái, đoạn dục. Nếu người xuất gia quyết lòng niệm Phật cầu Vãng-Sanh thì nhờ hạnh nguyện mạnh và sức công phu cao này họ có thể được Vãng-Sanh tới các phẩm thượng. Tuy nhiên nên nhớ rằng, người ly thân, bỏ ái, đoạn dục của thế gian, nhưng mà không niệm Phật cầu Vãng-Sanh, dù cho đã đoạn hết những chuyện này đi nữa, thì cũng không được Vãng-Sanh Cực-Lạc. Trong kinh Phật đã nói rõ chuyện này. Người tu hành đã đạt được mức Thiền định cao, từ Sơ-Thiền đến Tứ-Thiền, đã bỏ được năm thứ dục: Tiền tài, sắc dục, danh vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, họ cũng chỉ có thể sanh lên bốn cảnh trời Sắc-giới. Hơn thế nữa, dù cho người đã vượt qua Tứ-Thiền, đắc được bốn cảnh giới của Không-Định, cũng chỉ được sanh vào bốn cõi trời Vô-Sắc-giới. Những mức Thiền Định này quá khó, quá khó, vô cùng khó. Ấy thế mà họ vẫn còn trong tam giới, chưa vượt qua sanh tử luân hồi.
Chính vì vậy, con đường tự lực để thoát vòng tam giới thật khó khăn vô cùng! Hàng hạ căn như chúng ta không nên mơ tới!
Vì vậy, người tự tu theo các pháp Thiền-Định mà vướng đời vợ chồng thì không thể nào đạt được mục đích. Trong kinh Lăng Nghiêm Phật nói, người còn có ái dục mà muốn đắc được Đại Thiền Định, thì chẳng khác gì như người lấy cát mà nấu để cầu cho thành cơm! Rõ ràng, ngàn đời vạn kiếp mãi mãi vẫn chỉ là cát, không thể thành cơm được!
Phá hết Kiến-Tư phiền não mới thoát qua tam giới. Đây là sự thành tựu của người tu Thiền Định. Muốn được đại định mà còn bị vướng chuyện vợ chồng, còn tham ái dục thì còn kẹt sâu trong Kiến-Tư phiền não, kẹt trong ngũ dục lục trần, quyết không thể đạt được ý nguyện.
Chính vì thế, pháp tu này chỉ hợp cho hàng đại Bồ-Tát, hàng thượng căn thượng trí tu trì. Hàng phàm phu như chúng ta, không tìm hiểu rõ ràng đạo lý này, sơ ý tu theo thì thường chỉ kết được chút duyên với Phật pháp, chứ khó có thể được phần thành tựu!
Còn người Niệm Phật thì Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ để được Vãng-Sanh. Tín-Nguyện-Hạnh không đòi hỏi cao như vậy đâu. Không đòi hỏi cao mà được Vãng-Sanh về nước Cực-Lạc của Phật A-Di-Đà, một đời bất thối thành Phật.
Tại sao lại có chuyện trái ngược như vậy? Tại vì đây chính là bổn nguyện của đức Phật A-Di-Đà. Ngài muốn cứu độ tất cả chúng sanh, không phân biệt phàm phu hay Thánh Nhân, không xả bỏ bất cứ một chúng sanh nào dù là thượng trí hay hạ ngu. Ta về Tây-Phương thành đạo là nhờ Phật cứu chứ hông phải tự lực chứng đắc. Lực tự tu của phàm phu chúng ta không thể so sánh với lực cứu độ của Phật được đâu!
Điều này có chứng minh rất rõ ràng. Trong những năm vừa qua, ở Việt-Nam rất nhiều người có gia đình vợ con, họ niệm Phật được Vãng-Sanh rất nhiều. Họ đâu cần phải xa gia đình, xa vợ xa con…
Vậy thì, vấn đề về vợ chồng đã được giải quyết xong rồi, phải không? Xin cứ an lòng Niệm Phật.
Một điều khác biệt quan trọng của người niệm Phật là khi bị bệnh, bác sĩ tuyên bố bệnh này không có thể chữa trị được, thì đối trước cái chết, người Niệm Phật an nhiên chờ ngày theo A-di-đà Phật về Tây-Phương. Trong tâm của họ đã có đường đi, điểm về rõ rệt. Họ không sợ chết, họ không còn lưu luyến thế gian. Người Niệm Phật không cầu xin đời sau trở lại làm người, không cầu lên các cảnh giới Trời… Họ chỉ có một nơi phải về là Tây-Phương Cực-Lạc. Người Niệm Phật tâm đã định vào cảnh giới Tây-Phương Cực-Lạc của đức A-di-đà Phật, chứ không định nơi Dục-giới thiên, Sắc-giới thiên hay Vô-sắc-giới thiên. Tín-Nguyện-Hạnh đầy đủ được Vãng-Sanh bất thối chuyển thành Phật. Tâm hồn an lạc chính là đường đi, nẻo về rõ rệt, ổn định, chứ không phải là tìm những thứ cảm giác an nhàn tạm bợ vô thường đâu.
Nhứt tâm Niệm Phật là kết quả của công phu tu tập, không phải do sự cầu mong mà có. Chân thành, chí thiết, thành khẩn Niệm Phật thì sẽ đưa đến chỗ nhứt tâm. Vậy thì, xin khuyên rằng, chỉ nên thành tâm khẩn thiết Niệm Phật, hãy tha thiết nguyện cầu HẾT BÁO THÂN NÀY được Vãng-Sanh về miền Cực-Lạc, với lòng tin sắc son, đừng chao đảo, đừng nghĩ ngợi gì về “Nhứt Tâm” hay “Nhị Tâm” nữa, thì chuyện nhứt tâm sẽ đến với ta hồi nào không hay. Còn bây giờ, cứ đặt vấn đề này lên thì chỉ là một thứ vọng tưởng. Vọng tưởng vốn đã nhiều, nay còn đèo thêm một số vọng tưởng nữa thì làm sao có thể nhứt tâm!…
Xin chú ý điểm này “Hết báo thân này” được Vãng-Sanh, nghĩa là ngày nào Vãng-Sanh cứ để cho Phật Bồ-Tát lo liệu đi, bây giờ còn sống thì ta còn Niệm Phật, cố gắng chuyên tu là được. Đừng nên đặt mốc thời gian 1 tháng, 2 tháng, 1 năm, 2 năm… làm chi cho bận bịu, và làm cho tâm hồn mất an nhiên, mất tự tại!…
Về những điều thấy trong mơ, hãy quên nó đi mới tốt. Trong kinh Phật có nói, ban ngày nghĩ gì, ban đêm mộng thấy cái đó.
Vậy thì, mộng vẫn chỉ là mộng, tốt xấu gì cũng là mộng. Có thể vì tâm ta chưa được định, những suy nghĩ mông lung thường là nhân chủng gây nên mộng mị. Vì thế, hầu hết những cảnh mộng huyễn này đều do vọng tưởng tạo nên, tất cả thường là do tâm thức ứng hiện, chứ chưa chắc đã thực đâu. Mà giả như có thực đi nữa, thì chúng ta cũng nên buông xả nó đi cho tâm hồn thanh thản, an nhiên Niệm Phật.
Đây chính là người biết Niệm Phật vậy.
A-Di-Đà Phật.
Diệu-Âm.
(17/07/2010)